Nói Với Con Của Y Phương - Một Khúc Nhạc Đàn Tính Nhiều Cung Bậc

Skip to Content
  • Sở GD&ĐT/
  • Chi tiết tin tức/
Full name (Required) Sender (Required) Recipient (Required) Email content Text to Identify Refresh CAPTCHA Refresh CAPTCHA Text Verification (Required) Send email Refresh Nói với con của Y Phương - Một khúc nhạc Đàn Tính nhiều cung bậc Print Nói với con của Y Phương - Một khúc nhạc Đàn Tính nhiều cung bậc 20-06-2012 | Views: 29557 dark-mode-label OFF Font size: A- A A+ Print Send email Đọc bài viết Giọng Nữ Giọng Nam
Trong số các nhà thơ dân tộc thiểu số, Y Phương là gương mặt khá tiêu biểu. Tác phẩm của ông khẳng định được vị thế riêng trong thơ ca hiện đại bởi một “chất giọng” đặc trưng của người Tày. Y Phương tự nhận mình là cây đàn Tính của dân tộc Tày: “Cây đàn này đâu phải cây đàn / Bầu nước mắt trăm năm cười khóc / Cây đàn này đâu phải cây đàn / Bọc sinh nở, lời chào ly biệt / Vụt đứng lên cây đàn dìu dặt / "Đi như thế cho đến ngày nhắm mắt" / Ngôn ngữ cổ còn vài câu tích tịch / Hãy gẩy lên bất cứ nơi nào” (Đàn Tính).
Cây đàn Tính có cái tên Y Phương ấy luôn cần mẫn gom nhặt và làm sống dậy những giá trị nhân văn trong truyền thống văn hóa của cộng đồng người Tày. Dù viết về làng, về tình yêu đôi lứa hay về tình phụ tử, Y Phương cũng luôn có ý thức tái hiện linh hồn của văn hóa quê hương. Từ thơ Y Phương, người đọc có thể nhận ra một vùng văn hóa độc đáo và có bề dày mà ít nhiều còn khá bí ẩn. Bài thơ Nói với con là một khúc nhạc đàn Tính như thế - một khúc nhạc đan xem nhiều cung bậc. Mang hình thức là những lời tâm tình, mộc mạc của người cha dành cho con nhưng vấn đề mà tác phẩm đặt ra không chỉ là tình phụ tử. Sự độc đáo ở “chất giọng” khiến tác phẩm vừa đầy hấp lực nhưng cũng có không ít trở lực đối với người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu văn học. Khi được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 9 THCS, người ta càng nhận rõ điều này. Nhà thơ Y Phương. Ảnh: Internet
Xin được bắt đầu từ lối tư duy nghệ thuật trong bài thơ. Bài thơ có nhiều hình ảnh ngỡ phi lí, là kết quả của sự hòa hợp rất nhuyễn giữa tư duy nghệ thuật dân gian miền núi và tư duy thơ Tượng trưng, Siêu thực hiện đại. Nếu tư duy nghệ thuật dân gian miền núi ưa dùng lối trùng điệp thì tư duy nghệ thuật của thơ Tượng trưng và Siêu thực lại thích tìm đến sự giao thoa giữa các cảm giác và sự coi trọng nhạc tính của ngôn ngữ thơ. Có thể nhận diện sự hòa hợp ấy ngay trong những câu thơ đầu:Chân phải bước tới chaChân trái bước tới mẹMột bước chạm tiếng nóiHai bước tới tiếng cười. Bốn câu thơ này là bức tranh về cảnh gia đình đầm ấm. Trong đó có ba nhân vật: người mẹ, người cha và đứa trẻ mà trung tâm là hình ảnh đứa trẻ đang tập đi. Sự hòa hợp giữa tư duy nghệ thuật dân gian miền núi và tư duy thơ Tượng trưng, Siêu thực đã được hóa thân thành các thủ pháp nghệ thuật để tái hiện những cử chỉ của đứa trẻ: có thủ pháp trùng điệp, có nghệ thuật sử dụng đối ý (chân phải - chân trái, một bước - hai bước, cha - mẹ, tiếng nói - tiếng cười) và có nghệ thuật tạo nhạc tính bằng sự phối thanh, bốn câu thơ dùng đến 15/20 thanh trắc. Sự cộng hưởng của những thủ pháp nghệ thuật và nhất là sự phối thanh đã tạo nên những âm điệu gân guốc. Âm điệu ấy thích hợp với việc tái hiện hình ảnh đứa trẻ đang lẫm chẫm tập đi, cứ “chân phải” rồi “chân trái” một cách chập chững khó khăn. Khó khăn nhưng đầy phấn khích vì sự khích lệ nhiệt thành của cha mẹ. Cách dùng số đếm: “một bước”, “hai bước” cho thấy ánh nhìn của cha mẹ thật chăm chú, quan sát từng cử chỉ, trông chờ, đếm từng bước đi của con. Những bước chân lẫm chẫm được bao bọc bởi tình yêu thương của cha mẹ, tạo ra sự đáng yêu của đứa trẻ. Cứ như mỗi bước đều là một “thành tựu”, một dấu mốc cần được đếm để ghi nhớ. Nhưng điều lí thú hơn không phải là cách dùng số đếm mà là lối liên tưởng có vẻ phi lí, ngộ nghĩnh kiểu tư duy thơ Tượng trưng: “Một bước chạm tiếng nói / Hai bước tới tiếng cười”. Tiếng nói, tiếng cười vốn vô hình nhưng lại được hữu hình hóa để trở thành “cọc tiêu” định vị cho đứa trẻ “bước tới”. Thực ra, đó là hình thức “lạ hóa” ngôn từ để diễn tả không khí hạnh phúc trong ngôi nhà. Cơ hồ như khi đứa trẻ “cán đích” cũng là lúc cả ngôi nhà như rung lên, cả không gian xung quanh tan thành tiếng nói cười. Đến những câu thơ tiếp theo, bài thơ bắt đầu chuyển mạch, chuyển giọng. Sau tiếng nói, tiếng cười ran lên từ “thành quả” tập đi, từ những bước đi đầu tiên của bé, chất thơ bắt đầu đọng vào sự sâu lắng suy tư khi nhân vật trữ tình - người cha “nói với con” về những điều ấp ủ. Từ đây, mạch thơ cứ đan cài giữa lòng yêu thương con và niềm tự hào về quê hương xứ sở. Người đồng mình yêu lắm con ơiĐan lờ cài nan hoaVách nhà ken câu hátRừng cho hoaCon đường cho những tấm lòngCha mẹ mãi nhớ về ngày cướiNgày đầu tiên đẹp nhất trong đời. Tứ của những câu thơ này tập trung xoay quanh ba hình ảnh. Thứ nhất là hình ảnh con người quê hương (được gọi bằng cái tên mộc mạc mà thân thương - người đồng mình). Hình ảnh này được miêu tả qua đôi bàn tay đan lờ bắt cá và ken vách làm nhà. Đó là bàn tay tài hoa. Hai động từ “đan” và “ken” vốn chẳng có gì sáng tạo, vậy mà ở đây chúng lại có một sức ám gợi đặc biệt. Hai động từ này đều có nét nghĩa tạo sự bện kết nhưng khi được liên tưởng tới “cài nan hoa” và “ken câu hát” thì chúng lập tức diễn tả một sự bện xoắn giữa giá trị lao động và giá trị nghệ thuật, bàn tay lao động cũng đồng thời là bàn tay tạo tác, mỗi thứ đồ vật cũng là một tạo tác văn hóa. Nhất là lối liên tưởng “vách nhà ken câu hát”. Cũng như tiếng nói, tiếng cười ở bốn câu đầu, câu hát vốn phi vật thể lại được hình hài hóa thành vách nhà. Y Phương giải thích rằng: “Một điều nữa “vách nhà ken câu hát” là yếu tố văn hóa phi vật thể. Người con trai ngồi ngoài vách. Người con gái ở bên trong vách. Họ hát cho nhau nghe. Hát tràn đêm đến sáng bạch. Bởi thế, bức vách ở đây không chỉ là một bức vách cụ thể bằng đất, bằng đá nữa. Nó đã trở thành một chủ thể văn hóa”(1). Vậy là chỉ cần miêu tả đôi bàn tay với những chi tiết ngỡ phi lí, Y Phương đã tái hiện một nét tính cách đặc trưng của người Tày, ấy là lòng yêu ca hát, là sự tài hoa, lãng mạn. Và hơn thế, “vách nhà ken câu hát” đã làm bừng dậy một không gian văn hóa riêng miền cao. Thứ hai là hình ảnh mảnh đất quê hương (được chấm phá bởi hai biểu tượng: “rừng” và “con đường”): “rừng cho hoa / con đường cho những tấm lòng”. Có thể diễn ý thơ thế này chăng: “Rừng cho hoa” là biểu tượng của thiên nhiên thơ mộng, cũng là biểu tượng của sự sinh sôi, biểu tượng của sức sống (hiểu theo nghĩa đơm hoa - kết trái). Con đường cũng là biểu tượng quen thuộc trong thơ ca để chỉ sự xóa nhòa các lằn ranh. “Con đường cho những tấm lòng” bởi nhờ nó mà con người có thể đến được với nhau. Vì thế, con đường là sợi dây nối liền tình cảm, cũng là sợi tơ duyên để nối kết những tâm hồn, trong đó có cha và mẹ. Bằng điệp từ “cho”, cũng là động từ chỉ sự trao tặng, dâng hiến, tác giả đã dành những lời ngợi ca ngắn gọn mà giàu cảm xúc về hình ảnh một mảnh đất quê hương hào phóng - mảnh đất đã ban tặng cho con người những gì tinh túy nhất: “cho hoa” và “cho những tấm lòng”. Thứ ba là hình ảnh “ngày cưới” của cha mẹ, là “ngày đầu tiên”, là ngày “đẹp nhất”, đáng nhớ nhất trong đời. Ba hình ảnh này: con người - mảnh đất quê hương - ngày cưới của cha mẹ ngỡ chẳng liên kết gì và mạch thơ ngỡ như tản mạn nhưng xét kĩ lại khá tập trung. Chúng đều là những hình ảnh thơ nằm ở độ “thăng hoa”. Con người thì tài hoa, thiên nhiên thơ mộng hào phóng và nỗi nhớ thì gắn với ngày “đẹp nhất trong đời”. Cả ba hình ảnh đều đồng lòng gợi thức dậy ở đứa trẻ tình yêu thương, lòng gắn bó với cội nguồn sinh dưỡng. Rằng, con được sinh ra và được nâng niu trong một thế giới đầy sắc màu cổ tích. Đó là thế giới của những con người tài hoa, những tâm hồn lãng mạn, là thế giới của những con đường xuyên những cánh rừng đầy hoa và gần gũi hơn nữa, con được sinh ra từ tình yêu tha thiết giữa cha và mẹ (bằng chứng là nỗi nhớ “ngày đầu tiên đẹp nhất trong đời”). Một thế giới như thế sẽ đủ sức bao bọc con trong những êm đềm, những yêu thương; đủ sức nuôi lớn tâm hồn con và xứng đáng để con không phụ lòng. Trong ba hình ảnh kể trên, tôi muốn bàn nhiều về vẻ đẹp của con người quê hương. Điều đó không hẳn do những liên tưởng thơ độc đáo mà là vị trí của hình ảnh này trong toàn tác phẩm. Điệp ngữ “người đồng mình” lặp lại bốn lần, tuy mỗi lần diễn tả một nét phẩm chất riêng song tổng gộp lại, “người đồng mình” là hiện thân đầy đủ nhất của truyền thống quê hương. Không chỉ tài hoa lãng mạn, “người đồng mình” còn là nơi hội tụ của ý chí, nghị lực, sự trong sáng nghĩa tình: “Người đồng mình thương lắm con ơi / Cao đo nỗi buồn / Xa nuôi chí lớn”; “người đồng mình” có thể “sống trên đá không chê đá gập ghềnh / Sống trong thung không chê thung nghèo khó” nghĩa là sống thủy chung, ơn nghĩa sâu nặng với quê hương, nghĩa là có khả năng thích nghi kỳ lạ trong bất cứ hoàn cảnh nào, như cây rừng có thể sinh sôi trên đá, xanh tốt trong thung, “người đồng mình” có thể bình thản đối mặt với gian khổ mà “không lo cực nhọc”, có thể vượt lên những cực nhọc bằng tính cách nhẫn nại phi thường:Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hươngCòn quê hương thì làm phong tục. Trong hai câu này, câu trên có ba thanh trắc liền nhau “tự - đục - đá”. Sự liên hoàn của ba thanh trắc tạo nên âm điệu trúc trắc, nặng nhọc. Âm điệu ấy có tác dụng đắc địa trong việc tái hiện sự cặm cụi, nỗi nhọc nhằn của “người đồng mình” trong việc kiến tạo quê hương trên đá. Tiếp sau đó, bốn thanh bằng liên tiếp lại tạo ra một âm điệu nhẹ nhàng “kê - cao - quê - hương”. Sự liên hoàn của thanh bằng lại mở ra hình ảnh một thế đứng, một tầm vóc cao vời vợi của quê hương giữa mênh mang đất trời. Từ âm điệu trúc trắc đến nhẹ nhàng cũng tựa như một khúc thức trong một bản nhạc, mô phỏng hành trình của quê hương từ sự khó nhọc nặng nề khi dựng nghiệp đến khi ung dung, khoan khoái trước thế đứng vượt lên trên những “gập ghềnh” của đá. Câu thơ dưới có 6 chữ mang thanh bằng và cuối câu lại là thanh trắc: “Còn - quê - hương - thì - làm - phong - tục”. Sự chuyển đổi âm điệu bằng trước - trắc sau ở câu này cũng là sự chuyển điệu từ êm nhẹ trước (bằng), nặng lắng (trắc) sau, là hướng chuyển điệu ngược lại với câu trên. Kết thúc bằng thanh trắc, câu thơ đã gợi được sự kết dệt, lắng đọng của những giá trị văn hóa bền vững. Nói rằng hai câu thơ này chứa đựng niềm tự hào về con người quê hương cũng được mà nói rằng đó là một triết lí được đúc rút từ bề dày truyền thống chắc cũng chẳng sai. “Sống trên đá không chê đã gập ghềnh” là thế, “tự đục đá kê cao quê hương” cũng là thế. Đó là sự hình tượng hóa quá trình không ngừng nghỉ của bao thế hệ “người đồng mình” nhằm tạo ra những giá trị sống. Đó là quá trình đầy cực nhọc và trong quá trình ấy, tâm hồn, trí tuệ của những con người “sống trên đá” đã lắng đọng lại thành những tập quán, phong tục hay nói rộng hơn là thành một bản sắc văn hóa riêng. Không biết có phải dụng ý của Y Phương hay không nhưng hai câu thơ này cứ như một khái quát về hành trình dựng nghiệp của tổ tiên từ thuở “khai thiên lập địa” đến giờ. Người đồng mình “tự đục đá” chứ không hề thụ động, chẳng dựa vào lực lượng siêu nhiên nào để kiến tạo quê hương. Ở một phương diện nào đó, có thể coi, bài thơ Nói với con cũng là một trong những bằng chứng đánh dấu sự chuyển biến của văn học từ thời chiến sang thời bình. Trong những năm chiến tranh, truyền thống văn hóa cũng là đề tài hấp dẫn nhiều nhà thơ. Tuy nhiên, do yêu cầu của thời đại, người nghệ sĩ nếu có viết về truyền thống cũng không ngoài mục đích nhen lên ở người đọc niềm tự hào dân tộc. Đánh thức niềm tự hào dân tộc cũng là cách khơi lên sức mạnh tinh thần mà đánh giặc. Chẳng hạn, Nguyễn Khoa Điềm, song hành với việc tái hiện dáng vóc đất nước bằng những giá trị văn hóa đã nhắn nhủ thế hệ trẻ vùng tạm chiếm ở miền Nam: “Khi chúng ta cầm tay mọi người / Đất nước vẹn tròn to lớn” (Mặt đường khát vọng). Trong lời nhắn ấy có hàm ngôn chua chát: “chúng ta” (thế hệ trẻ ở các đô thị miền Nam) chưa hòa chung vào không khí đấu tranh của cả dân tộc, chưa “cầm tay mọi người” nên đất nước vẫn còn bị chia cắt, chưa được “vẹn tròn to lớn”. Bài thơ Nói với con được viết khi giặc tan rồi. Chiến tranh được đẩy lùi nhưng nguy cơ mai một truyền thống lại nhỡn tiền. Như thế nếu điều Nguyễn Khoa Điềm quan tâm là chủ quyền, là đất nước thống nhất thì điều mà Y Phương quan tâm lại là bản sắc văn hóa. “Bài thơ Nói với con tôi viết năm 1980 - Y Phương nói - Đó là thời điểm đất nước ta gặp vô vàn khó khăn. Thời kỳ cả nước mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ lâu dài và gian khổ. Giống như một người mới ốm dậy, xã hội khi ấy bắt đầu xuất hiện người tốt, kẻ xấu để tranh giành sự sống” và vì thế “cả xã hội lúc bấy giờ đang hối hả gấp gáp kiếm tìm tiền bạc (…) Muốn sống đàng hoàng như một con người, tôi nghĩ phải bám vào văn hóa”(2). Từ những lời tâm sự này mà suy ra thì khi viết bài thơ Nói với con, Y Phương muốn giãi tỏ nỗi lo âu về sự mai một những giá trị văn hóa truyền thống trước tâm lí “hối hả gấp gáp kiếm tìm tiền bạc” của xã hội. Dấu hiệu ít ỏi nhưng dễ thấy nhất của nỗi lo âu ấy là câu thơ “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn”. Câu thơ này chia rõ làm hai trạng thái tâm tư: vừa là những dự cảm lại vừa đầy những khát khao. Ở nửa thứ nhất của câu thơ, ba từ “dẫu - làm - sao” là những dự cảm về sự đổi thay của thời cuộc. Đó không chỉ là tâm sự của Y Phương mà còn là nỗi niềm của cả một thế hệ nhà thơ ở thời kỳ đầu thống nhất đất nước. Trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy từng mượn hình ảnh lời ru để thể hiện hoài nghi về số phận của những giá trị truyền thống: “Bà ru mẹ, mẹ ru con / Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?”. Như thế, điều mà Y Phương đặt ra cũng là vấn đề mang tầm thời đại. Đó cũng là vấn đề không thể xem thưởng bởi một lẽ đơn giản, một dân tộc đánh mất bản sắc văn hóa cũng đồng nghĩa với việc gương mặt tinh thần của dân tộc ấy bị xóa nhòa. Y Phương chắc cũng chưa hình dung hết số phận của những giá trị văn hóa truyền thống sẽ ra sao nhưng ba từ “dẫu - làm - sao” đã chứa chất đầy những đau đáu lo âu. Không lo sao được khi một người nặng lòng với cội nguồn mà phải chứng kiến nguồn cội của mình có vẻ như lung lay. Một trong những bằng chứng về sự nặng lòng ấy là những câu thơ trong bài Tên làng của ông: “Ơi cái làng của mẹ sinh con / Có ngôi nhà xây bằng đá hộc / Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt / Có niềm vui lúa chín tràn trề / Có tình yêu tan thành tiếng thác / Vang lên trời / Vọng xuống đất / Cái tên làng Hiếu Lễ của con”. Sau ngót 20 năm kể từ khi viết bài thơ, Y Phương lại than phiền “Tôi thấy, dường như giờ đây, nhiều con em các dân tộc không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống. Và họ đang tự nguyện nhập ngoại, lai căng một cách dễ dãi. Tôi ủng hộ hòa nhập nhưng không thể hòa tan”(3). Ở nửa thứ hai của câu thơ, ba chữ “cha - vẫn - muốn” lại là một khát khao da diết. Từ “vẫn” nếu đứng độc lập sẽ chẳng có gì đặc biệt nhưng trong câu thơ này, nó được xem như một “nhãn tự” thể hiện ý thức bám víu quyết liệt. “Nhãn tự” này đã tạo cho câu thơ có một sắc thái bản lĩnh. Đó là biểu hiện của tâm thế ứng xử “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà người cha muốn truyền cho con. Cái “vạn biến” là thời cuộc, là hoàn cảnh sống. Hoàn cảnh sống có thể luôn biến đổi, mọi chuẩn mực hôm qua có thể không thích hợp với hôm nay,… thì người cha cũng chỉ mong muốn con mình giữ tâm thế “bất biến” trong ứng xử - cái tâm thế mà “dẫu làm sao” thì con cũng đừng quên cội nguồn sinh dưỡng: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh / Sống trong thung không chê thung nghèo khó”, “dẫu làm sao” chăng nữa, dẫu cuộc đời có dâu bể “vạn biến” đến mức như khi “lên thác”, lúc “xuống ghềnh” thì con cứ “sống như sông như suối”. Đó là cách so sánh khá sâu sắc. Sông suối là biến thể của biểu tượng nước, đối lập với hình ảnh đá trong bài thơ, nếu đá thuộc về “tính cương” thì nước thuộc về “tính nhu”, là biểu tượng của sự hồn nhiên, trong sáng, đồng thời cũng là biểu tượng của sức mạnh trí tuệ. Nước mềm mại nhưng “nước chảy đá mòn”, nước mềm mại nhưng có thể mạnh như thác lũ. Người cha muốn con phải kế thừa được tính cách truyền thống của “người đồng mình - “sống như sông như suối” là sống trong sáng, kiên nghị, mạnh mẽ “không lo cực nhọc”. Hồn nhiên đấy, tuy “thô sơ da thịt” đấy, chẳng diêm dúa cũng chẳng yêng hùng, khiêm nhường là vậy nhưng con người quê hương mình “chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”. Vậy thì, để sống xứng đáng với truyền thống ấy, khi bước vào đời “không bao giờ nhỏ bé được / nghe con”. Đó là những câu kết ngắn gọn và chắc nịch, cũng là lời giáo huấn nghiêm khắc, là niềm hi vọng tha thiết mà người cha kỳ vọng ở con. Tiếp cận tác phẩm này, cũng không nên cứng nhắc bám vào câu nói của Y Phương: lời thơ “tâm sự với con còn là tâm sự với chính mình”(4). Y Phương làm thơ không phải để để tặng tri kỉ như thời trung đại (ở thời trung đại, chỉ số ít người được ăn học mới biết chữ nên người trí thức sáng tác thơ ca không phải hướng đến công chúng mà chủ yếu để dành cho việc đối đáp, thù tạc trong các buổi yến tiệc hoặc dành tặng tri âm,…). Cũng như phần lớn thơ hiện đại, bài thơ Nói với con được sáng tác để đăng báo, để in thành sách. Vì thế, ngoài việc “nói với con” và “tâm sự với mình”, người nghệ sĩ còn phải hướng đến đông đảo công chúng và muốn truyền đến công chúng một thông điệp từng ấp ủ. Hiểu như vậy thì hình ảnh đứa trẻ trong bài thơ cũng vượt khỏi giới hạn là cô con gái đầu lòng của nhà thơ để trở thành biểu tượng của tương lai. Chắc chắn là vậy, con chính là biểu tượng của tương lai. “Nói với con” do đó còn là lời tâm sự, là di nguyện để gửi đến các thế hệ tương lai. Thì ra, việc kể cho con nghe về hành trình của cha ông phải dựng nghiệp trên đá, phải “tự đục đá kê cao quê hương” không phải để “ôn nghèo kể khổ” mà - như đã nói trên, để mong muốn con biết quý trọng thành quả do cha ông đã để lại. Từ đó, đặng nhen lên ở con, ở các thế hệ mai sau ý thức bảo tồn, bảo lưu những giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công vun trồng. Cuối cùng cũng cần nói về kết cấu của tác phẩm. Trong bài thơ, Y Phương dùng khá nhiều hình tượng lạ nhưng tiêu biểu nhất là cặp hình tượng đôi chân và con đường. Cặp hình tượng này khi lộ diện, lúc ẩn mình mà chủ yếu là ẩn mình nhưng có tác dụng quyết định trong việc tổ chức kết cấu của tác phẩm. Bắt đầu là đôi chân đến với mẹ cha, là đôi chân “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười”, rồi đôi chân dẫn đứa trẻ từ gia đình, theo “con đường cho những tấm lòng” đến với cộng đồng để hít thở, tắm mình trong bầu khí quyển văn hóa của quê hương. Cuối cùng là đôi chân: “lên đường / không bao giờ nhỏ bé được”. Từ lâu, các nhà lí luận phê bình đã phát hiện thấy kết cấu trong tác phẩm nghệ thuật cũng là một phương diện tạo nghĩa. Nhìn từ “sơ đồ” hành trình của đôi chân đứa trẻ mà người cha “phác thảo”, có thể thấy, đích đến đầu tiên là cha mẹ, đích đến thứ hai là môi trường văn hóa quê hương và cái đích cuối cùng là vào đời. Tôi ngờ rằng, kết cấu này không thể nằm ngoài ý nghĩa triết lí mà Y Phương muốn kí thác. Nghĩa là, theo Y Phương, mỗi con người muốn trưởng thành thì cần phải xuất phát từ gia đình, phải biết đến cha mẹ; sau nữa phải thủy chung với quê hương. Gia đình và quê hương là môi trường bồi đắp những giá trị sống nhân văn. Có gắn bó với gia đình, với quê hương tức là biết sống theo đạo lí “uống nước nhớ nguồn” mới tiếp nhận được vốn văn hóa đủ để khi bước vào đời “không bao giờ nhỏ bé được / nghe con”. Có thể, có người không đồng ý với quan niệm này của Y Phương nhưng tính nhân văn trong đó là điều không thể phủ nhận. Nói với con của Y Phương là bài thơ cũng “thô sơ da thịt” nhưng “không bao giờ nhỏ bé được” vì tác phẩm đã làm sống dậy những nét bản sắc văn hóa của một cộng đồng, đặt ra những vấn đề mang tầm thời đại - vấn đề bảo lưu và phát triển văn hóa. Đặt vào bối cảnh hội nhập ngày nay, khi những sản phẩm văn hóa nước ngoài (ngoài mặt tích cực) đã khiến phần nhiều giới trẻ Việt Nam ngày càng nhạt tình với vốn văn hóa truyền thống ta mới thấm thía điều mà Y Phương đã dự cảm./. ___________CHÚ THÍCH(1), (2), (3), (4) Nhà thơ Y Phương: “Nói với con” cũng là nói với lòng mình! - http://thethaovanhoa.vn ngày 15/6/2008;Nếu dẫn lại bài này, đề nghị ghi rõ tên tác giả và nguồn http://bacgiang.edu.vn.Nguyễn Thư share-social-title share-social-title Tweet Average (0 Votes)

Other news

  • Bắc Giang - Chia sẻ công tác xây dựng kế hoạch nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học - Fri Jul 12 13:09:00 GMT+07:00 2024
  • Giáo dục Bắc Giang - Những kết quả nổi bật năm học 2023-2024 - Tue Jul 09 17:07:00 GMT+07:00 2024
  • Bắc Giang - Hiệu quả từ các chính sách về giáo dục và đào tạo - Sat Jul 06 23:49:00 GMT+07:00 2024
  • Chung tay xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc cho học sinh - Mon May 06 17:39:00 GMT+07:00 2024
  • Giáo dục Bắc Giang - Niềm tin yêu của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh - Tue Jan 02 13:53:00 GMT+07:00 2024
  • Một số trao đổi về phòng, chống bạo lực học đường ở lứa tuổi học sinh bậc trung học - 2023-12-11 11:43:00.0
  • Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục - 2023-09-20 16:51:00.0
  • Bắc Giang - Xây dựng trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi yêu thương, an toàn, tôn trọng, thấu hiểu - 2023-09-07 16:15:00.0
  • Giải pháp đảm bảo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 - 2023-07-21 11:16:00.0
  • Tư tưởng về giáo dục của Hồ Chí Minh qua những bức thư gửi ngành Giáo dục - 2023-05-19 15:03:00.0
ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN PHẢN ÁNH KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 NĂM HỌC 2024-2025 Select link Cổng thông tin điện tử Chính phủ Bộ Giáo dục và Đào tạo Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bắc Giang Cơ sở dữ liệu ngành Cổng thông tin tuyển sinh
  • Chỉ đạo-Điều hành
  • Lịch làm việc
  • Tiêu điểm-Sự kiện
  • Quy hoạch - Chiến lược
  • Trao đổi
  • Nhà giáo
  • Học bổng - Du học
  • Cần biết
  • Tin tức
20210122 Giới thiệu Văn phòng Sở GD&ĐT 20210122 Giới thiệu Văn phòng Sở GD&ĐT 22/01/2021 VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÃNH ĐẠO VĂN PHÒNG Đ/c Nguyễn Văn Nhất Chánh Văn phòng Đ/c...
  • 20191115 Danh sách CBCC Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT 15/11/2019
  • 20191115 Danh sách CBCC Giáo dục trung học và Giáo dục dân tộc Sở GD&ĐT 15/11/2019
Cổng TTĐT chính phủ Bộ giáo dục và đào tạo Cổng TTĐT UBND tỉnh Bắc Giang Thủ tục hành chính User Online: 22,316 Total visited in day: 936 Total visited in Week: 24,461 Total visited in month: 705,297 Total visited in year: 11,078,165 Total visited: 24,223,297

Từ khóa » Bài Thơ Nói Với Con