Ôi, Nôn Tới Tết Quá Chừng... - Tản Văn Dự Thi Của Nguyễn Rông
Vanvn- Giữa đêm khuya lặng ngắt lạnh thấu da thấu thịt, ai đó bật bản vọng cổ đầy tha thiết, nỉ non. Đâu biết rằng, tôi – kẻ tha phương cầu thực, chỉ vô tình nghe mà tim như thắt lại, nước mắt đã chực trào…
Mà hình như, khi thời gian lẳng lặng trôi về tháng Chạp, những bản vọng cổ lại càng khiến người mưu sinh xa quê buồn đứt ruột đứt gan. Nỗi nhớ nhà lại càng thêm da diết, cồn cào.
29 Tết năm ngoái, giữa cảng cá Xẻo Nhàu, tôi đứng như trời trồng khi thoảng nhận ra những mùi hoa cát tường, vạn thọ, cúc mai… từ đâu đó phả vào mũi theo từng cơn gió xuân đưa đẩy.
Bước lên đường lộ nhựa dọc kênh Thứ Chín Rưỡi, tôi khóc òa như một đứa trẻ. Bởi len lỏi thoang thoảng trong không khí là bao mùi nhang trầm, bánh tét, thịt kho tàu… sực nức xộc về. Chẳng thể hiểu được, cớ sao mỗi bận tháng Chạp sang, bao thứ mùi ấy lại nồng nàn hơn và đậm hương hơn? Để rồi lòng tôi nôn nao chỉ muốn về nhà.
“Về không?”, tôi tự hỏi rồi tự trả lời: “Không thể về”. Cả một năm 2020 lặn ngụp mưu sinh giữa vùng Kiên Giang miệt thứ, bao khó khăn vất vả chất chồng. Mà giả dụ có tiền, cũng đâu có về kịp. Từ nơi heo hút hoang vu này lên Bến xe miền Tây, rồi từ Bến xe miền Đông trở về nơi miền Trung nắng gió cũng mất đến hai ngày. Trong khi Tết đã gõ cửa từng nhà. Tết đã râm ran, chộn rộn. Cả đất trời đã ngập tràn giai điệu và hương xuân miên man. Thôi thì đành ở lại đón Tết với người dân xóm biển Xẻo Nhàu thiệt thà, chơn chất.
Đêm 30 Tết. Tôi nằm chơ vơ trong phòng trọ bên bờ kênh xáng Xẻo Rô. Để rồi bao mớ kỷ niệm đã bện vào da vào thịt, bao ký ức đã ướp vào từng sợi nhớ sợi thương của những lần đón Tết ở nhà với những người thương yêu nhất đã ùa về, đã liên tục đi tới đi lui trong tâm trí.
Trong miên man hoài niệm, tôi mường tượng đến cảnh sum vầy. Nếu đang ở nhà, tôi sẽ cùng cha mẹ quây quần trông chừng nồi bánh chưng, đếm ngược thời gian để chia tay một năm cũ khép lại, cùng chào đón thời khắc chuyển giao của đất trời và cầu mong những điều may mắn. Cả nhà sẽ cúng giao thừa, kính cẩn thắp những nén hương lên bàn thờ tiên tổ. Rồi lì xì mừng tuổi cho nhau. Rồi cùng chuyện trò về những mùa Tết thuở xa xưa quá vãng. Rồi cùng hẹn hứa về những dự định, những cố gắng để năm sau cuộc sống đủ đầy hơn, dư giả hơn. Sáng Mùng Một, cả nhà sẽ vô rẫy thăm mộ ông bà. Mùng Hai, mùng Ba sẽ đi chúc Tết khắp làng trên, xóm dưới…
Tự nhiên khoảnh khắc ấy, tôi thấy tủi thân và chạnh lòng vô cùng. Cái tủi thân và chạnh lòng ấy, nếu như chẳng trải qua, chẳng phải là người trong cuộc thì có lẽ chẳng thể nào thấu cảm hết được.
Hôm qua cha gọi hỏi: “Tết này về chứ con?”. Tôi trả lời rõ to: “Dạ con về chứ cha. Nhất định con sẽ về!”. Giọng cha nghèn nghẹn qua điện thoại: “Cha với mẹ nhớ con quá chừng”.
Tôi nghe mà khóe mắt cay xè, đẫm ướt. Bởi sau những tháng ngày rong ruổi ngược xuôi trên bước đường kiếm kế sinh nhai, tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cha quay quắt. Bao lần chuyện trò dẫu nhìn qua Zalo, Messenger, cũng đâu thể nào vơi đi nỗi nhớ, đâu thể nào bằng được cuộc hạnh ngộ với mẹ, với cha bằng thịt bằng da.
Mà trong chuỗi ngày dịch giã với đủ những mặn cay đắng chát, với đủ những dâu bể thăng trầm, thì nỗi nhớ niềm thương ấy lại lớn hơn thêm gấp bội phần mà chẳng thể diễn tả bằng lời bằng chữ.
Thế nên giờ đây trong tôi chỉ đau đáu niềm hy vọng dịch Covid-19 sớm được khống chế. Mong cầu thời gian trôi thật nhanh về những ngày cuối năm. Để khi đó, tôi được về nơi chôn nhau cắt rốn của mình đón Tết với gia đình. Bởi chắc chắn một điều, là không có dư vị nào ngọt ngào bằng việc được đón Tết ở nhà, sum họp bên những người yêu thương.
Tôi có nói với cha, 25 tháng Chạp tôi sẽ về. Dù năm nay cũng bị dịch quật cho tả tơi lảo đảo. Nhưng cuộc sống ở chốn mặn mòi hương vị biển cả này vẫn đỡ hơn nơi khác rất nhiều. Những tháng ngày mưu sinh đủ để gói ghém được ít tiền cho chuyến hồi hương.
Ngày về, tôi sẽ vác cuốc lên rẫy giẫy cỏ mả, dọn dẹp sửa sang “nhà cửa” cho ông bà đón Tết. Sẽ cùng cha quét vôi để tổ ấm sau cả năm trời che nắng che mưa được ‘mặc áo mới’ tinh tươm hơn, sáng sủa hơn trước thềm mùa Xuân. Tôi sẽ chở mẹ đi chợ huyện mua sắm. Để Tết này mâm cúng tất niên, cúng rước, cúng tạ… có đủ đầy măng hầm, nem rán, cá kho riềng, thịt heo ngâm mắm, củ kiệu tôm khô. Tôi cũng sẽ ngồi phụ mẹ làm kẹo thèo lèo, mứt gừng, bánh thuẫn để nia bánh ngày Tết đủ màu đủ vị…
Tôi hứa, Tết này sẽ không đi đâu nhiều. Tôi chỉ muốn ở nhà, quây quần bên cha bên mẹ. Để có thể đắp bù cho đoạn đời mà tôi đã xa nhà suốt cả hai năm qua. Có chăng, mùng Một Tết tôi sẽ đi chùa, nguyện cầu cho đồng bào vượt qua Covid-19, nhà nào nhà nấy cũng đều hạnh phúc, bình an.
Tôi định khi diện mạo Tết rõ ràng hơn trong từng ngày cuối năm đếm ngược, sẽ tranh thủ lên thành phố Rạch Giá, tìm mua đôi giày biếu cha, đôi dép biếu mẹ. Sẽ mua thêm hai bộ đồ mới thật đẹp để Tết này mẹ với cha đi chúc Tết người quen, họ hàng.
Chắc mẹ loáng thoáng nghe tôi nói với cha nên nói vọng vào điện thoại: “Cha mẹ ở quê chẳng cần gì cả. Cha mẹ chỉ mong con ở trong đó khỏe mạnh, bình an. Hai năm dịch bệnh tràn về chẳng được gặp. Giờ chỉ mong tới ngày con về. Cha mẹ nôn tới Tết quá con ơi!”.
Tôi cũng vậy, cũng giống như cha mẹ. Tôi nôn tới Tết quá chừng…
NGUYỄN RÔNG (Kiên Giang)
Xem thêm:- Giáo sư Cao Huy Thuần gửi “Tình thư” về đất nước
- Thơ Hà Sương Thu: Chưa đến mùa đông em đã biết nhớ ai
- Một ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần ở Hải Phòng gợi mở nhiều chuyện về uy quyền của Trần Hưng Đạo
- Dưới chân núi Giàng – Tản văn của Trần Nhã Thụy
- Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn: “Nhà văn xa nông dân nên không hiểu họ nữa”
Từ khóa » Nôn đến Tết Quá
-
Nôn Tết - Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - VnExpress
-
Bạn Trẻ Nôn Nao Về Quê đón Tết - Báo Bạc Liêu
-
[CẢM XÚC XUÂN] Những Cảm Giác Nôn Nao Chờ Tết... | Thời Sự
-
Vẫn Nôn Nao đợi Chờ Tết - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Nôn Nao Xuân - Nhịp Sống Hà Nội
-
Mấy Ngày Nay Ai Cũng Nôn Nao Sớm được Lên Xe để Về Quê ăn Tết
-
Nôn Nao Ngày Về Quê đón Tết.... - Báo Thanh Niên
-
Khám Phá Video Phổ Biến Của Nôn Tới Tết Quá | TikTok
-
Nôn Tết - BacLieu
-
Nhớ! - Tuổi Trẻ Online
-
Cẩn Thận 4 Bệnh Dễ Gặp Dịp Tết - Tuổi Trẻ Online
-
Nôn đến Tết Quá Luôn - YouTube
-
Nôn Nao Chờ đợi Những Mùa Xuân - Sự Kiện - Zing
-
Nhìn Thấy Những Hình ảnh Này, Bạn Có Nôn Nao đón Tết? - Mực Tím