Những Xét Nghiệm Chẩn đoán Xơ Gan Hiện Nay - .vn

Xơ gan là bệnh lý mạn tính, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Thực hiện các phương pháp chẩn đoán xơ gan để phát hiện sớm bệnh có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Cùng Viemgan.com.vn tìm hiểu chi tiết tiêu chuẩn chẩn đoán xơ gan và các phương pháp chẩn đoán hiện nay nhé!

Chẩn đoán xơ gan: tiêu chuẩn đánh giá và các phương pháp! 1

Mục lục

  • Xơ gan là gì?
  • Khi nào nên thực hiện chẩn đoán xơ gan?
  • Các phương pháp chẩn đoán xơ gan hiện nay
    • Chẩn đoán lâm sàng
    • Chẩn đoán qua xét nghiệm
  • Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh xơ gan
    • 1. Tiêu chuẩn kết luận xơ gan
    • 2. Tiêu chuẩn phân độ xơ gan
    • 3. Tiêu chuẩn đánh giá biến chứng
  • Ý nghĩa của việc chẩn đoán xơ gan

Xơ gan là gì?

Xơ gan là tình trạng xơ hóa lan tỏa trong nhu mô gan gây đảo lộn cấu trúc gan. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới xơ gan trong đó phổ biến là viêm gan và nghiện rượu mạn tính. Khi các mô sẹo được hình thành ngày càng nhiều khiến cho dòng máu lưu thông trong gan gặp phải trở ngại dẫn tới chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng.

Xơ gan là gì? 1

Tổn thương gan do xơ thường không thể phục hồi. Nhưng nếu bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị nguyên nhân có thể ngăn ngừa gan bị tổn thương nặng. Ngược lại, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời xơ gan có thể tiến triển sang giai đoạn mất bù, gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy gan, xuất huyết tiêu hóa, hội chứng gan thận, ung thư gan…

Chính vì xơ gan gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như tính mạng con người nên việc phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh lý này là rất cần thiết. Dựa vào kết quả chẩn đoán cũng như sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp.

Khi nào nên thực hiện chẩn đoán xơ gan?

Khi nào nên thực hiện chẩn đoán xơ gan? 1

Khi giảm cân không rõ nguyên nhân bạn nên thăm khám sớm.

Xơ gan tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị mang lại hiệu quả cao. Ngược lại, nếu phát hiện muộn thì mục đích của trị liệu chỉ nhằm hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn, kiểm soát triệu chứng, kéo dài tuổi thọ và nhiều hệ lụy xấu khác đối với sức khỏe. Vì vậy, bạn cần cân nhắc thăm khám và chẩn đoán bệnh, đặc biệt là khi có các dấu hiệu như sau:

  • Ăn uống không thấy ngon miệng
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Buồn nôn, nôn ra máu
  • Xuất hiện tình trạng vàng da
  • Bị ngứa kéo dài
  • Trên bề mặt da nổi các mạch trông như mạng nhện
  • Dễ bầm tím, chân sưng nề, bụng to nhanh
  • Suy giảm trí nhớ, không tập trung
  • Kinh nguyệt không đều, tự dưng mất kinh
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Mắc các bệnh lý về xương
  • Sốt
Xơ gan được phát hiện sớm có ý nghĩa rất lớn đối với việc điều trị, giúp ngăn chặn được các tổn thương gây phá hủy chức năng gan, giảm nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.

☛ Tham khảo thêm tại: Dấu hiệu nhận biết xơ gan

Các phương pháp chẩn đoán xơ gan hiện nay

Ở giai đoạn đầu các triệu chứng của xơ gan thường không biểu hiện rõ rệt. Do đó, nhiều trường hợp không phát hiện mắc bệnh cho tới khi thăm khám định kỳ hoặc khi bệnh xuất hiện các dấu hiệu rõ rệt gây ảnh hưởng tới cuộc sống. Sau đây là các phương pháp nhằm xác định bệnh cũng như mức độ tiến triển của xơ gan:

Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng 1

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về dấu hiệu gặp phải, tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh của bạn và gia đình. Sau đó, bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu nguy cơ do xơ gan như:

  • Kích thước gan to
  • Bụng trương phình
  • Có mô vú phụ không (ở nam)
  • Vết xuất huyết trong lòng bàn tay.
  • Da hoặc mắt có màu vàng không.
  • Dưới da có xuất hiện các mạch máu nổi rõ không.

Chẩn đoán qua xét nghiệm

Dựa vào các dấu hiệu mà bác sĩ khai thác ban đầu, nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc xơ gan, bác sĩ chỉ định bạn tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xơ gan tiến triển, bao gồm:

1. Xét nghiệm máu

Chẩn đoán qua xét nghiệm 1

  • Xét nghiệm công thức máu: Khi bị xơ gan, sự hình thành của các mô xơ gây cản trở dòng máu chảy qua gan. Lúc này, máu sẽ chảy ngược về lách khiến lách bị phình to. Lách giữ lại và phá hủy tế bào máu khiến lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu bị giảm xuống (gọi là hiện tượng cường lách). Khi xét nghiệm máu thấy tiểu cầu giảm là dấu hiệu sớm và thường gặp ở bệnh nhân xơ gan.
  • Xét nghiệm bilirubin: Bilirubin, một sắc tố màu vàng đỏ được tạo ra từ chất hemoglobin có trong hồng cầu, được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua nước tiểu. Ở người khỏe mạnh bilirubin chỉ có trong máu với nồng độ thấp (ít hơn 1,2mg/dL). Ở người bệnh xơ gan do gan không xử lý được khiến nồng độ bilirubin tăng lên gây ra triệu chứng vàng da, vàng mắt là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân xơ gan.
  • Albumin: Được biết đến là một loại protein do gan tạo thành. Khi gan bị tổn thương, mức độ albumin trong máu sẽ giảm xuống. Đây là một trong những xét nghiệm được thực hiện trong chẩn đoán xơ gan.
  • Chỉ số Alanine aminotransferase (ALT) aspartate transaminase (AST): ALT và AST là các enzyme có tác dụng phân hủy protein và axit amin. Khi chỉ số ALT và AST tăng cao có nghĩa là gan đang gặp phải tổn thương do xơ gan hoặc bệnh lý nào đó.
  • Creatinin: Đây là sản phẩm được hình thành từ hoạt động cơ bắp, thận sẽ lọc nó ra khỏi cơ thể. Khi nồng độ creatinin tăng cao là một trong những dấu hiệu cảnh báo tổn thương thận, có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của bệnh xơ gan.
  • Xét nghiệm đông máu: Gan có vai trò tạo ra các yếu tố đông máu. Khi thực hiện xét nghiệm này giúp bác sĩ đánh giá thời gian tạo ra cục máu đông. Nếu thời gian đông máu lâu, là yếu tố để chẩn đoán xơ gan.
  • Xét nghiệm máu viêm gan: Mục đích nhằm tìm kiếm có virus gây viêm gan A, B, C – nguyên nhân gây xơ gan hay không.

2. Xét nghiệm hình ảnh

Chẩn đoán qua xét nghiệm 2

Siêu âm: Đây là xét nghiệm không xâm lấn dùng sóng âm để tạo ra hình ảnh của nhiều nội tạng gồm có gan. Thông qua siêu âm, bác sĩ đánh giá được kích thước gan to hay nhỏ, cấu trúc gan, bờ của gan có gồ ghề, có sẹo không. Các bất thường về gan như gan nhiễm mỡ, áp xe gan, khối u trong gan. Nếu dùng phương pháp siêu âm màu có thể nhìn thấy được các mạch máu trong gan rõ ràng hơn, hướng đi của dòng máu chảy trong gan. Tuy nhiên, siêu âm khó cho một kết quả rõ ràng vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tổn thương gan ở mức độ nặng hay nhẹ. Đây chỉ là một xét nghiệm bổ sung gợi ý, chẩn đoán còn phải dựa vào kết quả xét nghiệm khác nữa.

Chụp cắt lớp vi tính (CT): Xét nghiệm dùng tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang qua cơ thể. Bạn có thể uống thuốc phản quang trước khi chụp để bác sĩ nhìn rõ hình ảnh của gan hơn. Phương pháp này cho kết quả chính xác cao, hình ảnh rõ nét hơn.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này an toàn hơn so với chụp cắt lớp CT Scan vì người bệnh không bị nhiễm tia X và có thể tái tạo hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau. Đây là phương pháp tạo hình ảnh từ sóng vô tuyến và từ trường. Ðôi khi, thuốc cản quang cũng được dùng. Xét nghiệm này có thể mất từ 15 phút tới 1 giờ.

Nội soi: Sử dụng một ống nhỏ có máy ảnh và đèn ở đầu và luồn vào trong cơ thể. Thông qua đó có thể quan sát được mạch máu bất thường ở gan. Các tĩnh mạch gan bị phình to ra do sẹo gan cản trở máu từ tĩnh mạch cửa vào gan.

Đo độ đàn hồi cộng hưởng từ (MRE) và độ đàn hồi thoáng qua (TE): Đây là phương pháp chẩn đoán mới, mục đích để kiểm tra độ đàn hồi của gan để phát hiện vết sẹo do tổn thương gan gây nên. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa phổ biến.

3. Sinh thiết gan

Mặc dù các xét nghiệm khác có thể cung cấp nhiều thông tin lớn về phạm vi và loại tổn thương gan, sinh thiết là cách duy nhất để chẩn đoán xác định xơ gan. Trong thủ thuật này, người ta lấy một mẫu mô gan nhỏ và kiểm tra dưới kính hiển vi. Bác sĩ thường dùng một kim nhỏ sắc để lấy mẫu. Sinh thiết bằng kim là một thủ thuật tương đối đơn giản và chỉ cần gây tê, nhưng bác sĩ của bạn có thể không chọn xét nghiệm này nếu bạn bị bệnh rối loạn chảy máu hoặc cổ chướng nặng. Nguy cơ bao gồm bầm tím, chảy máu và nhiễm trùng.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh xơ gan

Để xác định người bệnh có mắc xơ gan hay không, mức độ bệnh ở mức nào, bác sĩ sẽ dựa vào các tiêu chí chẩn đoán xơ gan như sau.

1. Tiêu chuẩn kết luận xơ gan

– Chẩn đoán lâm sàng: Là tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đầu tiên với biểu hiện lâm sàng như sau:

  • Hội chứng suy tế bào gan: bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Tiếp đó, sụt cân, vàng da niêm mạc, dấu sao mạch, phù vùng thấp, xuất huyết duối da, não gan.
  • Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Xuất hiện cổ trướng, lách to, tuần hoàn bàng hệ cửa – chủ, chủ – chủ, xuất huyết tiêu hóa.
  • Gan bị teo hoặc to, chắc.

– Chẩn đoán cận lâm sàng:

1. Tiêu chuẩn kết luận xơ gan 1

Bệnh nhân kết luận bị xơ gan khi các xét nghiệm cận lâm sàng có kết quả như sau:

  • Xét nghiệm công thức máu: Tiểu cầu giảm nhỏ hơn 130.000/mm3; hồng cầu, bạch cầu có thể giảm.
  • Đông máu: Prothrombin time (PT), INR kéo dài.
  • Bilirubin: Tăng, đối với xơ gan giai đoạn còn bù chỉ số có thể ở mức bình thường hoặc tăng nhẹ.
  • ALT, AST: Có thể tăng hoặc bình thường, chỉ số AST thường tăng cao hơn so với ALT.
  • Phosphatase kiềm (ALP): Kết quả tăng cao, xơ gan ứ mật tăng trên 3 lần, đối với xơ gan do nguyên nhân khác tăng nhẹ (<3 lần)
  • GGT: Chỉ số tăng cùng với ALP , xơ gan do rượu khiến GGT tăng cao hơn nhiều so với các nguyên nhân khác.
  • Albumin/máu: Giảm, trong khi đó Globulin có khuynh hướng tăng (IgG tăng đối với nguyên nhân do viêm gan tự miễn; IgM tăng trong xơ gan ứ mật nguyên phát); A/G <1.
  • Na+ và K+ trong máu giảm.
  • Dịch màng bụng: Kết quả độ chênh của Albumin huyết thanh và dịch màng bụng >=1g/dL.
  • Siêu âm bụng: Bờ gan không đều; gan to hoặc bị teo, phần thùy dưới to. Cấu trúc thô, bờ không đều, lách to, tĩnh mạch cửa giãn, hiện tượng báng bụng.
  • Độ đàn hồi của gan giảm.
  • Chỉ số xơ hóa không xâm lấn (FIB-4, APRI) tăng.
  • Sinh thiết gan: Phương pháp này ít thực hiện hơn do là kỹ thuật xâm lấn trên người bệnh xơ gan thường có rối loạn đông máu.
  • CT scan: Chẩn đoán xơ gan, gan nhiễm mỡ từng vùng, u gan hoặc huyết khối tĩnh mạch cửa.
  • Nội soi dạ dày tá tràng: Có thể xuất hiện giãn tĩnh mạch thực quản hoặc/và tĩnh mạch tâm phình vị, thường bị viêm dạ dày kèm theo.
  • Xét nghiệm khác tìm nguyên nhân: HBsAg, ANA, Anti LKM1, Anti HCV… có kết quả dương tính hoặc có giá trị bệnh lý.

– Chẩn đoán nguyên nhân:

Dựa theo dịch tễ, lâm sàng và kết quả tìm ra nguyên nhân. Các nguyên nhân bao gồm:  Viêm gan do viêm gan virus; do rượu; do ứ mật; do ứ đọng máu tại gan kéo dài; do nhiễm độc hóa chất và dùng thuốc; do rối loạn chuyển hóa; do thiếu hụt alpha – 1 antitrypsin.

2. Tiêu chuẩn phân độ xơ gan

Chẩn đoán giai đoạn xơ gan theo thang điểm của Child-pugh. Trong đó:

  • Child -Pugh A: 5 – 6  điểm, tiên lượng tốt.
  • Child -Pugh B: 7 – 9  điểm, tiên lượng dè dặt.
  • Child -Pugh C: 10 – 15  điểm, tiên lượng xấu.
Dấu hiệu đánh giá 1 điểm 2 điểm 3 điểm
Báng bụng Không Ít, dễ kiểm soát Căng, khó kiểm soát
Não gan Không Độ 1, 2 Độ 3,4
Bilirubin máu (mg/dL) <2 2 – 3 >3
Albumin/máu (g/L) >35 28 – 35 <28
Tỷ lệ prothrombin (%) >64 64 – 44 <44
Hoặc INR <1,7 1,7 – 2,3 >2,3

– Giai đoạn xơ gan

Giai đoạn Lâm sàng Tử vong trong 1 năm
Xơ gan còn bù
Giai đoạn 1 Không giãn tĩnh mạch thực quản, không có báng bụng 1 %
Giai đoạn 2 Giãn tĩnh mạch thực quản, không báng bụng 3 %
Xơ gan mất bù
Giai đoạn 3 Báng bụng, giãn tĩnh mạch thực quản 20%
Giai đoạn 4 Báng bụng, xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản 57%

3. Tiêu chuẩn đánh giá biến chứng

Xơ gan có biến chứng khi xuất hiện các hiện tượng:

  • Báng bụng
  • Não gan
  • Xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản
  • Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn nguyên phát
  • Hội chứng gan thận
  • Hội chứng gan phổi
  • Rối loạn đông máu
  • Ung thư gan.

Ý nghĩa của việc chẩn đoán xơ gan

Ý nghĩa của việc chẩn đoán xơ gan 1

Chẩn đoán xơ gan hay việc xác định và đánh giá mức độ tổn thương của gan đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý cũng như điều trị bệnh. Sau đây là những ý nghĩa chính của việc chẩn đoán xơ gan:

  • Xác định rõ bệnh lý và mức độ tổn thương của gan: Chẩn đoán xơ gan giúp nhận định chính xác bạn có mắc bệnh lý này hay không. Và nếu có thì mức độ nghiêm trọng của bệnh ở mức nào. Dựa vào điều này bác sĩ mới có thể đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp với từng bệnh nhân và dự đoán tiến triển của bệnh.
  • Đánh giá nguy cơ và tiến triển của bệnh: Sau khi nắm được mức độ tổn thương gan của bệnh nhân, bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ phát triển các biến chứng có liên quan tới gan như suy gan, ung thư gan. Điều này giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị xơ gan phù hợp với từng người bệnh và theo dõi tiến triển của bệnh lý.
  • Hướng dẫn điều trị: Chẩn đoán xơ gan giúp bác sĩ quyết định liệu pháp điều trị phù hợp như thuốc, phẫu thuật hoặc thay đổi lối sống để kiểm soát và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
  • Điều chỉnh lối sống: Chẩn đoán xơ gan cung cấp thông tin quan trọng để điều chỉnh lối sống, bao gồm việc thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và kiểm soát cân nặng. Điều này có thể giúp cải thiện chất lượng sống và dự đoán kết quả cho người bệnh.
  • Theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị: Sau khi bắt đầu điều trị, việc theo dõi và đánh giá mức độ tổn thương gan thông qua các phương pháp chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh nếu cần.
Việc chẩn đoán xơ gan có ý nghĩa quan trọng trong việc theo dõi và điều trị bệnh xơ gan, giúp ngăn ngừa và kiểm soát các biến chứng liên quan đến gan đồng thời cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

☛ Tham khảo thêm tại: Phương pháp điều trị xơ gan

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn đọc nắm được các phương pháp chẩn đoán xơ gan hiện nay. Hãy chăm sóc và bảo vệ lá gan mỗi ngày, khi có dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám sớm và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Từ khóa » Xét Nghiệm Trong Bệnh Xơ Gan