NSƯT Bích Việt: Bình Yên Sau Giông Bão - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Nghệ sĩ Ưu tú, thạc sĩ, Đại tá Bích Việt vừa nhận quyết định nghỉ hưu từ Trường Nghệ thuật quân đội, nơi bà gắn bó gần như trọn vẹn cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Căn nhà nhỏ trong hẻm phố Điện Biên Phủ, phần thưởng của quân đội khi bà giành giải nhất giọng hát thính phòng toàn miền Bắc năm 1987 hôm nay rộng thênh vì các học trò đang nghỉ hè. Cậu con trai duy nhất của bà bây giờ cũng ở trong đội nhạc của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, suốt ngày đi miết.
Nghệ sĩ Thọ Hoà, người chồng sau của bà về ẩn cư ở Thái Bình. Căn nhà nhỏ trở nên vắng lặng. Nhưng Bích Việt không để cho cuộc sống của mình trôi đi trong những hồi ức buồn bã. Mà bà biết hóa giải những buồn vui, được mất của cuộc đời. An nhiên sống. Thỉnh thoảng trong căn nhà nhỏ đó, vẫn vút lên một tiếng hát với chất giọng soprano cao vút, trong trẻo…
Bích Việt sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, ở một vùng quê trung du đầy cọ. Ông nội Bích Việt có hẳn một trường tư thục và cả một đồn điền chè ở Thanh Ba, Phú Thọ. Bố Bích Việt thuở nhỏ được theo học trường Pháp. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình bà hiến toàn bộ tài sản đồn điền cho cách mạng, và đi theo kháng chiến.
Nhưng ký ức tuổi thơ của Bích Việt là những ký ức buồn, khi cô bé 12 tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi mẹ. Bố đi theo kháng chiến liên miên. Mấy chị em Bích Việt tự xoay xở, cáng đáng việc gia đình. Cuộc sống thiếu thốn tình cảm đã làm cho trái tim cô bé Bích Việt trở nên nhạy cảm, đa sầu.
Hạnh phúc bên cậu con trai ngoan ngoãn. Ảnh: Bá Lục |
Nhưng có một điều, có thể làm dịu mát tâm hồn thiếu vắng của Bích Việt thời đó, là âm nhạc. Bà nghe những bài hát kháng chiến qua chiếc đài radio bé xíu. Những bài hát thấm vào máu Bích Việt từ những ngày bé xíu đó, trở thành một nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn bà. 18 tuổi, cô bé Bích Việt trốn nhà đi bộ đội.
Không ai nghĩ rằng, cô gái mảnh mai đó đã từng là lính xe tăng thiết giáp, từng học sửa chữa điện đài, rồi làm thợ tiện, phụ giúp anh nuôi… những công việc hoàn toàn xa lạ với nghiệp hát sau này của Bích Việt. Những trải nghiệm thú vị đầu đời đó đã giúp Bích Việt có xúc cảm sâu lắng hơn khi cất lên tiếng hát, giữa núi rừng, giữa mưa bom bão đạn.
Tiếng hát trong trẻo cao vút của cô văn công xinh đẹp vang lên giữa núi rừng, như nguồn suối ngọt ngào chữa lành vết thương cho người chiến sĩ. Bích Việt kể, hồi đó, bà không bao giờ được đoàn viên 4 tốt, bởi luôn bị các chàng trai để ý, thương thầm nhớ trộm. Nhiều lúc ngủ dậy, đã thấy một lá thư tình để quên dưới gối…
Trời ban tặng cho Bích Việt một giọng hát trong trẻo, cao vút, nhưng trời cũng ban cho bà một ngôi sao may mắn, khi năm 1974, trong hội diễn toàn quân, Bích Việt giành huy chương vàng. Tổng cục Chính trị xin Bích Việt về đoàn. Cô văn công giải phóng 21 tuổi, xinh đẹp rạng rỡ đã theo đoàn quân giải phóng vào miền Nam hát mừng đoàn quân giải phóng.
Tiếng hát vang lên trong những ngày sục sôi không khí hào hùng của chiến thắng đã làm say lòng nhiều chàng trai miền Nam, có người thốt lên rằng, văn công giải phóng hát hay và xinh đẹp thế. Trăng sáng trên rừng quê người Dao, Làng quan họ quê tôi, Hoa sim biên giới, Chiếc ba lô và Bài ca tình nguyện đã vang lên trong suốt thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.
Đó là thời kỳ vàng son nhất của Bích Việt khi tiếng hát của bà trở thành một biểu tượng đẹp của bài ca kháng chiến, lúc cao vút trào dâng mãnh liệt với Nổi lửa lên em, Đất nước bên đò sóng. Lúc da diết trữ tình với Hoa sim biên giới, Làng quan họ quê tôi.
Có lẽ chỉ những ai đã đi qua chiến tranh, được đắm mình trong không khí sục sôi đó, hiểu được cái giá của chiến thắng, thì mới có những giọng hát truyền cảm đến lạ lùng như vậy. Ở đó, không chỉ là kỹ thuật, là chất giọng, mà là sự truyền lửa của người hát, mang theo cả hơi thở của thời đại.
Thời điểm đó Bích Việt đã đạt đến độ chín của nhan sắc và tài năng. Bà giành nhiều giải thưởng, và những danh hiệu định hình trong lòng công chúng yêu nhạc, ca sĩ hát về người lính hay nhất, giải nhất thính phòng toàn miền Bắc năm 1987. Trên sân khấu, năm 1978, Bích Việt theo phái đoàn Việt Nam sang thăm Cuba.
Bài hát ca ngợi Phiđen bằng tiếng Cuba do một cô gái Việt Nam cất lên ngay chính trên mảnh đất Cuba xinh đẹp đã làm xúc động hàng triệu trái tim người dân nơi đây. Và đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của bà. Đến bây giờ trong những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của Cuba ở Việt Nam, người ta vẫn mời Bích Việt lên sân khấu.
Bởi một lẽ, chưa có ai có thể vượt qua được chất giọng như có lửa của bà. Nhưng cuộc đời Bích Việt là những nốt trầm. Sự thăng hoa trên sân khấu mang đến cho bà những vinh danh. Nhưng nghiệp đàn ca của một cô gái xinh đẹp như bà thì không tránh khỏi kiếp nạn đa đoan.
Đó là những nốt trầm buồn trong cuộc đời nhiều sóng gió của bà. 25 tuổi, với một tâm hồn trẻ trung, một nhan sắc mặn mòi, và một trái tim ngây thơ, Bích Việt đã phải lòng chàng trai NĐC hào hoa. Mối tình kéo dài 5 năm với rất nhiều mê đắm của một đôi trai tài gái sắc.
Nhưng đã không đi đến được bến bờ. Đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu khiến tâm hồn vốn dĩ mong manh của Bích Việt bị tổn thương ghê gớm. Bà sống khép kín mình, hồ nghi với lòng tốt của những người đàn ông. Phải rất lâu sau đó, khi ở tuổi 33, qua bạn bè, khi thấy Bích Việt vẫn đèn khuya lẻ bóng, đã giới thiệu Bích Việt với một chỉ huy quân nhạc.
Cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm, nhưng không mấy bình yên. Bà bảo, đời bà không mong ước những điều cao xa, mà giản dị thôi, được nương náu tâm hồn mình bên cạnh người đàn ông tốt. Nhưng Bích Việt không có cái may mắn đó. Hai người đàn ông đi qua cuộc đời Bích Việt như những dòng sông, chảy bên cạnh cuộc đời bà. Chứ không bao giờ hòa mình được vào nhau. Nên đến một khúc quanh nào đó, những dòng sông sẽ có những ngã rẽ của riêng mình. Bích Việt, sau mười năm chống chếnh đã dám chấp nhận sự đổ vỡ lần hai.
Một mình bà chống chọi với cuộc sống bằng bản năng sống mạnh mẽ của một cô gái mồ côi mẹ từ tấm bé, khát khao tình cảm. Bà không đổ lỗi cho số phận, nhưng có lẽ số phận đã buộc bà phải trải nghiệm những câu chuyện buồn. Trong nỗi mất mát ấy, Bích Việt đã dám bứt phá một cách quyết liệt để tìm kiếm hạnh phúc thật sự của mình.
Bích Việt giấu nỗi buồn vào trong sâu thẳm lòng mình, và bà hát. Khi tiếng hát cất lên, thì mọi nỗi buồn đau trong cuộc đời đều tan biến. Âm nhạc trở thành chốn nương thân cho tâm hồn đầy tổn thương của Bích Việt. Nên trên sân khấu, mọi người sẽ thấy một Bích Việt khác, sôi nổi, trẻ trung, và hồn nhiên đến kỳ lạ.
Bà có thể vừa hát vừa nhảy, những bài hát sôi động như Goantanamera. Ở đó chỉ có sự thăng hoa của những xúc cảm. Giấu nỗi buồn sâu trong mắt, Bích Việt ở tuổi 50 vẫn mang một vẻ đẹp mặn mòi, của một người phụ nữ đã đi qua quá nhiều giông gió của cuộc đời.
Năm 1992, bà lui về làm giảng viên ở Đại học Nghệ thuật quân đội (Hồi đó là Trường Trung cấp Nghệ thuật quân đội), nhường sân khấu cho giới trẻ. Bà làm công tác giảng dạy, truyền lửa cho các thế hệ học trò. Nhưng tiếng hát của bà thì vẫn cất lên, trên các băng đĩa nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong các hội diễn liên hoan, người ta vẫn mời Bích Việt, để nghe, để nhớ về một thời quá khứ.
Trò chuyện với Bích Việt, thấy ở bà một nghị lực sống phi thường. Đi qua những đổ vỡ, với những tổn thương, đủ làm cho trái tim bà ngã qụy. Nhưng Bích Việt đã đứng lên, bằng bản lĩnh của một người phụ nữ mạnh mẽ, tự lập, tự gây dựng cuộc sống cho mình. Và hạnh phúc đã gõ cửa trái tim người đàn bà hát.
Năm 1999, bà gặp nghệ sĩ kịch câm Thọ Hòa trong một chuyến lưu diễn. Cảm động trước cuộc đời của một tài năng nhiều ẩn ức, bà đã tự nguyện đến với ông, bắt đầu bằng tình thương, sự đồng cảm, và hơn hết là hai trái tim nhiều thương tổn đã tìm được những nhịp đập đồng điệu.
Ở tuổi 47, dù muộn mằn, nhưng hạnh phúc đã tìm đến với cuộc đời bà, và có lẽ thỏa nguyện cái ước nguyện, tìm được một người đàn ông tốt trong đời. Bích Việt đã cùng chồng chèo chống cuộc sống đi qua thời đoạn khó khăn đó, những nợ nần, những làm ăn thất bát của Thọ Hòa.
Giông bão đã qua, Bích Việt đã có 10 năm bình yên trong cuộc hôn nhân lần thứ ba của mình, dù đôi lúc bà cũng chạnh lòng hồ nghi, không biết số phận mình đã thoát khỏi những muộn phiền. Bà đang sáng tác ca khúc, phổ nhạc cho những bài thơ mình yêu thích, viết nên những giai điệu đẹp về cuộc đời.
Và cảm nhận được ở bà một niềm tin yêu sống, một khao khao sống mãnh liệt chưa từng nguôi tắt trong tâm hồn người nghệ sĩ. Bích Việt lại cất tiếng hát, cuốn trôi những ưu phiền trên cõi nhân gian...
Từ khóa » Tiểu Sử Ca Sĩ Bích Việt
-
Bích Việt - Tiểu Sử, Hoạt động Nghệ Thuật Của Bích Việt
-
Đại Tá, NSƯT Bích Việt: "Cả Cuộc đời Gắn Bó Với Quân Ngũ Và Hát Ca”
-
Bích Việt
-
Bích Việt: Tiểu Sử, Lý Lịch, Profile, Thông Tin Ca Sĩ - Tải Nhạc Chờ
-
NSƯT Bích Việt Và Cuộc Hôn Nhân Mạo Hiểm Có Một Không Hai
-
“Chim Sơn Ca” Bích Việt - Hànộimới
-
NSƯT Bích Việt Và "tình Yêu Của Cuộc đời"
-
Bích Việt - Ca Sĩ đa đoan
-
Tiểu Sử Ca Sĩ BÍCH PHƯỢNG || Cuộc đời ái Nữa ÚT TRÀ ÔN 'Cha ...
-
Tiểu Sử Bích Hồng - Tieu Su Ca Si - Tieu Su Nghe Si
-
Tiểu Sử Ca Sĩ Bích Phương - Nghệ Sĩ Việt
-
Tiểu Sử Ca Sĩ Bích Phương - Người Nổi Tiếng
-
Bích Phương | Tiểu Sử Ca Sĩ Bich Phuong - NhacCuaTui