NSƯT Bích Việt Và "tình Yêu Của Cuộc đời"

Một đĩa DVD của NSƯT Bích Việt.

Khán giả cả nước vào những năm 80, 90 quá quen thuộc với tiếng hát của nghệ sỹ Bích Việt. Vẻ đẹp mặn mà cùng chất giọng Soprano ấm áp với âm vực rộng cùng nhiều bài ca như “Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện”, “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Làng quan họ quê tôi”… đã vang danh một thời cùng cái tên Bích Việt trên làn sóng phát thanh.

Chị hẹn gặp tôi ở nhà trong một khu tập thể. Căn phòng không rộng cũng chẳng sang trọng gì nhưng do cách bài trí trang nhã tạo nên không khí đầm ấm. Phía trước đặt chiếc đàn Piano, trên tường treo bức ảnh cưới phóng to trang trọng. Trong hình, đứng bên chị là người bạn đời thứ ba: Nghệ sĩ kịch câm Phan Thọ Hoà của Nhà hát Tuổi trẻ.

Sau hai cuộc hôn nhân vụn vỡ, với anh, chị tìm thấy bến bờ hạnh phúc. Cuộc đời người đàn bà hát xinh đẹp và từng trải đã chịu nhiều đau khổ: “Tôi ước mơ có một người đàn ông yêu thương mình tới khi bạc đầu”. Chưa bao giờ chị lại tươi vui như vậy.

Ngược dòng thời gian tìm về quá khứ, hình ảnh nghệ sỹ Bích Việt có mái tóc dài ngang lưng uốn hơi cong cong hình ô van ôm vào khuôn mặt sắc nét, trông chị đẹp rạng rỡ. Chị cất lời ca: “Nếu anh lên biên giới anh sẽ gặp bạt ngàn hoa/ Hoa sim giữa đồi nắng gió tím như ai thuỷ chung/…Bài “Hoa sim biên giới” vang vọng một thời, làm xao xuyến trái tim những chiến sỹ Tăng thiết giáp trong đạn lửa ác liệt. Giọng hát ấy đã chiếm trọn tình cảm Phan Thọ Hoà. Trái tim nghệ sỹ kịch câm rung lên khi nói lời cầu hôn với Bích Việt trong chuyến lưu diễn xuyên Việt theo Trường Sơn đến chiến trường Quảng Trị năm xưa.

Thợ sửa xe tăng thành nghệ sĩ

Gia đình cách mạng, 18 tuổi, Ma Bích Việt trốn nhà vào bộ đội. Cô gái trẻ vui mừng được nhận vào binh chủng Tăng thiết giáp học sửa chữa điện đài xe tăng T54. Hai tháng sau, cô được chuyển sang nghề cơ khí làm thợ tiện.

Với giọng hát trời ban, Bích Việt gặp cùng may mắn bất ngờ. Đó là năm 1974, khi diễn ra sự kiện quan trọng trong cuộc đời nghệ thuật của chị: Hội diễn toàn quân, Bích Việt hát hai bài: “Bà mẹ miền Nam tay không thắng giặc” và “ Đón anh bên tháp pháo xe tăng”, đoạt Huy chương Vàng. Từ đó cuộc đời cô gái Ma Bích Việt người dân tộc Tày ở miền sơn cước đã thay đổi hoàn toàn như một sự tiền định. Phát hiện tài năng Bích Việt, Bộ chỉ huy quân đội gửi cô vào trường Nghệ thuật quân đội học thanh nhạc.

Như viên ngọc đựơc mài giũa, giọng hát Bích Việt càng ngày càng trong trẻo, ngọt ngào. Lúc luyện giọng trong khán phòng Bích Việt thường hát bài tủ, cũng là bài khởi đầu cho sự nghiệp đàn ca của mình: “Bà mẹ Miền Nam tay không bắt giặc”: “Gieo lúa trồng khoai ngày nối ngày gặt hái nuôi con mẹ những mong ấm lạnh mảnh áo/ Nhưng chẳng được yên vì giặc Mỹ ngang nhiên tàn sát dân mình chà đạp lên tự do cuộc sống…”.

Thời khắc lịch sử đến trong năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất. Cùng với đoàn quân giải phóng ào ào như thác lũ, Bích Việt ngồi trên xe tải cùng bộ đội Tăng thiết giáp vượt nghìn dặm vào thành phố mang tên Bác kính yêu, hát cho người dân nam Bộ nghe.

Nữ nghệ sỹ - chiến sỹ QĐND Việt Nam trong bộ sắc phục màu xanh, chị tự tin bước ra sân khấu cất lên những bài ca cách mạng. Kết thúc màn diễn, Bích Việt khiêm tốn cúi đầu chào khán giả phương Nam thân thiện hiếu khách, nghe rõ tiếng nói văng vẳng bên tai: “Văn công quân giải phóng đẹp quá!”. Những giọt nước mắt tuôn rơi. Chị vui vì ngọn lửa trong mình đã được truyền tới lòng người, hình ảnh Bích Việt cùng các nghệ sỹ Đoàn văn công Tổng cục chính trị in đậm trong trái tim đồng bào miền Nam ruột thịt khi mà hàng triệu con người vỡ oà trong ngày sum họp, nhiều gia đình đoàn tụ với niềm vui khôn tả. Kỷ niệm ấy không thể quên.

Một lòng chung thuỷ

Thời bao cấp kinh tế khó khăn, đồng lương nghệ sỹ chỉ đủ tiêu sài lặt vặt. Nhiều nghệ sỹ cùng lứa Bích Việt đều phải bươn chải để mưu sinh. Yêu vợ tới mức Phan Thọ Hoà bỏ nghề diễn kịch câm về làm kinh tế, hy vọng mang đến cho chị cuộc sống no đủ. Thế nhưng “giấc mộng” đã tan tành. Thất bại trong kinh doanh khiến anh “tán gia bại sản”. Các chủ nợ đến “gõ cửa” triền miên. Đến chiếc xe máy duy nhất mà Bích Việt đang đi cũng phải đưa ra gán nợ.

“Tai qua nạn khỏi” thì chỉ còn hai bàn tay trắng, chị và anh lại cùng nhau gây dựng từ đầu. “Tôi làm như vậy là cứu giúp chồng mình”, chị nói giọng nhỏ lại.

Cảm kích trước tấm lòng bao dung của vợ, anh tâm niệm từ nay đến cuối đời sẽ không bao giờ làm chị khổ, rằng anh sẽ bù đắp những mất mát để chị hạnh phúc mãi mãi…

Thành người của công chúng, Bích Việt có bao nhiêu người hâm mộ nhưng chị một lòng một dạ thuỷ chung với chồng: “Mình cũng là người hay ghen nên không làm chồng khổ khi nổi tiếng”. Chị cười vui.

Nghề nghiệp trong quân đội cho chị môi trường rèn luyện tài năng cũng như bản lĩnh vững vàng. 40 năm hoạt động nghệ thuật, Bích Việt đi nhiều nước trên thế giới biểu diễn, đem văn hoá, nghệ thuật Việt Nam đến với bè bạn. Nhiều ký giả phương tây phỏng vấn chị, Bích Việt nói: “Tôi tự hào vì mình là người Việt Nam, chúng tôi đã thắng Mỹ”. Nhiều người cảm phục chị vì tinh thần ấy.

Truyền lửa tự tin cho sinh viên

Năm 42 tuổi, chị từ giã vai trò Phó khoa Thanh nhạc dân tộc, xin Hiệu trưởng An Thuyên cho làm công tác giảng dạy. Chị nói chị yêu nghề biểu diễn, thích kỹ thuật thanh nhạc, muốn trở lại ánh đèn sân khấu vừa dạy học vừa hát cùng với sinh viên.

Một trong những học trò thành công của Bích Việt là ca sỹ Thu Hà mới được giải thưởng trong cuộc thi Sao mai điểm hẹn. Thu Hà hát điệu Ca Zăc, bài “Cô gái vót chông”, cũng điêu luyện không kém Bích Việt thời trẻ.

Có được rất nhiều, nhưng Bích Việt vẫn không quên quá khứ…Chị kiêu hãnh vì những gì mình là thành quả của sự cháy hết mình, dâng hiến hết mình cho nghệ thuật. Niềm tin và nghị lực sống đã đem đến cho người đàn bà hát một tình yêu đích thực như điều giản dị bấy lâu chị mong muốn: “Ước mơ khiêm nhường có anh bên mình”

Từ khóa » Tiểu Sử Ca Sĩ Bích Việt