Nông Sản Cần đầu Ra - TỈNH CÀ MAU

Hiện nay, dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh Cà Mau cùng với nhiều, tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sản xuất của người dân, nhất là đối với những hộ nông dân trồng rau màu trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Việc sản xuất nông sản không tìm được đầu ra ổn định và bán với giá rẻ khiến nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn đang phải “đứng ngồi không yên”.

Bà con nông dân huyện Trần Văn Thời mong muốn có đầu ra ổn định cho nông sản mùa dịch.

Toàn huyện Trần Văn Thời có khoảng 3.000ha trồng rau màu các loại. Phần lớn diện tích trồng hoa màu này được bà con nông dân xuống giống sản xuất và cho thu hoạch quanh năm, tạo được nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nông sản của bàn con nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời sau khi thu hoạch rơi vào tình trạng khó tiêu thụ. Nếu tiêu thụ được thì giá cả không cao so với trước, gây ra khó khăn cho bà con nông dân. Ông Lý Hữu Hào, ở ấp Phạm Kiệt, xã Khánh Bình, cho biết: “Gia đình tôi có diện tích trồng rau màu khoảng 3.000m². Trong đó, tôi trồng chủ yếu là dưa leo, bầu, cải xanh, hành lá, cà chua,… Trước khi thực hiện giãn cách xã hội, rau màu được bán ra với giá bình ổn và dễ tiêu thụ, nhưng nay thì không chỉ riêng rau màu của tôi mà hầu như rau màu của bà con nông dân địa phương sản xuất ra đều được thu mua với giá rẻ, thậm chí khó tiêu thụ. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, phân, thuốc,…để trồng rau màu cũng quá cao, còn rau màu chúng tôi trồng ra thì lại bán không có giá. Lúc trước cải xanh tôi trồng bán được với giá từ 7 – 10 ngàn đồng/kg, nhưng nay thì bán được từ 4 – 5 ngàn/kg, một số loại khác cũng rớt giá như vậy. Hiện tại, gia đình tôi còn khoảng hơn 300kg rau màu các loại cần tìm đầu ra để tiêu thụ. Trước tình hình dịch bệnh này thì dù có bán lỗ vốn tôi cũng phải bán, vì đã tới vụ phải thu hoạch để trồng vụ mới. Tôi rất mong ngành chức năng tìm hướng hỗ trợ, giải quyết cho đầu ra nông sản, bởi có như vậy thì nông dân chúng tôi mới yên tâm sản xuất”.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 và thực hiện giãn cách xã hội nên việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ riêng người nông dân “đứng ngồi không yên” khi khó tìm đầu ra cho nông sản, hiện tại các thương lái thu mua nông sản trên địa bàn huyện Trần Văn Thời cũng gặp phải một số khó khăn, nhất là đối với khâu vận chuyển để đưa đi tiêu thụ. Được biết, các thương lái đến tận nhà dân để thu mua và đem bán, nhưng do dịch bệnh Covid – 19 và thực hiện giãn cách xã hội nên việc di chuyển đến các địa bàn trong tỉnh để bán không được thuận tiện. Nếu chỉ thu mua và tiêu thụ tại địa phương thì nhu cầu của người mua không được nhiều, dễ dẫn đến việc nông sản bị ứ đọng, hư hại, lỗ vốn. Chị Lâm Thị Cương, thương lái thu mua nông sản trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Tôi chủ yếu thu mua nông sản của bà con rồi chạy xuồng máy đưa ra bán tại chợ phường 7, thành phố Cà Mau. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến người trồng rau màu mà thương lái thu mua như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng không ít. Giá nông sản chúng tôi thu mua quả thật có giảm so với trước, nguyên nhân là do tình hình hiện nay việc tiêu thụ cũng có chút khó khăn. Tôi phải di chuyển đến tận Cà Mau để bán, nhưng đang trong thời điểm giãn cách xã hội, người đi chợ cũng không nhiều. Lúc trước, tôi bán từ chiều đến tận đêm, nhưng nay có lệnh cấm ra đường sau 18 giờ nên tôi chỉ bán ban ngày. Tuy nhiên, ngồi bán ban ngày cũng không có nhiều người mua. Để nông sản thu mua không bị ứ đọng, dẫn đến hư hại, tôi thu mua số lượng hạn chế lại nhằm đảm bảo an toàn”.

Huyện Trần Văn Thời đang tăng cường triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho thương lái dùng phương tiện xe máy đi thu mua, tiêu thụ nông sản của người dân.

Trước thực tế khó khăn của người dân trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản mùa dịch, ngành chức năng huyện Trần Văn Thời đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp, đồng thời thực hiện đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Anh Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Để đảm bảo an toàn, ổn định trong tìm đầu ra tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, chúng tôi đã tiến hành rà soát thương lái thu mua trên địa bàn huyện. Trong đó, chủ yếu bà con đi thu mua nông sản của người dân bằng phương tiện xe máy, với số lượng trên 400 chiếc. Sau đó, chạy đi bán lại hoặc giao cho đầu mối. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy việc chạy xe đi thu mua bán lại không đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Do vậy, chúng tôi đã tiến hành xuống tận các xã để tìm gặp thương lái bàn giải pháp tháo gỡ. Trong đó, đề ra cách xử lý theo hướng thu gom tập trung và vận chuyển đến nơi tiêu thụ theo quy định. Đồng thời, vận động các hợp tác xã chủ động trong việc hỗ trợ, thu mua nông sản của người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con trong thời điểm này nên trồng các loại nông sản mang tính thời vụ và phù hợp để tiêu thụ nội địa là chính nhằm cải thiện cuộc sống, ổn định thu nhập; không nên trồng nhiều loại rau xuất bán sang các địa phương khác do hiện nay đang thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã ban hành kế hoạch để hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản và xuống tận cơ sở, gặp người dân để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để tham mưu cho UBND huyện kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ cho phù hợp”.

Từ khóa » Giải Pháp Tìm đầu Ra Cho Nông Sản