Nơi Ra đời Ca Khúc "Tiến Về Hà Nội" Của Nhạc Sĩ Văn Cao

Vanvn- Đến nay, nhiều người vẫn coi ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao là “Khúc ca khải hoàn” của người Hà Nội và cho rằng, ca khúc này còn chứa đựng khá nhiều cái “lạ” cả trong dự cảm, tư duy sáng tạo của tác giả và cả nơi nó được sinh ra.

Nhạc sĩ Văn Cao.

Cảm hứng sáng tạo của nhạc sĩ

Khúc khải hoàn hoành tráng “Tiến về Hà Nội” không phải là cảm xúc bất chợt bùng phát trong ngày trở về như tên gọi của ca khúc mà là sức sáng tạo của nhạc sĩ, kết tinh dự cảm về chiến thắng tất yếu của cách mạng từ 5 năm trước đó, để ra đời vào năm 1949.

Chính tác giả cũng không được nghe giai điệu do mình tạo ra trong ngày tiếp quản Thủ đô vì lúc đó ông đang cùng Đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài.

“Tiến về Hà Nội” không xuất xứ từ Thủ đô kháng chiến gió ngàn ở Việt Bắc mà lại được viết ở một nơi không xa Hà Nội là mấy. Đó là một vùng quê chiêm trũng thuộc Khu Cháy, huyện Ứng Hòa (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Thành phố Hà Nội) – căn cứ kháng chiến phía Nam Hà Nội, nơi  nhiều cán bộ của Xứ ủy Bắc kỳ, Liên khu III và Hà Nội, Hà Đông (cũ) hoạt động.

Rõ ràng cảm hứng sáng tạo với tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vững chắc vào tương lai đất nước của người nghệ sĩ – chiến sĩ đã làm nên ca khúc.

Sự thống nhất ý chí được thể hiện ở chi tiết chính tác giả trong một buổi sinh hoạt Chi bộ Đảng đã hứa với cấp trên rằng sẽ viết một nhạc phẩm về dự cảm và niềm tin đó và khi “Tiến về Hà Nội” được viết xong, đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Trưởng ban Tuyên huấn lúc đó đã cho đăng ngay trên tờ báo của Thủ đô.

Căn cứ Khu Cháy – nơi ra đời “Tiến về Hà Nội”

Tượng đài Khu Cháy (Ứng Hòa, Hà Nội)

Khu Cháy có một cái chợ khá nổi tiếng bên sông Đáy, kéo dài mấy cây số từ chợ Đại (Kim Bảng) tới Cống Thần (Ứng Hòa). Chợ này được mô tả khá sầm uất, phong phú và nhiều khách (cả vùng tự do và vùng tề) qua lại.

Chợ này còn là nơi nghỉ ngơi, giao lưu, sinh hoạt tinh thần cho mọi tầng lớp (cố nhiên còn là nơi hoạt động của cán bộ Việt Minh và cả mật thám địch nữa) với những hiệu bán đồ sang, những quán cà phê, rượu thơ và nhạc…

Chính vì thế mà Khu Cháy thu hút rất nhiều văn nghệ sỹ kháng chiến về ở và làm việc, từ đây để lại những tác phẩm nổi tiếng gắn bó với lịch sử cách mạng.

Là một người trong số đó, nghệ nhân Đào Văn Soạn người làng Đào Xá (xã Đông Lỗ – Ứng Hòa) thú vị nhắc đến nhiều cái tên quen thuộc như các họa sĩ Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái với nhiều cuộc trưng bày tranh cổ động, tuyên truyền; nhà thơ Quang Dũng với “Đôi mắt người Sơn Tây”, đặc biệt là nhạc sĩ Văn Cao với “Tiến về Hà Nội”.

Theo nghệ nhân Đào Văn Soạn, có lẽ không khí kháng chiến cùng phong vị các phiên Chợ Đại – Cống Thần đã tạo niềm hưng phấn, lạc quan cách mạng cho những cảm xúc sáng tạo của văn nghệ sĩ ở đó.

Các tài liệu lịch sử về Khu Cháy anh hùng đều nhắc đến cuộc càn Kangaroo của Thực dân Pháp vào Khu Cháy mà trận đánh chặn đầu tiên đã diễn ra tại khu vực Chùa Viên Đình, làng Đào Xá của Đông Lỗ.

Dù không cân sức nhưng 2 tiểu đội du kích phối hợp với bộ đội địa phương, được dân làng trợ giúp đã kìm chân một cánh quân Pháp đông gấp bội cùng xe tăng, súng pháo suốt một ngày trời, đủ thời gian cho các cơ quan trong căn cứ di chuyển an toàn.

Lý giải cho chiến công này chỉ có thể là tinh thần quả cảm quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, chiến trận lòng dân của những nông dân Đông Lỗ chất phác.

Sản xuất đàn tại một hộ gia đình ở thôn Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa). Ảnh: Minh Phú.

Tiếng đàn Đông Lỗ

Điều thú vị là thôn Đào Xá lại là nơi phát tích một nghề mới lạ, cầu kỳ, quý phái ở vùng quê thuần nông chiêm khê, mùa thối này – nghề chế tác nhạc cụ. Theo hồi ức của nhiều bậc cao niên trong làng thì người đầu tiên mang nghề làm đàn từ Hà Nội về làng là cụ Đào Xuân Lan, một thợ mộc bậc thầy.

Dù chưa qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nào về nhạc lý, càng không biết gì những kiến thức hàn lâm về hòa âm, phối khí, cao độ, trường độ trong âm nhạc, nhưng với đôi tay tài hoa và khả năng thẩm âm đặc biệt nhờ vận dụng biểu lý âm luật ngũ hành, những nông phu xứ “thịt chó 7 món 1 nồi” Đông Lỗ đã tạo tác nên những nhạc khí tinh xảo từ truyền thống như đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, tam thập lục đến hiện đại như ghi ta, violon…

Cũng chính những nông dân Đào Xá là những người đầu tiên biết và say sưa tập hát bài ca “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao tại nơi và khi ông viết ra nó. Một lần nữa cảm hứng nghệ thuật của nhạc sĩ lại bắt gặp những lát cắt đẹp trong quê mùa, giản dị, đối chọi mà hòa hợp đến bất ngờ, làm nên sức sống, sức sáng tạo của người Đông Lỗ.

               THÁI HÀ/LĐST

Xem thêm:
  • Trung Quốc từng bước thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông với việc xét giấy đi lại
  • Nhà văn Paul Lynch đoạt giải Booker với cuốn tiểu thuyết “Prophet Song”
  • Băn khoăn vị trí dự kiến xây cầu Mã Đà
  • Nguyễn Huy Thiệp: Nói chuyện một mình
  • Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc Tết Nhâm Dần 2022

Từ khóa » Tiến Về Hà Nội Văn Cao