Nội Dung Và Hình Thức Của Văn Bản Văn Học - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Các khái niệm của nội dung, hình thức trong văn bản văn học
  • Ý nghĩa của nội dung và hình thức văn bản văn học
  • Một số bài tập về nội dung và hình thức văn bản văn học

Các khái niệm của nội dung, hình thức trong văn bản văn học

* Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt nội dung của văn bản văn học bao gồm: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật.

– Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

Ví dụ: Đề tài của “Tắt đèn” là cuộc sống bi thảm của người nông dân Việt Nam.

– Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.

Ví dụ: Chủ đề của “Tắt đèn” là sự mâu thuẫn giữa nông dân và bọn cường hào quan lại trong nông thôn Việt Nam.

– Tư tưởng của văn bản là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc.

Ví dụ: Tư tưởng của “Tắt đèn” là lòng căm phẫn, sự tố cáo bọn hào lý quan lại ở nông thôn cũng như chính sách dã man của thực dân Pháp.

– Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Những trạng thái tâm hồn, những cảm xúc đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm và hấp dẫn người đọc.

Ví dụ: Cảm hứng trong “Tắt đèn” là lòng căm phẫn từ đó tố cáo bọn hài lý quan lại ở nông thôn cũng như chính sách dã man của thực dân Pháp.

* Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt hình thức: ngôn từ, kết cấu, và thể loại

– Ngôn từ là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học. Các chi tiết, sự việc, hình tượng, nhân vật… và các thành tố khác được tạo nên nhờ lớp ngôn từ.

– Kết cấu là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa.

– Thể loại là những quy tắc tổ chức hình thức văn bản thích hợp với nội dung văn bản.

Ý nghĩa của nội dung và hình thức văn bản văn học

– Văn bản văn học có chức năng chủ yếu: nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ, giao tiếp…

– Nội dung của văn bản văn học cần thấm nhuần tinh thần nhân văn, tinh thần dân chủ và những tư tưởng sâu sắc khác có tác dụng nâng cao phẩm chất, hoàn thiện con người.

– Văn bản cần có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức – thống nhất nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật thẩm mỹ.

Một số bài tập về nội dung và hình thức văn bản văn học

Câu 1: Chủ đề là gì? Ví dụ chủ đề

Trả lời:

Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện sự quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức nhà văn với cuộc sống.

Ví dụ về chủ đề:

– Chủ đề của truyện ngắn Lão Hạc (Nam Cao) là nhân cách, lòng tự trọng của người nông dân trước cái đói, sự nghèo khổ.

– Chủ đề của Truyện Kiều (Nguyễn Du) là thực trạng xã hội vô nhân đạo và số phận con người sống trong xã hội ấy. Vấn đề tình yêu, nhân phẩm, công lý… cũng được Nguyễn Du đặt ra để lý giải

– Chủ đề của tác phẩm Nam quốc sơn hà là niềm tự hào và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Câu 2: Đề tài của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ.

Trả lời:

Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

Một số ví dụ về đề tài:

– Đề tài của truyện ngắn Lão Hạc (Nam Cao) là cuộc sống và số phận bi thảm của người nône dàn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

– Đề tài của Truyện Kiều (Nguyễn Du) là cuộc đời và số phận bất hạnh của người phụ nữ trong bối cảnh xã hội phong kiến thối nát.

– Đề tài của bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) là tình đồng chí, đồng đội của những anh bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp.

– Đề tài của truyện Tấm Cám là xung đột giữa người tốt và người xấu, giữa thiện và ác.

Từ khóa » Ví Dụ Nội Dung Và Hình Thức