Niềm Tự Hào Về Quê Hương Từ Những Người Con Xa Xứ - Báo Thanh Tra

Có ở trong hoàn cảnh ấy mới thấm thía nỗi niềm xa xứ. Cũng như tấm lòng son sắt của Bác Hồ buổi ra đi tìm đường cứu nước: "Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ - Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương..." (Chế Lan Viên - Người đi tìm hình của nước).

Có lẽ, với mỗi người con đất Việt khi xa xứ, quê hương nguồn cội vẫn luôn thường trực trong trái tim như hơi thở khí trời và gắn bó máu thịt cuộc đời. Hai phạm trù ấy (quê hương và kiều bào) là hai mạch nguồn của một dòng sông lớn như Hồng Hà, Cửu Long vẫn luôn hướng về biển cả; hằng chở nặng phù sa cho những cánh đồng xanh biếc tháng năm.

Tự hào về quê hương nguồn cội

Khi nghĩ về đất nước cội nguồn, có thể nói hết thảy người Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước, từ Nam chí Bắc và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều tự hào là con Lạc cháu Hồng, là Tổ quốc có một ngày giỗ Tổ thiêng liêng - Quốc tổ Hùng Vương với truyền thống văn hóa: Thờ phụng tổ tiên ông bà như một lẽ sống, một đạo lý ngàn đời (mà ít thấy dân tộc hay nước nào có được); càng tự hào là công dân của một đất nước có hơn 4.000 năm lịch sử anh hùng và nhân nghĩa với những giá trị truyền thống cao đẹp; những con người kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng to lớn (Trần Hưng Đạo, đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh...), những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt mà vẻ vang của dân tộc...

Trong công cuộc kiến thiết đất nước, chúng ta cũng đã giành được những thành tựu thật to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, từng được bạn bè quốc tế cảm phục và đánh giá cao. Đó là việc thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, nhất là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Và đặc biệt là chiến công trong phòng, chống đại dịch Covid - 19 được nhiều tổ chức và bạn bè quốc tế cảm ngợi và đánh giá cao. Nguyên nhân thắng lợi chính là sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cũng như sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân cả nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị của nước ta...

Tình cảm của kiều bào

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 4,5 triệu người tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ ra đi với nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng có một điểm chung, đáng nói: Tấm lòng canh cánh với quê hương xứ sở, là niềm tự hào và trách nhiệm với nơi chôn rau cắt rốn của mình! Mà điều ấy cũng dễ hiểu. Bởi nhân dân ta vốn có truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Đồng thời luôn tâm niệm rằng "Con người có tổ có tông - Như cây có cội như sông có nguồn" hay "Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba". Đó là tâm thức, là triết lý sống của kiều bào ta.

Đối với kiều bào, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn coi họ là bộ phận máu thịt, không tách rời của dân tộc Việt Nam. Và điều đó một lần nữa lại được khẳng định qua đại dịch Covid-19, dù đất nước còn nghèo khó, Đảng và Nhà nước ta vẫn dang tay đón nhận bao người con xa xứ về quê hương giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường...

Có thể nói, kiều bào dù ở đâu, thời điểm nào, cũng luôn hướng về cội nguồn và mong muốn góp phần mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Và điều ấy được thể hiện rõ nét ở lượng kiều hối gửi về nước ngày càng tăng; “riêng năm 2019, lượng kiều hối ước đạt 16,7 tỷ USD, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới" (Theo Báo Thế giới & Việt Nam). Gần đây nhất, kiều bào đã ủng hộ số tiền 4,6 tỷ đồng thông qua Bộ Ngoại giao và đại diện MTTQ Việt Nam, góp phần cùng nhân dân cả nước phòng, chống đại dịch...

Điều muốn nói, mỗi kiều bào là một "đại sứ văn hóa" quảng bá cho hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Mặc dầu ở đâu đó trong cộng đồng người Việt xa xứ còn những tiếng nói lạc lõng, thù địch... Song đại bộ phận kiều bào ta là những người con trung hiếu, luôn hướng về quê hương đất Tổ, nhất là các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Đền Hùng hằng năm với tâm sức đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nguyễn Trọng Đông

Từ khóa » Tự Hào Mảnh đất Quê Hương