Nhút Nhát Có Phải Là Bệnh?

Theo các chuyên gia, ở các đối tượng khi mà sự e ngại, nhút nhát đối với xã hội ngày càng tệ đến mức ám ảnh lo sợ thì rất có khả năng họ đã mắc phải hội chứng sợ xã hội hay còn gọi là ám ảnh sợ xã hội (social anxiety disorder) và tình trạng này đã được chính thức công nhận là một dạng rối loạn tâm lý từ năm 1980.

Nhút nhát thông thường và ám ảnh sợ xã hội

Sự nhút nhát có thể đến từ nhiều tình huống khó xử trong cuộc sống khiến bạn không thoải mái và ngại ngùng. Chẳng hạn như bạn thấy rụt rè ở những bữa tiệc đầy người lạ hoặc cảm thấy khó chịu, tự ti khi bị người khác phán xét, đánh giá về mình. Đôi khi bắt nguồn của sự nhút nhát này chỉ đơn giản do thiếu các kỹ năng mềm về ứng xử giao tiếp trong công việc. Nhưng dần chúng ta sẽ quen và vượt qua nó khi tích lũy các trải nghiệm.

Đối với người mắc hội chứng ám ảnh sợ xã hội, nỗi e ngại này lớn mạnh đến mức ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống của họ.
Đối với người mắc hội chứng ám ảnh sợ xã hội, nỗi e ngại này lớn mạnh đến mức ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống của họ.

Đối với người mắc hội chứng ám ảnh sợ xã hội, nỗi e ngại này lớn mạnh đến mức ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống của họ. Những đối tượng này có những lý do khác nhau khiến họ lo lắng về những tình huống nhất định. Nhưng nhìn chung, các nỗi lo sợ thường gặp nhất ở người bệnh bao gồm:

  • Lo lắng bị người khác đánh giá, phán xét hay chê bai
  • Sợ bị xấu hổ hoặc cảm thấy nhục nhã
  • Sợ sẽ vô tình xúc phạm hay tổn thương người khác
  • Sợ trở thành trung tâm của sự chú ý

Theo WebMD (https://www.webmd.com/anxiety-panic/features/is-shyness-mental-disorder#1), ở những người bệnh, tình trạng căng thẳng khi phải đối diện với đám đông này có thể biểu hiện rõ thành một số triệu chứng bệnh lý như:

  • Tim đập nhanh
  • Căng cơ
  • Chóng mặt và hoa mắt
  • Khó tiêu và tiêu chảy
  • Thở nhanh
  • Cảm giác “hồn lìa khỏi xác”

Chẩn đoán và chữa trị

Ám ảnh sợ xã hội là một trong những rối loạn tâm lý khá phổ biến và có thể điều trị. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mệt mỏi với các nỗi sợ giao tiếp và lo sợ bản thân mắc bệnh này, hãy nhờ đến sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh hoặc đi gặp bác sĩ. Để xác định chính xác bạn có đang mắc hội chứng này hay không, bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý sẽ có các phương pháp chẩn đoán thích hợp.

Việc chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với người thân, bạn bè thân thiết hoặc trên các nhóm trò chuyện trực tuyến cũng có thể giúp cho bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh.
Việc chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với người thân, bạn bè thân thiết hoặc trên các nhóm trò chuyện trực tuyến cũng có thể giúp cho bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh.

Về mặt trị liệu, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, tâm lý trị liệu cũng giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng sợ hãi. Theo đó bác sĩ sẽ trò chuyện, tư vấn cho bệnh nhân, đồng thời có thể kết hợp một số khóa học theo nhóm người để bệnh nhân có thể tập quen dần cách đối mặt với các tình huống họ vốn lo sợ. Ngoài ra, việc chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với người thân, bạn bè thân thiết hoặc trên các nhóm trò chuyện trực tuyến cũng có thể giúp cho bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh.

Kết luận

  • Cảm giác nhút nhát e dè có thể là phản ứng tự nhiên của con người, nhưng bạn có thể vượt qua khi trau dồi cho bản thân các kĩ năng xã hội cần thiết.
  • Nếu như việc nhút nhát dần trở thành nỗi sợ hãi, khiến bạn luôn rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng quá mức mỗi khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài, thậm chí gây ra một số triệu chứng rõ ràng như tim đập nhanh, đau cơ, đau bụng… hãy cân nhắc việc gặp gỡ các chuyên gia y tế vì có khả năng bạn mắc phải ám ảnh sợ xã hội.
  • Hội chứng này có thể điều trị và việc điều trị cần sự kết hợp giữa các loại thuốc kê đơn và các liệu pháp tâm lý do các chuyên gia y tế đưa ra.

Từ khóa » Bớt Nhát Gan