Nông Sản Việt Thêm Khó Khăn Vào Thị Trường Trung Quốc

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, các cơ quan hữu trách và các doanh nghiệp, thương nhân cần có bước chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện xuất khẩu để đáp ứng các tiêu chí từ phía Trung Quốc...

Trước đây, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam. Nhưng kể từ năm 2019 đến nay, thị trường này đã tụt xuống vị trí thứ hai. Lý do: bên cạnh việc ngành nông nghiệp nước ta đang có sự chuyển hướng mạnh đến các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, thì còn có nguyên nhân từ việc Trung Quốc ngày càng siết chặt hơn các quy định đối với nông sản Việt Nam.

Không còn là thị trường dễ tính

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy mô và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong giai đoạn 2010 – 2019 tăng 4,2 lần.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 2,92 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 5,9 tỷ USD, đến năm 2019 đạt 8,35 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch bình quân 15,45%/năm. Trong giai đoạn 2010- 2019, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng bình quân 28,16% trong giá trị xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,1 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng thị phần xuất khẩu của ngành hàng.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất sang Trung Quốc đạt 5,5 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với 19,2% thị phần, sau Mỹ đạt trên 8,2 tỷ USD chiếm 28,9% thị phần.

Với mức thuế quan giảm về 0% đối với gần 8.000 dòng sản phẩm theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã tạo lợi thế cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu như trước đây Trung Quốc được coi là thị trường dễ tính của nông sản Việt Nam, thì từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu đối với nông sản Việt Nam.

Hơn nữa, Trung Quốc chỉ cho phép nhập một số mặt hàng nông sản, chủ yếu là trái cây qua các cửa khẩu nhất định.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 18/8/2021, Trung Quốc đưa ra những quy định mới tại cửa khẩu, tuyệt đối không cho lái xe và chủ hàng Việt Nam đưa xe hàng sang Trung Quốc mà phải giao xe hàng để lái xe của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe, lái xe phía nước bạn sẽ đánh xe trở lại bãi để trao trả.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, quy định mới này khiến doanh nghiệp Việt phải tốn kém thêm chi phí và bị động trong kinh doanh.

Việc tiêu thụ được hàng sẽ phải phụ thuộc vào nước bạn và quá trình giao hàng bị chậm lại, trước kiểm tra theo container thì nay thậm chí kiểm tra từng thùng, từng lô hàng. Thời gian giao hàng tăng lên gấp đôi, chi phí cũng tăng thêm 5 - 6 triệu đồng/chuyến mà chất lượng trái cây bị hao hụt, giảm đi nhiều.

Khó từ trung ương đến địa phương

Không chỉ vướng phải những rào cản từ cơ quan chuyên ngành Trung ương của nước bạn, xuất khẩu nông lâm thủy sản còn phải đối mặt với những cản trở ở cấp địa phương.

Từ tháng 7/2021, Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc) tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn. Đến trung tuần tháng 8, thanh long nói riêng và nhiều loại trái cây, nông sản khác của Việt Nam nói chung cơ bản không thể xuất khẩu đi Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới với tỉnh Vân Nam.

Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn đang diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe mỗi ngày.

Trước thực tế này, ngày 23/8/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc quan tâm, chỉ đạo tỉnh Vân Nam khẩn trương dỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Việt Nam.

Đồng thời phối hợp với các địa phương biên giới Việt Nam vừa thực hiện đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng chống dịch bệnh, không làm phát sinh bất cứ ca lây nhiễm nào qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, vừa duy trì ổn định lưu thông hàng hóa.

Tại buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh có cửa khẩu biên giới mới đây, ông Bùi Văn Khắng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết Hải quan Trung Quốc gửi văn bản áp dụng quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Khi văn bản có hiệu lực, chắc chắn Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.

Do vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm phổ biến cho các địa phương để thông tin tới doanh nghiệp và hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, có mã số vùng trồng; doanh nghiệp đáp ứng các quy định của phía bạn về bao bì, nhãn mác, chất lượng.

Nguồn: VnEconomy

Từ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam 2019