Ni Cô Huyền Trang Ngày ấy - Bây Giờ

Dù đã bước sang tuổi 65 nhưng Đại tá, Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Thanh Loan vẫn giữ được nét đẹp thanh tú, mặn mòi, đằm thắm của “Ni cô Huyền Trang” trong phim “Biệt Động Sài Gòn” của hơn 30 năm về trước. Theo chị, bí quyết giúp giữ được sức khỏe chủ yếu vẫn là do kiên trì tập luyện với các môn thể thao như tập võ, đi xe đạp. Và suốt trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bên cạnh những kỷ niệm về vai diễn “để đời” trong phim “Biệt Động Sài Gòn”, NSƯT Thanh Loan đã chia sẻ rất nhiều về phim tài liệu, một thể loại mà chị đã gắn bó và dành nhiều tâm huyết từ những năm tháng làm Phó Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân cho đến tận bây giờ.

1. Đại tá, NSƯT Thanh Loan sinh ra trong gia đình không có ai đi theo con đường nghệ thuật. Thay vì trở thành bác sĩ theo mong muốn của gia đình, chị đi thi tuyển rồi “đầu quân” vào Văn công Quân đội, sau đó chuyển sang làm phát thanh viên truyền hình Quân đội.

Dù không đóng nhiều phim, nhưng vai diễn nào của chị cũng để lại ấn tượng với người xem, từ phim "Người về đồng cói", "Phương án ba bông hồng", "Bài ca ra trận", "Bí mật thành phố cấm", "Bản đề án bị bỏ quên"... và đặc biệt là phim "Biệt động Sài Gòn" với vai ni cô Huyền Trang. Một vai diễn đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, như biểu tượng cho cái đẹp thánh thiện, kiên cường của những chiến sỹ cách mạng trong thời chiến.

Đến tận bây giờ, khi bộ phim đã có tuổi đời hơn 30 năm, chị vẫn cho rằng "Đấy là đỉnh mà tôi không bao giờ vượt qua được". Sau vai diễn để đời này, NSƯT Thanh Loan lùi về hậu trường để có điều kiện chăm lo gia đình và toàn tâm toàn ý với truyền hình An ninh, Điện ảnh Công an nhân dân, trong vai trò của một phát thanh viên, đạo diễn phim tài liệu. Chị từng giữ vị trí Phó Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân và sau khi đã nghỉ hưu, chị tiếp tục làm công tác Hội trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Công an nhân dân với quân hàm Đại tá.

Chia sẻ về “cơ duyên” đưa chị đến với vai diễn “kinh điển” ni cô Huyền Trang “Biệt động Sài Gòn”, NSƯT Thanh Loan cho biết: Vai diễn này đến với chị hoàn toàn là một sự tình cờ. Hồi đó, khi tập 1 của bộ phim đã quay xong, mà diễn viên chính vẫn chưa tìm được khiến cố đạo diễn Long Vân “mất ăn mất ngủ”. May mắn là Trịnh Thái, họa sỹ của đoàn làm phim tình cờ gặp Thanh Loan khi đó là phát thanh viên của truyền hình An ninh đang vào Nam công tác.

Vừa nhìn thấy Thanh Loan, đạo diễn Long Vân đã "ưng" ngay, vì ông nói trên gương mặt bà vốn có nét khoan thai, "từ bi hỉ xả" của nhà Phật mà các diễn viên khác không có. Rồi ông lập tức ra Bắc làm mọi thủ tục với cơ quan để chị được đi đóng phim.

Để có những cảnh quay chân thực, “xuất thần” với nhiều xúc cảm ám ảnh người xem, như cảnh ni cô Huyền Trang bị tra tấn, bị gí điện, bị giội nước lạnh vào mặt, ngâm mình dưới làn nước lạnh hay rảo bước dưới trời mưa xối xả, chịu cái lạnh tái tê vì có tới 4 chiếc xe cứu hỏa phun nước vào người... nghệ sỹ Thanh Loan đã phải tự tìm tòi, học hỏi và trải nghiệm từ chính các tình huống tương tự trong thực tế.

Và để diễn tả đúng cách thức, thần thái của một ni cô đi khất thực, dưới cái nắng chói chang rát bỏng, chị cũng phải vào chùa ở một tuần để học hỏi, trải nghiệm trước khi quay. Thậm chí, Thanh Loan cũng đã hy sinh mái tóc dài óng mượt, cắt kiểu tóc tém, còn đằng sau thì cạo trắng để có thể hóa thân thực sự vào nhân vật.

2. Từ giã nghiệp diễn khi đang ở đỉnh cao, NSƯT Thanh Loan đã khiến nhiều người hâm mộ phải tiếc nuối. Tuy nhiên, chị cho rằng, quyết định dừng lại của mình là hoàn toàn hợp lý. Người nghệ sỹ khi đạt đến đỉnh cao, thì không muốn nhận những vai không phải vai chính và không có nhiều đất cho diễn viên thể hiện, không vượt qua được chính mình. Hơn nữa, do quen làm phim điện ảnh với sự công phu, tỉa tót, chau chuốt trong diễn xuất. Cho nên khi bước sang truyền hình, chị gần như không thích nghi được với sự gấp gáp đến chóng mặt của nó, trong khi quỹ thời gian của người công chức thì có hạn.

Sau khi tốt nghiệp đạo diễn, khác với bạn bè cùng khóa thường chọn phim truyện nhựa, NSƯT Thanh Loan quyết định gắn bó với phim tài liệu bởi theo chị, đây là thế mạnh của Điện ảnh Công an nhân dân.

“Môi trường Điện ảnh Công an làm phim truyện rất khó, nên tôi chọn phim tài liệu. Ngành Công an cũng là một ngành khá đặc biệt với những chiến công vẻ vang, nhưng lại vô cùng thầm lặng. Tôi muốn được ghi lại những chiến công của những con người đặc biệt này, để các thế hệ trẻ có thể nhớ về những thời oanh liệt của cha ông mình, với những giá trị lịch sử đầy ắp”-NSƯT Thanh Loan cho biết.

Cũng theo NSƯT Thanh Loan, phim tài liệu là thể loại khó vì không được hư cấu, sáng tạo. Thay vào đó người đạo diễn phải khai thác mọi khía cạnh trong đời sống ở góc độ chân thực và tự nhiên nhất. Trong số những phim tài liệu mà chị làm đạo diễn, có 3 bộ phim mà NSƯT Thanh Loan cảm thấy tâm đắc nhất. Đó là phim “Những người trong chuyện” dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tôn Ái Nhân nói về cuộc đời hoạt động của các chiến sỹ tình báo, những người đã góp phần “làm nên lịch sử” nhưng cũng dễ bị cuộc đời, năm tháng quên đi trong cuộc sống thời bình và phim “Nơi dòng sông chảy ngược” nói về sự hy sinh thầm lặng, quả cảm của những chiến sỹ Cảnh sát hình sự cùng nhiều mất mát, thiệt thòi của những người vợ liệt sỹ giữa thời bình.

Nhìn các gia đình khác vợ chồng con cái sum vầy, nhà cửa khang trang trong khi đó, đa phần cuộc sống gia đình của nhiều vợ con các liệt sỹ, chiến sỹ Cảnh sát hình sự hy sinh giữa thời bình đều vất vả, lam lũ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Người vợ đồng thời phải đảm đương nhiều vai trò khác trong gia đình từ làm mẹ, làm chồng cho đến làm cha. “Làm vợ liệt sỹ đã khổ, làm vợ của liệt sỹ anh hùng còn khó hơn, bởi phải sống làm sao để “vuông tròn”.

Chia sẻ đó của một người vợ liệt sỹ anh hùng, đã khiến cả đoàn làm phim chúng tôi bật khóc” - NSƯT Thanh Loan cho biết. Ngoài hai bộ phim trên, phim tài liệu “Chuyện về những người nữ tù” cũng là một trong những bộ phim tài liệu hay và ám ảnh về thân phận con người. Vào mỗi buổi chiều thứ 7, khi ở khu trại giam nam đông đúc người thăm, thì tại khu vực trại giam nữ lại hiu quạnh, vắng bóng người. Trong đó, có những nữ tù từ ngày vào trại giam, chồng chỉ vào thăm một lần duy nhất. Những người phụ nữ bất hạnh vì khát vọng làm giàu, nên đã mờ mắt sa chân vào con đường tội lỗi để rồi phải mất tất cả khi vướng vào vòng lao lý.

Đại tá, NSƯT Thanh Loan với đồng nghiệp.

3. Dù đã nghỉ hưu nhưng hơn 7 năm qua, NSƯT Thanh Loan vẫn tích cực tham gia công tác hội với vai trò Chi hội trưởng Điện ảnh Công an nhân dân. Với chị, đây không chỉ là sân chơi để hoạt động nghề nghiệp mà ở đó các hội viên có điều kiện để thăm hỏi, động viên nhau khi có chuyện vui, buồn; để tri ân với các thế hệ đàn anh đi trước.

NSƯT Thanh Loan cũng rất hay tham gia làm công tác từ thiện. Chị tâm sự: “Tôi nghĩ mình may mắn hơn nhiều người khi có một gia đình hạnh phúc, bình yên nên đem sự may mắn đó chia sẻ cho những người thiếu may mắn một ít. Tôi nghĩ đơn giản lắm: Nếu mình giúp họ thì con cháu, người thân của mình cũng được người khác giúp lại. Mọi sự đều có nhân quả”.

Ngoài thời gian tập trung cho gia đình, cho công tác hội, NSƯT Thanh Loan vẫn dành cho mình thời gian để sáng tác, viết kịch bản phim. Có một điều khiến chị trăn trở nhiều năm nay, là hiện dư luận vẫn có những cái nhìn chưa đúng, chưa công bằng với thể loại phim tài liệu điện ảnh và phim tài liệu lịch sử.

Theo chị, đã làm phim về chính trị, hoàn thành tốt sứ mệnh phục vụ nhiệm vụ chính trị đã là tốt rồi, đâu cần phải đạt cả tiêu chí về doanh thu, thương mại. Thực tế cho thấy, những bộ phim này làm ra không phải chỉ để chiếu ở các thành phố lớn. Phim vẫn được mang lên chiếu lưu động ở những vùng sâu, vùng xa cho bà con xem. Nó mang giá trị tinh thần quá tốt. “

Tại sao chúng ta chỉ nhìn vào yếu tố thương mại, mà quên đi những giá trị tinh thần từ những bộ phim nghệ thuật chất lượng cao mang lại cho người dân? Nếu xét ở góc độ đó, thì những bộ phim này đã có “lãi” rồi, “lãi” về chính trị và giáo dục truyền thống, lịch sử đối với thế hệ trẻ” - NSƯT Thanh Loan cho biết.

Từ khóa » Ni Cô Huyền Trang Ngày Nay