Nỗ Lực Bảo đảm điện Cho Sự Nghiệp Công Nghiệp Hóa - Hiện đại Hóa ...

Trong không khí cả nước phấn khởi chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên và người lao động trong EVN quyết tâm cố gắng, nỗ lực để phấn đấu tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đồng thời phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Bảo đảm cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và các Bộ, ngành, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cung cấp điện ổn định và an toàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục.

Trong thập kỷ vừa qua, điện thương phẩm đã tăng trưởng bình quân 9,7%/năm, năm 2020 đạt 215 tỷ kW giờ, mức sử dụng điện bình đạt gần 2.200kW giờ/người/năm, tăng 2,23 lần so với năm 2010. EVN đã xuất sắc thực hiện sứ mệnh “điện đi trước một bước”, hạ tầng cung cấp điện đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ về quy mô và mức độ hiện đại cả ba khâu phát điện, truyền tải và phân phối kinh doanh điện.

Tổng công suất nguồn điện đến nay đạt hơn 69.300MW, xếp thứ 2 khu vực Đông - Nam Á, thứ 23 trên thế giới. Cơ cấu nguồn điện gồm đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện than, điện khí, nhiệt điện dầu, đặc biệt các nguồn điện năng lượng mới là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đã chiếm tỷ trọng cao trong hệ thống điện. Hệ thống điện quốc gia đã vươn tỏa tới mọi miền đất nước. Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, “xương sống” của hệ thống điện Việt Nam đã được bổ sung thêm mạch 3, lưới điện tại các vùng kinh tế trọng điểm miền bắc, miền nam được kết nối mạch vòng bảo đảm yêu cầu cung cấp điện an toàn và tin cậy. Đến nay, công nghệ tự động hóa, điều khiển xa, kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi vào hệ thống điện, hầu hết các trạm biến áp 110-220 kV đã thực hiện điều khiển xa không cần người trực. Tổn thất điện năng đã giảm mạnh hằng năm, đến nay xuống dưới 6,5%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận mức của các nước phát triển.

Hoàn thành đưa điện về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo

Quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, các Nghị quyết của Trung ương về phát triển KTXH đi đôi với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; EVN luôn chú trọng triển khai các dự án công trình để vừa đưa điện tới cho người dân ở mọi miền đất nước, vừa gắn liền với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Công tác đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo đã được EVN đặc biệt chú trọng, đặc biệt khu vực chưa có điện, đã góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, giải quyết kịp thời các vấn đề phát triển KTXH ở các địa phương và giữ vững quốc phòng-an ninh, chủ quyền đất nước.

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong nhiều năm qua các đơn vị ngành điện đã chủ động thu xếp các nguồn vốn với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng để cấp điện cho đồng bào chưa có điện tại địa bàn khó khăn ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Về cấp điện hải đảo, EVN đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo trên cả nước, đặc biệt đã cấp điện và quản lý vận hành cho huyện đảo Trường Sa, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiên liêng của Tổ quốc. Đối với các đảo xa, EVN thực hiện cấp điện bằng hệ thống máy phát diesel, điện mặt trời, điện gió... Hằng năm, EVN đã bù lỗ hàng trăm tỷ đồng chi phí phát điện để bán điện trên các đảo với giá bán thống nhất trên toàn quốc. Riêng năm 2020, EVN đã hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); triển khai dự án Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo. Các Tổng Công ty Điện lực đã tập trung thực hiện đầu tư lưới điện nông thôn góp phần nâng cao tỷ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới lên 87,9%. Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.

Trong những năm gần đây, EVN đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, các dịch vụ điện lực đã đạt cấp độ 4 về dịch vụ công trực tuyến và đã kết nối cổng dịch vụ công quốc gia, tăng tính công khai minh bạch và tạo mọi thuận lợi cho khách hàng. CBCNV EVN càng ngày càng làm việc chuyên nghiệp, tận tụy, thân thiện và tin cậy. Chỉ số sự hài lòng của khách hàng luôn được các đơn vị tư vấn độc lập đánh giá cao. Chỉ số tiếp cận điện năng có bước tiến vượt bậc góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong vòng sáu năm qua, đã tăng 129 bậc, vươn lên vị trí 27/190 quốc gia, vùng lãnh thổ và thuộc nhóm bốn nước đứng đầu khu vực ASEAN.

Nỗ lực vì sự nghiệp CNH, HĐH đất nước

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu, phải đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, với mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025; trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong giai đoạn tới, EVN đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với KHCN, nghiên cứu triển khai, đào tạo; làm nòng cốt để ngành Điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả; tối đa hóa hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, một trong các định hướng phát triển của EVN là nâng cao hiệu quả ứng dụng KHCN của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tích cực triển khai thực hiện chủ đề Chuyển đổi số, trong đó triển khai nhân rộng trong toàn Tập đoàn các kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã được nghiệm thu tại các đơn vị. Nghiên cứu, đề xuất triển khai “kinh tế chia sẻ” trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Hoàn thiện số hóa công tác quản trị, quản lý để tiết kiệm chi phí, cân bằng tài chính. Xây dựng các kế hoạch, các đề án trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thiện Hệ thống Quy chế quản lý nội bộ theo hệ thống số hóa với các chỉ tiêu cụ thể theo hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phát triển các hệ thống điều độ tiên tiến, ứng dụng rộng rãi công nghệ lưới điện thông minh. Phấn đấu sau năm 2020, 100% các trạm biến áp 110kV và sau năm 2025 có 100% trạm 220kV được điều khiển xa và không người trực vận hành.

Những yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ tới đã đặt ra cho ngành điện nói chung, EVN nói riêng nhiệm vụ năm 2021 và những năm tới là hết sức nặng nề, nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với ý thức, niềm tự hào về lịch sử và thành tựu của ngành Điện lực cách mạng, EVN quyết tâm phấn đấu, phát huy truyền thống 66 năm, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục đưa Tập đoàn phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp CNH, HĐH và sự phồn vinh của đất nước.

Từ khóa » Sự Nghiệp Cnh Hđh đất Nước