"Nô Lệ Thời Hiện đại" - Những Câu Chuyện Có Thật Ngoài Sức Tưởng ...

Vượt lên sự sợ hãi và đau đớn, số ít may mắn được cứu thoát bắt đầu lên tiếng. Tiết lộ của một công nhân vừa được giải cứu tại một lò gạch thuộc bang Tamil Nadu, Ấn Độ và một số nhân chứng sống khác, một lần nữa cảnh báo thực trạng "nô lệ thời hiện đại" đang tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới với đầy rẫy những cực hình man rợ. Họ - những người sống sót mang trong mình niềm tin công lý được thực thi và ước vọng tự do cho những người cùng cảnh ngộ vẫn đang tiếp tục bị đày đọa và bạo hành.

Những câu chuyện "nô lệ thời hiện đại" có thực

Trong một căn nhà tồi tàn ở trung tâm thủ đô Tel-Aviv, Israel, Hanna và Genet đang từng ngày chống chọi với những ký ức kinh hoàng trong quá khứ khi cả hai bị bọn buôn người lừa bắt và biến thành một nô lệ tình dục. Cả hai đều là dân Etiopia di cư, mong muốn tìm kiếm việc làm ổn định và cơ hội đổi đời cho bản thân cũng như gia đình. Nhưng ước muốn đơn giản ấy đã bị bọn buôn người lợi dụng, và họ đã trở thành những nạn nhân mang danh "nô lệ hiện đại".

Theo lời kể lại, Sinai là cô gái duy nhất trong số 17 thành viên của hành trình 14 ngày tới Sinai, vùng trung tâm Ai Cập. Cô liên tục bị uy hiếp và bạo hành tình dục bởi những phần tử đi cùng. Nếu phản kháng, chúng dùng dao và súng đe dọa, đồng thời bắt ép cô quan hệ và làm đủ trò tiêu khiển, giải trí. Có một sự thật là những cô gái như Hanna và Gemet đều tin vào lời hứa hẹn rất "hấp dẫn" của những tay buôn người xuyên biên giới. Vì muốn có một tương lai tốt đẹp hơn, họ không một chút đắn đo khi bọn buôn người hứa hẹn, thậm chí chúng còn dùng mọi thủ đoạn để thuyết phục tới cùng rồi bằng mọi cách bắt các nạn nhân làm nô lệ.

Không ai biết những "con tin" được mua với giá 2.500 USD, để trở thành "vật tiêu khiển" bị cưỡng bức liên tiếp, đánh đập và hành hạ tới chết. Cuộc hành trình đổi đời đã chấm dứt khi hai cô gái bị bỏ lại nơi đất khách quê người, không một xu dính túi và mang thai mà không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Geeta, con gái của một gia đình nông dân Nepal đã có hơn 6 năm bị bạo hành tại một nhà chứa ở Ấn Độ. Cô bị chính một thành viên trong gia đình lừa bán cho chủ chứa từ năm 9 tuổi. Ở đó, Geeta thường xuyên bị chửi bới, nhục mạ, nếu trái lệnh, mụ chủ thường dùng dây điện hay que sắt nóng hành hạ. Geeta phải biết trang điểm khi mới 9 tuổi và thức đến 2 giờ sáng để "tiếp" trên dưới 60 người đàn ông mỗi ngày.

Ngay giữa nước Mỹ, câu chuyện "nô lệ thời hiện đại" của Flor Molina khiến không ít người giật mình vì đơn giản họ luôn cho rằng những "kiểu hành xác" con người chỉ tồn tại ở những nước nghèo đói, chậm phát triển thuộc châu Phi. Flor Molina là một người mẹ đang tuyệt vọng khi mất đi đứa con thân yêu vì không có đủ tiền đưa nó tới bệnh viện. Cô bị ám ảnh bởi nỗi lo tiền bạc và quyết định học cắt may với hy vọng mở cửa hàng kiếm đủ tiền nuôi sống 3 đứa con còn lại. Tuy nhiên, bọn buôn người đã tiếp cận và tìm cách thuyết phục Molina tới Mỹ làm việc.

Nhưng tất cả chỉ là dối trá. Molina bị bắt ép làm việc để trả khoản nợ 3.000 USD cho kẻ mang cô tới Los Angeles. Cô phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày, dọn dẹp và lau chùi đồ đạc sau khi các công nhân khác ra về, sống trong phòng chứa đồ với một nạn nhân khác và chưa từng được cho phép ra ngoài. Molina không được phép nói chuyện với mọi người, cô chỉ được ăn một bữa mỗi ngày trong 10 phút và thường xuyên bị bỏ đói, thậm chí bị đánh đập nếu ăn lâu hơn.

Bọn buôn người đe dọa nếu cô báo cảnh sát, mọi hậu quả sẽ trút lên đầu mẹ và các con của cô ở quê hương khi mọi thông tin về gia đình đã bị bọn chúng thâu tóm. Người phụ nữ Mexico đã phải gánh chịu cảnh "nô lệ" mà không dám nói nửa lời với bất kỳ ai. Ngay khi có người cho số điện thoại nhờ trợ giúp, cô cũng "bất lực" vì sợ hãi.

Một câu chuyện đau đớn khác là về Rosnani Matsuni. Năm 2009, Matsuni tới Abu Dabi, thuộc Các tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất để tìm việc, và ngay sau đó, cô được chuyển tới Al Ain, một thị trấn nhỏ nằm cách thủ đô 160 km, bắt đầu cuộc sống của một nô lệ. Cô làm thuê cho 5 người chủ khác nhau, nhưng họ đều đối xử với cô như một con vật. Matsuni bị bắt làm việc liên tục 22 giờ đồng hồ mỗi ngày, chỉ có lúc ăn và cầu nguyện mới được cho nghỉ.

Khi cô quyết định nghỉ việc và trốn về nước, Matsuni bị đem bán cho một chủ thuê khác để lấy lợi nhuận. Cô kể lại việc những người làm thuê như cô phải đứng trong những ô kính cho chủ lựa chọn. "Chỉ khi một người được "mua", họ mới có quyền nói chuyện và rồi theo chủ về nhà khi đã thỏa thuận xong". Hai năm tiếp theo, Matsuni làm công việc giúp việc tại Oman và tiếp tục hứng chịu những trận đòn "hành xác". Hộ chiếu cùng các giấy tờ tùy thân và cả điện thoại đã bị tịch thu, khiến cô không có cách nào liên lạc với gia đình. Bọn buôn người đe dọa sẽ giết chết nếu cô có ý định chạy trốn khỏi nhà chủ.

Thế giới nghĩ gì về "nô lệ thời hiện đại"?

Trên lý thuyết, chế độ nô lệ đã bị xóa bỏ hoàn toàn ở Mỹ từ năm 1863, nhưng trên thực tế, hoạt động buôn bán người và bắt ép lao động lại khơi nguồn cho tình cảnh nô lệ nhen nhóm trở lại. Quả thực, đây là những hành vi bất hợp pháp tồn tại không chỉ ở riêng Mỹ mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới, và cho tới nay đã trở thành một trong những hoạt động phổ biến nhất. Ước tính có gần 30 triệu người đang bị quản thúc và bóc lột sức lao động, trên 800.000 người bị buôn bán xuyên biên giới. Những con số trên đây vẫn có xu hướng tăng dần đều qua các năm. "Nô lệ hiện đại" đa số nằm trong nhóm tuổi lao động từ 18 đến 24, cá biệt xấp xỉ 1 triệu nạn nhân là trẻ em bị lừa bắt và bóc lột hàng năm.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, hoạt động buôn bán con người làm nô lệ đang tạo nên một thế giới ngầm không thể kiểm soát, với quy mô và mức độ ngày càng lớn. Trên 50% "nô lệ" hiện bị dồn vào các nhà chứa, 30% làm việc tại các dịch vụ công trong nước, 10% "phơi mặt" trên ruộng đồng và các loại hình kinh doanh sinh lợi khác.

Ấn Độ là một quốc gia mà tình trạng nô lệ hiện đại có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Saju Mathew - Giám đốc nhóm nhân quyền mang tên Sứ mệnh pháp lý quốc tế (IJM), tham gia cuộc giải phóng nô lệ tại lò gạch cho biết, mặc dù Ấn Độ cấm lao động gán nợ từ năm 1976, việc trừ nợ hay trả tiền tạm ứng bằng lao động vẫn tồn tại ở nước này.

"Những gì bạn thấy ở đây là chủ quyết định khi nào người lao động được ăn, khi nào ngủ. Tóm lại, ông chủ quyết định toàn bộ sinh hoạt của các con nợ đang bán sức trừ nợ. Ở đây, mỗi người lao động đã được ứng trước 10.000 rupee, tương đương 225 USD, rồi được đưa đến làm việc ở lò gạch cách xa nhà hàng trăm dặm". Nhà chức trách ước đoán sẽ gặp ở lò gạch khoảng 200 lao động, nhưng thực tế họ phát hiện đến 500 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Ông Kandaswamy, quan chức chính phủ tham gia cuộc đột kích, cho biết lao động ở đây phải làm việc mỗi ngày 14 tiếng, thường bị đánh đập và ngược đãi, và không được chăm sóc y tế khi ốm đau. "Nguyên nhân cốt lõi của nạn bóc lột người lao động xuất phát từ sự nghèo đói", Rani Hong, người sáng lập tổ chức Tronie cho hay. Bà Rani Hong bị lạm dụng từ khi mới 7 tuổi, nhưng từ sau khi được giải thoát, bà đã mạnh dạn lên tiếng đòi công lý, không chỉ cho mình mà nhiều nô lệ đang khác trên khắp thế giới.

Nơi ăn ở của các lao động lò gạch ở Ấn Độ.

Bà Rani Hong nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc triển khai các chương trình đào tạo con người, giúp những người lao động các kỹ năng căn bản để họ tự kiếm sống. Bà kêu gọi chính phủ các nước và nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng hợp sức để giải quyết triệt để vấn nạn này. "Chúng ta thực sự cần phải có cái nhìn đúng đắn về những khu vực là "ổ dịch" buôn bán và chiếm dụng con người, để từ đó có thể giải phóng những nô lệ và cho họ tiếp cận với các chương trình hỗ trợ về sau" - bà nói.

Khó có thể nhận ra hết những dạng thức ẩn mình của thực trạng nô lệ hiện đại, nếu như hàng loạt những vụ án bóc lột và hành hạ nhân công ở các đồn điền cà phê, ca cao hay sản xuất quặng được ghi chép lại tỉ mỉ, thì những tư liệu về buôn bán người trái phép và tình trạng nô lệ làm thuê trả nợ lại rất ít. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ mối tương quan giữa nô lệ và các khoản nợ quốc tế.

Những quốc gia nợ "chồng chất" lại không có mấy điều kiện xây dựng và phát triển các cơ quan chuyên trách tư pháp, giáo dục và kinh tế nhằm kiềm chế quá trình gia tăng số lượng nô lệ. Sự nghèo đói của từng cá nhân khiến họ mờ mắt trước những lời dẫn dụ hấp dẫn mà chẳng hề hay biết đó chỉ là những trò lừa bịp đưa họ vào cái bẫy làm thuê để sinh lời cho người khác, chính thức trói buộc họ bằng cái danh "nô lệ thời hiện đại". Vậy câu hỏi đặt ra là, các chính phủ đã làm gì để giúp những người nô lệ bây giờ được thỏa ước muốn tự do và hưởng các giá trị thuộc về nhân quyền?

Tại Mỹ, trung bình chính phủ chi ra gần 4 tỉ USD cho việc điều tra các vụ án mỗi năm, nhưng với các chính sách có liên quan tới nạn bóc lột lao động thì con số ấy chỉ vỏn vẹn 150 triệu. Lời lý giải được đưa ra là "vì các tổ chức không có đủ tiền để tài trợ và thực thi các chương trình giàu ý nghĩa ấy… và hãy tiếp tục nhờ tới chính phủ".

Thậm chí một số người còn tự mình "lờ đi" hay tự vấn "nô lệ thời hiện đại" chính xác là gì. Họ cho rằng, hình ảnh một cậu bé trạc 10 tuổi phải cùng các anh em trai lao động cật lực tại nhà máy ở Afghanistan để trả toàn bộ nợ và lãi tích lũy mà người bố đã vay rất nhiều năm trước đó, chẳng có chút gì là bị bóc lột khi đem so sánh họ với những sinh viên đại học đi vay vốn để tới trường.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng của cả nhân loại nhằm loại trừ nạn buôn bán người trái phép và bóc lột lao động thời hiện đại. 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành luật cũng như các chính sách nhằm xóa bỏ hoàn toàn các loại hình "nô lệ hiện đại". Bà Anuradha Koirala, người sáng lập và điều hành hoạt động của tổ chức Maiti Nepal, đã không ngừng đấu tranh trong suốt 16 năm qua nhằm cứu sống và phục hồi cho hàng ngàn người Nepal là nạn nhân của bọn buôn bán nô lệ tình dục.

Bằng cách tấn công các nhà chứa, tuần tra dọc biên giới Ấn Độ - Nepal và cung cấp nhiều khu tập trung an toàn cùng các dịch vụ hỗ trợ, Koirala và Maiti Nepal đã giải cứu và phục hồi cuộc sống cho hơn 12.000 phụ nữ Nepal và trẻ em gái từ năm 1993. Koirala chia sẻ: "…Có lẽ điều khó nhất là khi chứng kiến những nạn nhân phải chết hay mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo ở cái tuổi lẽ ra phải được nô đùa với chúng bạn".

Chính suy nghĩ này đã cổ vũ và tiếp thêm động lực cho bà duy trì hoạt động của nhóm tình nguyện Maiti Nepal. Koirala cùng 50 nạn nhân còn sống khác đã mở rộng phạm vi hoạt động nhằm nâng cao ý thức của các gia đình ở những vùng nông thôn và khu ổ chuột thành thị về sự nguy hiểm của nô lệ, từ đó biết cách bảo vệ bản thân cũng như cứu lấy tương lai của chị em họ.

Tại Ấn Độ, chính quyền địa phương cũng đã và đang bắt tay thực hiện một chương trình hoạt động 2 năm với tiêu chí giải phóng các nô lệ trên toàn đất nước, cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ và đảm bảo công ăn việc làm, cũng như các điều kiện học tập và y tế cho các nạn nhân.

Mục tiêu của chương trình là đạt con số 94% người dân không còn bị bóc lột lao động, làm việc trả nợ hay bị buôn bán xuyên biên giới. Không chỉ giúp đỡ các nạn nhân ở hiện tại, chương trình còn hướng tới các thế hệ tương lai nhằm bảo vệ các trẻ em gái khỏi những tay buôn người và góp phần vun đắp ước mơ một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các gia đình nghèo tại Ấn Độ

Từ khóa » Tính Nô Lệ Là Gì