Nữ Bác Sĩ đầu Tiên Của Việt Nam - Báo Đồng Khởi

Bác sĩ Henriette thời niên thiếu (ảnh do gia đình cung cấp)

Bác sĩ Henriette thời niên thiếu (ảnh do gia đình cung cấp)

Gia thế nổi tiếng

Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ngày 8-9-1906. Bà là con gái thứ của ông Bùi Quang Chiêu, với bà Vương Thị Y, xuất thân trong một gia đình giàu có. Ông Bùi Quang Chiêu là kỹ sư canh nông đầu tiên của nước ta, thuộc dòng tộc họ Bùi nổi tiếng ở Mỏ Cày Nam, nội tổ là cụ Bùi Văn Liệu và cụ bà Lê thị Mẫn, người phụ nữ đức hạnh, nhân hậu, nhân dân đương thời nể trọng, được vua Tự Đức khen ngợi và ban tặng bức biển có 4 chữ vàng “Hảo nghĩa khả phong”.

Từ nhỏ, Henriette Bùi Quang Chiêu đã là một cô học trò thông minh, sáng dạ nổi tiếng. Đến năm 15 tuổi, theo nguyện vọng thiết tha của mình, được cha đưa sang Pháp du học. Một năm sau, mẹ của Henriette mất vì bệnh lao phổi. Trong khi đó, bản thân Henriette cũng bị bệnh đau mắt mà phải gián đoạn một năm học. Đến năm 1926, Henriette tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée Fenelon ở Paris. Từ sự quý mến, nể phục Louis Bùi Quang Chiêu - là anh ruột, một bác sĩ chuyên về bệnh lao nổi tiếng tại Sài Gòn, cùng với cái chết của mẹ đã làm cho Henriette Bùi Quang Chiêu quyết chí theo học Đại học Y khoa Paris vào năm 1927.

Là phụ nữ người Việt, sự hiện diện của bà trong trường chuyên môn ở Pháp là một một sự kiện mới trong hệ thống giáo dục chính quốc tại Pháp thời bấy giờ. Trong thời gian này, bà được giới thiệu rồi trở thành thân thiết với nhà bác học Marie Curie và nhà sử học Charles Seignobos... Ngoài ra, bà còn quen biết với nhiều người Việt Nam du học tại Pháp mà sau này thành những nhân vật đóng những vai trò quan trọng trên chính trường Việt Nam như vua Bảo Đại (lúc ông đang du học tại đây, bà là bạn của Hoàng Thị Nga, em gái của Giáo sư Hoàng Cơ Nghị, vị nữ tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bính, vợ của Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, vị nữ dược sĩ đầu tiên của Việt Nam...) Đặc biệt, bà là bạn rất thân thiết với một sinh viên trẻ đang theo học ngành cầu đường là Nguyễn Ngọc Bích, anh ruột liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhựt, con trai Giáo tông đạo Cao Đài Ban chỉnh Nguyễn Ngọc Tương.

Năm 1932, bà tốt nghiệp đại học. Sau 2 năm thực tập, bà là người phụ nữ Việt Nam lấy bằng bác sĩ y khoa đầu tiên ở Pháp. Khi tốt nghiệp, bà dự định viết một luận án về đề tài “Thụ tinh nhân tạo cho những người bị hiếm muộn”. Tuy nhiên vào thời đó, đề tài này quá mới mẻ và gây nhiều tranh cãi, do đó bà đã đổi sang đề tài “truyền thống” hơn. Bài luận án của bà đạt loại xuất sắc, được Hội đồng giám khảo khen ngợi và thưởng huy chương vào năm 1934. Henriette Bùi Quang Chiêu đã trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của nước ta.

Vốn là một phụ nữ thông minh, năng động, ngoài học chuyên môn, Hanriette còn học thêm nhiều ngoại ngữ, nên đã thông thạo các ngôn ngữ như: Pháp, Anh, Hoa, Tây Ban Nha, Ý và cả những cổ ngữ như La Tinh và Hy Lạp.

Năm 1935, Henriette Bùi Quang Chiêu trở về Việt Nam và nhận ngay chức vụ Trưởng khoa Hộ sinh ở Bệnh viện Chợ Lớn. Ở đây, bà đã từng đấu tranh quyết liệt với thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử của người Pháp với bác sĩ và bệnh nhân người bản xứ.

Cuộc đời đầy sóng gió

Sau khi về nước, Henriette Bùi Quang Chiêu được cha mai mối với Vương Quang Nhường là tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của nước ta. Cuộc hôn nhân giữa Henriette Bùi Quang Chiêu và Vương Quang Nhường có thể nói là “môn đăng hộ đối” bậc nhất thời bấy giờ. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, hai người thấy không hợp nhau nên đã ly dị. Từ đó, bà Henriette Bùi Quang Chiêu dốc mọi tâm sức vào việc nghiên cứu, khám chữa bệnh của mình.

Gần cuối năm 1945, người bạn thân thiết mà bà đã từng yêu thương, thời còn là sinh viên bên Pháp là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, bấy giờ đã tham gia kháng chiến, đang giữ chức Khu bộ phó Khu bộ 8 (Tây Nam Bộ) bị quân Pháp bắt, tra tấn, dụ dỗ mọi cách, ông quyết không đầu hàng, làm tay sai, chúng kết án tử hình. Henriette Bùi Quang Chiêu vô cùng lo lắng, đã vận động một số sinh viên trường học cũ của Nguyễn Ngọc Bích tích cực vận động đòi thả tự do cho ông. Cuối cùng Nguyễn Ngọc Bích được thả, nhưng bị trục xuất khỏi Việt Nam, phải sang sống tại Pháp.

Henriette Bùi Quang Chiêu vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam và làm công việc nghiên cứu y khoa. Năm 1954, Henriette Bùi Quang Chiêu đã hiến biệt thự tư gia của mình cho chính quyền làm cơ sở cho Trường Đại học Y khoa Sài Gòn (nay là Bảo tàng chứng tích chiến tranh - nhà số 28, đường Võ Văn Tần, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Năm 1957, bà sang Nhật Bản 2 năm để nghiên cứu và theo học về châm cứu, rồi trở về nước và phát triển hướng nghiên cứu của mình với ngành châm cứu.

Khi biết Nguyễn Ngọc Châu (con trai duy nhất của ông Bích, cháu nội duy nhất của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương) kết quả của mối tình “sét đánh”, ngang trái giữa Nguyễn Ngọc Bích và cô Phan Ngọc Huế, nữ sinh Trường Nữ công gia chánh, ở Sóc Trăng năm 1943, đang được mẹ gửi cho bà Đốc phủ Vàng nuôi dưỡng ở Việt Nam đã bước vào tuổi thanh niên, bà động viên Nguyễn Ngọc Bích làm thủ tục bảo lãnh qua Pháp, để Châu tiếp tục học lên cao và thành đạt.

Đến năm 1961, Henriette Bùi Quang Chiêu sang Pháp và mở ở đây một phòng mạch. Cũng tại Pháp, Henriette Bùi Quang Chiêu đã gặp lại ông Nguyễn Ngọc Bích. Từ mối thâm tình cũ mà hai người đã nối lại tình xưa và về sống với nhau như vợ chồng. Thế nhưng, hạnh phúc muộn màng chỉ ngắn ngủi, sau 4 năm chung sống trên đất Pháp, năm 1965, ông Nguyễn Ngọc Bích bị ung thư vòm họng. Bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã đưa ông Nguyễn Ngọc Bích trở về Việt Nam để ông có thể sống những ngày cuối cùng trên quê hương. Cũng ngay trong năm đó, Nguyễn Ngọc Bích mất. Còn lại một mình ở Việt Nam, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã không ngừng tích cực tham gia các hoạt động khám, cứu chữa bệnh cho nhân dân bị tai nạn trong chiến tranh, kể cả trong vùng giải phóng.

Mãi đến năm 1971, bà Henriette Bùi Quang Chiêu mới sang lại Pháp. Ở đây, bà tiếp tục khám chữa bệnh cho đến năm 1976, nghỉ hưu ở tuổi 71, sau khi phục vụ trong ngành y khoa tại Việt Nam cũng như tại Pháp trong hơn 44 năm trời. Bà Henriette Bùi Quang Chiêu mất vào ngày 27-4-2012, tại Paris, thọ 106 tuổi.

Theo di nguyện của bà, tro cốt đưa về Việt Nam chia ra làm 2 phần: một phần lưu lại ở khu mộ dòng tộc Bùi Quang tại thị trấn Mỏ Cày, một phần hợp táng với mộ chồng là ông Nguyễn Ngọc Bích, tại Thánh thất đạo Cao Đài, Phường 6, TP. Bến Tre.

Vũ Hồng Thanh

Từ khóa » Nữ Bác Sĩ Giỏi Nhất Việt Nam