Nói Lái Mà Chơi
Có thể bạn quan tâm
| [ Trở về ]
NÓI LÁI MÀ CHƠI... GS Huy Phương - 12 tháng 3 năm 2004 - www.khoahoc.net Nói lái là một lối nói ghép chữ, đem phụ âm tiếng trước ghép với cả âm tiếng sau hoặc ngược lại mà ta thường gặp, thường dùng trong ngôn ngữ Việt Nam, ví dụ như cá đối # cối đá ( giữ nguyên các dấu) hoặc thay đổi dấu như mèo cụt # mút kèo. Ngôn ngữ Việt Nam vốn đơn âm, nên những tiếng nói lái tương đối dễ cấu tạo và dễ có nghĩa .Tiếng nói lái trở lại chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành một nghĩa khác, nếu nó vô nghĩa ( như con gà # cà gon ) thì không thể gọi là nói lái được. Đây là một đặc điểm của ngôn ngữ Việt nam mà từ khi có tiếng Việt chúng ta đã có nhiều giai thoại, nhiều tác phẩm văn chương đã đi vào văn học sử, không những ta thấy nhiều kiểu nói lái trong văn chương bình dân ( tục ngữ, ca dao) mà còn cả trong văn chương uyên bác ( thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Khoa Vi ). Không phải như lối nói lái (speak pig latin) hay nói lịu ( spoonerism) trong Anh Ngữ (*), lối nói lái trong ngôn ngữ Việt Nam đa dạng, dễ dùng , dễ phổ biến và có nhiều ý nghĩa thâm trầm, ý nhị . Tuy nhiên đặc điểm nói lái trong ngôn ngữ Việt Nam phần lớn thường có khuynh hướng thiên về dung tục, ghi chép ở trong sách vở hay phát biểu giữa nơi công cộng thường không được tao nhã cho lắm . Nhiều người đã lợi dụng lối nói lái thô tục trên sân khấu, trong các buổi trình diễn để chọc cười khán giả, khiến cho nhiều bậc thức giả phải khó chịu nhăn mặt. Có lẽ vì vậy mà sự phát triển của cách nói lái qua thời gian đã có nhiều đóng góp cho ngôn ngữ nhưng vẫn chưa được sắp xếp xem như một phần của ngôn ngữ và văn học Việt Nam, dù là chỉ một phần nhỏ. Nói về ý nghĩa, trong các giai thoại văn chương Việt nam, người ta thường dùng lối nói lái như một vũ khí để phê bình, đả kích và phần lớn lại có tác dụng mạnh mẽ, dễ gây nhiều ấn tượng hơn là lối nói thông thường. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn sưu tập một vài tài liệu về nói lái trong văn chương và thời sự Việt Nam với tính cách một bài phiếm luận hơn là đi sâu vào công trình của một bài khảo cứu về ngôn ngữ của một nhà ngôn ngữ học. Mặt khác, trong bài này nhiều tiếng nói lái phổ thông ai cũng hiểu, chúng tôi tránh không ghi rõ các tiếng nói lái thô tục để tránh làm phiền độc giả. 1. NÓI LÁI TRONG VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN. Trong nhân gian, khi xử dụng ngôn ngữ trong khi giao tiếp hàng ngày, người ta thường tránh những tiếng có thể gây ngộ nhận, vì khi những tiếng nói ấy được phát ra, người ta nghĩ ngay đến tiếng nói lái kèm theo thô tục và suồng sã. Nhiều người trẻ tuổi vì không hiểu cách nói lái đã bị hiểu lầm khi vô tình xử dụng các tiếng nghe rất thông thường nhưng rất tục khi được nói lái lại như : nắng cực, đồn lầm, công ngủ., trái gì ? trái giứng... có rất nhiều trong ngôn ngữ Việt Nam. Trái lại trong ca dao, câu thơ ví von sau đây, nói lái, đối đáp rất có ý nghĩa và thanh nhã: - Con cá đối nằm trên cối đá Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo Anh mà đối được, dẫu nghèo cũng ưng. - Con mỏ kiến đậu trong miếng cỏ Chim vàng lông đáp dựa vồng lang Anh đà đối đặng, e nàng vong ngôn. Trai gái miền trung hẹn hò gặp gỡ nhau, sợ có người nghe thì tìm cách nói lái vẩn vơ về ruộng đồng, rơm rạ để hiểu ngầm với nhau. Chàng nói bâng quơ : “bị môn, bị khoai, bị nưa”, nàng khất:” cau khô, trầu héo, tái môi.”hay “nón cụ, quai thao, tốt mối.” Hoặc “ bưởi đỏ, cam sành, tốt múi”..Người qua đường không thể hiểu rằng bị nưa là bựa ni (bữa nay), tái môi là tối mai, tốt mối là tối mốt, tối múi là túi mốt.. Chàng trai xưa kia có râu, cạo râu xong, cô gái nhận không ra. Chàng bèn làm thơ …nói lái như vầy : Xưa tê câu ró ngó xinh Bây giờ câu rạo vô tình ngó lơ. Thì ra câu ró, câu rạo không dính líu xa gần với chuyện đi câu cả. · Trong văn chương bình dân có lối hò tục nói lái như đoạn hò sau đây: Anh đi về cẳng thấp cẳng cao, Em cũng mời anh vô hút thuốc ăn trầu, Kẻo thế gian lắm lời, nói ở “dồn lâu” mói về. Đáp:- Anh cũng muốn vô nhà, ghé hút thuốc ăn trầu, Nhưng sợ mai tê quan biết được, nói “dặt cầu” em leo. * 2. GIAI THOẠI VỀ TRẠNG QUỲNH NÓI LÁI. Trạng Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, sinh dưới thời Lê Trung Hưng( 1530-1540), quán Nghệ An là người hay chữ, thông minh xuất chúng, với bản tính nói ngông hay châm chọc vua chúa quan quyền thời bấy giờ đã để lại nhiều giai thoại trong lịch sử. Trạng Quỳnh một lần đã dâng lên chúa Trịnh một lọ thức ăn mà Quỳnh đã khoác lác là một món ăn tuyệt hảo, ngoài có đề hai chữ Đại Phong. Sau khi ăn thử, chúa Trịnh cật vấn trạng về món ăn lạ, thì Trạng giải thích rằng Đại Phong là gió to, gió to thì tượng lo, tượng lo nói lái là Lọ Tương. Một lần khác đểâ dằn mặt một công chúa thời bấy giờ có tính khinh người và kiêu căng, trên đường công chúa sắp đi qua, Trạng Quỳnh xắn quần xuống chiếc ao vệ đường liên tục lấy chân đá vào những cánh bèo trên mặt ao. Thấy lạ, quan quân dừng lại để công chúa hỏi chuyện, thì Trạng nói Trạng đang đá bèo,chúng ta phải hiểu trạng Quỳnh đang chơi xỏ công chúa. Nhân gian cũng truyền tụng Trạng Quỳnh là tác giả câu nói lái con gầy- cây gòn , sương làm sáo- làm sao sướng và may ngón tóc- móc ngón tay... 3. NÓI LÁI TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG. Hồ Xuân Hương với những bài thơ tả vật, tả cảnh đã dùng những hình tượng , chữ nghĩa rất táo bạo khiến cho người ta thường nghĩ ngay đến các sinh thực khí hay những quan hệ giữa nam nữõ, như một ám ảnh tâm lý, nếu nói theo các nhà phân tâm học.( Vịnh Cái Quạt, Đánh Cờ Người, Quả Mít, Đèo Ba Dọi…) lẽ cố nhiên nhà thơ họ Hồ cũng không quên dùng nhiều chữ theo lối nói lái một cách táo bạo trong thơ bà, mà người đọc ai cũng hiểu: …Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc, Trái gió cho nên phải lộn lèo. (Kiếp Tu Hành) …Quán sứ sao mà cảnh vắng teo Hỏi thăm Sư cụ đáo nơi neo. Chày kình, tiểu để suông không đấm, Tràng hạt, vải lần đếm lại đeo.(Chùa Quán Sứ) …Đang cơn nắng cực chửa mưa hè, Rủ chị em ra tát nước khe.(Tát Nước) …Thú vui quên cả niềm lo cũ Kìa cái diều ai nó lộn lèo.( Quán Khách) Nhân nói chuyện lái trong thơ Hồ Xuân Hương, chúng tôi xin trích dẫn một bài thơ nói lái của một tác giả vô danh nhan đề là Trông Trời ( xin đọc theo kiểu bắc là Chông Chời ): Cô kia sao cứ trông trời Để tôi xin nguyện làm trời cô trông Trông trời sướng lắm phải không Trời mà trông lại còn mong nỗi gì ! BÀI THƠ NÓI LÁI THỜI KHÁNG CHIẾN. Trong thời kháng chiến chống Pháp, khoảng những năm 1951- 52, sau Đại hội Đảng Lao Động ,chính phủ CS bắt đầu tinh giảm biên chế và loại các thành phần tiểu tư sản ra khỏi bộ máy công quyền, một bài thơ nói lái do một nhân vật vô danh bất mãn bỏ kháng chiến về thành tung ra rất được phổ biến. Chính vì những tiếng nói lái đặc biệt ( tiếng Hán Việt lái thành tiếng nôm ) mà bài thơ được người ta nhớ lâu và truyền tụng : Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi Chiến khu thu cất chú khiêng rồi Thi đua thắng lợi thua đi mãi Kháng chiến lâu ngày khiến chán thôi. GIAI THOẠI NÓI LÁI THỜI PHÁP THUỘC. Một giai thoại thời thủ tướng Nguyễn Văn Tâm được lưu truyền ở miền nam như sau: hồi Thủ Tướng Tâm còn là Quận Trưởng Cai Lậy ( có biệt danh là Hùm Xám Cai Lậy ) lúc ăn mừng tân gia, có người đem tặng một bức hoành có khắc bốn chữ nho : “ Đại Điểm Quần Thần” tạm dịch nghĩ a là “bề tôi chức vụ lớn”. Nguyễn Văn Tâm lấy làm hãnh diện đắc ý, nhưng sau đó có người phát giác ra là ông Tâm bị chưởi xéo, vì bốn chữ Đại Điểm Quần Thần, dịch nôm sát nghĩa là Chấm To Bầy Tôi.. nói lái ra thành Chó Tâm Bồi Tây. Lối nói này cũng phổ biến như người ta nói tới một người đàn bà “ bách diệp”, nghĩa nôm là “trăm lá”, nói lái là “tra lắm” ( già lắm). NÓI LÁI SAU THÁNG 5-1975. Sau tháng 4 năm 1975, khi CS cưỡng chiếm miền Nam, dân tình cực khổ ta thán, do đó trong nhân gian có những câu nói lái rất phổ thông: Quy mã là… Qua Mỹ , hay : Kỷ sư đôi lúc làm cư sĩ Thầy giáo lắm phen cũng tháo dày. Giáo chức giờ đây đành dứt cháo Khoái ăn sang nên... sáng ăn khoai. Nói về tệ nạn cửa quyền tham nhũng của chế độ và các tệ nạn thì nhân gian có các câu nói lái : Thủ tục đầu tiên là ..tiền đâu ? Vũ Như Cẩn là Vẫn như cũ. Nguyễn Y Vân là Vẫn Y Nguyên Bùi Lan là Bàn Lui Hộ khẩu là… Hậu khổ. Đả kích chế độ thì thiên hạ có câu: Con đường Bác đi, đường bi đát Chán bảng đỏ, nhiều anh bỏ đảng. Chỉ riêng ngành giáo dục không thôi đã có nguyên một bài nói lái tự thán như sau : Thầy giáo tháo giày đi dép Nhà trường nhường trà uống nước trong Tháng đầy thầy đáng dăm lon gạo Lương thầy tiền lính tính liền xong Thầy giáo tháo ủng tháo giày Tháo ủng thủng áo tháo giày nóng chân Giáo án dành lại khi cần Thay vải dán áo việc làm tốt thôi. THƠ NÓI LÁI… KHÔNG TỤC. Cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi là một nhà thơ Đất Thần Kinh, ở Vỹ Dạ đã làm một bài thơ nói lái rất công phu và có ý nghĩa như sau: Cầu đạo nên chi phải cạo đầu Dầu lai dưa muối cũng dài lâu Na bường bát tới nương bà vải (**) Dầu sãi không tu cũng giải sầu. Ông Tôn Thất Đàm ở Úc đã có một bài nói lái nhan đề “Má Con” như sau: Má đưa con đi trong mưa đá Má đặt con lên mặt đá bằng Má đi vào xem mi đá bóng Má đang mang đá tới lót nền Má lột một lá dính vào phên Má lấy bên hè đi mấy lá Má lòn mòn lá cửa ngoài hiên Má cần mần cá để kho liền Má cắt con mắt cá đầu tiên Má cũng mua đầy hai mủng cá Má can con ăn mang cá kình. Trong nhân gian, người ta rất thích thú được nói lái và nghe nói lái, có khi bất chợt tình cờ vô ý mà tiếng nói ra thành một tiếng nói lái, có khi người ta tìm cách đẽo gọt, tìm tòi để kiếm ra những từ nói lái có ý nghĩa. Tác giả có thể là một mà cũng có thể là nhiều người, dần dà ngôn ngữ nói lái thành ra tài sản chung, đóng góp vào trong kho tàng văn chương bình dân của ngôn ngữ Việt Nam. Chúng tôi xin trích dẫn một số tiếng nói lái thông thường mà chúng ta hay bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày : trễ giờ thì trở (về) dề,- ôm nhiều thành yếu và yêu nhiều thành ốm, - đơn giản như đang giỡn,- chà đồ nhôm là chôm đồ nhà,-cây còn ( mộc tồn ) là con cầy và nói lái tiếng tây : très chaud ( nóùng quá ) thành trop cher ( đắt quá ). Như chúng tôi đã nói ở đầu ,trong bài nói lái này chúng tôi không có tham vọng làm công việc nghiên cứu mà chỉ thâu lượm một ít tư liệu rất hạn chế về nói lái để mua vui cho quí vị độc giả. Trong giới bình dân có rất nhiều câu nói hoặc chuyện nói lái rất thô tục, rất dễ nói lái với những tiếng có vần”ôn” như môn, tôn...chủ yếu nhắm vào các bộ phận sinh dục và chuyện quan hệ giữa nam nữ ...mà trong thơ Hồ Xuân Hưong chúng ta cũng đã thấy ít nhiều, như ta thường nghe trong dân gian như “ đạo dụ !”, “ điện lu”, “ cụ Đệ”, “mụ Đắc”... Chúng tôi hy vọng bạn đọc sẽ có nhiều tài liệu đóng góp cho chương nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam, vì quả thật đây là một chương rất đặc biệt không ai có và không giống ai. Huy Phương (*)1. Speak Pig Latin là đem âm này sang ghép với phụ âm của chữ kia và ngược lại ( giống như trong tiếng Việt tháo giày # thày giáo ) nhưng hoàn toàn chữ nói lái lại không có nghĩa. Ví dụ speak # eak/spay hay stupid # upi/stay.Người ta dùng những chữ này để làm nhẹ nghĩa câu nói, thay vì nói he's stupid thì mình chỉ nói he's upis/stay. Nói lịu (spoonerism) là cách nói đem phụ âm này qua ghép với âm của chữ sau, như blushing crow ( con quạ đỏ mặt ) thành crushing blow( cú đấm bể mặt). Giáo sư William Archibald Spooner ( 1844-1930 ) tại Đại Học Oxford, lúc về già, trong lúc giảng dạy sinh viên ông thường nói lịu. Thay vì nói You have missed my history lecture (anh vắng một bài thuyết trình về lịch sử của tôi) thì ông nói You hissed my mystery lecture, (anh �xì� một bài thuyết trình bí mật của tôi), hay show you to a seat ( chỉ cho anh một chỗ ngồi ) thì ông nói sew you to a sheet (may anh vào một tờ giấy), thay vì wasted the whole term ( phí nguyên một học kỳ ) thì nói tasted the whole worm (nếm nguyên một con trùn ). Lối nói này trong Anh Ngữ trở thành lối nói spoonerism, là lối nói của giáo sư Spooner, như kiểu nói lịu trong tiếng Việt của chúng ta. (**) Na bường bát tới : nói giọng Huế là đem bình bát tới. (***) Sách tham khảo : 1. Trạng Quỳnh- Hoàng Trúc Ly ( không đề nhà xuất bản) Kho tàng ca dao ( Nhiều tác giả) -Nhà Xb Văn Hóa Việt Nam) Longman Dictionnary of Language& Culture 1992. Đặc San Thương Về Xứ Huế ( QHĐK Nam Cali 1999) Tập San 48-55 Khải Định 1999. [ Trở về ]
|
Từ khóa » Các Lối Chơi Chữ Nói Lái
-
Nói Lái - Kiểu Chơi Chữ độc đáo Của Ngôn Ngữ Việt - Ông Bà Ta
-
Các Lối Chơi Chữ Cho Ví Dụ : Dùng Lối Nói Lái: Dùng Từ Ngữ đồng âm
-
Cho Ví Dụ Chơi Chữ Bằng Cách Nói Lái - Hoc24
-
Nói Lái: Thú Chơi Chữ Vừa Thanh Vừa Tục Của Người Việt Nam
-
Chơi Chữ Là Gì ? Kể Tên Các Lối Chơi Chữ ? Cho Ví Dụ Minh Họa ? Ngữ ...
-
Phân Biệt Các Lối Chơi Chữ Dùng Từ Ngữ đồng âm, Dùng Lối Nói Trại âm
-
Cho Ví Dụ Về Dùng Lối Nói Lái, Dùng Từ Ngữ đồng âm... - Nguyễn Vân
-
Nói Lái Là Gì? Ví Dụ Chơi Chữ Nói Lái Mới Nhất 2022 - LADIGI Academy
-
Soạn Văn 7: Chơi Chữ - Giải Bài Tập
-
II.CÁC LỐI CHƠI CHỮ: 1/ Dùng Từ đồng âm; 2 - 123doc
-
Giúp Em Học Tốt Ngữ Văn 7 Tập Một - Chơi Chữ Và Cách Phân Loại
-
Biện Pháp Chơi Chữ Là Gì? - Thư Viện Hỏi Đáp
-
Nói Lái – Wikipedia Tiếng Việt