Những Tư Tưởng Cơ Bản Trong Tư Tưởng Chính Trị Của Alvin Toffler

Khi nghiên cứu sự phát triển của lịch sử loài người, đặc biệt là nhìn vào lịch sử phát triển nhảy vọt về chất của lực lượng sản xuất qua mỗi giai đoạn, Alvin Toffler chia nền văn minh làm ba phần, hay còn gọi là ba làn sóng. Làn sóng thứ nhất với giai đoạn văn minh nông nghiệp, làn sóng thứ hai với giai đoạn văn minh công nghiệp, làn sóng thứ ba với giai đoạn văn minh hậu công nghiệp.

Về làn sóng thứ nhất

Alvin Toffler chia nền văn minh của làn sóng thứ nhất – văn minh nông nghiệp – làm hai giai đoạn: giai đoạn nguyên thủy và giai đoạn văn minh. Giai đoạn nguyên thủy là điểm khởi đầu của lịch sử loài người. Nó ở vào khoảng 8000 – 10000 năm trước CN trở về trước, giai đoạn này cuộc cách mạng nông nghiệp chưa xuất hiện, cho nên chưa thể có văn minh nông nghiệp. Giai đoạn văn minh theo Alvin Toffler, bắt đầu khoảng 8000 – 10000 trước CN. Cuộc cách mạng nông nghiệp xuất hiện và kéo dài cho đến những năm 1650 – 1750. Biểu tượng của làn sóng thứ nhất là cái cuốc. Quan điểm của ông về làn sóng thứ nhất chủ yếu thể hiện ở các nội dung kinh tế, chính trị và gia đình, nhịp điệu cuộc sống và những quan hệ với thời gian. So với xã hội hiện đại thì trong làn sóng thứ nhất hoàn cảnh tự nhiên còn đè nặng lên đời sống xã hội.

Về làn sóng thứ hai

Theo Alvin Toffler, từ những năm 1650 – 1750, làn sóng thứ hai – văn minh công nghiệp – bắt đầu. Sở dĩ như vậy vì ông cho rằng trong làn sóng thứ nhất tuy đã có một số dấu hiệu của làn sóng thứ hai nhưng đó chỉ là cá biệt. “Chúng chưa bao giờ được tập hợp lại trong một hệ thống chặt chẽ. Do đó, cho đến những năm 1650 – 1750 chúng ta mới có thể nói về một thế giới làn sóng thứ hai”. Nền văn minh này thống trị đến năm 1950, biểu tượng của nó là nhà máy.

Alvin Toffler thực hiện việc mô tả, phân tích làn sóng thứ hai trên nhiều mặt với nhiều biểu hiện phong phú, đa dạng. Vẫn là trên các vấn để chủ yếu như kinh tế, chính trị, xã hội, gia đình, đặc biệt hơn là sự xung đột giữa làn sóng thứ nhất với làn sóng thứ hai, nhưng ông thể hiện các nội dung này trong rất nhiều mối liên hệ, qua đó ông phác họa khá đầy đủ và chính xác diện mạo của làn sóng thứ hai.

Về làn sóng thứ ba

Theo Alvin Toffler, làn sóng thứ ba – văn minh hậu công nghiệp được đánh dấu từ những năm 50 của thế kỷ XX. Đó là vào năm 1956, năm đầu tiên ở Hoa Kỳ số nhân viên mặc “áo cổ trắng” và nhân viên dịch vụ đã vượt về số lượng so với nhân viên mặc “áo cổ xanh”. Đó là chỉ báo sớm sủa nói lên rằng nền kinh tế “ống khói” của làn sóng thứ hai đang lu mờ dần và một nền kinh tế mới mẻ của làn sóng thứ ba đã bắt đầu ra đời”. Alvin Toffler khẳng định: “Đây cũng chính là thập niên chứng kiến việc đưa vào sử dụng rộng rãi máy tính điện tử, đi lại bằng máy bay phản lực thương mại, viên thuốc tránh thai và nhiều cách tân tác động mạnh khác”. Biểu tượng của làn sóng thứ ba là chiếc máy vi tính.

Mô tả, phác họa, dự báo về làn sóng thứ ba, Alvin Toffler đề cập đến không ít vấn đề. Trong đó, ông tập trung sự chú ý vào những vấn đề nổi bật bao gồm thông tin, cách thức tổ chức sản xuất, ứng xử của con người cũng như những biểu hiện trong việc thực hiện quyền lực chính trị.

Như vậy, qua việc phân chia lịch sử loài người ra thành các làn sóng khác nhau, Alvin Toffler cố chứng minh rằng nền văn minh của làn sóng thứ ba sẽ ra đời và dần thay thế làn sóng thứ hai – nền văn minh công nghiệp ống khói. Trong làn sóng thứ ba này, ông đặc biệt chú trọng đến sự nở rộ, lên ngôi của truyền thông, thông tin, tri thức khoa học. Tư tưởng về ba làn sóng văn minh cũng chính là cơ sở để sau này ông đưa ra tư tưởng về quyền lực tri thức.

3/ Tư tưởng về quyền lực tri thức

Tư tưởng về quyền lực tri thức hay sự lên ngôi của tri thức thực ra được đề cập lần đầu tiên trong tác phẩm Cú sốc tương lai, và sau đó là Làn sóng thứ ba, những đến tác phẩm Thăng trầm quyền lực (còn gọi là Sự chuyển dời quyền lực) tư tưởng của ông mới được thể hiện một cách rõ ràng. Tác phẩm này vừa bạn lại những vấn đề được nêu lên trong Cú sốc tương lai Làn sóng thứ ba, vừa phân tích những thay đổi quyết định đang hiện lên trong mối quan hệ giữa tri thức và quyền lực.

Alvin Toffler lý giải, quyền lực tri thức hoàn toàn khác với các hình thức quyền lực trước đó (truyền thống) về bản chất. Quyền lực của bạo lực là hữu hạn vì bạo lực không có sức mạnh vô song; của cải có thể sinh ra của cải bằng những đầu tư khôn ngoan, nhưng của cải không phải là vô cùng. Nhưng tri thức thì vô hạn và quan trọng hơn, tri thức còn chế ngự được sức mạnh của tự nhiên, có khả năng chính phục không gian và tiết kiệm thời gian, tài nguyên thiên nhiên và sức mạnh của con người.

Thấy được vai trò của tri thức khoa học trong hoạt động thực tiễn, ông đã đưa ra một lý luận mới về quyền lực xã hội và khám phá những biến đổi đang diễn ra trong mậu dịch, kinh tế, chính trị và các quan hệ quốc tế, cũng như cục diện thế giới. Quan sát những biến đổi về quyền lực từ xã hội công nghiệp truyền thống sang xã hội hậu công nghiệp, nhất là ở các nước phát triển, ông rút ra một nhận xét: từ chỗ lấy quyền lực của bạo lực rồi kiếm tiền làm cơ sở, quyền lực xã hội đang chuyển sang lấy tri thức làm cơ sở. Lẽ tất nhiên, tri thức không loại bỏ quyền lực của bạo lực và tiền bạc, nhưng hiện nay nó không chỉ là nguồn gốc của quyền lực có chất lượng cao nhất, mà còn là nhân tố quan trọng nhất của sức mạnh và tiền bạc. Những quá trình đang diễn ra ở các nước phát triển, trước hết là quá trình dân chủ hóa, gắn liền với sự lên ngôi của tri thức với tư cách là nền tảng của quyền lực mới. Nếu bạo lực và tiền bạc là đặc quyền của những kẻ mạnh và những kẻ giàu, thì tri thức có một thuộc tính cách mạng là những kẻ yếu nhất và nghèo nhất cũng có thể chiếm lĩnh nó. Vì thế nó là nguồn gốc dân chủ nhất của quyền lực.

Theo ông, trong ba thế kỷ vừa qua, vũ đài đấu tranh chính trị ở các nước công nghiệp hóa là sự phân phối của cải: “Ai nhận được cái gì?”. Bây giờ, ở những nước giàu có nhất, cuộc đấu tranh giành quyền lực ngày càng trở thành một cuộc đấu tranh để phân phối tri thức và khả năng chiếm lĩnh tri thức. Và cả trong cuộc đấu tranh giành quyền lực trên quy mô thế giới trong hiện tại cũng như tương lai, cũng vậy, việc chiếm lĩnh tri thức sẽ là yếu tố quyết định.

Lẽ cố nhiên, thực tiễn sáng tạo ra của cải vật chất bao giờ cũng là một hoạt động có mục đích mang tính lịch sử – xã hội của con người. Nhưng khác với trước đây, một hệ thống tạo ra của cải mới đang xuất hiện. Người nắm quyền lực của thời đại ngày nay và ngày mai, theo ông, không phải là công nhân cổ xanh, cũng không phải là nhà tài chính hay nhà quản lý, mà là nhà cách tân kết hợp được tri thức và năng lực hành động (có lúc ông gọi là những nhà hợp nhất và siêu hợp nhất).

Theo ông hình thức sở hữu quan trọng nhất ngày nay là không thể sờ thấy được. Nó là tri thức, tức là của cải siêu tượng trưng. Cùng một tri thức ấy có thể được nhiều cá nhân đồng thời sử dụng để tạo ra của cải và sản xấut ra nhiều tri thức hơn. Và, ngược lại với các nhà máy và cánh đồng, tri thức là vô tận. Ông kết luận: “Ngày nay, cuộc cách mạng quan trọng nhất diễn ra trên hành tinh là sự phát triển của một nền văn minh làn sóng thứ ba, mang theo một hệ thống tạo ra của cải mới về căn bản. Mọi phong trào chưa hiểu ra được điều đó sẽ lại bị thất bại. Mọi nhà nước cầm tù tri thức đều giam giữ những công dân của nó vào một quá khứ ác mộng”.

Alvin Toffler không có chương nào viết riêng về “Thế giới thứ ba” – những nước kém phát triển, nhưng ông gián tiếp đề cập tới nó khi bàn về “những nước nhanh và những nước chậm” và ông hy vọng rằng cho dù cho các nước nghèo với dân số quá đông trên hành tinh này cũng có một tương lai sáng sủa bằng việc thực hiện hệ thống sáng tạo của cái mới. Theo ông, sự phân chia thế giới đang đổi khác về căn bản. Từ sau Chiến tran thế giới thứ hai, thế giới phân chia thành tư bản chủ nghĩa và cộng sản, thành Bắc và Nam. Còn ngày nay, những sự phân chia cũ ấy đang dần dần mất ý nghĩa (thể hiện tư tưởng của thuyết hội tụ – chúng tôi nhấn mạnh), một sự phân chia mới đang xuất hiện: từ nay thế giới phân chia thành những nước nhanh nhất và những nước chậm nhất. Trong những nền kinh tế nhanh, công nghệ đẩy nhanh sản xuất, và điều đó trước hết là do tốc độ nhanh chóng của thông tin và tri thức lưu thông trong hệ thống kinh tế. Những nền kinh tế nhanh đẻ ra của cải nhanh hơn những nền kinh tế chậm. Trong khi đó, các quá trình kinh tế ở các xã hội nông dân dường như ngưng đọng. Vì thế, để vượt qua tình trạng lạc hậu, các nước chậm phải đặc biệt chú trọng nhân tố thời gian. Mỗi đơn vị thời gian giành được có giá trị hơn mỗi đơn vị thời gian trước đó. Bản thân thời gian đã trở thành nhân tố sản xuất ngày càng có ý nghĩa quyết định. Và ở đây, tri thức được dùng để rút ngắn những khoảng cách thời gian. Theo ông, những lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, về nguồn nhân lực rẻ tiền sẽ ngày càng mất tác dụng. Ông bàn tới những chiến lược phát triển của các nước nghèo (chậm), trong đó vấn đề nông nghiệp được đặc biệt chú trọng. Theo ông, nông nghiệp không nhất thiết là một khu vực “lạc hậu” của nền kinh tế, mà là một khu vực sẽ tham gia nhiều hơn vào tiến bộ, dựa vào tin học, di truyền sinh học và những công nghệ mới. Một nền nông nghiệp dựa vào tri thức sẽ có thể trở thành mũi nhọn kinh tế. Nhưng muốn thế, các nước chậm phải tham gia nền kinh tế thế giới với nhịp độ nhanh chóng, nhất là tham gia những hệ thống vô tuyến viễn thông và tin học hóa. Các nước chậm ngày nay có khả năng vượt qua một giai đoạn phát triển để nhảy vọt từ truyền thông của làn sóng thứ nhất sang truyền thông của làn sóng thứ ba. Chìa khóa mới của sự phát triển kinh tế là rõ ràng: “hố ngăn cách” phải được san lấp bằng tin học và điện tử học. Đây không phải là hố ngăn cách giữa Bắc và Nam, mà là sự lệch pha giữa các nước nhanh và các nước chậm. Ông viết: “… mấu chốt phát triển kinh tế ngày càng rõ ràng, khoảng cách trong lĩnh vực điện tử và thông tin sẽ được san bằng. Khoảng cách ấy không phải giữa phương Nam và phương Bắc mà là giữa trạng thái nhanh lẹ hay chậm chạp mà thôi”.

Alvin Toffler không chỉ bàn đến vấn đề kinh tế và kỹ thuật, thông tin mà còn nói tới những lĩnh vực chính trị, quân sự, tôn giáo, băng đảng, khủng bố, môi trường, liên minh, liên kết. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trong Thăng trầm quyền lực, Alvin Toffler không chỉ nhìn thấy những triển vọng tốt đẹp của thế giới trong làn sóng thứ ba, mà còn tính đến những yếu tố ngẫu nhiên và rủi ro đầy bất định trong sự phát triển của loài người. Mặc dù vậy, có thể nói những bức tranh thế giới trong tương lai gần do ông phác họa nói chung mang âm hưởng lạc quan nhiều hơn. Ông không đưa ra những hứa hẹn hão huyền, không tưởng. Theo lời ông, việc sử dụng bạo lực như một nguồn quyền lực vẫn sẽ chưa biến mất nhanh. Nhà nước chẳng bao giờ quăng đi khẩu súng. Sự kiểm soát của cải nằm trong tay tư bản hoặc các quan chức nhà nước vẫn còn đem lại cho họ một quyền năng rộng lớn. Đồng tiền vẫn còn là một công cụ đáng nể của quyền lực. Nhưng bất chấp những điều đó, ông vẫn cho rằng chúng ta đang chứng kiến một cuộc đảo lộn quan trọng nhất trong lịch sử quyền lực. Tri thức, nguồn quyền lực có phẩm chất cao nhất, dân chủ nhất đang giành lấy quyền lực của nó từng giây, từng phút một là vấn đề không còn ai bàn cãi nữa!

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Ông Văn Năm, Lý Hoàng Ánh – Quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị của Alvin Toffler – NXB CTQG 2013.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Thuyết Ba Làn Sóng