Nôn Tết - BacLieu

Thiếu nữ và mùa xuân.

Con hỏi một đằng, mẹ trả lời một nẻo, đi chợ mua rau mà ghé vào hàng thịt, đưa con đi học nhà thầy mà chạy một mạch đến cổng trường… Những “hiện tượng” đó xảy ra khi tâm trí con người bị chi phối bởi quá nhiều việc dồn ép trong cùng một lúc. Mà thường đó là thời điểm cuối năm. Cứ cuối năm là bận tối mặt mày, ngành nghề nào cũng vậy. Sau những bộn bề việc đó, tôi tin là nhiều người vẫn nôn nao đón chờ tết đến. Ít nhất là khi bất chợt trên đường tan sở, nhìn thấy bên góc chợ người ta trưng bày tấp nập những chậu hoa kiểng, những sạp hàng đủ mùi vị, sắc màu của tết.

Tết có gì mà nôn?! Vì tết là dịp để người ta ngơi nghỉ sau một năm dài lao động, học tập, mệt nhoài với bao nhiêu việc để lo cuộc mưu sinh. Tết là lúc chấm hết “núi” công việc mà trước tết một chút thôi người ta phải tất bật đến quên trước quên sau. Là lúc để “sên sổ” lại để chuẩn bị khoản tiền nào tiêu tết, khoản nào để dành. Nghèo - giàu gì cũng sẽ đón tết và ăn tết theo cách của mình. Dù dư dả rủng rỉnh tiền bạc hay còn chật vật, chỉ đón tết gói ghém, giản đơn thì người ta vẫn nôn tết vì bản chất văn hóa của tết cổ truyền dân tộc Việt Nam là dịp để gia đình đoàn tụ - “Quà nào bằng gia đình sum họp, tết nào vui bằng tết đoàn viên”!

Có một đoạn quảng cáo xúc động khiến người xem rơi nước mắt. Đoạn quảng cáo mở đầu bằng câu hỏi: “Tết này bạn có ăn tết cùng gia đình?”, một câu hỏi nhưng cũng chính là lời nhắc nhở hãy đón tết bên gia đình mình, bởi ngay sau đó đoạn quảng cáo đã giải thích bằng những hình ảnh những người vì đặc thù công việc mà không thể có sự trở về trong ba ngày tết: “Vì hoàn cảnh, nhiều người không thể đón tết bên gia đình. Hãy trân trọng khoảnh khắc sum họp khi còn có thể. Về nhà đón tết, gia đình trên hết!”. Vì không khi nào như tết - là dịp để mọi người về bên nhau, cùng ngồi bên mâm cơm cúng ông bà, cùng ngắm pháo hoa rực rỡ, cùng kể nhau nghe những câu chuyện mà cả năm dài tất bật không nhiều dịp để quây quần, hỏi han. Vì không ai như người thân trong gia đình: yêu thương, chăm sóc cho nhau vô điều kiện, gia đình mãi là tổ ấm bình yên để mọi thành viên quay về, nương náu, chở che và được chở che cho nhau.

Đã từng có ý kiến đề xuất giảm bớt cái tết cổ truyền bằng cách gộp chung vào Tết Tây (Tết Dương lịch). Ở đây không bàn vấn đề này, người viết chỉ tán thành một ý kiến rất hay khi nhận định về tết cổ truyền: “Tết cổ truyền không chỉ là ngày lễ mà còn là ý niệm, cảm xúc trong tim”. Chính vì là “cảm xúc trong tim” nên tết khiến người ta nôn nao, đón chờ là vậy.

Múa lân trong ngày tết.

Bạn sẽ chưa cảm nhận về tết đủ đầy, nếu chưa một lần thức trắng đêm cùng mẹ ngồi bên nồi bánh tét chờ sáng, nếu chưa từng vào bếp nêm nếm nồi thịt kho tàu, chưa biết ngồi bên bếp than ấm nướng bánh bông lan, sên mứt dừa… Vì đó là những thứ làm nên “hương vị” tết. Đôi khi cuộc sống bây giờ quá bận rộn, cộng với thị trường tết đa dạng sản phẩm thì chúng ta ít khi tự tay làm nên hương vị tết. Nhưng ta vẫn sẽ nôn tết như một đứa trẻ khi nhìn ngắm sắc hoa xuân tràn trên phố phường. Chừng 20 tháng Chạp trở đi là chợ hoa có mặt ở khắp nơi từ quê lên phố. Những người làm cha, mẹ dù bận bịu vẫn không bao giờ quên chuyện phải sắm quần áo mới cho con mình vui đón tết. Có những đứa trẻ còn… chủ động đòi mẹ cha sắm đồ tết để xúng xính áo mới đi chơi mấy ngày xuân. Cho nên, một năm có bao nhiêu dịp để mua quần áo mới, kể cả ngồi văn phòng làm việc vẫn nhận tấp nập áo quần mua sắm… trên mạng, vậy mà cứ gần tết là những cửa hiệu trang phục luôn tấp nập người mua.

Tết đang về bên những chậu mai vàng rực rỡ phố phường, trên vòm trời cao đàn én lượn bay ríu rít. Phố chợ xênh xang, dòng người đông đúc. Quán cà phê đầu ngõ thường ngày ngân nga mấy bản nhạc bolero ướt át diễm tình, giờ rộn ràng những khúc nhạc xuân làm náo nức lòng người. Trong gian bếp, “mùi tết” sực nức với những món ngon mẹ kỳ công chuẩn bị để có “mồi” nhâm nhi trong những ngày tết… Ai dám bảo mình không nôn nao chờ tết, khi đó là mùa vui, mùa sum họp gia đình…

Nhật Quỳnh

Nguồn: Đặc san "Nhà báo & Nghề báo"

Từ khóa » Nôn đến Tết Quá