Nỗ Lực Thi đua Làm Chủ Công Nghệ Viễn Thám

Năm 2007, Việt Nam đã lắp đặt và đưa vào vận hành Trạm thu Dữ liệu ảnh viễn thám đầu tiên. Khi đó, Trung tâm Thu nhận và xử lý ảnh viễn thám (nay là Đài Viễn thám Trung ương) đã được Trung tâm Viễn thám quốc gia (nay là Cục Viễn thám quốc gia) giao trách nhiệm vận hành Trạm thu Dữ liệu ảnh viễn thám và cung cấp dữ liệu tới người sử dụng trên toàn quốc. Trạm thu Dữ liệu ảnh viễn thám thu nhận dữ liệu của vệ tinh trong phạm vi bán kính 2.500 km tính từ vị trí được lắp đặt.

Trạm thu Dữ liệu ảnh viễn thám là một bước đột phá lớn, thúc đẩy sự phát triển ứng dụng công nghệ viễn thám ở nước ta, đặt nền móng cơ bản cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám ở tầm quốc gia. Kể từ đây, Việt Nam trở thành nước thứ 5 khu vực Đông Nam Á có Trạm Thu Dữ liệu ảnh viễn thám. Trạm thu đã cung cấp một khối lượng lớn ảnh viễn thám, giải quyết cơ bản các vấn đề về quản lý và giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, giám sát tác động của biến đổi khí hậu… 

Giai đoạn 2007 – 2013, với 5.629 cảnh SPOT 2, 81.338 cảnh SPOT 4, 35.458 cảnh, phủ trùm lãnh thổ Việt Nam và một phần các nước lân cận, độ phủ mây 0 – 25%, kích thước 60 x 60 km, dữ liệu thu nhận tại Trạm thu Dữ liệu ảnh viễn thám đã được ứng dụng, khai thác tại nhiều bộ, ngành và địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn, các tỉnh thành phố, các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Tiếp theo, năm 2013, Việt Nam đưa vệ tinh viễn thám đầu tiên VNREDSat-1 lên quỹ đạo, đồng thời tiếp nhận hệ thống xử lý ảnh VNREDSat-1 để cung cấp cho người sử dụng. Việc thu nhận dữ liệu từ vệ tinh VNREDSat-1 đã cho phép chúng ta chủ động hơn trong việc quan trắc, giám sát bằng viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Thu nhận và xử lý thành công ảnh chụp từ vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được công nhận là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là mốc quan trọng đánh dấu việc thu nhận, lưu trữ, khai thác, ứng dụng thông tin, dữ liệu và sản phẩm giá trị gia tăng từ ảnh VNREDSat-1, với số lượng 102.359 cảnh ảnh, độ phủ mây 0 – 25%, kích thước 17,5 x 17,5 km, cho mục đích dân sự và quốc phòng – an ninh.

Kết hợp dữ liệu ảnh viễn thám Pléiades 1A và Pléiades 1B (độ phân giả 0,5 m, kích thước 20 x 20 km) với ảnh của hệ thống vệ tinh SPOT 6 được phóng tháng 9 năm 2013 và vệ tinh SPOT 7 được phóng vào tháng 6 năm 2014 cao (độ phân giải 1.5 m), tạo thành một chùm vệ tinh quan sát trái đất cung cấp ảnh viễn thám với độ phân giải cao. Điều đáng chú ý là khả năng cung cấp ảnh của chùm vệ tinh này là rất lớn, có thể cung cấp ảnh theo sơ đồ khách hàng đặt thay vì theo dải như các thế hệ vệ tinh SPOT trước đây. Tuy nhiên, thời điểm đó, công nghệ cũng như trang thiết bị của Trạm thu Dữ liệu ảnh viễn thám chưa tương thích trong việc thu nhận và xử lý ảnh SPOT6,7.

Hình ảnh Sơ đồ cảnh ảnh SPOT 6/7 phủ trùm lãnh thổ Việt Nam và lân cận 

Từ năm 2020, một loạt các nhiệm vụ quan trọng được tổ chức thực hiện song song nhằm đảm bảo tiến độ thi công bao gồm nhiệm vụ đặc thù Bảo trì Trạm thu Dữ liệu ảnh viễn thám; nâng cấp hệ thống thu tín hiệu vệ tinh và cung cấp chế độ truy cập mở trực tiếp SPOT 6/7” và “Hệ thống quản lý dữ liệu và xử lý ảnh hiệu năng cao” thuộc Tiểu dự án 3 “Xây dựng Hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám”.

Đến thời điểm hiện tại, nguồn dữ liệu quan trọng bổ sung cho sự thiếu hụt dữ liệu ảnh viễn thám chất lượng cao hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam với 68 cảnh ảnh Pléiades 1A/1B và 1.894 cảnh ảnh SPOT 6/7 đã thu nhận và cung cấp đến các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ tại các bộ, ngành, địa phương, sự kiện “Thu nhận tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7 độ phân giải cao, đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội”.

Đây là một trong số hệ thống thu nhận tín hiệu vệ tinh chủ lực để cung cấp ảnh viễn thám phục vụ công tác quản lý nhà nước, quan trắc, giám sát và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường hiện nay. Theo đó thành tích đạt được công nhận là một trong những sự kiện tiêu biểu ngành tài nguyên và môi trường năm 2021.

Mặc dù ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid 19, Đài Viễn thám Trung ương cùng các đối tác quốc tế, cụ thể các chuyên gia của Pháp trao đổi, hướng dẫn đào tạo kỹ thuật, tiếp nhận công nghệ, thiết bị và được lắp đặt hoàn thiện, vận hành đồng bộ, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đặc biệt, kinh nghiệm từ đợt nâng cấp hệ thống để thu nhận vệ tinh VNREDSat-1 đã quản lý, vận hành hệ thống thành thạo từ lập chương trình chụp ảnh đến thu nhận, xử lý tín hiệu ra sản phẩm ảnh, phân phối sản phẩm, sử dụng các dịch vụ bảo trì và đưa các hệ thống vào sản xuất ngay năm 2021. Trạm thu Dữ liệu ảnh viễn thám hiện đã sẵn sàng về chuyên môn khi đối mặt với những thách thức từ việc tổ chức vận hành, bảo trì và xử lý song song hai hệ thống thu nhận và xử lý tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7, VNREDSat-1 và các loại dữ liệu khác; đồng thời khẳng định năng lực ứng dụng, vận hành, khai thác, sử dụng công nghệ viễn thám.

Thời gian tới, Đài Viễn thám trung ương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng đơn vị điển hình tiên tiến thông qua các hoạt động chính như tăng cường phối hợp, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám; phổ biến rộng các sản phẩm viễn thám cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu… 

Từ khóa » Cục Viễn Thám Quốc Gia