Nỏ Thần Không Chỉ Là Truyền Thuyết - Tiền Phong

Huyền thoại và lịch sử

Tại hội thảo đầu tháng 8, các nhà khoa học quân sự và sử học, khảo cổ học đều ghi nhận sáng chế của Vũ Đình Thanh. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học cho rằng qua cuộc trình diễn này càng chứng minh nỏ Liên Châu (nỏ thần An Dương Vương) là có thật. “Thực tế chúng ta tìm ra lò đúc, khuôn đúc, kho mũi tên. Ở thành Cổ Loa, chúng ta còn tìm thấy hệ thống lò đúc liên hoàn, nó không chỉ đúc tên đồng mà đúc vũ khí của An Dương Vương. Và tìm thấy khuôn đúc lao đồng nhưng chưa tìm được chiếc nỏ nào bắn được chục hay trăm phát một lúc. Do đó nếu giải mã xong nỏ thần bắn thế nào thì câu chuyện nỏ thần sẽ trở nên sinh động”, PGS.TS Tống Trung Tín nói.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lưu ý, chuyện nỏ thần An Dương Vương được chép lại từ lâu, từ thế kỷ thứ 4 sử Trung Quốc cũng ghi rõ, chỉ có điều đôi khi được thần thánh hóa hơn. Từ bộ Việt sử lược thời Trần cũng ghi rõ câu chuyện này, nhưng ngày càng được bồi đắp thêm nhiều chi tiết huyền thoại hóa dẫn tới việc làm lu mờ yếu tố lịch sử.

“Gần đây chúng ta phát hiện mũi tên đồng, kho đúc mũi tên đồng tại khu vực Cổ Loa. Nếu nguyên lý của kỹ sư Vũ Đình Thanh nghiên cứu hợp lý và nỏ có thể bắn thì rõ ràng càng chứng minh chuyện nỏ thần là thật, An Dương Vương có thật, nước Âu Lạc có thật và thời đại Hùng Vương là có thật. Đó là câu chuyện lớn của lịch sử Việt Nam”, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc nói.

GS Nguyễn Quang Ngọc lưu ý, chuyện dựng nỏ thần thời nay không phải vấn đề lớn, tuy nhiên cần đặt vào bối cảnh cách nay 2.300 năm. Ông cho rằng, để có cái nhìn đa chiều và đa diện hơn về việc phục dựng lại nỏ Liên Châu thời An Dương Vương, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu liên ngành như sử học, khảo cổ học, dân tộc học, kỹ thuật quân sự. Năm ngoái, các nhà khoa học đầu ngành tổ chức hội thảo lớn để làm rõ về thời đại Hùng Vương, thông qua các bằng chứng về lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học...

Từ khóa » Cái Nỏ Thần