Tìm Hiểu Vấn đề “Đẩy Mạnh Công Nghiệp Hoá, Hiện đại Hoá Gắn Với ...

  • Trang chủ
  • C. Mác; Ph. Ăngghen; V. I. Lênin; Hồ Chí Minh
  • Lãnh đạo Đảng, Nhà nước
  • Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương
  • Các Ban Đảng Trung ương
  • Các Đảng bộ trực thuộc Trung ương
  • Tư liệuvăn kiện Đảng
  • Hệ thống văn bản
  • Hồ sơ - Sự kiện Nhân chứng
Chủ Nhật, 1/12/2024 Tư liệu văn kiện Đảng
  • Lịch sử Đảng
  • |
  • Đảng kỳ
  • |
  • Điều lệ Đảng
  • |
  • Sách chính trị
  • |
  • Văn kiện Đảng toàn tập
  • |
  • Giới thiệu văn kiện Đảng
  • |
  • Văn kiện Đại hội Đảng
  • |
  • Hội nghị BCH Trung ương
  • |
  • Các Ủy viên Trung ương
Thứ Tư, 30/9/2015 13:57'(GMT+7) Tìm hiểu vấn đề “Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức” trong Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng

1. Sau 20 năm đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) ở nước ta đã bước và giai đoạn phát triển mới - đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đây là sự tiếp nối đường lối và chiến lược CNH, HĐH đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, năm 1991 của Đảng. Song, do sự thay đổi nhanh chóng các điều kiện phát triển, cả ở trong nước và trên thế giới đòi hỏi phải có những tư duy mới về nội dung và phương thức thực hiện CNH, HĐH. Đại hội lần thứ X của Đảng đã xác định mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006-2010 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển văn hoá; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người. Đến năm 2010, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng gấp hơn 2,1 lần so với năm 2000. Trong những năm 2006-2010, mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5 – 8%/năm, phấn đấu đạt trên 8%/năm”. Để thực hiện được mục tiêu nói trên, nền kinh tế ở nước ta phải có lực lượng sản xuất đạt trình độ phát triển cao và có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại - đại công nghiệp cơ khí phát triển trên cơ sở khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Muốn vậy phải đẩy mạnh CNH, HĐH. Ngày nay, trên thế giới, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão, nhiều công nghệ mới ra đời, trong đó công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, nó đã và sẽ tiếp tục giữ vai trò tổng hợp trong sự tác động của con người đối với quá trình sản xuất và các hoạt động khác, đồng thời nó cũng đóng vai trò chuyển đổi một thời đại phát triển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế dựa vào tri thức. Và nền kinh tế dựa vào tri thức đến lượt nó lại mở đường cho các nền kinh tế đang phát triển tiếp nhận công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin để cơ cấu lại nền kinh tế coi phát triển công nghệ thông tin là hướng ưu tiên hàng đầu để hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện chiến lược phát triển rút ngắn thông qua các hoạt động tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, vốn và tri thức kinh doanh, kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Xu thế toàn cầu hóa kinh tế đang mở ra nhiều cơ hội đối với các quốc gia dân tộc trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Có thể kể ra các cơ hội sau đây: - Toàn cầu hóa kinh tế thúc đẩy nhanh sự phát triển lực lượng sản xuất, đưa lại sự tăng trưởng cao của nền kinh tế thế giới, theo đó nó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Đây là một cơ hội rất quan trọng cho sự phát triển của các nước. - Toàn cầu hóa kinh tế truyền bá và chuyển giao những thành quả mới về khoa học, công nghệ, về tổ chức và quản lý, về sản xuất và kinh doanh đưa kiến thức và kinh nghiệm đến với nhiều quốc gia dân tộc và đặc biệt là tạo tiền đề và điều kiện cho các quốc gia đi sau rút ngắn lộ trình CNH. - Toàn cầu hóa kinh tế mang lại những nguồn lực rất quan trọng và cần thiết cho các nước đang phát triển, tạo khả năng cho các nước này có thể phát triển rút ngắn, nhưng đồng thời nó cũng yêu cầu các nước đang phát triển phải xây dựng được chiến lược phát triển quốc gia theo hướng có khả năng “bắt nhịp” và “thích nghi” được với xu hướng phát triển hiện đại, nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa hơn. Rõ ràng là xu thế toàn cầu hóa kinh tế và sự phát triển kinh tế tri thức đang làm thay đổi mạnh mẽ nội dung và bước đi của quá trình CNH, HĐH và nó đòi hỏi CNH, HĐH ở những nước đi sau (như Việt Nam) phải đồng thời thực hiện hai quá trình: (1) Xây dựng nền công nghiệp theo hướng hiện đại. (2) Phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là hai nội dung của một quá trình diễn ra đồng thời và phải được thực hiện đồng thời. Đảng ta đã xác định: CNH, HĐH ở nước ta phải dựa vào tri thức, theo con đường đi tắt, rút ngắn. CNH, HĐH phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và từ một nền kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Từ một trình độ thấp về kinh tế và kỹ thuật, muốn đi lên nhanh, và phát triển theo hướng hiện đại cần kết hợp phát triển tuần tự với phát triển nhảy vọt. Nền kinh tế nước ta phải phát triển theo mô hình “lồng ghép”, một mặt, phải phát triển nông nghiệp và các ngành công nghiệp cơ bản, mặt khác, đồng thời phát triển những ngành kinh tế dựa vào tri thức và công nghệ cao. Trên thế giới ngày nay, công nghiệp hóa không chỉ gắn với các mục tiêu, giải pháp có “tính chất truyền thống”, mà phải đạt tới mục tiêu hiện đại và dựa trên các công cụ, giải pháp hiện đại. Theo nghĩa đó, công nghiệp hóa phải là quá trình hiện đại hóa. Vì thế, CNH, HĐH được hiểu là quá trình công nghiệp hóa với các mục tiêu và giải pháp phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển hiện đại. Nắm bắt được xu hướng phát triển hiện đại và trên cơ sở tổng kết thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta, Đại hội lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng XHCN”, “phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm. Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt”. Đại hội lần thứ X của Đảng đã khẳng định: “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Như vậy, có thể hiểu rằng, đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức là một phương thức CNH mới trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, của xu hướng toàn cầu hóa kinh tế đang gia tăng mạnh mẽ. Chỉ có đẩy nhanh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức mới có thể sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triến; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 2. Một số định hướng chủ yếu thực hiện CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức Thứ nhất, đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, với những vấn đề cơ bản sau đây. - Hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái nhiệt đới đa dạng sản phẩm hàng hóa, tỷ suất hàng hóa, chất lượng, năng suất và khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa phương. - Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng lao động làm nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động làm công nghiệp và dịch vụ. - Chuyển giao nhanh và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, các vùng chuyên hóa tập trung. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn phù hợp với điều kiện của từng vùng. - Xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất và đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Xây dựng nông thôn mới theo hướng dân chủ, công bằng, nông dân có cuộc sống no đủ, có đời sống văn hóa lành mạnh, có môi trường sạch. Thứ hai, phát triển kinh tế vùng - Đẩy mạnh CNH, HĐH đòi hỏi tập trung phát triển trước hết một số vùng có khả năng tăng trưởng mạnh nhất, tạo động lực lan tỏa đến các vùng khác trong nước. - Quy hoạch phát triển các vùng trọng điểm phải đặt trong quy hoạch phát triển tổng thể của cả nước và tạo các mối liên kết kinh tế cơ bản giữa các vùng và trong nội bộ từng vùng trên cơ sở phân công lao động, đưa vào lợi thế phát triển của mỗi vùng. - Cần đặc biệt quan tâm phát triển những vùng có thế mạnh tiềm năng tự nhiên cho phép tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập... Đồng thời, có cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các vùng còn nhiều khó khăn phát huy được tiềm năng của mình để phát triển nhanh, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, các vùng Tây Nguyên Tây Nam và Tây Bắc. Thứ ba, phát triển nhanh hơn công nghiệp xây dựng và dịch vụ - Khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế tác, công nghiệp phần mềm, công nghiệp bổ trợ có lợi thế cạnh tranh, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động. Phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế, nâng cao hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất. - Khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển mạnh các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; sản xuất tư liệu sản xuất quan trọng theo hướng hiện đại; ưu tiên thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế và các công ty xuyên quốc gia. - Trên cơ sở bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Phát triển công nghiệp năng lượng đi đôi với công nghệ tiết kiệm năng lượng. Hoàn chỉnh một bước cơ bản mạng lưới giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước... Tăng nhanh năng lực và hiện đại hóa bưu chính - viễn thông. - Phát triển vượt bậc các ngành dịch vụ. Phát triển nhanh khu vực dịch vụ đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với tiềm năng còn rất lớn của nước ta và xu hướng phát triển chung của thế giới; tận dụng tốt thời cơ hội nhập kinh tế để tạo bước phát triển vượt bậc của khu vực dịch vụ, đưa tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng GDP. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn và sức cạnh tranh cao. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống, mở mang các dịch vụ mới, nhất là những dịch vụ cao cấp, dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ ngân hàng theo kịp yêu cầu phát triển của thị trường tài chính, tiền tệ và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ độc quyền và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường dịch vụ. Thứ tư, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển - Phát triển nguồn nhân lực là khâu quyết định triển vọng của quá trình CNH, HĐH rút ngắn. Điều này thể hiện như sau: + Khắc phục những yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực nước ta để đạt mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế thành công và củng cố các cơ sở tăng trưởng bền vững. + Đây là cách thức đúng đắn để đạt mục tiêu phát triển con người. + Phát triển nguồn nhân lực chính là tạo lập cơ sở quan trọng để tiếp cận và phát triển kinh tế tri thức. Bởi vậy, chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải được xác định là một nội dung trung tâm của phát triển bền vững và của quá trình hiện đại hóa. Phát triển nguồn nhân lực cần được thực hiện theo hai hướng: Phát triển con người và hiện đại hóa khâu giáo dục, đào tạo. Ở đây, phát triển con người là nền tảng, hiện đại hóa giáo dục, đào tạo là trung tâm. Ở nước ta hiện nay, giáo dục, đào tạo còn lạc hậu và chưa thích ứng với việc hình thành nguồn nhân lực của quá trình hiện đại hóa. Do đó, hiện đại hóa giáo dục, đào tạo chứ không chỉ dừng ở cải cách là một vấn đề trọng tâm, mang tính tiên quyết của quá trình hiện đại hóa. Gắn với quá trình hiện đại hóa giáo dục, đào tạo, việc đầu tư cho giáo dục đào tạo trong mối quan hệ với hiện đại hóa nguồn nhân lực, được xem là đầu tư cho sản xuất, thuộc “ngành công nghiệp nặng” và là đầu tư mang tính hiệu quả nhất. - Phát triển khoa học và công nghệ phù hợp xu thế phát triển nhảy vọt của cách mạng khoa học và công nghệ. Chú ý đi ngay từ đầu vào công nghệ hiện đại đối với các lĩnh vực then chốt và từng bước mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, chú trọng đúng mức việc phát triển công nghệ sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm. Trong vấn đề này, có ba điểm nhấn quan trọng. a. Phát triển khoa học tự nhiên và công nghệ. Phát huy những năng lực nội sinh đi đôi với tiếp thu, làm chủ, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ thế giới. Phát triển các công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông, sinh học, vật liệu mới, tự động hóa và sản xuất các dạng năng lượng mới. Phát triển hệ thống thông tin quốc gia về nhân lực và công nghệ. b. Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ theo hướng Nhà nước đầu tư vào các chương trình nghiên cứu quốc gia đạt trình độ khu vực và thế giới, xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của một số lĩnh vực trọng điểm; xóa bỏ cơ chế hành chính bao cấp, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Huy động các thành phần kinh tế, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nâng cao chất lượng và khả năng thương mại của các sản phẩm khoa học và công nghệ; đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. c. Xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Có chính sách thu hút, trọng dụng các nhà khoa học, công nghệ tài giỏi ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 3. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN để đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức ở nước ta hiện nay Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng có ghi “Trong 5 năm tới, chúng ta chủ trương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức”. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN và đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức là hai nội dung có quan hệ thống nhất, hữu cơ của quá trình phát triển rút ngắn để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hưởng hiện đại. Có thể khẳng định rằng: “Công cuộc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ toàn diện và đồng bộ hơn trong những năm tới phải lấy việc hoàn thiện thế chế KTTT định hướng XHCN để phát huy tối đa nội lực, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là nội dung cơ bản. Việc hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, để thúc đẩy nhanh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, phải đảm bảo: Một là, thực hiện mục tiêu chiến lược của sự phát triển KTTT là “quá trình thực hiện dân giàu, nước mạnh tiến lên hiện đại trong một xã hội do nhân dân làm chủ, nhân ái, có văn hóa, có kỷ cương, xóa bỏ áp bức và bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”; “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Muốn vậy, phải có tăng trưởng và phát triển kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và quản lý có hiệu quả nền KTTT. Hai là, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh. Các chủ thể chế kinh tế thuộc các thành phần kinh tế cấu thành bộ phận quan trọng của thể chế kinh tể thị trường. Ở đây, các chủ thể kinh tế đóng vai trò “người chơi” trong nền kinh tế thị trường. Tư duy nhất quán của Đảng ta là các thành phần kinh tế, các chủ thể kinh tế không phân biệt hình thức sở hữu đều bình đẳng với nhau và bình đẳng trước pháp luật và Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên xã hội, mọi thành phần kinh tế phát huy cao độ tính năng động, sáng tạo, kinh nghiệm quản lý và nhân tài, vật lực để tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Về phát triển mạnh các thành phần kinh tế, chúng tôi muốn nhấn mạnh hai điểm: Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh:nghiệp nhà nước. Phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp tư nhân. Muốn thế cần phải: 1/ thừa nhận và khẳng định rằng: Phát triển kinh tế tư nhân trong nền KTTT định hướng XHCN là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Kinh tế tư nhân là một yếu tố cấu thành cơ bản và bình đẳng nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. 2/ Cần có một môi trường vĩ mô ổn định và thật sự mang tính khuyến khích phát triển đối với kinh tế tư nhân. Ba là, phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quản vận hành các thị trường cơ bản, theo cơ chế cạnh tranh tự do, lành mạnh. Trong nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta, các loại thị trường đang từng bước được hình thành, còn thiếu nhiều yếu tố tiềm ẩn đan xen, thị trường chưa được hình thành một cách đồng bộ. Do đó, phát triển đồng bộ hệ thống các loại thị trường cơ bản là một nội dung quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta. Để phù hợp với thể chế KTTT hiện đại, các loại thị trường: Hàng hóa và dịch vụ, sức lao động, tài chính, bất động sản, khoa học và công nghệ... tất yếu phải được hình thành và phát triển đồng bộ. Tính đồng bộ của các loại thị trường trong nền KTTT ở nước ta, bao gồm: a. Đồng bộ về các loại thị trường. b. Đồng bộ về các điều kiện để xây dựng và phát triển hệ thống thị trường hoàn chỉnh. c. Đồng bộ về trình độ phát triển. Để phát triển từng loại thị trường, cần có những giải pháp cụ thể, thích ứng với điều kiện của một nền kinh tế có điểm xuất phát thấp và đang trong giai đoạn chuyển đổi. Trong điều kiện đó, nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập các điều kiện môi trường cho các loại thị trường nhanh chóng hình thành và phát triển. Bốn là, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước KTTT định hướng XHCN muốn phát triển có hiệu quả cần có sự quản lý của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước trong nền KTTT phải phù hợp với điều kiện của cơ chế thị trường, phải tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan, nhà nước thông qua hệ thống pháp luật và các công cụ chính sách vĩ mô để điều tiết kinh tế thị trường. Vấn đề cơ bản là, đẩy mạnh cải cách bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý. Đổi mới và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế là điều kiện tiên quyết nhằm không ngừng nâng cao năng lực nhà nước, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế. Muốn vậy, phải xây dựng một nhà nước hiện đại, theo hướng: 1. Xây dựng bộ máy nhà nước với một cơ cấu hợp lý, gọn nhẹ có hiệu lực cao cả trong việc lập pháp, hành pháp, tư pháp và có hệ thống hành chính hiện đại. 2. Có đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực và thích ứng với xu thế phát triển hiện đại. 3. Có trang thiết bị làm việc hiện đại và một hệ thống thông tin hiện đại... hình thành chính phủ điện tử. 4. Có nền tài chính mạnh.

Theo Chu Văn Cấp, tạp chí Thông tin công tác tư tưởng lý luận, tháng 8/2006

  • Tweet
Tags:

Phản hồi

Ý kiến của bạn:(Không quá 1000 ký tự) Còn lại: 1000 ký tự

Thông tin người gửi phản hồi

  • Họ và tên*
  • Email*
  • Mã bảo vệ*

Các tin khác

  • Tư tưởng Hồ Chí Minh- đỉnh cao của trí tuệ, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
  • Nắm vững ngọn cờ lãnh đạo, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến thành công
  • Đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng
  • Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
  • Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng trong thời kỳ mới
  • Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng trong thời kỳ mới
  • Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển
  • Bài học lịch sử: Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
  • Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên
  • Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên(tiếp theo)
Chủ trương, chính sách mới

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tư liệu văn kiện Đảng
  • Lịch sử Đảng
  • Đảng kỳ
  • Điều lệ Đảng
  • Sách chính trị
  • Văn kiện Đảng toàn tập
  • Giới thiệu văn kiện Đảng
  • Văn kiện Đại hội Đảng
  • Hội nghị BCH Trung ương
Hồ sơ - Sự kiện - Nhân chứng
  • Phong trào cộng sản, công nhân quốc tế Phong trào cộng sản, công nhân quốc tế
  • Các nước, vùng lãnh thổ Các nước, vùng lãnh thổ
  • Tổ chức quốc tế Tổ chức quốc tế
  • Luật quốc tế Luật quốc tế
  • Sự kiện và nhân chứng Sự kiện và nhân chứng
Liên kết website Liên kết website Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trang tin điện tử Hồ Chí Minh Báo Nhân dân Tạp chí Cộng sản Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật CƠ QUAN CHỦ QUẢN: BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG. © 2018 Bản quyền thuộc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Địa chỉ: 381 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội Điện thoại: 08 048161 / 08 048160 / 08 048458 - Fax: 08 044175 Email: dangcongsan@cpv.org.vn Giấy phép số: 373/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông Thiết kế bởi Acomm Chịu trách nhiệm nội dung: Tổng Biên tập: Nguyễn Công Dũng Phó Tổng Biên tập Thường trực: Đỗ Thị Thu Hiên Phó Tổng Biên tập: Phạm Đức Thái Ủy viên Ban Biên tập: Vũ Diệu Thu; Lương Thị Thanh Hoa; Nguyễn Thị Mai Phương

Từ khóa » Sự Nghiệp Cnh Hđh đất Nước