“Tiến Về Hà Nội”: Khúc Ca Khải Hoàn Của Người Hà Nội

Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao cho biết, trong di cảo, tác giả “Tiến về Hà Nội” kể, vào cuối năm 1948, ông được lệnh điều về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Cùng đi với ông thời đó còn có nhà văn Nguyễn Đình Thi và họa sĩ Tô Ngọc Vân… Phải mất cả tháng trời đi bộ vượt đường số 6, đoàn mới về đến chợ Đại thuộc Ứng Hòa, Sơn Tây (Hà Nội ngày nay). Đây từng được xem là “thủ phủ” của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhạc sĩ Văn Cao kể: “Về tới chợ Đại, chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác, lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng về nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3, tôi đã hứa với đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo (về sau là Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, rồi Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam-NVB). Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: “Những ca khúc của cậu làm tôi rất xúc động. Nhất là bài “Làng tôi” và bài “Trường ca sông Lô”. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm. Làm tôi rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ. Vậy nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng, vừa trữ tình nhé!”. Khi anh Đạo tiễn tôi ra về, anh đã khoác tay tôi đi trên đường làng một quãng dài. Anh thủ thỉ nói với tôi: “Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công, nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân Thủ đô đấy”. Đêm hôm ấy đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh, những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến về Hà Nội” đã đến với tôi: Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về...” .

leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ - thi sĩ Văn Cao. Ảnh tư liệu.

Nhiều tài liệu cho biết thêm, chỉ hai tuần lễ sau đó, ca khúc “Tiến về Hà Nội” ra đời (mùa xuân 1949). Bài hát đã được in trên tờ báo Thủ đô do đồng chí Khuất Duy Tiến (Phó bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ) phụ trách. Mấy tháng sau, đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng bài “Tiến về Hà Nội” phục vụ bộ đội và nhân dân tỉnh Thái Bình rồi nhanh chóng được phổ biến ở nhiều địa phương khác.

… Ngày 10-10-1954, người Hà Nội trong niềm vui vỡ òa, hân hoan đón những người con yêu từ chiến khu khói lửa trở về. Không khí đúng như câu thơ trong bài “Cảm xúc tháng Mười” của nhà thơ Tạ Hữu Yên dưới đây:

Không thể nói trời không

          trong hơn

Và mắt em xanh khác

          ngày thường

Khi đoàn quân kéo về

          mùa thu ấy

Nhịp trống rung ba mươi sáu

phố phường

… Mẹ đứng hàng đầu

rưng rưng nước mắt

Xốn xang mẹ thầm gọi

các con

Anh chiến sĩ mến thương

nhìn mẹ

Nghe niềm vui ấm cả

tâm hồn...

Và khi bài hát “Tiến về Hà Nội” hùng tráng, thiết tha vang lên ở Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội anh hùng, ngàn năm văn hiến lần đầu tiên thì tiếc rằng tác giả bài hát lại không có mặt. Ông đang theo phái đoàn của Hội Văn hóa Cứu quốc của Việt Nam sang thăm Liên Xô và Trung Quốc… Nhiều người bảo rằng, ông-nhạc sĩ Văn Cao, tác giả ca khúc bất hủ “Tiến về Hà Nội”-có lẽ hôm đó biết tin chắc cũng rất vui, bởi ông đã tiên đoán từ 5 năm trước Hà Nội của ông sẽ có ngày 10-10 với:

Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc

quân thù đầu hàng

Cờ ngày nào tung bay

trên phố.

Trùng trùng say trong câu

hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang

sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây.

Năm cửa ô đón mừng đoàn

quân tiến về

Như đài hoa đón mừng

nở năm cánh đào…

Nhiều người cho rằng, nếu ca khúc “Người Hà Nội” của nhà thơ-nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ lừng danh Văn Cao là khúc ca khải hoàn của ngày vui chiến thắng. Bài hát được viết theo thể loại hành khúc với không khí sôi nổi, hân hoan đầy khí thế. Cả lời cả nhạc như vang vang nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, vui cười, hạnh phúc giữa rừng người, rừng cờ hoa chào đón những chiến sĩ thân yêu của mình về tiếp quản Thủ đô giải phóng.

Lời bài hát

“Tiến về Hà Nội”

 

Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

Cờ ngày nào tung bay trên phố.

Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê

sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây.

 

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về

Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào

Chảy dòng sương sớm long lanh.

 

Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương say ngày xa

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu.

Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay

Những xuân đời mỉm cười vui hát lên.

 

Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần

Như mùa xuân xuống cành, đường nghe gió về

Hà Nội bừng tiến quân ca…

NGÔ VĨNH BÌNH

Từ khóa » Tiến Về Hà Nội Văn Cao