Những Tranh Chấp Và Yêu Cầu Về Dân Sự Thuộc Thẩm Quyền Giải ...

Công ty luật FBLAW xin tư vấn cho bạn về Những tranh chấp và yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:

Về nguyên tắc, tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với những vụ việc dân sự phát sinh trong quan hệ pháp luật dân sự do pháp luật dân sự điều chỉnh.

Những tranh chấp và yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại điều 26, điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

1. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại điều 26 BLTTDS năm 2015 bao gồm:

– Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.

Ví dụ: A (quốc tịch Việt Nam) kết hôn với B (quốc tịch Hoa kỳ). C là con của A và B sinh ra ở Anh. A và B tranh chấp về việc đặt quốc tịch cho C.

– Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.

Bao gồm tranh chấp các quyền về chiếm hữu, sử dụng định đoạt hoặc tranh chấp về bồi thường thiệt hại với tài sản. Trong trường hợp đối tượng của việc tranh chấp là các vật khác nhau của thế giới vật chất nhưng không phải tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì tòa án không có thẩm quyền thụ lý giải quyết.

Ví dụ: A cho B mượn 1 chiếc xe máy hon da mang biển kiểm soát 78 – H1 20097, B sau một thời gian sử dụng đã cố ý không trả lại cho A và ngang nhiên cho rằng đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, A kiện B ra tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

– Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

Là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các bên tham gia quan hệ Hợp đồng; liên quan đến việc thực hiện (hoặc không thực hiện) các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng. Ngoài ra tòa án cũng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như cầm cố, đặt cọ, ký ước…

Ví dụ: A và B hợp đồng kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa về linh kiện điện tử, A là bên bán, đã có hành vi giao hàng chậm hơn thỏa thuận của hợp đồng 10 ngày và không đủ số lượng hàng, hai bên không thỏa thuận được với nhau để giải quyết, B kiện ra tòa yêu cầu A giao đủ số lượng hàng hóa trong hợp đồng và yêu cầu A bồi thường tổn thất cho B.

– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này.

Đối với tài sản là động sản và bất động sản, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền dân sự tòa án bao gồm tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghệ và quyền đối với quyền đối với giống cây trồng. Ngoài ra còn tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng thuộc thẩm quyền của tòa án.

Ví dụ: A là một ca sĩ nổi tiếng, A có sáng tác 1 bài hát đã đăng ký quyền tác giả. B cũng là một nghệ sĩ, B đã sử dụng bài hát của A để trình diễn nhiều nơi mà không được sự cho phép của A. Do đó, A kiện B ra tòa vì B đã xâm phạm quyền tác giả đối với bài hát mà A đã sáng tác.

– Tranh chấp về thừa kế tài sản.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về thừa kế như yêu cầu tòa án buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản thừa kế. Xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

Ví dụ: A con ruột của B, A là người bị mất khả năng lao động do mắc bệnh bại liệt, B mất để lại di chúc trong di chúc B không để lại di sản cho A nên những người thừa kế cùng hàng với A không chấp nhận chia tài sản cho A. A kiện ra tòa với lí do A là người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc và được hưởng 2/3 một suất thừa kế.

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Là tranh chấp xảy ra mà trước đó người bị thiệt hại và người gây thiệt hại không có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không có liên quan tới hợp đồng giữa các bên.

Ví dụ: A đá bóng ngoài lề đường, vô ý đá quả bóng vào gian hàng bán quà lưu niệm của B, làm một số quà lưu niệm bị vỡ, sự kiện đó làm phát sinh việc bồi thường ngoài hợp đồng giữa A và B.

– Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.

– Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ nhất, về tranh chấp đất đại theo quy định của pháp luật về luật đất đai năm 2013 Theo quy định tại K24 Đ3: Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Thứ hai, tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng được quy định tại điều 84 Luật bảo vệ và phát triển rừng

Điều 84. Giải quyết tranh chấp 1. Các tranh chấp về quyền sử dụng rừng đối với các loại rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng do Toà án nhân dân giải quyết. Các tranh chấp về quyền sử dụng đất có rừng, đất trồng rừng được áp dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. 2. Khi giải quyết các tranh chấp quy định tại khoản 1 Điều này có liên quan đến quyền sử dụng đất có rừng thì Toà án nhân dân giải quyết cả quyền sử dụng đất có rừng đó

Ví dụ: A và B có hai thửa đất liền kề nhau, A có hành vi lấm chiếm đất của B, sau đó A khẳng định phần đất mà A đã lấn chiếm thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, B kiện ra tòa để giải quyết.

– Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí. Là nhưng tranh chấp liên quan đến hoạt động báo chí mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của tòa án như tranh chấp về việc không đăng bài cải chính, những tin tức xúc phạm danh dự, nhân phẩm công dân, bồi thường thiệt hại …thì được tòa án thụ lý giải quyết.

Ví dụ: A là ca sĩ đang rất nổi tiếng, B là một nhà báo đưa tin thất thiệt về việc A đạo nhạc của người khác. Sau khi A phản ánh B không thực hiện việc cải chính, nên A kiện ra tòa để giải quyết.

– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Ví dụ: A có mua 1 căn nhà, đã làm hợp đồng mua bán công chứng và đã sang tên A. Nhưng khi đến nhận nhà theo hợp đồng thì bên bán không giao nhà và khởi kiện A ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng mua bán, tòa thụ lý, tới ngày ra tòa thì bên bán rút đơn, tòa ra quyết định đình chi vụ án. Sau đó, bên bán lại khởi kiện với yêu cầu là “tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” Từ những quy định trên, có thể khẳng định việc bên bán khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên văn bản công chứng vô hiệu không trái pháp luật, bên bán có quyền khởi kiện (Điều 52 Luật công chứng năm 2014)

– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Ví dụ: Vợ chồng AB nhận chuyển nhượng căn nhà của anh C, đã hoàn tất việc sang tên quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Do có nhu cầu vay vốn để kinh doanh vợ chồng AB đã thế chấp nhà cho Ngân hàng, việc thế chấp có lập hợp đồng công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do làm ăn không thuận lợi nên vợ chồng AB không có khả năng trả nợ, Ngân hàng đã khởi kiện và chi cục thi hành án đã cưỡng chế xử lý tài sản thế chấp của vợ chồng tAB để thu hồi nợ. Lúc này thì có anh M có đơn tranh chấp với lý do anh C nợ tiền của anh và hứa bán nhà sẽ trả nợ để không đồng ý cho chi cục thi hành án bán nhà trên để thi hành án.

Trường hợp này tài sản bị cưỡng chế thi hành án có tranh chấp giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 75 luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014.

– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự quy định tại điều 102 luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014

Điều 102: Hủy kết quả bán đấu giá tài sản. 1. Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật này. 2. Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản. 3. Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy được giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

2 Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được quy định tại Điều 27 BLTTDS 2015 bao gồm:

– Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

– Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.

– Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.

– Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.

– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

– Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

– Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

– Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 470 của BLTTDS 2015.

– Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

– Các yêu cầu khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Công ty luật FBLAW chúng tôi về Những tranh chấp và yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Bạn đang có bất cứ câu hỏi hay đang có bất cứ vướng mắc nào cần hỗ trợ, hãy liên hệ ngay với FBLAW chúng tôi để được tư vấn miễn phí một cách nhanh chóng, chính xác và uy tín nhất!

Từ khóa » Ví Dụ Vụ Việc Dân Sự