Những Vấn đề đặt Ra đối Với Quản Lý Vĩ Mô Trong Nền Kinh Tế Số
Có thể bạn quan tâm
- Thời sự
Để thích nghi với điều kiện mới, Việt Nam cần có những điều chỉnh kịp thời trong quản lý và điều hành vĩ mô, bắt kịp xu thế và tận dụng cơ hội cho tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên số.
Xu thế phát triển kinh tế số trên thế giới và tại Việt Nam
Số hóa đang nhanh chóng chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh tế, từ sản xuất, tiêu dùng, đầu tư đến hình thành các dòng vốn cố định và dòng vốn xuyên biên giới. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2015), số lượng thiết bị thông minh ứng dụng trong cuộc sống của các hộ gia đình sẽ tăng từ 1 tỷ thiết bị năm 2016 lên 14 tỷ thiết bị vào năm 2022.
Để đo lường tốc độ phát triển kinh tế số ở các quốc gia trên thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xây dựng báo cáo thường niên về Công nghệ thông tin toàn cầu (GITR). GITR nhằm đo lường các động lực của cuộc cách mạng công nghệ thông tin trên toàn cầu, sử dụng Chỉ số sẵn sàng mạng (NRI), đánh giá trạng thái sẵn sàng kết nối mạng bằng cách sử dụng 53 chỉ tiêu riêng lẻ. Bộ chỉ số NRI hiện được WEF tính toán và công bố thường niên đối với 139 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tại Báo cáo Công nghệ thông tin toàn cầu năm 2016 của WEF, Top 5 quốc gia có chỉ số NRI cao nhất gồm: Phần Lan, Singapore, Na Uy, Hà Lan và Thụy Sỹ. Ở khu vực châu Á, những quốc gia có chỉ số NRI cao gồm: Singapore (vị trí thứ 2), Nhật Bản (vị trí 13), HongKong (vị trí 14) và Hàn Quốc (vị trí 15).
Theo Báo cáo của WEF, Việt Nam là một trong những quốc gia có bước tiến đáng kể trong xu hướng phát triển kinh tế số với NRI được cải thiện trong giai đoạn 2007 - 2016. Cụ thể, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 82/139 quốc gia được xếp hạng, điểm số tăng 1,23% so với năm 2015. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp hạng sau Thái Lan, Indonesia và Phillipines. Yếu tố xếp hạng cao bao gồm chỉ tiêu về khả năng chi trả cho phát triển công nghệ thông tin và truyền thông - ICT (3/139), chỉ tiêu về tác động của ICT tới xã hội (65/129). Một số tiêu chí đang xếp hạng khá thấp bao gồm: Nhóm chỉ về môi trường cho đổi mới sáng tạo (xếp thứ 87/139); Nhóm chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng cho ICT (121/139); Kỹ năng (92/139); Tác động của ICT tới kinh tế (92/139).
Trong khi đó, theo Báo cáo của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (2017), Đông Nam Á hiện là khu vực có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh nhất thế giới, hiện có trên 700 triệu thiết bị di động đang kết nối mạng. Dự báo, đến năm 2020, số lượng người dùng internet tại khu vực này sẽ đạt 480 triệu người so với 260 triệu người hiện nay. Tại Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng smartphone hiện nay tăng gấp gần 30 lần so với năm 2010, với khoảng 60 triệu người, chiếm 60% dân số. CSIRO (2018) dự báo, đóng góp của khu vực ICT cho GDP của Việt Nam sẽ đạt 8 - 10% vào năm 2020... Những con số ấn tượng này cho thấy, tiềm năng phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là rất lớn.
Vấn đề đặt ra đối với quản lý vĩ mô trong nền kinh tế số
Xu hướng số hoá nền kinh tế đem lại những tác động tích cực tới năng suất lao động và các lựa chọn tối ưu hoá độ thoả dụng cho người tiêu dùng. Nghiên cứu thực nghiệm của Cardona (Cardona, Kretschemer and Strobel, 2013) về tác động của cải tiến công nghệ thông tin tới năng suất lao động cho thấy, sản lượng sẽ tăng 0,5% đến 0,6% khi các doanh nghiệp tăng 10% đầu tư cải tiến công nghệ.
Theo báo cáo của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (2017), Đông Nam Á hiện là khu vực có tốc độ tăng trưởng internet nhanh nhất thế giới và hiện nay có trên 700 triệu thiết bị di động đang được kết nối mạng. Tại Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng smartphone hiện nay tăng gấp gần 30 lần so với năm 2010, với khoảng 60 triệu người, chiếm 60% dân số.
Nghiên cứu của OECD (2017) chỉ ra rằng, trong giai đoạn quá độ sang nền kinh tế số có thể sẽ gia tăng sự thiếu hụt về kỹ năng để đáp ứng nhu cầu trên thị trường lao động, dẫn đến giảm sản lượng tiềm năng; đồng thời, sự gia tăng cạnh tranh với các hình thức thương mại điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và kết nối internet tốc độ cao giúp cho người tiêu dùng có thể tra cứu, so sánh giá cả và quyết định mua sắm một cách dễ dàng tại bất kỳ đâu trên thế giới, khiến giá cả có nhiều biến động.
Theo OECD (2018), quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số cũng đặt ra một loạt vấn đề trong quản lý vĩ mô và các dịch vụ công. Nhiều chính sách hiện hành không thích ứng với thời đại kỹ thuật số. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số đặt ra những vấn đề trong quản lý vĩ mô, cụ thể:
Vấn đề đo lường tăng trưởng và phúc lợi kinh tế
Nghiên cứu của OECD (2018) đã chỉ ra sự thiếu sót trong đo lường GDP của hệ thống tài khoản thống kê quốc gia SNA hiện tại trong điều kiện phát triển kinh tế số với sự ra đời của một loại hàng hóa vô cùng quan trọng, đó là “dữ liệu”. Trong nền kinh tế số, dữ liệu là trung tâm của hoạt động kinh tế và là sản phẩm quan trọng của các công ty công nghệ thông tin (như: Facebook, Google...). Việc tiếp nhận và chuyển giao dữ liệu là cơ sở thông tin quan trọng để các doanh nghiệp phát triển hoạt động. Tuy nhiên, chuyển giao dữ liệu không phát sinh giao dịch tiền tệ được coi là “miễn phí” và không được ghi chép trong hệ thống tài khoản quốc gia.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (2017), khoảng cách giữa GDP và phúc lợi sẽ ngày mở rộng trong nền kinh tế số, khiến hạn chế của chỉ tiêu GDP trong đo lường sản lượng ngày càng lớn. Kết quả thực nghiệm của Brynjolffson và cộng sự (2017) dựa trên thí nghiệm hành vi lựa chọn online của người tiêu dùng cũng cho thấy, tổng chi tiêu của hộ gia đình tại Mỹ sẽ tăng 30% nếu được tính cả thặng dư tiêu dùng của những người sử dụng internet. Theo Coyle (2017), sự phát triển của kinh tế số và các sản phẩm số cũng giúp cho người tiêu dùng dễ dàng chuyển hướng sang hoạt động tự cung tự cấp, ví dụ: Tự tìm kiếm thông tin và đi du lịch thay vì sử dụng dịch vụ du lịch; các hoạt động tự làm thay vì mua sản phẩm được bán trên thị trường… hoặc sử dụng các ứng dụng miễn phí (skype, viber call) để tiết kiệm chi tiêu. Điều này dẫn đến thặng dư tiêu dùng tăng mạnh, nhưng nếu sử dụng phương pháp đo lường GDP truyền thống thì giá trị của các hoạt động này không được tính vào GDP do được coi là “miễn phí”. Vì vậy, cần có những quan điểm mới cho vấn đề đo lường phúc lợi kinh tế trong kỷ nguyên số.
Báo cáo của IMF cho rằng, xem xét tác động của số hoá nền kinh tế cần mở rộng phạm vi nghiên cứu tới cả các hoạt động sản xuất phi thị trường và xu hướng thay thế trong tiêu dùng của các hộ gia đình từ sản phẩm dịch vụ truyền thống sang các sản phẩm dịch vụ phi thị trường. Abraham và cộng sự (2017) cũng cho rằng, nền kinh tế số với sự ra đời của khu vực kinh tế chia sẻ đem lại rất nhiều giá trị gia tăng cho cuộc sống nhưng giá trị của các hoạt động này chưa được phản ánh trong hệ thống tài khoản quốc gia và các hộ gia đình có xu hướng né tránh kê khai thu nhập từ hoạt động kinh tế chia sẻ trong quá trình khảo sát.
Vấn đề trong điều hành chính sách tiền tệ và điều tiết lạm phát
Kỷ nguyên số và thương mại điện tử khiến phương pháp đo lường chỉ số giá hiện tại có xu hướng đánh giá thấp giá của cấu phần số trong nền kinh tế. Theo IMF (2017), đo lường lạm phát trong thời đại kinh tế số gặp phải một số vấn đề như: Chưa bắt kịp được tốc độ ra đời của các sản phẩm dịch vụ mới và sự thay đổi về chất lượng của sản phẩm dịch vụ số đã có; chưa đo lường đầy đủ khu vực thương mại điện tử và khu vực kinh tế chia sẻ...
Kết quả nghiên cứu của Cavallo (2017) khẳng định, trung bình giá cả các mặt hàng trên Amazon thấp hơn 5% so với giá tại các cửa hàng và nếu người tiêu dùng chuyển hướng sang mua online thì mức giá này chưa được phản ánh trong CPI. Goolsbee (2018) tiến hành so sánh CPI và chỉ số giá số Adobe (DPI) tại Mỹ giai đoạn 2014-2017, kết quả cho thấy, DPI giảm 1% mỗi năm. Đối với khu vực kinh tế chia sẻ, kết quả khảo sát của IMF và OECD đều cho thấy, chỉ có 3 quốc gia đưa giá của các sản phẩm kinh tế chia sẻ (Uber, Airbnb...) vào CPI và chưa có một quốc gia nào trên thế giới đưa giá của các hoạt động kinh tế này vào chỉ số giá sản xuất.
Sự phát triển kinh tế số đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất, tiêu dùng, thương mại và thanh toán toàn cầu. Quá trình này đòi hỏi Việt Nam cần sớm cập nhật và hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tiền tệ, thanh toán nói riêng và quản lý hoạt động sản xuất và tiêu dùng nói chung theo kịp xu thế phát triển trong nước và thế giới.
Phân tích tác động của kinh tế số tới lạm phát và chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Riksbank (2015) cho rằng, 3 kênh tiềm ẩn mà xu hướng số hóa nền kinh tế có thể ảnh hưởng tới lạm phát, bao gồm: (1) Năng suất lao động và cơ cấu chi phí; (2) Cạnh tranh và cấu trúc thị trường; (3) Tác động trực tiếp tới các cấu phần trong CPI. Nghiên cứu của OECD (2017) cho thấy, trong giai đoạn quá độ sang nền kinh tế số, có thể sẽ gia tăng sự thiếu hụt về kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trên thị trường lao động, dẫn đến giảm sản lượng tiềm năng; Đồng thời, sự gia tăng của cạnh tranh với các hình thức thương mại điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và kết nối internet tốc độ cao giúp cho người tiêu dùng có thể tra cứu, so sánh giá cả và quyết định mua sắm một cách dễ dàng tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới khiến giá cả trở nên bớt cứng nhắc.
Nghiên cứu về điều hành chính sách tiền tệ trong xu hướng số hoá nền kinh tế, Poloz (2016) cho rằng, đối với các Ngân hàng Trung ương theo đuổi chính sách tiền tệ mục tiêu, trong điều kiện nền kinh tế số và xu hướng phát triển của dịch vụ, việc xác định khoảng cách giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng sẽ trở nên khó khăn hơn do những thay đổi cấu trúc kinh tế. Khái niệm khoảng cách giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng, đầu tư và tồn kho... sẽ thay đổi do năng lực sản xuất của nền kinh tế số phụ thuộc vào vốn con người chứ không phải là vốn vật chất như trước đây.
Trong quản lý các khoản thanh toán số và chuyển tiền xuyên biên giới, theo IMF, nền kinh tế số đặt ra thách thức lớn đối với hoạt động quản lý các khoản thanh toán số và chuyển tiền xuyên biên giới chênh lệch giữa giá trị các thanh toán quốc tế thống kê được và hoá đơn chuyển tiền xuyên biên giới ngày càng lớn, từ 94 tỷ USD năm 2009 lên 164,8 tỷ USD năm 2015. Sự ra đời của các kênh thanh toán số bao gồm: Thanh toán online, mobile money... Đây là thách thức lớn cho công tác quản lý giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, vấn đề trong thống kê và quản lý hoạt động của fintech. Khu vực tài chính là một trong những lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng công nghệ số với thuật ngữ công nghệ tài chính - “fintech”. Theo Accentur (2015), fintech góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả của các sản phẩm tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời cũng thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới như mô hình cho vay ngang hàng, mô hình kinh tế chia sẻ... cạnh tranh với các mô hình truyền thống. Sự phát triển của fintech đặt ra vấn đề phân loại và đo lường trong thống kê tài chính tiền tệ để có thể ghi chép được các dịch vụ tài chính tiền tệ mới.
Theo nghiên cứu của Hileman và Rauchs (2017), thế giới hiện có hơn 1.300 loại tiền số. Nếu các loại hình tiền số được chấp nhận rộng rãi như phương tiện trung gian thanh toán sẽ ảnh hưởng tới việc đo lường thanh khoản của hệ thống tài chính. Nakamoto (2018) cho rằng, tiền ảo gây những ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của chính sách tiền tệ. Nghiên cứu của Franco (2015) cũng chỉ ra những tác động nhất định của tiền ảo Bitcoin tới chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đó là, nếu tiền ảo Bitcoin được sử dụng nhiều hơn sẽ dẫn đến sự gia tăng vòng quay của tiền và sự gia tăng này có thể dẫn đến lạm phát. Raskin và Yermack (2016) cho rằng, với lợi thế cơ bản trong giao dịch tiền ảo là các hợp đồng thông minh, giải quyết các giao dịch giữa 2 bên độc lập mà không cần một bên thứ ba thì tiền ảo mang bản chất phi tập trung, phá vỡ các kênh giao dịch tiền tệ bình thường, tạo ra thách thức không nhỏ cho các ngân hàng trung ương trong hoạt động quản lý tiền tệ.
Vấn đề trong phối hợp điều hành các chính sách vĩ mô khác
Một đặc điểm quan trọng trong kỷ nguyên số là toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội liên kết với nhau thành một mạng lưới gắn kết thông qua các nền tảng kỹ thuật số tạo nên hiệu quả theo phạm vi. Điều này đặt ra thách thức đối với cách thức điều hành vĩ mô truyền thống, các bộ, ban, ngành khó có thể thực hiện chức năng quản lý của mình một cách độc lập. Theo OECD (2018), sự phát triển của môi trường số đa liên kết giữa tất cả các ngành, các lĩnh vực trong điều kiện điều hành chính sách vẫn riêng lẻ từng khu vực khiến các cơ hội cải thiện hiệu lực chính sách bị bỏ lỡ, đồng thời gia tăng rủi ro trong điều hành vĩ mô. Như vậy, thực thi đơn độc các chính sách quản lý tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ trong điều kiện phát triển kinh tế số là bất khả thi. Triển khai các mạng lưới quản lý đa liên kết sẽ là xu hướng trong điều hành vĩ mô tại các quốc gia.
Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Sự phát triển kinh tế số với những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất, tiêu dùng, thương mại và thanh toán toàn cầu đòi hỏi Việt Nam cần sớm cập nhật và hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý tiền tệ, thanh toán nói riêng và quản lý hoạt động sản xuất và tiêu dùng nói chung, nhằm không bị tụt hậu và bỏ lỡ các cơ hội phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời phòng tránh được những rủi ro tiềm ẩn từ khu vực kinh tế số.
Sự ra đời của khu vực kinh tế chia sẻ, cũng như giá trị gia tăng từ những phần mềm miễn phí đem lại những lợi ích vô cùng lớn đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống quản lý kê khai hiện tại chưa bắt kịp được sự phát triển nhanh chóng của khu vực này. Vì vậy, Việt Nam cần sớm nghiên cứu kinh nghiệm và triển khai hệ thống quản lý kê khai, quản lý thuế đối với khu vực kinh tế chia sẻ, nhằm có những chỉ tiêu đo lường tăng trưởng và phát triển tốt hơn, đem lại những tín hiệu chính xác trong hoạch định chính sách vĩ mô. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống quản lý kê khai và quản lý thuế theo kịp xu hướng mới cũng góp phần nâng cao hiệu lực điều hành, có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời và hỗ trợ sự phát triển cho khu vực kinh tế số.
Chính phủ và khu vực tư nhân đều cần nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, nhằm triển khai và đẩy mạnh hiệu quả hóa Chính phủ điện tử, nghiên cứu và tiếp cận sớm với mạng lưới quản lý đa liên kết trong điều hành vĩ mô giữa các bộ, ban, ngành, nhằm đảm bảo hiệu lực quản lý vĩ mô trước xu hướng phát triển đa liên kết của các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế số.
Cùng với đó, Việt Nam cần tạo lập được một môi trường, chính sách tốt cho sự tự do lưu chuyển dữ liệu xuyên quốc gia. Đây là yếu tố nền tảng của nền kinh tế số. Nền kinh tế số chỉ phát triển tốt nhất khi các quốc gia có mức độ hội nhập cao. Để khai thác tốt tiềm năng của nền kinh tế số, cần tăng cường kết nối hơn nữa giữa các thành viên. Vì vậy, trước mắt, trong phạm vi khu vực, Việt Nam cần thúc đẩy các quốc gia ASEAN tạo ra một môi trường số chung thống nhất, an toàn và đảm bảo.
Đồng thời, cần phát triển chương trình đào tạo hướng đến xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin; cập nhật giáo trình công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ như: Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực công nghệ thông tin càng sớm càng tốt; đẩy mạnh mạng lưới liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Từ khóa » Các Vấn đề Về Kinh Tế Vĩ Mô
-
Nhìn Lại Những Vấn đề Kinh Tế Vĩ Mô - CafeLand.Vn
-
Kinh Tế Học Vĩ Mô – Wikipedia Tiếng Việt
-
[PDF] CHƯƠNG 1 NHẬP MÔN KINH TẾ HỌC VĨ MÔ
-
Một Số Vấn đề Về Kinh Tế Vĩ Mô Của Việt Nam Trong Quá Trình Hội Nhập ...
-
Điểm Lại Kinh Tế Vĩ Mô Năm 2021 Và Dự Báo Cho Năm 2022
-
Vĩ Mô Là Gì? Phân Biệt Giữa Kinh Tế Vi Mô Và Kinh Tế Vĩ Mô?
-
Ổn định Kinh Tế Vĩ Mô, Tạo Môi Trường Thuận Lợi Cho Phục Hồi Và Phát ...
-
[PDF] Bài Giảng Kinh Tế Vĩ Mô 1 (CLC).pdf
-
Tham Vấn đối Tác Phát Triển Về Tình Hình Kinh Tế Vĩ Mô - Ubmttq
-
[PDF] BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ VIỆT NAM - Konrad-Adenauer-Stiftung
-
[PDF] GIỚI VÀ KINH TẾ HỌC VĨ MÔ
-
Hội Thảo Một Số Vấn đề Kinh Tế Vĩ Mô Hiện Nay - Vai Trò Và Trách ...
-
[DOC] MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
-
Kinh Tế Vĩ Mô Việt Nam: Xu Hướng Phục Hồi đồng đều - Chi Tiết Tin