Nông Nghiệp Hữu Cơ (organic): Thách Thức Hay Cơ Hội?

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 do Bộ NN&PTNT trình Chính phủ được phê duyệt nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019. Cả nước có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ; xuất khẩu hữu cơ có kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới. Thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng, cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường; nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã được triển khai đem lại giá trị hàng hóa lớn, thu nhập cao và thân thiện môi trường. Hàng hóa nông sản của Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu, có mặt tại thị trường trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc. Việt Nam được công nhận là nước có sản xuất NNHC, theo thống kê của IFOAM diện tích đất NNHC của Việt Nam năm 2015 đạt hơn 76 nghìn ha (tương đương 0,7% diện tích đất NN) với hơn 3,8 nghìn nông dân sản xuất hữu cơ.

Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng chọn các sản phẩm hữu cơ, an toàn cho sức khỏe

Về nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người tiêu dùng ngày nay có nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng. Nghiên cứu của Nguyễn Minh Hương (2014) đã chỉ ra rằng đa số người tiêu dùng rất quan tâm đến độ an toàn của các sản phẩm nông nghiệp(73.7%). Theo khảo sát mới nhất do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thực hiện, có đến hơn 40% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho thực phẩm sạch. Riêng về chỉ tiêu chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe thì đạt tới 79%. Lý giải về điều này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết “Sự tăng trưởng kinh tế ổn định đã làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người và tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bùng nổ của ngành thực phẩm. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng của người dân đang dịch chuyển từ ăn ngon mặc đẹp, sang tiêu dùng an toàn và mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt là an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe”. Trong bối cảnh mới, nhiều doanh nghiệp, nhà sản suất, người tiêu dùng đang chuyển dịch dần sang hướng sản xuất, tiêu dùng sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe – nổi bật trong số đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm “hữu cơ”. Từ đó có thể thấy, nông nghiệp hữu cơ là thị trường có tiềm năng khi người tiêu dùng ngày càng e ngại thực phẩm có chứa chất bảo quản, tồn dư kháng sinh, không an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáp ứng nhu cầu đó, các chuỗi cung cấp sản phẩm hữu cơ mọc lên, sản phẩm hữu cơ được đưa vào siêu thị, trung tâm mua sắm ở nhiều tỉnh/thành phố. Với xu hướng tiêu dùng hữu cơ, người tiêu dùng bằng lòng chi trả nhiều hơn cho việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp dinh dưỡng, an toàn đối với sức khỏe bản thân và gia đình.

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững hiện vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù người tiêu dùng Việt có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và nhiều nhà sản xuất đang dần chuyển mình sang canh tác hữu cơ. Song quá trình thực hiện chuyển dịch theo hướng sản xuất hữu cơ đang đối mặt với nhiều thách thức khi mà “Mức sống của người tiêu dùng Việt Nam còn thấp và nhận thức về nông nghiệp hữu cơ chưa cao”. Về phía nhà sản xuất, theo chuyên gia của NHO, một trong những khó khăn lớn nhất là quy trình đầu tư để chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ là rất tốn kém, không phải nơi nào cũng làm được, nên cần phải triển khai từng bước; hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn nên cần phải có sự phối hợp chặt chẽ theo chuỗi cung ứng giữa các ngành từ việc quản lý các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đến khâu đưa ra thị trường về nhãn mác, chất lượng. Sản xuất hữu cơ yêu cầu nhà sản xuất phải tuân thủ một cách nghiêm ngặc bộ tiêu chuẩn hiện hành của các cơ quan để đạt chứng nhận hữu cơ.

TCVN 11041-1:2017 định nghĩa nông nghiệp hữu cơ (Organic Agriculture) là hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người, dựa vào các quá trình tự nhiên của hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và các chu trình thích hợp với điều kiện địa phương, giảm thiểu sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào có tác động bất lợi. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải đáp ứng các mục tiêu:

- Áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống;

- Đảm bảo độ phì của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất;

- Giảm thiểu (và tránh dùng nếu có thể) vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất hữu cơ cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại;

- Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh;

- Không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ: các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ...);

- Tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh;

- Duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.

Tóm lại, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ngày càng được quan tâm và trở thành xu hướng trên Thế giới cũng như tại Việt Nam, trong bối cảnh “Khi mà áp lực về lương thực giảm đi, song áp lực về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường lại tăng lên” (Nguyễn Văn Bộ, 2018).

QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÍ CHỨNG NHẬN HỮU CƠ TẠI NHO

Tổ chức chứng nhận NHO được chỉ định để cấp chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ trong nước (hữu cơ Việt Nam) và tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (hữu cơ EU, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc). Quy trình và thủ tục đăng ký chứng nhận của NHO gồm các bước cơ bản sau đây:

- Đăng ký chứng nhận hữu cơ: nhà sản xuất gửi đơn đăng ký cho tổ chức chứng nhận NHO.

- Gửi mẫu kiểm nghiệm: tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước kiểm nghiệm ngẫu nhiên tại nông trại và gửi tới các trung tâm kiểm nghiệm

- Kiểm nghiệm nông sản thu hoạch: lấy mẫu nông sản sau khi thu hoạch để kiểm nghiệm thành phần độc tố và thành phần dinh dưỡng

- Khắc phục: Nhà sản xuất khắc phục các vấn đề chưa đạt theo yêu cầu của đơn vị tư vấn, đánh giá.

- Thực hiện giai đoạn chuyển đổi sản xuất hữu cơ (nếu có) và được cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ.

- Cấp chứng nhận hữu cơ: sau khi nhà sản xuất đáp ứng đủ mọi yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận.

Từ khóa » Thị Trường Nông Sản Organic