1. Tác giả: PGS. TS. Phạm Hồng Tung 2. Giới thiệu tóm tắt công trình Do tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử to lớn của nó mà cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã trở thành đề tài nhận được sự quan tâm sâu sắc của giới nghiên cứu lịch sử ở trong và ngoài nước. Cho đến nay, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu công phu của các nhà sử học Việt Nam và nước ngoài được công bố bằng nhiều thứ tiếng khác nhau đề về đề tài này. Tuy nhiên, dù tiếp cận vấn đề từ những góc độ khác nhau, hầu hết các tác giả đều chỉ quan tâm nghiên cứu quá trình nhân dân Việt Nam trong thời kỳ Thế chiến II đã nỗ lực vùng lên tự giải phóng mình và lập nên chính quyền cách mạng như thế nào mà thôi. Điều đáng ngạc nhiên là trong hầu hết các nghiên cứu đã được công bố, đối tượng của cuộc Cách mạng tháng Tám chỉ được quan tâm ở mức độ rất hạn chế. Cho dù ách chiếm đóng của quân đội Nhật Bản, chế độ và chính sách cai trị của tập đoàn thống trị thực dân Pháp tại Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới II đã được khảo cứu khá sâu sắc trong một số công trình của các học giả Việt Nam và nước ngoài thì những câu hỏi vô cùng quan trọng sau đây vẫn còn dường như bỏ ngỏ hoàn toàn, hoặc nói chính xác hơn là chưa có lời giải đáp thỏa đáng, đó là: trong quá trình lực lượng yêu nước và cách mạng giành chính quyền thì quyền lực chính trị nào đã bị thủ tiêu, chính quyền nào đã bị lật đổ, chính quyền bị lật đổ đó có lịch sử và hoạt động ra sao, bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của nó nên được đánh giá như thế nào cho thỏa đáng? Chừng nào những câu hỏi trên đây chưa được trả lời một cách thỏa đáng thì những gì chúng ta đã biết, đã trình bày về lịch sử cuộc Cách mạng tháng Tám nói riêng và lịch sử Việt Nam cận - hiện đại nói chung vẫn còn một “khoảng trống” không nhỏ, và do vậy những đánh giá, luận giải về tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám vẫn còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, toàn diện và chưa thật chắc chắn. Trên thực tế thì trong quá trình lực lượng yêu nước và cách mạng giành chính quyền ở nửa sau tháng Tám năm 1945, hệ thống chính quyền bản xứ do Hoàng đế Bảo Đại và Nội các Trần Trọng Kim đứng đầu đã bị lật đổ trên phạm vi toàn quốc, tất cả các cấp, từ thành thị tới nông thôn. Vậy thì bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim và hệ thống chính quyền bản xứ đã bị cách mạng lật đổ đó cần phải được đánh giá như thế nào? Đó chính là lý do chủ yếu đã thôi thúc Phạm Hồng Tung đi sâu tìm hiểu về lịch sử ra đời, hoạt động, bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim. Trong hầu hết các công trình nghiên cứu đã công bố về cuộc Cách mạng tháng Tám và về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1940-1945, các tác giả đều đã có đề cập đến lịch sử và hoạt động của Nội các Trần Trọng Kim dưới những góc nhìn khác nhau, nhưng nhìn chung còn mới chỉ dừng lại ở mức độ khá giản lược. Có thể nói chưa bao giờ lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim và hệ thống chính quyền thuộc địa do nó chỉ huy được coi là một đối tượng nghiên cứu độc lập của các nhà sử học Việt Nam và nước ngoài. Trong các công trình đã công bố, cho tới nay nó chỉ được coi như một đối tượng nghiên cứu phụ mà thôi. Và đặc biệt, cách nhìn nhận, đánh giá của giới học giả ở Việt Nam và ở nước ngoài về bản chất, vai trò và địa vị lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim cũng rất khác nhau. Trong khi nhiều tác giả coi Nội các Trần Trọng Kim là chính phủ bù nhìn, thân Nhật, là tay sai của phát xít Nhật, vừa phản dân tộc, vừa phản dân chủ, thì trái lại, một số tác giả lại đề cao Nội các này, cho rằng nó là một chính phủ dân tộc của các trí thức yêu nước, đấu tranh vì nền độc lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia, thậm chí nó đã khởi xướng một cuộc cách mạng ở Việt Nam. Ôn hòa hơn là loại quan điểm thứ ba của một số học giả Việt Nam và nước ngoài cho rằng Nội các Trần Trọng Kim là một chính phủ của những nhà cải cách kỹ trị có tinh thần dân tộc, nhưng bất lực trước nhiệm vụ lịch sử của nó. Đứng trước tình hình đó, mục đích của công trình này là nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc và cụ thể hoàn cảnh, nguyên nhân ra đời, các chủ trương, chính sách và hoạt động của Nội các Trần Trọng Kim, để đi tới những cách đánh giá mới về bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của nó, thông qua đó góp phần mang lại nhận thức mới, đầy đủ và xác thực hơn về lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Để giải quyết những nhiệm vụ phức tạp nói trên, Phạm Hồng Tung đó dày cụng khai thỏc, xử lý và sử dụng nhiều ngồn sử liệu khỏc nhau. Tỏc giả đó tham bỏc rộng rói, kế thừa cú chọn lọc hàng chục cụng trỡnh nghiờn cứu của cỏc học giả Việt Nam và nước ngoài. Đồng thời, nhờ được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp trong và ngoài nước, tác giả đó khai thỏc, xử lý và đưa vào sử dụng trong công trỡnh này nhiều nguồn sử liệu mới cú giỏ trị, đặc biệt là các tài liệu lưu trữ do các nhà nghiên cứu Nhật Bản cung cấp. Vỡ vậy, cú thể núi một trong những yếu tố tạo nờn giỏ trị học thuật đặc biệt cho cụng trỡnh nghiờn cứu này của Phạm Hồng Tung chớnh là cơ sở sử liệu phong phú, đa dạng được tác giả xử lý một cỏch chuyờn nghiệp, cẩn trọng. Về cách tiếp cận, vì đây là một chuyên khảo lịch sử, nên trên căn bản nghiên cứu này dựa trên hệ thống các phương pháp đặc thù của khoa học lịch sử, trong đó, mỗi sự kiện, từng quá trỡnh hay nhõn vật lịch sử đều được phục dựng, trỡnh bày và kiến giải trong phối cảnh của cỏc mối liờn hệ lịch đại và đồng đại. Mỗi phán đoán của tác giả đều dựa trên những cứ liệu chắc chắn. Đồng thời, tác giả cũng ý thức đầy đủ rằng đối tượng nghiên cứu lại mang tính đặc thù, bởi đó là một thiết chế chính trị cụ thể nên các phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận của khoa học chính trị hiện đại cũng đã được phối hợp vận dụng ở những mức độ nhất định. Sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa các phương pháp nghiên cứu của khoa học lịch sử với các cách tiếp cận của khoa học chính trị hiện đại đã làm cho công trình của Phạm Hồng Tung bộc lộ tính chất liên ngành rõ ràng và đây chính là một trong những yếu tố quan trọng đưa lại những đóng góp học thuật mới, có giá trị của công trình. Về kết cấu, công trình này gồm có ba chương nội dung. Tại chương thứ nhất, tác giả tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ hoàn cảnh lịch sử dẫn tới sự ra đời của Nội các Trần Trọng Kim. Như Phạm Hồng Tung đã chỉ ra một cách xác đáng, rằng trong nhiều nghiên cứu trước đây, nhất là các nghiên cứu đã được công bố ở Việt Nam, vấn đề này còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Ở đó, Nội các Trần Trọng Kim được trình bày như thể nó đột ngột “hiện ra” sau cuộc đảo chính Nhật – Pháp (9.3.1945). Chính cách trình bày như vậy làm cho việc tìm hiểu về bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim gặp khó khăn, và đây chính là một trong những lý do dẫn đến những cách kiến giải khác nhau về đối tượng nghiên cứu này. Trong công trình của Phạm Hồng Tung, sự ra đời của Nội các Trần Trọng Kim, trái lại, được đặt trong một bối cảnh rộng lớn của cuộc Thế chiến II và đặc biệt là trong diễn trình lịch sử của cuộc vận động giải phóng dân tộc Việt Nam từ 1940 đến 1945 để xem xét và phân tích. Dựa trên nhiều nguồn tài liệu, nhất là các sử liệu do các nhà nghiên cứu Nhật Bản cung cấp, Phạm Hồng Tung đã chỉ ra, rằng sự ra đời của Nội các Trần Trọng Kim là sự hiện thực hóa một trong số các phương án thống trị Việt Nam của phát xít Nhật, hơn nữa phương án này đã được chuẩn bị khá kỹ càng từ khoảng gần hai năm trước khi cuộc đảo chính Nhật – Pháp xảy ra. Theo nghiên cứu của tác giả thì trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới II, giới lãnh đạo Nhật Bản ở Tokyo và ở Đông Dương không ngừng tranh cãi và cân nhắc về chính sách của họ đối với Đông Dương thuộc Pháp nói chung và đối với phong trào dân tộc chủ nghĩa của người Việt Nam nói riêng. Cuối cùng thì sự lựa chọn chính sách của người Nhật bao giờ cũng hướng tới mục tiêu tối hậu và duy nhất của họ là phục vụ cho các nỗ lực chiến tranh của họ. Đây chính là nguyên nhân mà người Nhật đã quyết định không lật đổ mà lại cộng tác với thực dân Pháp để cùng cai trị và bóc lột Đông Dương cho đến đầu năm 1945. Hệ quả của chính sách này chính là việc ủng hộ nửa vời của người Nhật đối với các nhóm “dân tộc chủ nghĩa thân Nhật” của người Việt Nam. Do đó, trong so sánh với các nước Đông Nam Á khác, ở Việt Nam các nhóm thân Nhật đều tương đối yếu và phân tán. Từ khi diễn biến cuộc Thế chiến II ngày càng trở nên bất lợi cho Nhật Bản, và đến đầu năm 1945, trước thế thua toàn diện, quân Nhật quyết định tiến hành đảo chính lật đổ thực dân Pháp để loại trừ âm mưu đánh tập hậu của Pháp, bảo đảm an toàn cho cây cầu chiến lược Đông Dương mà lúc đó đã trở nên có ý nghĩa sống còn với quân Nhật trên toàn cõi Đông Á. Nhưng vấn đề mới được đặt ra là: quân Nhật sẽ cai trị Việt Nam như thế nào sau khi lật đổ người Pháp. Lúc này người Nhật mới phải cân nhắc lựa chọn nhóm thân Nhật nào của người bản xứ để trao cho việc lập chính phủ bù nhìn. Theo nghiên cứu của Phạm Hồng Tung thì ở vào thời điểm đầu năm 1945 quân Nhật có trong tay một số lựa chọn. Trong đó, phương án Cường Để - Ngô Đình Diệm được nhiều chính khách ngoại giao Nhật ủng hộ, bởi phương án này có sự hậu thuẫn của Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh hội và hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo. Trên thực tế thì đây là nhóm thân Nhật mạnh nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, giới quân sự Nhật tại Đông Dương đã kiên quyết phản đối phương án này, vì lo ngại sẽ gây ra những đảo lộn ở Việt Nam và điều này là bất lợi cho việc phòng thủ lúc đó của quân Nhật. Đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho tất cả các nhóm thân Nhật tương đối có thực lực ở Việt Nam bị người Nhật loại bỏ và phương án Bảo Đại – Trần Trọng Kim vốn chỉ là một phương án dự bị đã được người Nhật lựa chọn. Đó chính là bối cảnh lịch sử dẫn đến việc ra đời của Nội các Trần Trọng Kim. Kết quả nghiên cứu ở chương này sẽ là cơ sở để trình bày và phân tích các vấn đề ở chương thứ hai và chương thứ ba. Trong chương thứ hai, tác giả đã trình bày khá chi tiết các chủ trương, chính sách và hoạt động của Nội các Trần Trọng Kim từ khi nó chính thức được Hoàng đế Bảo Đại phê chuẩn (ngày 17 tháng tư năm 1945) cho tới phiên họp cuối cùng của nó (vào ngày 23 tháng 8 năm 1945). Đây cũng là vấn đề mới chỉ được trình bày khá giản lược trong các nghiên cứu đã được công bố ở Việt Nam và ở nước ngoài. Trên cơ sở phối hợp khai thác thông tin từ nhiều nguồn sử liệu, tác giả đã cố gắng trình bày những vấn đề trên một cách cụ thể, nêu rõ kết quả và tác động của từng chủ trương, chính sách và từng hoạt động chính của Nội các. Đây chính là cơ sở hết sức quan trọng cho việc phân tích, đánh giá về Nội các Trần Trọng Kim ở chương thứ ba. Mặc dù đã cố gắng, nhưng do còn chưa khai thác được đủ cơ sở dữ liệu cần thiết nên hoạt động của các cấp chính quyền bản xứ ở các địa phương chỉ được đề cập đến ở mức độ hạn chế. Trong tương lai, nếu tác giả tiếp tục đầu tư công sức để phục dựng và làm rõ các hoạt động của bộ máy chính quyền bản xứ ở Việt Nam tại tất cả các cấp và các địa phương, đặc biệt là mối tương tác giữa các cấp chính quyền địa phương với bộ máy chỉ huy trung ương, tức là Nội các Trần Trọng Kim, thì những luận giải của tác giả về bản chất, vai trò và vị trí lịch sử của hệ thống chính quyền đó trong diễn trình lịch sử dân tộc chắc chắn sẽ sáng rõ và vững chắc và đầy đủ hơn. Chương thứ ba là chương quan trọng nhất của toàn bộ công trình, trong đó Phạm Hồng Tung tập trung trình bày kỹ những cách đánh giá khác nhau về Nội các Trần Trọng Kim và đề xuất những kiến giải, đánh giá riêng của ông về vấn đề này. Như Phạm Hồng Tung cho biết, để đảm bảo một sự công bằng nhất định với lịch sử của Nội các, tác giả có dành cho “tiếng nói của những người trong cuộc” một không gian nhất định. Đây là điều khác biệt so với những nghiên cứu trước đây khi đề cập đến Nội các này, đồng thời cũng là một minh chứng cho thái độ thận trọng, tôn trọng sự thật lịch sử của tác giả. Trong nghiên cứu của mình, Phạm Hồng Tung dẫn ra ý kiến của ba nhân vật có thể được coi là tiêu biểu cho “tiếng nói của những người trong cuộc”. Đó là các ý kiến của Trần Trọng Kim – người đứng đầu Nội các, Hoàng Xuân Hãn – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghệ thuật, và Phan Anh – nguyên Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Cũng vẫn với thái độ khách quan, thận trọng, tác giả chủ ý chỉ dẫn lại mà hầu như không bình luận gì về các ý kiến của ba nhân vật nói trên được trình bày trong các bài hồi ký, hồi tưởng hay trả lời phỏng vấn của họ. Tuy được nêu ra trong các thời điểm khác nhau và trong những bối cảnh như nhau, nhưng cả ba nhân vật này đều có ý thức rất rõ đối với việc bào chữa, biện minh cho sứ mệnh và lịch sử của Nội các, trong đó, cả ba người đều ra sức phủ nhận bản chất bù nhìn, vai trò là tay sai của phát xít Nhật, đồng thời cố gắng chứng minh tính chất yêu nước, phụng sự dân tộc của Nội các. Tiếp đó, Phạm Hồng Tung lần lượt trình bày ý kiến đánh giá, nhận định của giới nghiên cứu phương Tây, Nhật Bản và Việt Nam về Nội các Trần Trọng Kim. Để đảm bảo tính khách quan, tác giả chỉ nêu ra những nhận định và đánh giá của người đi trước mà cố gắng không bình luận gì thêm, trừ khi thật cần thiết. Tựu trung lại, có ba loại ý kiến, tiêu biểu cho ba cách đánh giá khác nhau của giới nghiên cứu về lịch sử của Nội các Trần Trọng Kim. - Loại ý kiến thứ nhất chủ yếu là của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam, trong đó tiêu biểu nhất là ý kiến của Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu, hai trong số những nhà sử học có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam. Theo đó, Nội các Trần Trọng Kim bị coi là chính phủ bù nhìn, thân Nhật, là tay sai của phát xít Nhật trong việc thống trị và áp bức nhân dân Việt Nam. Do đó Nội các này là đối tượng cần phải đánh đổ của cách mạng Việt Nam. Cho dù trong những năm vừa qua giới nghiên cứu ở Việt Nam đã bắt đầu điều chỉnh lại cách đánh giá này, nhưng nhìn chung, đây vẫn được coi là “ý kiến chính thống”, tiếp tục được đưa vào sách giáo khoa lịch sử cho tới tận năm 2008. - Loại ý kiến thứ hai gần như tương phản hoàn toàn với loại ý kiến thứ nhất. Tiêu biểu cho loại ý kiến này là một số nhà sử học ở nước ngoài, nổi bật nhất là Vũ Ngự Chiêu (và mới đây nhất là Phạm Cao Dương). Theo một số nhà nghiên cứu này thì Nội các Trần Trọng Kim là một chính phủ dân tộc chủ nghĩa, có tinh thần yêu nước. Trong tình thế rất khó khăn, Nội các này đã phát động và tiến hành một “cuộc cách mạng từ bên trên” với nhiều chính sách yêu nước, tiến bộ. Theo logic đó, việc các lực lượng yêu nước và cách mạng do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo lật đổ Nội các Trần Trọng Kim trong tháng Tám năm 1945 là một việc làm không cần thiết, thậm chí là đáng lên án. - Loại ý kiến thứ ba tỏ ra ôn hòa hơn, chủ yếu do các nhà sử học Nhật Bản và phương Tây đề xuất, coi Nội các Trần Trọng Kim là một chính phủ của những nhà cải cách kỹ trị do người Nhật bảo trợ (sponsored). Dù đã cố gắng ban hành những chính sách cải cách tiến bộ, nhưng do nhiều nguyên nhân mà Nội các này đã dường như bất lực hoàn toàn trước nhiệm vụ lịch sử của nó. Đó là lý do nó tự tan rã và sụp đổ trong nửa sau tháng Tám năm 1945. Trong phần cuối cùng, Phạm Hồng Tung đề xuất cách đánh giá mới của mình về bản chất, vai trò, những đóng góp tích cực và những hạn chế của Nội các Trần Trọng Kim, trên cơ sở đó nêu ý kiến đánh giá về địa vị lịch sử của Nội các này và hệ thống chính quyền bản xứ do nó lãnh đạo. - Về bản chất của Nội các Trần Trọng Kim, tác giả cho rằng Nội các Trần Trọng Kim và hệ thống chính quyền bản xứ tồn tại ở Việt Nam từ sau cuộc đảo chính Nhật- Pháp cho tới Cách mạng tháng Tám chính là một hệ thống chính quyền bù nhìn của người Nhật, do người Nhật dựng nên nhằm phục vụ mục tiêu chiếm đóng và tác chiến của quân đội Nhật. Tính chất bù nhìn của chính phủ này không những được Phạm Hồng Tung chỉ ra một cách thuyết phục với những sử liệu xác thực khi phân tích nguyên nhân và quá trình ra đời của Nội các, mà còn được ông chỉ ra khi phân tích chính những thông tin lộ ra trong cuốn hồi ký “Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim. Thông qua cách thức luận giải theo kiểu “lấy gậy ông đập lưng ông” của Phạm Hồng Tung, bản chất bù nhìn của Nội các Trần Trọng Kim đã trở nên hết sức rõ ràng như một sự thật lịch sử hiển nhiên, không thể biện bác. - Tuy nhiên, khi luận về vai trò của Nội các Trần Trọng Kim, tác giả lại cho rằng Nội các này chỉ là một chính quyền bù nhìn thụ động, không phải là chính quyền tay sai đắc lực của người Nhật. Khác với các chính phủ bù nhìn thân Nhật ở các nước khác trong khu vực, trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình, Trần Trọng Kim và Nội các do ông đứng đầu đã không tiến hành những hành động chống lại phe Đồng Minh, không hề tham gia tác chiến cùng quân Nhật hoặc hậu thuẫn cho quân Nhật. Những lời cáo buộc trước đây, rằng Nội các này tiếp tục giúp Nhật “nhổ lúa, trồng đay”, “thu thóc tạ”, “tăng thuế” hay “đàn áp cách mạng” đều không có cơ sở sử liệu xác thực. Vì vậy, sẽ không thỏa đáng khi cho rằng Nội các Trần Trọng Kim là “tay sai” của phát xít Nhật. Đồng thời, trong nghiên cứu của mình, Phạm Hồng Tung đã chỉ ra rằng ngoại trừ Trần Trọng Kim là quân bài đã được phát xít Nhật chuẩn bị bí mật từ trước, dự bị cho chính sách cai trị Việt Nam của chúng sau khi lật đổ thực dân Pháp thì hầu như tất cả các thành viên khác của Nội các đều là những trí thức danh tiếng và yêu nước chân thành. Tuy chỉ có rất ít kinh nghiệm hoạt động chính trị và mặc dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, Nội các này đã làm được một số việc có lợi cho dân tộc, cho nhân dân Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu nhất là việc họ đã góp phần to lớn trong việc khuấy động không khí và tinh thần yêu nước của các tầng lớp dân chúng, nhất là thanh niên. Đồng thời, những nỗ lực và đóng góp không nhỏ của Nội các trong việc đấu tranh góp phần bảo vệ chủ quyền, thống nhất quốc gia là rất đáng được ghi nhận. Mặc dù chỉ là một chính phủ bù nhìn thụ động, không phải là tay sai của phát xít Nhật, thậm chí còn có những đóng góp khá quan trọng cho lợi ích dân tộc, nhưng với việc Nội các Trần Trọng Kim công khai đứng về phe Trục trong Thế chiến II đã hoàn toàn tước bỏ tính chính đáng chính trị (political legitimation) của nó khi phe Trục bị bại trận. Vì vậy, trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam và thế giới nửa sau tháng 8 năm 1945, nhân dân Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là vùng lên lật nhào toàn bộ hệ thống chính quyền bản xứ thân Nhật để giành lấy độc lập thực sự và chỉ có như vậy, nhân dân Việt Nam mới có cơ sở và vị thế pháp lý quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình. Không những tự tước bỏ tính chính đáng chính trị mà do Nội các đã thất bại trong việc thực thi một loạt các chính sách do nó tự đề ra, đặc biệt là nó đã bất lực trong việc giải quyết nạn đói ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ mà nội các này đã dần dần mất hết uy tín chính trị trong dân chúng Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nó tự tan rã và sụp đổ vào tuần cuối tháng Tám năm 1945, mở đường thuận lợi cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi nhanh chóng. Từ những lập luận đó, Phạm Hồng Tung cho rằng việc nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, trong quá trình tiến hành tổng khởi nghĩa vào nửa sau của tháng 8 năm 1945, đã thực hiện thành công việc trung lập hóa quân Nhật và lật đổ chính quyền bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim chính là phương thức “lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật” một cách sáng tạo, dũng cảm và khéo léo nên đã thành công “nhanh gọn và ít đổ máu”. Đó cũng là kết luận của công trình nghiên cứu này và cũng là cách tác giả góp phần làm sáng tỏ tính chất dân tộc và dân chủ cũng như tầm vóc to lớn của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tóm lại, cuốn sách “Nội các Trần Trọng Kim – bản chất, vai trò và vị trí lịch sử” của Phạm Hồng Tung là một chuyên khảo lịch sử, công phu, nghiêm túc với nhiều đóng góp học thuật mới, có ý nghĩa chính trị quan trọng, xứng đáng nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc. 1. Project Title: “The Tran Trong Kim’s Cabinet: Nature, Role and Historic Position” 2. Full name of author/group of authors: Pham Hong Tung 3. Abstract of the project During the last over 60 years there have been hundreds of research works published in Vietnam and abroad dealing with the history of Vietnam from 1939-45 and with the history of the Vietnamese August Revolution. However, there has still existed a very important problem unsolved: which power was in fact overthrown by the Vietnamese during the Vietnamese August Revolution of 1945? This studies is aimed to solve this problem. Based on newly collected documents and facts, Pham Hong Tung pointed out clearly in this work that the power that was overthrown in August 1945 were the Tran Trong Kim’s Cabinet and the indigenous political system headed by it. Furthermore, the author tries to provide the readers with a detailed history of the cabinet and then compares the existing interpretations concerning its nature, historic role and position, Finally, the author proposes a new balanced way to interpret the history of the cabinet and the August Revolution in Vietnam. The study is really a new significant contribution to understanding of a very important period of Vietnamese modern history. It also provides an alternative way to interpret Vietnamese political history, particularly the issues cobcerning the political movements during the Japanese occupation and the birth of Vietnamese nation-state after the Second World War. |