Tình Hình Xuất Khẩu, Nhập Khẩu Hàng Hóa 9 Tháng đầu Năm - Detail
Có thể bạn quan tâm
III. Về xuất nhập khẩu
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2020 ước tính đạt gần 51,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,3 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
1. Xuất khẩu hàng hoá
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt gần 27,1 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt gần 9,9 tỷ USD, giảm 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,4%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 tăng 16,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 40,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,8%.
Trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 79,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 33,8% so với quý II năm nay (tăng 26,0% so với quý I). Trong quý III có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 14,7 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước; điện tử máy tính và linh kiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 26,4%; hàng dệt may đạt 8,9 tỷ USD, giảm 6,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,8 tỷ USD, tăng 62,8%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,4 tỷ USD, tăng mạnh 19,5%, chiếm gần 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,7%.
Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, 2019, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 với mức tăng 19,5%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,0%) và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm (giảm 2,9%).
Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%.
1.1. Về nhóm hàng và mặt hàng xuất khẩu
- Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: trong 9 tháng năm 2020 đã giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019 do gặp nhiều khó về thị trường và giá bán. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 3%; rau quả giảm 11%; hạt điều giảm 4% (lượng tăng 10,6%); cà phê giảm 1% (lượng giảm 1,4%); hạt tiêu giảm 17,6% (lượng giảm 5,9%). Riêng mặt hàng gạo và sắn và các sản phẩm từ sắn có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, lần lượt tăng 12% và 1,7%.
- Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 2,36 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm 30,6%; xăng dầu giảm 52,8%; dầu thô giảm 8,6% dù lượng tăng 40,9%.
- Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 171,6 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,62% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 32,2 tỷ USD (tăng 25,9%); gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,5 tỷ (tăng 12,4%);máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 18,2 tỷ USD (tăng 39,8%).
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ gồm: hóa chất (giảm 11%); chất dẻo nguyên liệu (giảm 1,7%); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (giảm 35,7%), điện thoại các loại và linh kiện (giảm 5,5%)…
1.2. Về thị trường xuất khẩu
Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhất là Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Điều này cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD). Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).
Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang Châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.
Ngoài thị trường EU, trong 9 tháng năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 54,73 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 31,75 tỷ USD, tăng 12,4%. Thị trường ASEAN đạt 17 tỷ USD, giảm 12,2%. Hàn Quốc đạt gần 14,5 tỷ USD, giảm 2%. Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD, giảm 5,7%.
2. Về nhập khẩu
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,6 tỷ USD, tăng 5,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,4 tỷ USD, tăng 5,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9 tăng 11,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 22,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,3%.
Trong quý III/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý II năm nay (tăng 15,2% so với quý I), cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu có xu hướng tăng lên.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt gần 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,3%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,34 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%.
2.1. Về nhóm hàng và mặt hàng nhập khẩu
- Nhóm hàng cần nhập khẩu:Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 164,43 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất và đồng thời đây cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 45,05 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2019; Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 1,8% so với cùng kỳ; Vải các loại giảm 13,4%; nguyên phụ liệu dệt may và da giày giảm 13,3%; thép các loại giảm 15,5%...
- Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu:Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 15,3% cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 6,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ có kim ngạch nhập khẩu ước đạt 859 triệu USD, giảm 44,2% so với cùng kỳ năm trước; rau quả giảm 32,3%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 10%, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm 8%,…
Như vậy, nhập khẩu giảm tập trung ở nhóm hàng cần kiểm soát, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu là các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, không phục vụ nhu cầu sản xuất), trong khi nhóm hàng cần nhập khẩu, chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, chỉ giảm 0,3% so với cùng kỳ.
2.2. Thị trường nhập khẩu
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 9 tháng năm 2020, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 56,8 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 32,8 tỷ USD, giảm 7,1%. Thị trường ASEAN đạt 21,8 tỷ USD, giảm 8,7%. Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, tăng 2,8%. Thị trường EU đạt 10,8 tỷ USD, tăng 5,6%. Hoa Kỳ đạt 10,5 tỷ USD, giảm 1,6%.
2.3. Cán cân thương mại hàng hóa
Tháng 9 ước tính xuất siêu 3,09 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,58 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,51 tỷ USD.
Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4,0% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn.
IV. Về phát triển thị trường trong nước
1. Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Trong 9 tháng đầu năm, cung cầu các hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định. Nguồn cung hàng hóa được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị tốt nên khá dồi dào, đa dạng. Chương trình bình ổn thị trường được nhiều địa phương tập trung triển khai nên giá hàng hóa không xảy ra biến động lớn. Dịch Covid-19 bùng phát trong hai giai đoạn tháng 3, tháng 4 và cuối tháng 7 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường hàng hóa trong nước, đặc biệt là trong giai đoạn cách ly xã hội trong tháng 4, khiến cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại bị hạn chế, nhu cầu du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác đều giảm mạnh. Trên thị trường đã xảy ra hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm tại một số địa phương khi có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, dẫn đến gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp, Sở Công Thương trên địa bàn gia tăng nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông để ổn định tâm lý người dân, vì vậy thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại. Nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị được dự trữ tăng lên nhiều lần so với ngày thường, giá cả ổn định.
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong tháng 9, thị trường hàng hóa đã sôi động trở lại với các hoạt động kích cầu, khuyến mại theo các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương và các địa phương phát động từ tháng 7. Tình hình tiêu thụ hàng hóa dần được cải thiện, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động bất thường.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 ước tính đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý III/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.022,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% và tăng 8,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% và giảm 7,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, tăng 161,3% và giảm 59,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 141,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,8% và giảm 2,8%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.673,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 2.907,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay ước tính đạt 369,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 15% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%). Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng ước tính đạt 14,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 56,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%). Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng ước tính đạt 383 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019. (Phụ lục 9).
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thì doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng chiếm 79,1% tổng mức vẫn tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu sụt giảm chủ yếu là các ngành dịch vụ (lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, dịch vụ khác…). Điều này cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, sức mua đối với hàng hóa vẫn được duy trì và làm cơ sở cho sự tăng trưởng trong giai đoạn 3 tháng cuối năm khi tình hình dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt.
2. Về công tác quản lý thị trường
Trong 9 tháng năm 2020, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nội cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo Kế hoạch số 3972; Đề án phòng, chống buôn lâu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020; Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến hết năm 2020, căn cứ tình hình thị trường và tác động của dịch Covid-19, lực lượng quản lý thị trường đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.
Riêng trong tháng 8 và tháng 9 năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc, trong đó có một số vụ việc điển hình như: phát hiện 1.325 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo tại Lạng Sơn; phát hiện 2.243 sản phẩm mỹ phẩm không ghi tên, địa chỉ, tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa tại Long An; phát hiện 24 tận nội tạng lợn bị nhiễm vi khuẩn dịch tả lợn Châu Phi tại Hải Phòng; phát hiện tụ điểm phân loại, sơ chế găng tay y tế tại Bình Dương...
Trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt trên 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 41 tỷ đồng (bao gồm những hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả).
Nguồn: BocongthuongTừ khóa » Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam 2019
-
Mỹ Tiếp Tục Là Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam
-
Những Thị Trường Xuất, Nhập Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam Trong ...
-
Điểm Danh Mặt Hàng Công Nghiệp Xuất Khẩu Chủ Lực Của Việt Nam
-
Việt Nam Xuất Khẩu Vươn Lên Thứ 22 Toàn Cầu: Những Bứt Phá ...
-
Tăng Trưởng Xuất Khẩu đạt Thấp Nhất Trong 3 Năm (18/04/2019 09:40)
-
Xuất - Nhập Khẩu 545 Tỷ USD, Châu Á Chiếm Gần 65% - Chi Tiết Tin
-
11 Tháng Việt Nam Xuất Siêu 9,1 Tỷ USD
-
Những Thị Trường Xuất, Nhập Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam Trong Quý 1
-
Mỹ Là Thị Trường Xuất Khẩu Lớn Nhất Của Việt Nam 7 Tháng Năm 2019
-
Tổng Quan Hoạt động Xuất Nhập Khẩu Của Việt Nam Năm 2019
-
Báo Cáo Tình Hình Kinh Tế – Xã Hội Quý IV Và Năm 2019
-
Điện Tử, Máy Tính Và Linh Kiện Vững Vàng ở Vị Trí Số 2 Trong Nhóm Các ...
-
Nông Sản Việt Thêm Khó Khăn Vào Thị Trường Trung Quốc
-
Vì Sao Xuất Khẩu Của Việt Nam Sang Trung Quốc Ngày Càng Giảm?