Tham Vấn đối Tác Phát Triển Về Tình Hình Kinh Tế Vĩ Mô - Ubmttq
Có thể bạn quan tâm
Các chuyên gia, các nhà tài trợ cho rằng các quyết sách đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả mạnh mẽ, giúp Việt Nam ngày càng đạt được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới.
Hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam - Ảnh Chinhphu.vn
Ngày 6/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà tài trợ cho Việt Nam, các Đại sứ...
Những ý kiến thẳng thắn, xây dựng
Tại Hội nghị, ý kiến của các chuyên gia, đại diện nhà tài trợ tại Việt Nam, các vị Đại sứ… tập trung vào những vấn đề như tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam 8 tháng năm 2011; đưa ra dự báo về khả năng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho cả năm 2011 và năm 2012 của Việt Nam; triển vọng của kinh tế thế giới trong các tháng cuối năm 2011 và năm 2012, những yếu tố có thể tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam; đề xuất các giải pháp, chính sách điều hành của Chính phủ Việt Nam cho các năm 2011, 2012 và các năm tiếp theo.
Các chuyên gia, các nhà tài trợ đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đối phó với tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát; đặc biệt, cho rằng các quyết sách đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp cơ bản kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả mạnh mẽ, giúp Việt Nam ngày càng đạt được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới do tác động của khủng hoảng và suy thoái.
Việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép là duy trì, cân bằng được mục tiêu phát triển, tốc độ tăng trưởng hợp lý và đảm bảo được các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 và mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục hợp tác, hỗ trợ - Ảnh Chinhphu.vn |
Bà Victoria Kwakwa cho rằng những kết quả mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội như tốc độ tăng trưởng đạt khá (5,4% trong Quý I, 5,7% trong Quý II), xuất khẩu tăng mạnh, tỷ giá hối đoái ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng; công tác an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực… sẽ là tiền đề để Việt Nam tiếp tục phát triển và đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2012 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, lạm phát ở mức cao; sức ép mới lên tỷ giá hối đoái; lãi suất cho vay còn cao; mối quan ngại về “sức khỏe” của các ngân hàng… là những vấn đề mà Việt Nam cần phải xem xét, để có các giải pháp hiệu quả.
Đề xuất Việt Nam cần kiên trì các mục tiêu của Nghị quyết 11, bà Victoria Kwakwa cho rằng, sẽ giúp Việt Nam tránh các yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Bà Victoria Kwakwa khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch ngân sách, tập hợp và công bố thông tin toàn diện về nợ của các doanh nghiệp; lưu ý tới công tác thông tin truyền thông qua đó tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư… về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Đưa ra những dự báo về tình hình kinh tế thế giới, ông Benedict Bingham, Đại diện Thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, nhấn mạnh hậu quả của suy thoái kinh tế thế giới, vấn đề nợ công… sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh chung như vậy, ông Benedict Bingham khuyến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững; đảm bảo tính bền vững của nợ công, tránh nợ xấu; tính ổn định của tiền đồng...
Việc tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô; cân bằng các cán cân kinh tế… mà còn tạo cơ hội cho đầu tư, tăng trưởng và tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ; về sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) Tomoyuki Kimura khuyến nghị Việt Nam cần quản lý hiệu quả hơn vấn đề về đầu tư công bởi đây là một trong những lĩnh vực rất dễ gây nên những bất ổn về kinh tế vĩ mô; cùng với đó là phải đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước để tăng cường tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Đại sứ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… đề xuất, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phát triển nông nghiệp, đưa tín dụng vào phát triển nông nghiệp; coi nông nghiệp một trong những thế mạnh của nền kinh tế trong quá trình phát triển. Đi liền với đó là tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp; tháo gỡ những có khăn cho các doanh nghiệp, duy trì và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Một chuyên gia độc lập của EU cho rằng, là một nền kinh tế mở, đã hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu, nhất là những mặt hàng được coi là thế mạnh và khi đưa ra bất kỳ chính sách nào về xuất nhập khẩu nào cũng cần cân nhắc kỹ đến các yếu tố gây tác động bất lợi, hoặc gây ra những thiệt hại về kinh tế khi Việt Nam đã gia nhập WTO.
kViệt Nam cũng cần hết sức quan tâm tới công tác phát triển giáo dục, y tế; đảm bảo cho người dân ngày càng có điều kiện sống, môi trường sống và hưởng các chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn.
Các chuyên gia, các nhà tài trợ quốc tế, các vị Đại sứ… khẳng định cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Nam mong muốn sự hợp tác, hỗ trợ hơn nữa
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, các nhà tài trợ, các vị Đại sứ…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, các ý kiến rất thẳng thắn, xây dựng, đã chỉ ra những tồn tại của nền kinh tế như kinh tế vĩ mô chưa được giải quyết từ nguyên nhân căn bản, còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn…đồng thời còn đưa ra những khuyến nghị như tiếp tục thực hiện sâu rộng và hiệu quả Nghị quyết 11; việc giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô không chỉ bằng các giải pháp trước mắt mà phải có các giải pháp mang tính chất lâu dài, trong đó có tái cấu trúc nền kinh tế, quan tâm tới an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý tốt nợ công…
Ghi nhận các ý kiến, Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết 11, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện, lạm phát của Việt Nam đang có xu hướng giảm và sẽ kiềm chế trong năm 2011 ở mức 18% và năm 2012 sẽ đưa lạm phát xuống còn 1 con số; tăng trưởng GDP năm 2011 sẽ ở mức khoảng 6%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết thêm, các giải pháp đề ra trong năm 2011 là đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán ở mức tăng dưới 15%; kiểm soát tỷ giá và giữ được ổn định về tỷ giá; lãi suất sẽ điều hành theo hướng lãi suất giảm đi liền với giảm lạm phát.
Về bội chi, sẽ kiểm soát dưới 5% GDP (khoảng 4,8 – 4,9%); kiểm soát chặt nợ công, đảm bảo an toàn nợ công; chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế để phát huy tính hiệu quả; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu các ngân hàng thương mại; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu… Đặc biệt, Việt Nam sẽ hết sức quan tâm tới công tác đảm bảo an sinh xã hội.
Việt Nam thấy rõ những mặt đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và sẽ quyết tâm bằng nội lực, phát huy sức mạnh của của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác nhiều hơn nữa của các chuyên gia, các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế…, nhất là trong tư vấn về chính sách, hỗ trợ nguồn lực để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong năm 2011 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Từ khóa » Các Vấn đề Về Kinh Tế Vĩ Mô
-
Nhìn Lại Những Vấn đề Kinh Tế Vĩ Mô - CafeLand.Vn
-
Kinh Tế Học Vĩ Mô – Wikipedia Tiếng Việt
-
[PDF] CHƯƠNG 1 NHẬP MÔN KINH TẾ HỌC VĨ MÔ
-
Một Số Vấn đề Về Kinh Tế Vĩ Mô Của Việt Nam Trong Quá Trình Hội Nhập ...
-
Những Vấn đề đặt Ra đối Với Quản Lý Vĩ Mô Trong Nền Kinh Tế Số
-
Điểm Lại Kinh Tế Vĩ Mô Năm 2021 Và Dự Báo Cho Năm 2022
-
Vĩ Mô Là Gì? Phân Biệt Giữa Kinh Tế Vi Mô Và Kinh Tế Vĩ Mô?
-
Ổn định Kinh Tế Vĩ Mô, Tạo Môi Trường Thuận Lợi Cho Phục Hồi Và Phát ...
-
[PDF] Bài Giảng Kinh Tế Vĩ Mô 1 (CLC).pdf
-
[PDF] BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ VIỆT NAM - Konrad-Adenauer-Stiftung
-
[PDF] GIỚI VÀ KINH TẾ HỌC VĨ MÔ
-
Hội Thảo Một Số Vấn đề Kinh Tế Vĩ Mô Hiện Nay - Vai Trò Và Trách ...
-
[DOC] MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
-
Kinh Tế Vĩ Mô Việt Nam: Xu Hướng Phục Hồi đồng đều - Chi Tiết Tin