Nơi Thúng, Mủng, Giần, Sàng Trở Thành Hiện Vật
Có thể bạn quan tâm
Ta có thể gặp ở đó những mâm đồng, chạn gỗ, cái đó, cái đơm; những ngôi nhà mái rạ, cửa gỗ bức bàn; có khi chỉ đơn giản là màu tro xam xám trong gian bếp nhỏ trình đất tứ bề.
Bảo tàng Đồng quê |
Gặp lại hồn cốt quê xưa
Cổng “Bảo tàng Đồng quê” là sự tái hiện cổng làng nông thôn xứ Bắc. Đứng trước tam quan ấy, hồi ức tuổi thơ tôi bỗng kéo đến ập ùa: Nơi ấy là chốn ú tim của đám trẻ làng, là nơi trú những cơn mưa rào bất chợt của các bác nông dân; là bóng dáng thân thương, ấm áp, dịu dàng thường trực trong lòng bao người con xa xứ…
Bước qua cổng bảo tàng là ruộng lúa, ruộng đay; ở giữa có “hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân” vừa làm nơi thả cá, vừa đóng vai trò là yếu tố minh đường và là một phần thuỷ lợi trong kiến trúc làng xã xưa.
Trên bờ ao trồng cúc tần, dâm bụt, duối, ô rô… - những loài cây quê kiểng, suốt bao năm là ranh giới giữa các hộ gia đình, xanh um, mát rượi chứ không gạch vữa, bê tông trơ khấc như tường rào nông thôn thời hiện đại.
Những ngôi nhà tranh được phục dựng. |
Bên trái của bảo tàng có hai ngôi nhà lợp cỏ tranh. Nhà trình đất, có cái bếp nhỏ là nhà bần nông; có nhiều chum vại, bếp to là nhà trung nông; trước mỗi nhà đều có một vườn rau nho nhỏ.
Bên phải của bảo tàng có ngôi nhà năm gian lợp ngói, bên trong có sập gụ, có bộ tràng kỷ, có cái sân rộng lát gạch chỉ. Phía trước là nhà ngang có võng gai, giường tre, bàn trà.
Ba ngôi nhà ấy, riêng nhà bần nông được phục dựng qua sách vở và ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu văn hóa; còn nhà trung nông, nhà địa chủ đều được mua “trọn gói” từ người dân. Cánh thợ nề, thợ mộc xã Giao Thịnh chỉ việc ráp lại và sắp xếp sao cho giống hệt ngôi nhà mà người bán đã từng ở; ngay gian bếp của nhà trung nông, cách bố trí, bày biện ra sao cũng được tái hiện nguyên vẹn.
Chủ nhân của bảo tàng độc đáo đó là bà giáo về hưu Ngô Thị Khiếu. Vốn là người huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, bà theo học ngành Sư phạm rồi về nhận công tác ở trường cấp 2 Giao Thịnh. Bà gặp và nên duyên vợ chồng với thầy giáo Hoàng Kiền ở mái trường ven biển này. Rồi anh giáo Kiền giã từ bảng đen, phấn trắng lên đường bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Bà Khiếu cũng theo chồng mang nghiệp gõ đầu trẻ đi khắp nơi.
Bà giáo với tâm huyết lưu giữ những vật dụng gắn bó với nghề nông. |
Mỗi lần về quê coi sóc nhà cửa, chăm lo việc bên chồng, bà giáo lại gặp các chị đồng nát chở rất nhiều xoong, mâm, ấm, chậu... bằng đồng thau đi bán, các đại lý thu mua sẽ đập bẹp ra rồi nấu chung với các kim loại khác và chế biến thành những vật dụng mới. Nghe mọi người nói giá bán những đồ đồng đó chỉ tương đương sắt vụn, bà giáo cứ thấy tiếc và xon xót thế nào... Bà bảo: “Đằng nào cũng mang đi bán, thôi thì các cô, các chị bán lại cho tôi!”.
Dựng bảo tàng vì học sinh
Bà giáo kể: “Lúc đó tôi chỉ tiếc và thấy rẻ quá nên mua. Sau đó tôi nghĩ các con, các cháu mình từ nhỏ đến giờ có biết gì về những vật dụng đã gắn bó với bao đời ông bà, cha mẹ của chúng đâu”.
Thế là từ bấy, gặp cái gì thân thuộc với tuổi thơ của mình, với bố mẹ mình, bà đều tìm mua lại để kể cho các con nghe cuộc sống nông nghiệp của ông cha. Mục đích chỉ đơn giản vậy, nhưng lần nào gặp hàng đồng nát bà cũng giữ lại và hỏi mua, vì “đời sống của ông cha mình thấm cả vào đó rồi, giờ mang đập bẹp, nấu mới thì tiếc lắm”.
Những hình ảnh gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người vùng quê. |
Việc dựng bảo tàng của vợ chồng bà Khiếu xuất phát từ một lần ông bà về quê dự lễ khánh thành trường mầm non của xã. Hai mươi năm trước, chứng kiến những mái trường quê nhà còn nhiều thiếu thốn, các cháu mầm non thiếu chỗ vui chơi, học sinh cấp 1, cấp 2 thì thiếu đồ dùng học tập, sách báo; ông bà xin địa phương được mua một sào đất để xây thư viện rồi chuyển cả cái kho sách trong thư viện gia đình về; nhờ con cái mua thêm sách mới để các cháu học sinh và bà con trong xã đến đọc.
Từ hoạt động của thư viện mà bà giáo có nhiều cơ hội tiếp xúc với đám trẻ, bà thấy bọn trẻ trên chính quê hương nông nghiệp của mình còn không biết đến cái cối giã gạo, cái bồ đựng thóc, cái nơm bắt cá, cái ách cày bừa buộc trên lưng trâu chứ đừng nói gì đến trẻ con phố thị. Bà nghĩ, hay là mình dựng lên một bảo tàng chứa tất cả những gì thuộc về nông thôn, nông nghiệp.
Ý tưởng được gia đình ủng hộ, thế là bà bắt tay vào làm. Ông bà lên gặp lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện để trình bày nguyện vọng và xin được thuê mảnh đất hơn 5000m2 hoang hóa, bạc màu nằm cạnh trường mầm non trong 30 năm.
Biết vợ chồng bà giáo có ý định xây dựng bảo tàng phục vụ con em trong vùng, người dân Giao Thịnh và cũng như nhiều địa phương lân cận đã mang đến tặng bà những món đồ rất ý nghĩa. Có hôm một bác đánh dậm quần còn xắn móng lợn, chân tay lấm lem bùn đất xách theo cái nơm, cái đó, cái vó nhỏ đứng trước sân nhà bà Khiếu bảo: “Tôi mang mấy thứ này đến để cô cho vào bảo tàng”.
“Những thứ bác ấy mang đến là rất nhỏ về giá trị kinh tế, nhưng giá trị tinh thần và tấm lòng của bác ấy thì thật lớn!” – bà giáo già cảm kích.
Nuôi lợn, nấu rượu, thả cá để bảo tàng không “khô như… ngói bảo tàng”
Góc cuối Bảo tàng Đồng quê có chuồng nuôi lợn theo đúng lối tăng gia của các nông hộ khi xưa. Trong gian bếp nhà trung nông, ở một góc các bà, các chị đang thoăn thoắt ủ men lá cho gạo. Phía bếp, mấy ông lão râu ria, ăn sóng nói gió mặn mòi vị biển đang nấu rượu bằng nồi đồng, bao nhiêu dấm bỗng sau khi nấu sẽ dành để nuôi lợn.
Như không ít người đến Bảo tàng Đồng quê, thấy có người nấu rượu, người nuôi lợn, người cắt cỏ nuôi cá, người trồng rau; tôi ý nhị hỏi “quy mô và mức đầu tư tốn kém thế này, thú thật là tôi thấy giống khu du lịch nhiều hơn bảo tàng, hay bà còn có mục đích kinh doanh?”.
Bà giáo cười lớn: “Tôi đang cố gắng học theo cách làm bảo tàng hiện đại của thế giới. Chứ theo lối truyền thống thì thành hiện vật chết mất rồi, người ta vẫn bảo “khô như ngói bảo tàng” đấy thôi. Vả lại bảo tàng của tôi hướng đến thế hệ trẻ, có hoạt động sống, việc học của các cháu chẳng hiệu quả và bổ ích hơn sao?!”.
Quả thực, trong Bảo tàng Đồng quê này có cả một “thế giới” nông cụ: cái liềm gặt lúa, cái dầm đào cỏ, cái vồ đập đất, cái cối giã gạo, cái gàu sòng tát nước và đủ loại nong, nia, thúng, mủng, giần, sàng...
Giọng bà giáo già có lúc trầm xuống: “Tâm nguyện của tôi là dựng lên một quần thể để nhân dân, học sinh, sinh viên gần xa được tham quan, tìm hiểu về những gì mà nền văn minh lúa nước, văn hóa đồng quê để lại. Chứ với sự phát triển tất yếu của khoa học kỹ thuật, một ngày nào đó, tôi sợ sẽ rất khó để gặp lại những vật dụng đã gắn bó với đời sống nông nghiệp bao đời của ông cha”.
Bài, ảnh: Ngọc Minh Tâm
Từ khóa » Thúng Mủng Nong Nia
-
Bài đồng Dao: Thúng Mủng Nong Nia
-
Thúng, Mủng, Nong, Nia, Dần, Xảo, Sàng _ Có Ai Phân Biệt được Tất ...
-
THÚNG - MỦNG - NONG - NIA - DẦN - SÀNG - MẸT
-
Phân Biệt Các Vật Dụng Bằng Tre Nong, Nia ... - Tre Trúc Thái Dương
-
Thúng Mủng Giần Sàng - Báo Lao Động
-
Thúng, Mủng, RỔ, RÁ, Đan đát,đan Lát?
-
Nong, Nia, Sàng, Sịa, Rổ, Rá - Bạn đã Biết Phân Biệt Các Vật Dụng Này ...
-
Thúng Mủng Nong Nia, Thằng Kia đánh Rắm, Ông Lão đi Qua, Chửi ...
-
Giần Sàng Thúng Mủng Nong Nia - Những Câu đố Vui Dân Gian
-
Thúng, Mủng, Nong, Nia, Dần, Xảo, Sàng _ Có Ai ... - Sổ Tay Cha Mẹ
-
“Phên Liếp, Nong Nia, Thúng Mủng, Giần Sàng, Cái Nào Cũng Tất Bật ...
-
Phân Biệt Các Vật Dụng Bằng Tre Nong, Nia, Sàng, Rổ, Giá, Thúng, Mẹt Tre