Tìm Giải Pháp Tiêu Thụ Nông Sản Trong điều Kiện Dịch Covid-19

Nhảy đến nội dung Giao lưu điển hình tiên tiến “Mỗi tấm gương một khát vọng cống hiến”Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương bổ nhiệm 4 lãnh đạo cấp phòngTrao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và khai thác hồ sơ khen thưởng với nước bạn LàoĐồng Nai trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các phần thưởng cấp Nhà nước năm 2024 Kinh tế Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 14/05/2021 - 15:27

TĐKT - Sáng 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19” với các bộ, ngành, địa phương. Các đồng chí: Lê Quốc Doanh, Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm bàn các giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó kịp thời trước các tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản của một số địa phương đang vào mùa vụ thu hoạch cao điểm.

Hội nghị diễn ra tại điểm cầu Bộ NN&PTNT

Những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng và tăng nhanh với những biến chủng mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và nông dân triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức sản xuất, chế biến, thúc đẩy thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

Hết quý I năm 2021, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3,16%. Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước đạt gần 17,2 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước vẫn được bảo đảm dồi dào, giá bán, lưu thông ổn định…

Hiện đợt dịch thứ 4 đang lan rộng tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước đã án ngữ nhiều tuyến giao thông huyết mạnh nối các tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại, cửa khẩu. Trong khi đó, nhiều sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính nên có nguy cơ gây áp lực lên việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến chi phí sản xuất tăng cao, hoạt động kinh doanh nông sản bị đứt đoạn, áp lực chi phí lưu kho phục vụ bảo quản nông sản tăng, công tác thông quan, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp, quy định phòng dịch.

Trước những khó khăn, thách thức trên, Bộ NN& PTNT kiến nghị các bộ, ngành, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, thủy sản đồ hộp… chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường sau dịch bệnh; tăng cường liên kết sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tận dụng tốt nguồn lao động tại chỗ giúp nông dân tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam đề nghị trong điều kiện hiện nay, Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ngành Ngân hàng triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù để đối phó với dịch COVID-19, trong đó có chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thuộc diện chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Triển khai các giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất trong ngành Nông nghiệp.

Các bộ, ngành tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố biên giới tăng cường các biện pháp hỗ trợ thương mại, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để xảy ra tình trạng ứ đọng nông sản tại các cửa khẩu; tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản phát triển, mở rộng thị trường. Đồng thời thúc đẩy toàn diện hoạt động tiêu thụ nông sản trong nước thông qua việc đa dạng hóa các biện pháp phân phối sản phẩm, hàng hóa, kích cầu tiêu dùng nông sản.

UBND các tỉnh, thành phố áp dụng nhanh các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản lạnh khi nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ; thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động, kiểm soát tốt việc thu mua để điều hành đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu ngay khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Các hiệp hội ngành hàng tăng cường mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định giá bán và bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.

Trang Lê

BAN THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG Trung tâm Thông tin - Truyền thông Giấy phép hoạt động Trang Thông tin điện tử tổng hợp số 88/GP-TTĐT ngày 05/06/2023 Địa chỉ: 103 Quán Thánh - Ba Đình - Hà Nội Điện thoại: 080.43427/ Email: thiduakt@thiduakhenthuongvn.org.vn

Từ khóa » Giải Pháp Tìm đầu Ra Cho Nông Sản