Những Vấn đề Chính Sách Hỗ Trợ Phát Triển Kinh Tế Số Việt Nam

Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy nhận thức và sự hiểu biết về nền kinh tế số, thực trạng, vai trò và tác động, thách thức và cơ hội, cũng như xem xét cách chuyển hóa tiềm năng thành thực tiễn; Xem xét cách thức các thể chế, chính sách và quy định có thể được tiếp cận và chuyển đổi để theo kịp sự chuyển đổi của kỹ thuật số phục vụ cho sự kết nối và tăng trưởng bền vững; Chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về cách thức hỗ trợ các doanh nghiệm vừa và nhỏ trong việc tận dụng lợi thế của nền kinh tế số ở nhiều khía cạnh khác nhau như: thương mại điện tử, công nghệ, tài chính, đổi mới, v.v...

Đề cập những chính sách phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã có cơ sở khá đầy đủ. Cụ thể, sự hỗ trợ về pháp lý trong phát triển kinh tế số của Việt Nam nằm trong số 78% các quốc gia trên thế giới có giao dịch điện tử. Việt Nam nằm trong số 38% quốc gia có chính sách bảo vệ người tiêu dùng; 45% quốc gia có chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trong số 75% quốc gia có Luật An ninh mạng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chia sẻ, ngày nay, một nửa dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, một phần ba trên mạng xã hội, 53% là qua điện thoại di động và bao phủ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, địa lý và trình độ trên khắp hành tinh. Ước tính kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt 72 tỷ đô la Mỹ năm 2018 và dự kiến đạt 240 tỷ đô la Mỹ năm vào năm 2025. Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, kinh tế số được dự đoán có thể chiếm tới 60% GDP khu vực vào năm 2021. Nền kinh tế số ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội của chúng ta.

Kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế vì nó có tiềm năng tạo ra sự thay đổi to lớn trong môi trường xã hội và các hoạt động kinh tế. Kinh tế số góp phần tạo ra tăng trưởng cao, đổi mới nhanh chóng và ứng dụng rộng rãi vào các ngành kinh tế khác nhau. Hơn nữa, kinh tế số cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại.

Bên cạnh đó, chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số. Những vấn đề đó có thể bao gồm: khoảng cách và sự khác biệt về quy định pháp lý và cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng chuyển đổi công nghệ kém, kỹ năng phát triển kèm theo còn chưa tương ứng, rào cản kinh tế xã hội, các vấn đề liên quan đến niềm tin, quyền bảo mật và minh bạch, hiểu biết hạn chế về sự khác biệt trong việc tiếp cận và thích ứng với sự phát triển của công nghệ của người dân ở các quốc gia khác nhau, v.v...

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, đứng từ góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương  đánh giá việc xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, chính sách của mỗi quốc gia chính là nhân tố quan trọng nhất, tạo thuận lợi nhất cho kinh tế số phát triển. Thông qua việc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế số, triển vọng cho phát triển kinh tế số toàn cầu hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Từ khóa » Các Vấn De Xã Hội Hiện Nay 2019