Những Trường Top đầu Thường Hạ điểm Chuẩn Vào Lớp 10 - VnExpress

Ngày 9/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 116 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Thí sinh trúng tuyển vào các trường sẽ nộp hồ sơ nhập học trong ba ngày 10-12/7. Trường nào chưa tuyển đủ học sinh sẽ báo cáo Sở để được tuyển bổ sung.

Hàng năm, sau khoảng một tuần công bố điểm trúng tuyển, Hà Nội sẽ thông báo danh sách trường phải hạ điểm chuẩn để xét tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu. Khoảng 30-40 trường nằm trong danh sách này.

Nhiều trường top dưới, thường có số hồ sơ đăng ký thấp, thậm chí ít hơn chỉ tiêu, chắc chắn phải tuyển bổ sung như THPT Bất Bạt, Minh Quang (Ba Vì), Bắc Lương Sơn (Thạch Thất), Mỹ Đức C (Mỹ Đức).

Tuy nhiên, một số trường có điểm chuẩn trong top cao nhất thành phố cũng phải hạ để tuyển thêm. Các chuyên gia nhìn nhận việc hạ điểm chuẩn các trường này là bình thường bởi trong số các thí sinh trúng tuyển, nhiều em đỗ cả nguyện vọng chuyên và lựa chọn học trường chuyên thay vì trường THPT công lập thường.

Xét top 10 trường có điểm chuẩn cao nhất năm nay, trường THPT Yên Hòa hay phải tuyển bổ sung nhất. Trong bốn năm gần nhất, trường này đều hạ điểm chuẩn từ 0,5 đến 1,5 so với mức thông báo ban đầu. Như năm ngoái, trường lấy 49,5 điểm ở đợt xét tuyển bổ sung, thấp hơn đợt đầu 0,5 (thi bốn môn). Năm 2020, khi thí sinh chỉ thi ba môn tương tự năm nay, trường hạ 1,25 điểm.

Một trường khác hay hạ điểm chuẩn là THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Năm ngoái, trường hạ 0,5 điểm. THPT Chu Văn An - ngôi trường có đầu vào cao nhất thành phố nhiều năm liền, thường chỉ tuyển bổ sung lớp tiếng Nhật. Tuy nhiên năm 2021, trường cũng phải hạ điểm chuẩn từ 53,3 xuống còn 52,3 để tuyển thêm.

Một số trường top đầu không xét tuyển bổ sung trong ba năm qua gồm THPT Phan Đình Phùng, Lê Quý Đôn - Hà Đông, Kim Liên và Việt Đức. Các trường khác có năm hạ, năm không.

Bảng dưới đây thể hiện điểm chuẩn đợt 1 và đợt tuyển bổ sung ba năm qua của 10 trường top đầu thành phố:

Trường THPT

Năm 2019 (thi 4 môn)

Năm 2020 (thi 3 môn) Năm 2021 (thi 4 môn)
Điểm chuẩn đợt 1 - Điểm chuẩn đợt tuyển bổ sung
Chu Văn An 48,75 - Không hạ 43,25 - Không hạ 53,3 - 52,3
Yên Hòa 46,5 - 45 40,25 - 39 50 - 49,5
Phan Đình Phùng 46,25 - Không hạ 40,5 - Không hạ 49,1 - Không hạ
Việt Đức 45,5 - Không hạ 40 - Không hạ 48,25 - Không hạ
Nguyễn Thị Minh Khai 45,5 - 44,75 39,75 - Không hạ 49 - 48,5
Lê Quý Đôn - Hà Đông 45,25 - Không hạ 40 - Không hạ 49,4 - Không hạ
Nguyễn Gia Thiều 41,75 - 40,25 39,75 - Không hạ 48,75 - Không hạ
Thăng Long 40 - 30 (học sinh khu vực 1-4 lấy 42) 40,5 - Không hạ 48,25 - Không hạ
Kim Liên 46,25 - Không hạ 41,5 - Không hạ 50,25 - Không hạ
Nhân Chính 44,5 - 43 39,25 - Không hạ 48 - Không hạ

Năm học 2021-2022, Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, trong đó gần 107.000 em đăng ký thi vào lớp 10. Trong số này, khoảng 64,7% trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Số còn lại học tại các trường tư thục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Các thí sinh thi vào lớp 10 làm ba bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, ít hơn năm ngoái một môn. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn, trong đó Văn và Toán nhân hệ số hai, cùng điểm ưu tiên.

Thí sinh thi vào lớp 10 tại điểm thi THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) hôm 17/6. Ảnh: Giang Huy

Thí sinh thi vào lớp 10 tại điểm thi THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) hôm 17/6. Ảnh: Giang Huy

Thành phố vẫn được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, nguyện vọng một và hai phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng ba không bắt buộc.

Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng một không được xét tuyển các nguyện vọng sau. Nếu trượt nguyện vọng một, các em được xét nguyện vọng hai, ba nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn 1-2 điểm so với điểm chuẩn của trường.

Các trường THPT chưa tuyển đủ học sinh sẽ báo cáo Sở và được tuyển bổ sung từ 19 đến 22/7.

Dương Tâm

Từ khóa » Bảng điểm Các Trường Thpt 2020 Hà Nội