Nổi Mụn ở Tinh Hoàn, Bạn Phải Làm Gì? • Hello Bacsi

Nổi mụn ở tinh hoàn có thể khiến bạn lo lắng vì không biết nguyên nhân vì sao. Trong nhiều trường hợp, tinh hoàn nổi mụn thường vô hại nhưng có khi đó cũng có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. 

Thông thường, tình trạng nổi mụn ở tinh hoàn hoặc mụn nổi ở bìu tinh hoàn có thể tự biến mất sau khoảng 1–2 tuần. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách xử lý, mụn ở tinh hoàn có thể diễn biến nghiêm trọng hơn. Vậy khi tinh hoàn mọc mụn phải làm sao?

Phân loại các loại mụn ở bìu tinh hoàn

Mụn tinh hoàn có thể chia thành các loại sau:

• Mụn đầu đen: Loại mụn ở bìu này hình thành khi dầu tiết ra trên cơ thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và tiếp xúc với không khí biến thành màu đen.

• Mụn đầu trắng: Tinh hoàn nổi mụn trắng hay mụn đầu trắng có cơ chế hình thành tương tự mụn đầu đen, nhưng khi lỗ chân lông đóng lại có màu trắng xuất hiện trên đỉnh.

• Mụn sần, đỏ: Cảm giác đau khi chạm vào, đây là dấu hiệu da bị kích thích hoặc sưng.

• Mụn mủ: Xuất hiện đầu trắng trên mụn đồng thời có sự tích tụ của mủ.

• Vết sưng: Thường xuất hiện các nốt hoặc vết sưng dưới bề mặt da và mang cảm giác đau.

Tương tự như các vùng trên cơ thể, nổi mụn ở tinh hoàn có thể xuất hiện với các dạng khác nhau. Bạn cần nhận biết được các nguyên nhân nổi mụn tinh hoàn để có thể kịp thời xử lý.

Nguyên nhân nổi mụn ở tinh hoàn

Nổi mụn ở tinh hoàn

Việc nổi mụn ở tinh hoàn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

Lông mọc ngược gây mọc mụn ở bìu tinh hoàn

Lông mọc ngược là nguyên nhân phổ biến của việc nổi mụn ở tinh hoàn, thường tạo ra một đốm đỏ có thể gây ngứa hoặc khó chịu. Lông mọc ngược có thể xảy ra khi các nang lông bị tắc nghẽn với các tế bào da chết. Lông vùng tinh hoàn thường ngắn hơn và thô hơn tóc trên đầu, có nhiều khả năng trở nên mọc ngược. Ở các khu vực được cạo lông, tình trạng lông mọc ngược phổ biến hơn.

Bìu nổi mụn do viêm nang lông

Các nang xung quanh lông mọc ngược có thể bị viêm hoặc nhiễm trùng. Đây là một tình trạng được gọi là viêm nang lông. Các nang lông có thể sưng phồng lên, chứa mủ và thường xuất hiện thành một cụm.

Tinh hoàn nổi mụn do phát ban nhiệt

Phát ban nhiệt có thể gây ảnh hưởng đến da trong thời tiết ấm áp. Tình trạng này xuất hiện dưới dạng những đốm nhỏ, màu đỏ và thường gây cảm giác ngứa hoặc châm chích. Việc đổ mồ hôi có thể kích thích phát ban, vì vậy bạn có thể giữ cho da mát để giúp giảm triệu chứng.

Nổi mụn ở tinh hoàn do nhiễm trùng đường tình dục

Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có thể khiến các đốm hình thành trên tinh hoàn. Tình trạng có thể do bệnh Herpes gây ra mụn nước nhỏ xuất hiện trên da, bệnh giang mai có thể gây đau trên da, rận mu có thể gây ra phát ban những vết sưng nhỏ màu đỏ.

Nổi mụn tinh hoàn do u nang

U nang là những đốm đầy mủ hình thành bên dưới da. Chúng có thể xuất hiện trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể và thường vô hại trừ khi chúng bị nhiễm trùng.

Mụn tinh hoàn do virus Molluscum contagiosum

Đây là loại virus ảnh hưởng đến da phổ biến ở trẻ em và thường không cần điều trị. Triệu chứng chính là những đốm nhỏ, hình thành thành cụm, thường ở các nếp nhăn quanh cơ thể, chẳng hạn như nách và háng. Để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan, bạn không nên dùng chung bồn tắm, khăn hoặc quần áo.

Việc phát hiện nguyên nhân gây nổi mụn ở tinh hoàn có thể giúp bạn giải quyết được tình trạng hiệu quả hơn. Điều quan trọng là bạn phải xử lý nổi mụn ở tinh hoàn đúng cách và hợp lý.

Nổi mụn ở tinh hoàn phải làm sao?

Nổi mụn ở tinh hoàn phải làm sao?

Bạn có thể xử lý nổi mụn ở tinh hoàn hoặc mụn ở bìu tại nhà theo nhiều cách như:

– Thoa khăn ấm, ướt vào khu vực xung quanh mụn nhọt trong ít nhất 20 phút, 4 lần mỗi ngày. Bạn nên đặt hai giọt dầu cây trà vào khăn để giúp làm sạch dầu trên da bìu.

– Thoa một lượng nhỏ dầu thầu dầu vào mụn nhọt. Dầu thầu dầu là một chất kháng khuẩn tự nhiên có thể giúp bạn giảm nhiễm trùng.

– Sử dụng xà phòng nhẹ và khăn lau để rửa sạch khu vực xung quanh mụn khi bạn tắm.

– Trộn một muỗng canh tinh bột ngô với nước sạch ở nhiệt độ phòng, thoa hỗn hợp lên mụn và khu vực xung quanh. Bạn để hỗn hợp khô trong khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm rồi lau khô vùng kín bằng khăn sạch.

– Sử dụng kem hoặc thuốc mỡ kháng khuẩn tại chỗ trên mụn để giúp giảm vi khuẩn, nấm trong và xung quanh mụn. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Nếu tình trạng nổi mụn trên tinh hoàn không có dấu hiệu tốt hơn sau vài ngày hoặc vài tuần điều trị tại nhà, bạn hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh uống để giúp giảm tình trạng nổi mụn ở tinh hoàn của bạn.

Phòng ngừa nổi mụn ở tinh hoàn

Nổi mụn ở tinh hoàn

Để phòng ngừa xuất hiện cũng như tránh tình trạng nổi mụn ở tinh hoàn trở lại sau khi bạn đã điều trị, bạn có thể thực hiện các cách sau:

• Tắm, làm sạch thường xuyên: Bạn nên tắm khoảng 1 – 2 lần/ngày để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

• Hạn chế mặc đồ lót làm bằng vật liệu vải tổng hợp: Bạn nên mặc đồ lót 100% cotton để giúp bộ phận sinh dục luôn được thoáng khí.

• Không nên mặc quần áo bó sát: Việc mặc quần hoặc đồ lót bó sát có thể làm cho mụn nhọt có nhiều khả năng phát triển hơn.

• Tránh nhổ hoặc wax lông vùng tinh hoàn: Điều này có thể gây kích ứng nang lông và da của bạn. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về những phương pháp tẩy lông để có bước xử lý đúng cách.

• Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục: Việc bảo vệ trong quan hệ tình dục có thể giúp bạn giảm tiếp xúc với vi khuẩn, vi rút và các vật lạ khác có thể gây ra nổi mụn ở tinh hoàn.

Hầu hết việc nổi mụn ở tinh hoàn đều vô hại và thường sẽ tự hết. Bạn có thể sử dụng phương pháp điều trị tại nhà và giữ vệ sinh tốt có thể giúp giảm và ngăn ngừa nổi mụn ở tinh hoàn. Nếu bạn lại bị nổi mụn ở tinh hoàn, bạn nên xem xét đến bác sĩ để kịp thời xử lý nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Da Bìu Nổi Mụn