Nỗi Dằn Vặt Của Một Cô Giáo đi Tù Vì Tội Lừa đảo - Công An Nhân Dân

  • Nỗi ân hận của phạm nhân 6 năm không nhận tội giết người

Cái giá của tội ham làm giàu nhưng thiếu hiểu biết

Tôi gặp Phạm Thị Vịnh trong xưởng sản xuất của phạm nhân ở Trại giam Ngọc Lý và bị ấn tượng ngay bởi gương mặt trẻ hơn tuổi của chị ta. Dường như biết chúng tôi đang nhìn mình, Vịnh cười, để lộ hàm răng trắng bóc.

"Ngày con gái chắc chị xinh lắm nhỉ?", chúng tôi hỏi. Vịnh cười bảo không biết. Hỏi tại sao, nữ phạm nhân này cười xòa: "Thì ngày đó tôi chỉ nhận yêu có một người, ra trường là cưới luôn nên không biết có được nhiều người theo đuổi hay không".

Xấp xỉ tuổi ngũ tuần nhưng Vịnh được trời phú cho nước da đẹp, hàm răng trắng và khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu. Thế nên ngày mới vào trại, Vịnh được mọi người trong phân trại tặng cho danh hiệu hoa khôi, người đẹp không tuổi.

"Tôi kinh doanh vận tải hành khách, vì thiếu vốn nên phải vay mượn… Nói chung là không đúng thời điểm thôi chứ việc kinh doanh không hề thua lỗ", Vịnh kể về hành trình dẫn tới ngày vào trại giam. Theo lời Vịnh thì đó là một công việc mà chị ta đam mê sau nhiều năm trời nghiên cứu, tìm hiểu.

"Tôi yêu nghề dạy học nhưng luôn ao ước được làm thêm một việc gì đó để cho mọi người biết rằng ngoài việc dạy học ra, tôi còn có khả năng kinh doanh nữa. Chính vì thế mà trước khi bắt tay vào việc mở công ty taxi, kinh doanh vận tải hành khách, tôi bỏ không ít thời gian tìm hiểu và cân nhắc. Sau khi tính toán thiệt hơn, tôi mới quyết định đầu tư vào công việc này. Tôi vay vốn của mọi người để làm một công việc hoàn toàn chính đáng, trong sạch", Vịnh thổ lộ.

Phạm nhân Phạm Thị Vịnh.

Một chiếc taxi, nhẹ nhàng cũng phải đầu tư vài trăm triệu và một công ty thì không thể có một vài chiếc. Thế nên Vịnh phải đi vay tiền. Chị ta huy động vốn từ nhiều phía, từ anh em, bạn bè, đồng nghiệp và cả vay ngân hàng. Thậm chí có thời điểm Vịnh phải vay nóng, lãi cao nhưng thời gian ngắn. Công việc đang làm ăn thuận lợi thì những người cho vay đòi tiền dù Vịnh hứa tăng lãi suất.

"Thời điểm đó do thị trường bất động sản giảm sút, nhiều chủ hụi vỡ nợ, trốn nợ khiến những người cho tôi vay tiền lo sợ nên đồng loạt đòi rút vốn. Tiếc công mình bao năm gây dựng công ty, tôi cố co kéo, vay chỗ nọ bù đắp chỗ kia, đến lúc mất cân đối thì không còn khả năng thanh toán", Vịnh kể.

Bán hết nhà cửa, tài sản để trả nợ nhưng cũng không hết, Phạm Thị Vịnh đã phải hầu tòa với số tiền còn nợ là 8,7 tỷ đồng và 3 cây vàng. Với số tiền này, Vịnh bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và nhận án tù chung thân. Vịnh về Trại giam Ngọc Lý cải tạo, tính đến nay đã gần chục năm rồi.

Nhắc đến món nợ mà theo lời Vịnh là rất "khó có khả năng để trả" vì nhà cửa đã bán sạch, Vịnh bảo rằng rất day dứt, trăn trở về món nợ, nhất là mỗi khi trên tivi vô tình đưa tin về chuyện vỡ nợ, phá sản,…Vịnh bảo những người cho chị ta vay tiền phần lớn là bạn bè, đồng nghiệp, vì tin tưởng mà đưa hết số tiền dành dụm được cho Vịnh kinh doanh.

"Họ đưa hết những đồng tiền tiết kiệm cho tôi sử dụng là vì họ tin tôi. Cũng có người cho tôi vay tiền vì muốn có chút đỉnh tiền lãi. Nhưng công ty mới hoạt động, có nhiều cái trượt giá, nhiều khoản chi phí chưa thể bù đắp, nhiều tài sản chưa kịp khấu hao thì không thể hồi vốn ngay được. Tôi không muốn thất hứa nhưng mọi người đã đẩy tôi vào chỗ khó", Vịnh chia sẻ.

Luôn thấy có lỗi với chồng con

Kể về những ngày quay cuồng trong tiền ấy, Vịnh bảo có những ngày không thiết tha gì tới ăn, đêm thức trắng, đầu óc lúc nào cũng ong ong như muốn nổ tung.

Điều khiến Vịnh khổ tâm và lúc nào cũng cảm thấy mắc nợ chính là người chồng mà chị ta luôn coi như tri kỷ. Người đàn ông ấy, theo Vịnh là quá khứ, hiện tại và là cả tương lai sau này chị ta nguyện không thay đổi.

"Tôi nợ chồng tôi nhiều lắm. Nợ anh ấy một lời xin lỗi, nợ sự không nghe lời và giờ là nợ anh những tháng ngày vất vả cả về vật chất lẫn thị phi", Vịnh mếu máo.

Người đàn bà này quả là kỳ lạ. Nhắc đến khoản tiền tỷ phải bồi thường, nói đến những công lao bao năm khó nhọc trở thành công cốc, Vịnh không hề rơi lệ. Nhưng vừa nói tới chồng, đôi mắt chị ta đã loáng nước. Nước mắt cứ thế trào rơi theo lời kể của Vịnh.

"Tôi không biết tôi yêu anh ấy trước hay anh ấy có tình ý với tôi trước. Chỉ biết là ngày tôi vào lớp 10, anh đã là học sinh cuối cấp. Chúng tôi cùng một đường đến trường. Nhà anh gần trường hơn nên tôi thường đạp xe đến đón anh rồi cả hai cùng đi. Thời thiếu nữ, tuổi học sinh của tôi cứ êm đềm diễn ra như thế đấy", Vịnh nhớ lại.

Tình yêu của Vịnh theo năm tháng cứ thế được bồi đắp bởi những lá thư qua lại giữa hai người bởi sau khi học xong phổ thông, người yêu ra Sóc Sơn, Hà Nội học tại trường trung cấp điện còn Vịnh vẫn học phổ thông. Một năm sau, Vịnh lên xe hoa về nhà chồng.

"Tôi nộp hồ sơ thi đại học nhưng không đỗ. Anh ấy bảo năm nay thi trượt thì năm sau thi, còn chuyện lấy chồng thì không thể lần nữa. Thế là chúng tôi lấy nhau. Bố mẹ anh ấy đồng ý cho tôi tiếp tục thi cử nên tôi hạnh phúc lắm", Vịnh kể.

Lớp học nội qui dành cho những phạm nhân mới có án về trại cải tạo.

Theo lời khuyên của chồng, Vịnh nộp hồ sơ thi trung cấp sư phạm và đạt điểm khá cao. Thời gian ấy hai vợ chồng vừa đi học, vừa nuôi con, tuy vất vả nhưng cả hai đều rất hạnh phúc. Ra trường, Vịnh xin về một trường tiểu học gần nhà để công tác, còn chồng đã là một nhân viên điện lực. Nếu không xảy ra biến cố vì mở công ty, chắc chắn cuộc sống mãi êm đềm, hạnh phúc.

"Tôi rất muốn làm giàu, khát khao thì đúng hơn. Chồng tôi có can nhưng tính tôi bướng bỉnh từ bé nên không chịu. Khi vay nợ đến đỉnh điểm, cũng vì tính sĩ diện và cũng vì uy tín của công ty, của thương hiệu bao năm mới gây dựng được nên tôi đã mạo hiểm. Tiếc là sự mạo hiểm của tôi gặp đúng thời điểm vỡ bong bóng bất động sản. Tôi không buôn đất, không bị trượt giá về đất nhưng vì vay lãi suất cao nên chịu chung số phận", Vịnh phân trần.

Giờ đây, nỗi day dứt nhất của Vịnh chính là người chồng và hai đứa con. Thời điểm Vịnh bị bắt, chồng đang theo học lớp đại học chuyên ngành điện nhưng vì chuyện của vợ mà đành phải bỏ dở. Sau ngày vợ bị bắt, anh còn phải hứng chịu rất nhiều áp lực từ việc làm của vợ. Nhà cửa, đất đai bán sạch để trả nợ, anh phải đi ở nhờ nhà anh chị mà cũng không được yên.

Nhiều khi lĩnh lương chưa kịp ra khỏi cổng đã có người chặn lại đòi nợ. Qua nhiều kênh thông tin mà Vịnh biết điều đó và cũng mường tượng được cuộc sống của chồng, của con bĩ cực đến thế nào. Vậy mà khi lên thăm vợ, anh luôn cười rất tươi, động viên Vịnh cố gìn giữ sức khỏe và cải tạo tốt để sớm trở về.

"Tôi chỉ có một an ủi là các con tôi đều đã thành đạt cả rồi. Chúng rất thương bố mẹ nên tuy ở trong này nhưng tôi rất yên tâm. Có thể tôi có lỗi với mọi người nhưng với chồng con, tôi chưa khi nào làm điều gì trái với đạo lý, trái với lương tâm. Cái mà tôi nợ chồng con tôi ấy là món nợ ân tình", Phạm Thị Vịnh chia sẻ.

Do quyết tâm phục thiện nên từ ngày vào trại cải tạo, năm nào Vịnh cũng được xếp loại khá. Ngoài thời gian lao động ở xưởng điện tử ra, Vịnh còn rất tích cực tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ của trại giam.

Đó là các cuộc thi cắm hoa, thi nấu nướng, thi làm báo tường, đến diễn kịch, làm tiểu phẩm… Vịnh đều nhiệt tình tham gia. Với Vịnh, mục tiêu duy nhất là sớm trở về với gia đình để hoàn thành những công việc còn đang dang dở.

"Nói không nghĩ gì đến món nợ thì không đúng. Tôi cũng rất trăn trở, nhưng dù có nói thế nào thì cũng phải đợi đến khi ra trại. Tới lúc đó làm gì, làm như thế nào để có tiền là điều mà mình phải tính toán. Chẳng ai muốn mắc nợ để chồng con phải gánh thay cả".

Từ khóa » đi Tù Có đáng Sợ Không