Núi Nhồi – Thắng Cảnh đẹp Của Thanh Hóa

Bao quanh núi Nhồi gồm các núi quần tụ liền nhau, đó là núi Đống (phía Tây), núi Chân Thần (phía Tây Nam), núi Nấp (Quảng Náp phía Nam), núi Chồng Mâm (núi Đình Thượng - phía Bắc). Dưới chân núi là dòng Hương Giang lượn quanh làng xóm đông đúc rồi thông ra sông Mã, tạo nên cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình.

Xưa kia dưới chân núi Đống, đã từng diễn ra cảnh trên bến dưới thuyền, tấp nập kẻ mua người bán các sản phẩm chế tác từ đá núi Nhồi. Đá núi Nhồi đã đi muôn nơi, có mặt ở hầu khắp các công trình kiến trúc, lăng tẩm, đền đài, bia ký, tượng đá... Những bàn tay tài hoa của người thợ đục đá làng Nhồi đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bằng đá tuyệt mỹ và vô giá. Chất đá ở đây nổi tiếng là quí hiếm, không nơi nào có được. Đó là sản vật quý của mọi người, sắc đá óng ánh như ngọc lan, chất xanh biếc như khói nhạt, tiếng đá vang trong, nổi tiếng tận Trung Hoa. Thời Bắc thuộc, các Thái thú lấy đá núi Nhồi làm khánh chở về Trung Quốc, khánh đá núi Nhồi kêu ngân vang như tiếng chuông.

Núi Nhồi còn có tên là núi Khế, núi An Hoạch, Nhuệ Sơn, núi Vọng Phu. Từ xa, ta có thể nhìn thấy trên đỉnh núi Nhồi nổi bật trên nền trời một trụ đá hình người phụ nữ bế con hướng nhìn ra phía biển Đông xa xôi, nên đặt tên là “Đá Vọng Phu” (Vọng Phu Thạch - Đá trông chồng). Trải bao gió bụi của thời gian, hình ảnh đó vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nhiều văn nhân, thi sĩ đã dừng chân, đề thơ, tiêu biểu là bài thơ của Đại thi hào Nguyễn Du:

“Đá chăng? Người đó? Chi đây?

Một mình trên ngọn núi này ngàn năm

Bạn đời không chút mộng rằng

Điều trinh giữ vẹn tấm thân muôn đời

Mưa thu lệ cũng tuôn rơi

Dấu rêu lấp triện, phi lời văn chương

Núi đồi lớp lớp khói sương

Để riêng bạn gái luân thường nêu cao”

Và trong dân gian Thanh Hóa còn lưu truyền câu thơ:

“Vọng Phu trẻ mãi không già

Thủy chung đứng đó biết là chờ ai?

Dưới chân núi Vọng Phu và các núi chung quanh là quần thể di tích lịch sử văn hóa phong phú. Đó là: Chùa Hinh Sơn (Hinh Sơn Tự, còn có tên là Chùa Hang dưới chân núi Vọng Phu), chùa Tiên Sơn (phía Đông núi Khế), Đình Thượng (trên sườn núi Chồng Mâm, thờ thần núi), chùa Báo Ân (Đông Hưng) xây dựng khoảng năm 1099 - 1100, chùa Quan Thánh (Đông Hưng), lăng Quận Mãn (Mãn Quận Công, làng Nhuệ) hiện còn bia đá, cặp hổ phục, rồng chầu, cặp ngựa đá, hai cặp tượng đá (dũng lực sĩ, cường lực sĩ, tráng lực sĩ, đinh lực sĩ). Đây được coi là công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá độc đáo ở Thanh Hóa thế kỷ XVIII./.

Từ khóa » Hình ảnh Núi Nhồi