Nón Lá Làng Chuông - Khác Biệt Trong Từng Công Đoạn

Nón Lá Làng Chuông - Khác Biệt Trong Từng Công Đoạn

Nổi tiếng với nghề làm nón, làng Chuông (xã Phương Trung,Thanh Oai, Hà Nội) đã khẳng định được thương hiệu từ bao đời nay với những sản phẩm bền, đẹp, tinh tế, được nhiều người ưa chuộng. Qua bàn tay người nghệ nhân với nhiều công đoạn tỉ mỷ, khéo léo đã cho ra đời những chiếc nón độc đáo, đặc trưng riêng có của làng Chuông.

Nón làng Chuông nhìn rất đơn giản, nhưng để làm ra nó quả thật không dễ. Đó là kết quả của cả một quá trình tỉ mỉ, khéo léo và tâm huyết của những người nghệ nhân nơi đây.

Cô Trần Thị Vinh (55 tuổi) - một người làm nón lâu năm ở làng cho biết, muốn làm ra một chiếc nón hoàn chỉnh thì cần phải qua nhiều công đoạn lớn nhỏ khác nhau. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo của người làm như: phơi lá, rẽ lá, là lá, vức vòng, dán nón, khâu nón, cạp nón, lồng nhôi…

Theo người dân ở đây thì công việc đầu tiên phải làm là chọn mua lá. Có 2 loại lá thường dùng được gọi với cái tên lá lụi (lá non) và lá già. Nguồn nguyên liệu này thường được nhập từ các vùng như Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Sau đó đem phơi vài ngày để lá chuyển từ màu xanh sang trắng mới có thể sử dụng được:

Lá được bán tại chợ Chuông:

Để hoàn thành một chiếc nón mang ra chợ Chuông bán, người làm người làm nón phải trải qua từng công đoạn thủ công tỉ mỉ:

Bước 1: Lá sau khi đã phơi khô sẽ được tước nhỏ hay còn gọi là rẽ lá (Hình ảnh học sinh Tiểu học trải nghiệm nghề làm nón).

Bước 2: Là công đoạn đem lá đi là phẳng.

Người thợ dùng dụng cụ là một chiếc lưỡi cày được nung nóng để miết lá. Miết làm sao cho tấm lá thật phẳng, nhẵn mà không bị giòn, bị rách. Giai đoạn này quyết định rất nhiều đến chất lượng nón.

Bước 3: Bứt vòng hay còn gọi là làm khung nón cũng là một công đoạn quan trọng. Khác với nón thông thường có 20 lớp vòng, nón làng Chuông chỉ có 16 lớp vòng giúp cho nón có độ bền chắc nhưng vẫn giữ được sự mềm mại. Vòng nón được làm bằng cật nứa vót nhỏ đều, khi nối bắt buộc phải tròn và không có vết.

Bước 4: Quay nón - Vòng nón sau khi hoàn thành sẽ được xếp theo 3 lớp bao gồm 2 lớp lá lụi và một lớp mo nứa ở giữa.

Khung nón hoàn chỉnh với 16 vòng

Bước 6: Khâu nón (thắt nón) được coi là công đoạn rất khó đòi hỏi sự khéo léo của mỗi người bởi nếu không khéo lá sẽ bị rách. Mũi thắt của người làng Chuông mau chứ không thưa như nón ở nơi khác, mười sáu vòng được bứt rất tròn, không vênh không méo.

Bước 7: Công đoạn cạp nón hay còn gọi là nức nón là công đoạn hoàn tất việc khâu.

Bước 8: Hoàn thành những công đoạn cơ bản, người nghệ nhân sẽ dùng những sợi chỉ nhiều màu sắc như: đỏ, xanh, trắng…để trang trí và tiến hành lồng nhôi. Công đoạn này sẽ có tác dụng để buộc quai nón sau này.

Những công đoạn cuối cùng để hoàn thành một chiếc nón hoàn chỉnh.

Chiếc nón thành phẩm sẽ được phết phía ngoài một lớp dầu thông mỏng để tránh thấm nước.Người dân làng Chuông từ người già đến trẻ nhỏ đều biết làm nón. Nghề này không chỉ giúp cho người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn quan trọng hơn đó là gìn giữ một nét đẹp truyền thống – một cái hồn của dân tộc.

Tạ Ngọc Hải - Lớp Báo in K34A1

Từ khóa » Nón Lá Làng Chuông Giá