Nội Dung Của Câu Kết đoạn Là Gì

(Last Updated On: 13/09/2021)

Hiện nay, đoạn văn còn có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng hợp lí hơn cả là nên coi đoạn văn vừa là sự phân đoạn nội dung, vừa là sự phân đoạn hình thức. Theo đó, khái niệm đoạn văn được hiểu là một tập hợp câu có quan hệ chặt chẽ với nhau, diễn đạt một nội dung nhất định, được phân đoạn trong văn bản bằng chỗ lùi đầu dòng, viết hoa và kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn.

Nội dung chính Show
  • Đặc điểm của đoạn văn
  • Câu chủ đề của đoạn văn
  • Cấu trúc của đoạn văn
  • Lập luận trong đoạn văn

Đặc điểm của đoạn văn

a. Về nội dung

Là đơn vị cơ sở của văn bản, là chỉnh thể trên câu nên đoạn văn diễn đạt một nội dung nhất định. Cố nhiên, về mặt nội dung, đoạn văn có thể hoàn chỉnh ở một mức độ nào đó (thể hiện lôgic – ngữ nghĩa), hoặc có thể không hoàn chỉnh (thể hiện biểu cảm – thẩm mĩ). Sự không hoàn chỉnh về nội dung của đoạn văn là do thể loại văn bản hoặc ý đồ của người viết chi phối chứ không phải tùy tiện hoặc vô ý thức. Chính đặc điểm không hoàn chỉnh này cho phép chúng ta phân biệt đoạn văn với văn bản. Chỉ có văn bản mới có nội dung hoàn chỉnh, trọn vẹn, còn các đơn vị bậc dưới văn bản (trong đó có đoạn văn) không nhất thiết phải hoàn chỉnh. Khi đoạn văn biểu hiện một nội dung tương đối hoàn chỉnh thì nó sẽ có những đặc điểm kết cấu đồng dạng ở mức cao nhất với văn bản và được gọi là đoạn ý, có giá trị kết cấu. Chẳng hạn, xét đoạn văn sau:

Hoàng Tuệ là một trí thức có bản lĩnh. Tư tưởng của ông không gò bó. Ông đọc nhiều, tiếp thu nhiều, nhạy cảm với cái mới, nhưng có sự độc lập suy nghĩ, tự mình suy nghĩ, suy ngẫm. Lối tư duy giáo điều, xơ cứng xa lạ với Hoàng Tuệ. Cũng xa lạ với Hoàng Tuệ cái thói quen nghĩ theo, nói dựa; ông thường có nhận định, ý kiến riêng của mình, thẳng thắn phát biểu một cách có trách nhiệm, và không chỉ trong khoa học. Những ý kiến đó lắm khi độc đáo, và không ít khi ngang tàng. Chính vì vậy mà nhiều người thích ông, nhưng cũng có người không hiểu hết ông.

Đoạn văn trên có 6 câu; các câu trong đoạn đều tập trung làm sáng tỏ nội dung: Hoàng Tuệ là một trí thức có bản lĩnh.

Trường hợp đoạn văn không có sự hoàn chỉnh (ở một mức độ nào đó) về nội dung thì được gọi là đoạn diễn đạt, chỉ có chức năng biểu cảm. Chẳng hạn, xét hai đoạn văn dưới đây:

(1) Nói phải có đầu, có đuôi, có nội dung. Chớ nói lung tung như nhiều cán bộ ở các cuộc hội nghị, mít tinh nói rồi không biết đường nào mà đi nữa. Nói ít nhưng thấm thía thì quần chúng vẫn thích hơn.

(2) Muốn nói gì phải chuẩn bị trước (Hồ Chí Minh).

Từng đoạn trên chưa hoàn chỉnh về nội dung, bởi đoạn (2) chỉ có một câu (vốn là câu tiếp theo của đoạn 1) được tách ra để nhấn mạnh. Hai đoạn này mới thể hiện nội dung tương đối hoàn chỉnh (lời khuyên của Hồ Chí Minh về cách nói, cách viết).

b. Về hình thức

Mỗi đoạn văn đều có một cấu trúc nhất định và được nhận diện về hình thức:

– Mở đầu bằng chữ lùi đầu dòng, viết hoa.

– Kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn, xuống dòng.

– Là phần nằm giữa hai khoảng trống trong văn bản.

Ở dạng nói, việc nhận diện đoạn văn (còn gọi đoạn lời) khó khăn hơn. Tuy vậy, dựa vào ngữ điệu, chỗ ngừng và vài từ ngữ đánh dấu như mặt khác, tiếp theo, thứ nhất, thứ hai, v.v. ta có thể nhận diện được đoạn lời.

c. Về cấu tạo

Cấu tạo đoạn văn khá đa dạng. Nếu căn cứ vào số lượng câu trong đoạn văn thì có thể chia đoạn văn làm hai loại: đoạn bình thường (gồm có nhiều câu) và đoạn đặc biệt (chỉ có một câu). Nếu dựa vào câu chủ đề, đoạn văn cũng chia làm hai loại: đoạn văn có câu chủ đề (gồm đoạn diễn dịch, đoạn quy nạp, đoạn kết hợp diễn dịch và quy nạp) và đoạn văn không có câu chủ đề (gồm đoạn song hành, đoạn móc xích). Nếu dựa vào cách thức lập luận, đoạn văn chia thành năm loại: đoạn diễn dịch, đoạn quy nạp, đoạn kết hợp diễn dịch và quy nạp, đoạn song hành và đoạn móc xích. Chẳng hạn, cho đoạn văn:

Nghệ thuật thơ trong “Nhật kí trong tù” thật là phong phú. Có bài là lời phát biểu trực tiếp, đọc hiểu ngay. Có bài lại dùng lối ngụ ngôn rất thâm thúy. Có bài tự sự. Có bài trữ tình hay vừa tự sự vừa trữ tình. Lại có bài châm biếm.

Đoạn văn trên, là đoạn văn bình thường, nếu căn cứ vào số lượng câu; là đoạn văn có câu chủ đề, nếu dựa vào câu chủ đề; là đoạn diễn dịch, khi ta nhìn từ cách thức lập luận.

Câu chủ đề của đoạn văn

a. Khái niệm câu chủ đề

Câu chủ đề là câu mang nội dung khái quát, thể hiện ý chính (chủ đề) của đoạn văn; bao giờ cũng là câu đầy đủ thành phần và thường tương đối ngắn gọn.

Ví dụ: Dạy văn chương ở phổ thông có nhiều mục đích (1). Trước hết, nó tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với một loại sản phẩm đặc biệt của con người, kết quả của một thứ lao động đặc thù – lao động nghệ thuật (2). Đồng thời, dạy văn chương chính là hình thức quan trọng giúp các em hiểu biết, nắm vững và sử dụng tiếng mẹ đẻ cho đúng cho hay (3). Dạy văn chương cũng là một trong những con đường của giáo dục thẩm mĩ (4). (Lê Ngọc Trà)

Trong đoạn văn trên, câu (1): Dạy văn chương ở phổ thông có nhiều mục đích là câu chủ đề của đoạn văn.

b. Cách viết câu chủ đề

Câu chủ đề thường là một câu, có độ dài không lớn so với các câu khác trong đoạn văn. Về vị trí, câu chủ đề có thể đứng đầu đoạn văn, có thể đứng cuối đoạn văn. Câu chủ đề cũng có thể gồm hai câu trở lên, gọi là câu chủ đề ghép. Câu chủ đề ghép có thể ghép liền (các câu đứng cạnh nhau), có thể ghép dãn cách (đầu đoạn – cuối đoạn). Chẳng hạn, xét hai đoạn văn dưới đây:

Ví dụ 1. Vấn đề trong sáng là khá phức tạp (1). Quan niệm về sự trong sáng cũng như quan niệm về dân tộc, không phải là một cái gì tuyệt đối cố định (2). Có sự trong sáng quay lại sau, lấy cha ông làm mẫu mực tuyệt đối, nhưng cũng có sự trong sáng nhìn ra trước, mở đường đi cho con cháu mai sau (3). Có sự trong sáng dân tộc hẹp hòi, chỉ biết say mê ngắm nhìn dân tộc mình, nhưng có sự trong sáng đặt dân tộc mình là một bộ phận của nhân loại (4). Có sự trong sáng động và trong sáng tĩnh, trong sáng giàu và trong sáng nghèo (5). (Chế Lan Viên)

Ví dụ 2. Tiếng cười trong truyện tiếu lâm Việt Nam mang rất nhiều cung bậc khác nhau (1). Tiếng cười ở mảng truyện về người nông dân chủ yếu để giải thoát buồn phiền, mệt nhọc nên cung bậc cười thật vô tư, thoải mái (2). Ở mảng truyện về tầng lớp tiểu thương, trí thức rởm như thầy đồ, thầy lang, thầy cúng, thầy bói,… lại là tiếng cười chế diễu, đả kích (3). Còn ở mảng truyện về bọn cường hào, quan lại, tiếng cười trở nên quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng (4). Phải nói là các cung bậc cười trong truyện tiếu lâm thật phong phú, đa dạng, tiếng cười vừa để giáo dục con người, vừa để cười cho sảng khoái, để tồn tại, để phấn đấu cho cuộc đời tốt đẹp hơn (5).

Ở ví dụ 1, các câu (1) và (2) là câu chủ đề (đoạn diễn dịch), còn ở ví dụ 2, câu chủ đề là câu (1) và (5), (đoạn kết hợp diễn dịch với quy nạp). Câu chủ đề trong hai đoạn văn trên là câu chủ đề ghép nhưng cách ghép khác nhau: các câu đứng cạnh nhau (ví dụ 1), các câu dãn cách (ví dụ 2).

Cấu trúc của đoạn văn

a. Cấu trúc nội dung

Thông thường, đoạn văn có sự hoàn chỉnh nhất định nào đó về nội dung, nghĩa là có cấu trúc nội dung. Cấu trúc nội dung là quan hệ của tất cả các thành tố nội dung trong đoạn văn, bao gồm:

– Ý chính của đoạn văn, tức là ý bao trùm, toát ra từ tất cả các câu trong đoạn. Ý chính được gọi là chủ đề của đoạn văn. Nó được thể hiện dưới hai hình thức: 1/ Hàm chứa trong một câu, hoặc hơn một câu (câu chủ đề); 2/ Ẩn vào trong tất cả các câu của đoạn văn, (nghĩa là, ý chính không được hiển ngôn mà phải khái quát ý nghĩa bộ phận của các câu trong đoạn).

– Các ý bộ phận, tức là các thành tố nội dung chi tiết, có nhiệm vụ triển khai (giải thích, chứng minh) ý chính. Các ý bộ phận bị chi phối bởi ý chính. Do đó, các ý bộ phận phải được xác lập và trình bày đầy đủ, mạch lạc, lôgíc.

b. Cấu trúc hình thức

– Về bố cục, đoạn văn ở dạng lí tưởng có ba phần: phần mở đoạn (M), phần triển khai đoạn (a), phần kết đoạn (K). Trong ba phần, phần (a) luôn luôn có mặt (dù là đoạn tối giản), còn phần (M) và (K) có thể vắng mặt.

– Về ngôn ngữ, dùng các đơn vị ngôn ngữ (từ, câu) và các phương tiện liên kết để tường minh nội dung đoạn văn. Chẳng hạn, xét hai đoạn văn sau đây:

Ví dụ 1. Ngoài ánh sáng của một tâm hồn lớn, “Nhật kí trong tù” còn tỏa ánh sáng của một trí tuệ lớn (1). Đó là ánh sáng của thế giới quan, nhân sinh quan Mác-Lênin, là ánh sáng của những kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của một lãnh tụ vĩ đại (2). “Học đánh cờ” là tư tưởng chỉ đạo chiến lược, chiến thuật quân sự được hình tượng hóa thành thơ (3). “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi” là tuyên ngôn bằng thơ của thơ ca cách mạng và nhà thơ cách mạng (4). “Cột cây số”, “Nghe tiếng giã gạo”… là những bài học lớn về đạo đức cách mạng (5). Thơ “Nhật kí trong tù” bài nào cũng lấp lánh áng sáng của trí tuệ lớn (6).

Ví dụ 2. Ca dao là bầu sữa tinh thần nuôi dưỡng tuổi thơ (1). Ca dao là hình thức trò chuyện tâm tình của những chàng trai, cô gái đang yêu (2). Ca dao là tiếng nói biết ơn, tự hào về công đức tổ tiên và anh linh của những người đã khuất (3). Ca dao là phương tiện bộc lộ nỗi tức giận hoặc lòng hân hoan của những người sản xuất (4).

Ta thấy, đoạn văn ở ví dụ 1 có đầy đủ ba phần: câu (1) là phần mở đoạn (M), các câu (2), (3), (4), (5) là phần triển khai đoạn (a), còn câu (6) là phần kết đoạn (K). Ý chính của đoạn văn được thể hiện ở câu (1) và (6), ý trong các câu (2), (3), (4), (5) là các ý bộ phận. Còn đoạn văn ở ví dụ 2 chỉ có phần triển khai đoạn (a), không có phần mở đoạn (M) và kết đoạn (K). Ý chính của đoạn văn ẩn vào ý bộ phận trong các câu (1), (2), (3), (4).

Lập luận trong đoạn văn

Lập luận là xác lập một số lí lẽ và dẫn chứng nhằm hướng đến một kết luận, một ý kiến hay một nhận định nào đó. Mỗi đoạn văn thường thể hiện một cách lập luận nhất định. Lập luận bằng cách nào là tùy thuộc vào nội dung và chiến lược giao tiếp của người viết/ người nói.

Các kiểu lập luận thường gặp trong đoạn văn:

a. Diễn dịch

Diễn dịch là kiểu lập luận đi từ cái khái quát (cái chung) đến cái cụ thể (cái riêng). Kiểu lập luận này, câu đầu tiên trong đoạn văn là câu chủ đề (kết luận), còn các câu tiếp sau có nhiệm vụ triển khai, làm sáng tỏ chủ đề (các luận cứ).

Ví dụ: Giữa cơ thể và môi trường có ảnh hưởng qua lại với nhau. Môi trường có ảnh hưởng đến mọi đặc tính của cơ thể. Chỉ cần so sánh những loại lá cây mọc trong những môi trường khác nhau là thấy rõ điều đó. Để thực hiện những nhiệm vụ thứ yếu hoặc do ảnh hưởng của môi trường, lá mọc trong không khí có thể biến thành tua cuốn như đậu hà lan, hay tua móc gai bám vào trụ leo như ở cây mây. Ở những miền khô ráo, lá có thể biến gai giảm bớt sự thoát hơi nước như ở cây xương rồng, hay dầy lên và chứa nhiều nước như ở cây lá bỏng.

b. Quy nạp

Quy nạp là kiểu lập luận bắt đầu bằng cái cụ thể, riêng lẻ đến cái khái quát, cái chung. Ở kiểu lập luận này, câu kết thúc là câu chủ đề, nó thâu tóm những câu mang thông tin cụ thể đứng ở phía trước.

Ví dụ: Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí. Sai nha vì tiền mà tra tấn cha con Vương Ông. Tú bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh vì tiền mà làm nghề buôn thịt bán người. Sở Khanh vì tiền mà táng tận lương tâm. Khuyển Ưng vì tiền mà lao vào tội ác. Cả một xã hội chạy theo đồng tiền.

c. Kết hợp diễn dịch với quy nạp

Kiểu lập luận này có sự phối hợp giữa diễn dịch và quy nạp: câu đầu nêu nội dung khái quát, các câu tiếp theo là những thông tin cụ thể, chi tiết (lí lẽ, dẫn chứng) vừa làm sáng tỏ nội dung khái quát (ở câu đầu), vừa chuẩn bị cho một nội dung khái quát ở câu cuối nhưng mức độ cao hơn. Câu cuối đoạn khái quát hóa, đúc kết lại những nội dung đã trình bày trong những câu đứng trước.

Ví dụ: Nghệ thuật và tuyên truyền không phải hoàn toàn khác nhau, nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau. Tuyên truyền cũng là một thứ nghệ thuật. Nghệ thuật tuyên truyền là một phần trong nghệ thuật nói chung. Và bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng có ít nhiều tính tuyên truyền nhưng nói như thế không phải có thể kết luận rằng nghệ thuật và tuyên truyền chỉ là một. Tuyên truyền cao đến một mức nào đó thì tuyên truyền trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật thiết thực đến một mức nào đó thì nghệ thuật có tính rõ rệt là tuyên truyền. Cho nên, có thể có những người tuyên truyền không phải hoặc chưa phải là nghệ sĩ nhưng không thể có những nghệ sĩ hoàn toàn không phải là người tuyên truyền. (Trường Chinh)

Trên đây là ba cách lập luận thường gặp. Ngoài ra, trong đoạn văn, chúng ta có thể sử dụng một số kiểu lập luận khác như song hành, móc xích, so sánh, nhân quả, v.v..

(Nguồn tham khảo: Nguyễn Hoài Nguyên, Giáo trình thực hành văn bản tiếng Việt)

Từ khóa » Câu Kết đoạn Là Gì