Thanh Hoá: Một Vùng Danh Thắng Núi Nhồi - Du Lịch - Việt Giải Trí
Có thể bạn quan tâm
Nhắc đến núi Nhồi, ta nhớ đến truyền thuyết ‘Hòn vọng phu’ đầy cảm động.
Vậy nhưng thực tế, ngoài ‘Vọng phu thạch’, trở về với quần thể danh thắng núi Nhồi – An Hoạch (nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa), còn đó cả không gian văn hóa vô cùng đặc sắc, nhiều giá trị.
Là chùa Tiên Sơn (chùa Quan Thánh); chùa Hinh Sơn (chùa Thánh Mẫu); đình Thượng (đình Bốn Ban); lăng Quận Mãn… khiến kẻ viễn khách mải mê quên lối về.Đặc sắc di sản
Cách trung tâm TP Thanh Hóa chỉ khoảng 3km, không khó để du khách hỏi thăm đường về cụm di tích núi Nhồi (núi An Hoạch) trên địa bàn phường An Hưng (TP Thanh Hóa). In trên nền trời xanh biếc ngày nắng hạ là hình ảnh khối đá lớn sừng sững như dáng người mẹ bồng con chờ chồng đã trở thành huyền thoại bất tử.
Trên đỉnh núi Nhồi.
Tương truyền, thuở xa xưa, chẳng còn ai nhớ rõ ngày tháng, có đôi trai gái yêu thương nhau nên kết duyên vợ chồng. Vậy nhưng, họ lại nghèo quá đỗi. Vì thương vợ con, một ngày nọ người chồng đã quyết định ra đi vì nghe nói trên ngọn núi cao gần biển có giống thảo dược quý, ai tìm được sẽ đổi được rất nhiều bạc vàng. Năm tháng trôi đi, người vợ trẻ và con ở nhà mòn mỏi chờ đợi vẫn không thấy chồng trở về. Mẹ con nàng chẳng quản đường sá xa xôi, vượt đèo, lội suối chỉ mong tìm được chồng.
Sau những tìm kiếm bất lực, người vợ trẻ đã bế con lên đỉnh núi cao, hy vọng từ đây, có thể hướng tầm mắt ra xa mà nhìn thấy bóng dáng của chồng, của cha. Cứ như thế, mẹ con nàng chờ mãi, đợi mãi đến hóa đá nhưng vẫn không bỏ cuộc.
Kể từ đó, người dân gọi tên ngọn núi đấy là núi Vọng phu, và hình phiến đá như bóng người mẹ đang bế con nhìn về hướng biển đông kia là “Vọng phu thạch” tức đá trông chồng.
Câu chuyện truyền thuyết đầy cảm động không chỉ được dân gian lưu truyền mà còn khiến cho bao tao nhân mặc khách thuở xưa khi về với xứ Thanh cũng chẳng đặng cầm được xúc cảm. Như đại thi hào Nguyễn Du đã phải thốt lên: “Đá chăng? Người đó? Chi đây?/ Một mình trên ngọn núi này ngàn năm…”.
Là con người với trí tưởng tượng phong phú đã thổi hồn cho tuyệt tác của tạo hóa? Hay quả thực, chính tạo hóa cũng đầy dụng ý trong những sắp đặt của riêng mình? Không ai biết chắc chắn. Và cũng chẳng ai ngốc nghếch để đi tìm sự đúng, sai của huyền thoại.
Video đang HOT
Không chỉ mê đắm lòng bởi câu chuyện truyền thuyết, bản thân đá tạo nên núi Nhồi cũng vô cùng đặc biệt. Theo đó, với sắc xanh, thớ mịn, độ dẻo và rắn chắc nhất định, người xưa phát hiện, đá núi Nhồi rất phù hợp để làm khánh bia, cột đá, tượng đá và chế tác điêu khắc.
Vậy nên, không còn là chuyện hiếm khi ghé thăm nhiều di tích trong và ngoài tỉnh, ta vẫn thường bắt gặp những dấu vết, hiện vật được chế tác từ đá lấy ở núi Nhồi, do các nghệ nhân tài hoa của làng Nhồi tạo nên: nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình); Bia đá ở lăng vua Tự Đức (Huế); Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Và sự nổi tiếng của đá núi Nhồi còn được một số tài liệu sử ghi nhận: “Sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt” hay “đẽo thành khánh, đánh lên thì ngân tiếng muôn dặm, dùng làm bia văn chương để lại thì còn mãi muôn đời”, thậm chí sự nổi tiếng của đá núi Nhồi còn vang sang cả Bắc quốc. Lê Quý Đôn trong sách Vân Đài loại ngữ còn ghi: “Phạm Ninh làm Thái thú Dự Chương nước Tấn thường sai lại viên đến đây lấy đá làm khánh… gần hết nhẵn cả núi”…
Với đầy đủ những giá trị vốn có, năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) đã công nhận núi Nhồi (tức núi Vọng phu) là Di tích nghệ thuật thắng cảnh cấp Quốc gia. Ở độ cao khoảng 100m, với dáng vẻ như con voi khổng lồ nằm phủ phục, núi Nhồi cùng với núi Long đã khéo léo tạo nên thế “voi phục hổ chầu” vẫn thường được nhắc đến trong phong thủy.
Lấy Vọng phu thạch làm trung tâm, xung quanh núi Nhồi là một quần thể các di tích vô cùng giá trị. Trước hết, phải kể đến ngôi chùa Báo Ân được khởi dựng tại đây từ thời Lý, gắn liền với công lao của Thái úy Lý Thường Kiệt. Ở thời điểm hiện tại, chùa Báo Ân trên núi An Hoạch xưa kia giờ không còn dấu tích, chỉ có tấm bia đá hiện đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia. Nội dung trên văn bia không chỉ là sự ngợi ca của người dân đối với vị Thái úy Lý Thường Kiệt, đó còn được xem như tài liệu quý để nghiên cứu về sự phát triển của Phật giáo ở vùng đất xứ Thanh…
Bên cạnh dấu tích của ngôi chùa cổ Báo Ân xưa, thì hiện tại ở núi An Hoạch còn hiện hữu hai ngôi chùa cổ mà người dân vẫn thường gọi là chùa Quan Thánh và chùa Thánh Mẫu. Trong đó, chùa Quan Thánh (còn được biết đến với tên gọi Tiên Sơn tự) được xây dựng trong động đá, cheo leo trên vách núi.
Theo người dân địa phương, chùa được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng. Điều đặc biệt, trên vách núi đá ngay cửa chùa là hình ảnh nhiều bức phù điêu chạm khắc hình người, voi, ngựa sắc nét tinh xảo, cùng với đó còn có vô số những văn tự chữ Hán cổ cũng được khắc trên đá. Và theo một số tài liệu, thì năm 1928, chính tại ngôi chùa Tiên Sơn đã diễn ra sự kiện lịch sử: Hội nghị bí mật bầu Ban Chấp hành Tỉnh bộ chính thức của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội do đồng chí Lê Hữu Lập làm Bí thư.
Trải qua hàng trăm năm, ghé thăm chùa Tiên Sơn ở thời điểm hiện tại, có cảm giác ta như đang lạc vào chốn tiên cảnh kì bí. Như chàng Từ Thức xưa kia vô tình ghé thăm động đào vậy. Lý giải cho những hình ảnh chạm khắc tại ngôi chùa cổ, có rất nhiều giả thuyết khác nhau. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, người nghệ nhân xưa phải tài hoa, tâm huyết nhường nào mới có thể tạo ra những “dấu tích” để lại cho đời đến ngày hôm nay.
Cách chùa Tiên Sơn chỉ khoảng 100m là di tích đình Thượng với giá trị độc đáo không kém. Tựa lưng vào núi đá, tương truyền đình Thượng xưa kia được xây dựng hoàn toàn từ đá núi “vuông thành sắc cạnh” với kiến trúc độc đáo theo kiểu chữ “Đinh” gồm tiền đình và chính tẩm.
Tuy nhiên, đáng tiếc, công trình đá in dấu ấn của nghệ nhân làng Nhồi xưa kia qua thời gian và những biến động đã không còn vẹn nguyên. Dẫu vậy, còn đó những hiện vật gốc của di tích thuở nào có lẽ cũng khiến ta thêm những mường tượng và hoài niệm. Là võ sĩ, voi quỳ, ngựa chầu, phỗng đá, đồ thờ… tất cả đều được đục thủ công từ đá nguyên khối vô cùng ấn tượng, tinh xảo.
Hai trong bốn tấm văn bia đang hiện hữu tại di tích Lăng Quận Mãn Lê Trung Nghĩa.
Và một điểm đến không thể bỏ qua khi về thăm quần thể danh thắng núi Nhồi, đó chính là Lăng Quận Mãn Lê Trung Nghĩa. Ông vốn là một người con của làng Nhồi xưa kia. Sống và làm quan vào cuối thời Lê (cuối thế kỷ XVIII). Vì xuất chúng hơn người nên ông được triều đình tin tưởng giao trọng trách trấn thủ Thanh Hóa.
Đương thời, ông đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo, sửa sang các di tích tại quê nhà. Từ đình Thượng, chùa Tiên Sơn…đều có dấu ấn đóng góp của ông. Và nhằm tưởng nhớ công lao, dân làng Nhuệ thôn xưa kia đã khắc bia ghi công đức của Quận công Lê Trung Nghĩa trên vách đá cạnh Vọng phu thạch trên đỉnh núi. Sau khi Mãn Quận công qua đời, dân làng đã lập dựng khu lăng mộ với quy mô và kiến trúc khiến hậu thế không giấu được sự trầm trồ thán phục.
Ai đó vẫn nói, mọi thứ đều sợ thời gian. Nhưng khi ghé thăm Lăng Quận Mãn Lê Trung Nghĩa, người ta lại thấy ở đấy, dường như là sự bất lực của thời gian. Nếu có chăng, chỉ là lớp màu của thời gian hàng trăm năm phủ rêu phong lên những văn bia và hệ thống tượng đá tại đây. Dẫu vậy, thời gian lại không đủ sức làm lu mờ đi vẻ đẹp của hệ thống hiện vật tại di tích: hai hàng hổ chầu, rồng cuộn, voi phục, ngựa chầu, võ sĩ đứng cạnh…được sắp xếp cẩn trọng.
Tất cả hiện vật đều được điêu khắc bằng đá, và đó đương nhiên là đá lấy từ núi Nhồi, do nghệ nhân làng Nhồi thổi hồn. Mỗi hiện vật một sắc thái, biểu cảm, không giống nhau, không trùng lặp. Cũng ở di tích lăng Quận Mãn Lê Trung Nghĩa còn có sự hiện hữu của bốn văn bia đá khối lớn trang trí giản tiện nhưng tinh xảo vô cùng.
Hệ thống hiện vật đá (người, voi, ngựa…) điêu khắc tinh xảo đang được lưu giữ ở các di tích thuộc quần thể di tích nghệ thuật thắng cảnh núi Nhồi.
Cần được bảo tồn xứng tầm
Giá trị của cụm di tích thắng cảnh nghệ thuật núi Nhồi là điều hiển nhiên đã được khẳng định. Tuy nhiên, điều đáng buồn, dường như một sự quan tâm, đầu tư, trùng tu tôn tạo xứng tầm với tiềm năng của di tích để có thể phát huy giá trị di sản lại là điều chưa thực sự có được tại đây: không gian di tích bị xâm hại, hạ tầng (đường sá) quanh di tích nhếch nhác và việc sửa chữa, trùng tu di tích không theo quy định của Luật Di sản… mọi thứ khiến cho quần thể di tích núi Nhồi phần nào mất đi giá trị vốn có.
Trao đổi với phóng viên Báo Văn hóa và Đời sống, ông Nguyễn Bá Bình – Chủ tịch UBND phường An Hưng cho biết: Để khắc phục những vấn đề tồn tại ở cụm di tích trước đây, UBND phường An Hưng mới đây đã cho thành lập Ban quản lý khu di tích do đồng chí Phó Chủ tịch phường làm Trưởng ban.
Trong đó, với việc xây dựng các quy chế trông coi, làm việc rõ ràng, trên tinh thần tự nguyện để người dân hiểu và chấp hành nhằm đảm bảo tính nguyên trạng của di tích. Tuy nhiên, về phía chính quyền địa phương và nhân dân, cũng rất mong ngành chức năng và TP Thanh Hóa sớm có quy hoạch và kế hoạch đầu tư để từ đó bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch thực sự hiệu quả, xứng tầm.
Nét đẹp đền nghè Yên Vực trên hành trình ngược xuôi sông Mã
Tọa lạc trên vùng bãi đất bồi ven sông Mã, ngay cạnh ngã ba sông Tuần Ngu, đền nghè Yên Vực (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa) không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc, trở thành điểm dừng chân vãn cảnh, du lịch tâm linh hấp dẫn trên hành trình ngược xuôi sông Mã.
Cảnh sắc thiên nhiên yên ả, thanh bình trong khuôn viên đền nghè Yên Vực (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa).
Ai đã một lần ghé thăm đền nghè Yên Vực sẽ không khỏi trầm trồ trước cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Bàn tay thần kỳ của tạo hóa khéo sắp đặt, tô vẽ nên một vùng non nước hữu tình, "hội sơn tụ thủy". Ngay phía trước đền là dòng sông Mã chảy qua, tạo nên yếu tố minh đường; hướng tầm mắt ra xa là núi Ngọc (Hàm Rồng). Đền nghè Yên Vực thờ Tam kỳ Ngu giang, phối thờ dòng họ Nguyễn Duy và nhân vật Đỗ Xuân Cát, người con ưu tú của làng Yên Vực, học trò xuất sắc của Đạm trai tiên sinh Nhữ Bá Sĩ.
Từ xa xưa, đền nghè Yên Vực đã nổi danh về sự linh thiêng, gắn liền với dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhân vật lịch sử, trong đó nổi bật nhất là vua Lý Thái tổ. Tương truyền, vua Lý Thái tổ dẫn quân đi đánh giặc, quân đi thuyền qua ngã ba sông Tuần Ngu thì bị mắc cạn. Nhà vua cho rằng có điều gì linh dị, bèn truyền lệnh cho quân lính đi triệu người dân hỏi xem chỗ này trước đây có điều linh dị xảy ra không? Nhân dân tâu chuyện với nhà vua rằng: Gần ngã ba sông vốn có một ngôi đền bằng tranh lâu ngày đã bị phong hóa gần hết nhưng Nhân dân trong làng, nhất là những người mưu sinh bằng nghề sông nước vẫn thường xuyên về cầu đảo, mong điều tốt lành. Biết chuyện, vua sai đình thần tiến hành làm lễ tế thần. Trong chốc lát, bỗng có một con cá lớn nhảy lên trước mũi thuyền của nhà vua, lập tức nước sông dâng cao, thuyền xuôi dòng thuận lợi. Khi đánh thắng giặc trở về, tưởng nhớ công ơn thần linh phù trợ, vua cho lập đền thờ, ban sắc phong "Tam kỳ Ngu giang thượng đẳng tối linh thần"; đồng thời ban thưởng quan tiền và cho phép Nhân dân làng Yên Vực lo việc hương hỏa. Theo các cụ cao niên trong làng, ban đầu, nhà vua cho dựng tạm ngôi đền bằng tranh tre, về sau xây dựng lại bằng gỗ với quy mô bề thế, trang trọng gồm hai dãy nhà tiền đường và hậu cung nối với nhau thành hình chữ T. Trước đền nghè là sân rồng, sau sân rồng là dòng sông Mã, thuận tiện cho các vua chúa theo đường thủy lên vãn cảnh.
Trải qua sự biến thiên của thời gian, tác động của lịch sử; do vị trí tọa lạc của đền nghè nằm cách tọa độ lửa Hàm Rồng không xa nên bị tàn phá hoàn toàn. Để tỏ lòng tôn kính, biết ơn với các đấng thần linh đã bao đời chở che, phù trợ; nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử của quê hương, chính quyền và Nhân dân làng Yên Vực đã chung tay góp sức, phát tâm cung tiến, từng bước xây dựng, tôn tạo lại đền nghè ngay tại vị trí cũ. Trong những nỗ lực đáng ghi nhận ấy không thể không kể đến công lao, đóng góp của ông Nguyễn Ngọc Thành, Thủ từ của đền nghè Yên Vực. Ông Thành hồi tưởng lại tháng ngày gian khó, "nằm sương, ngủ đất" để xây dựng đền nghè: "Là một người con của làng Yên Vực, tôi vẫn luôn trăn trở về việc làm sao có thể khôi phục lại đền nghè Yên Vực để nhân dân trong vùng có nơi sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng, tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với đức thành hoàng làng". Càng ngày ý nghĩ ấy càng thôi thúc mạnh mẽ khiến ông Thành mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương cho phép đứng ra xây dựng, tôn tạo lại đền nghè.
Những ngày đầu gian khó, vất vả, do sức người, sức của có hạn, ông Thành xây dựng một miếu tranh ngay tại vị trí đền nghè tọa lạc trước đây, ngày ngày chăm lo hương khói, thờ phụng. Sau được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và bà con trong làng, xã, đền nghè được xây dựng, tu bổ ngày càng vững chắc, khang trang hơn. Ông cho biết: "Ngày đó, mảnh đất xây dựng chùa chỉ còn là đất hoang, hố bom chằng chịt. Tôi cùng một số bà con, phật tử trong làng phân công, động viên nhau đội từng thúng đất về san lấp hố bom, tự tay đóng từng viên gạch dành để xây dựng đền nghè". Các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thường xuyên được tổ chức tại đền nghè; bà con, phật tử trong và ngoài tỉnh đến với đền nghè ngày càng đông, phát tâm cung tiến, thiện nguyện. Từ một miếu tranh đơn sơ, năm 1999, đền nghè Yên Vực được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến nay, đền nghè Yên Vực đã kết nối với Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã thuộc Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa trở thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn trên hành trình "Ngược xuôi sông Mã".
Không chỉ là người có vai trò, đóng góp to lớn trong việc tôn tạo, phát triển đền nghè Yên Vực, ông Thành chính là người đã dụng công thu thập tư liệu, hiện vật nhằm minh chứng, khẳng định về sự tồn tại và giá trị của ngôi chùa có tên Sùng Nghiêm trên địa phận làng Yên Vực. Hiện nay, ngoài các hiện vật cổ như: Bàn thờ đá, bệ đá, bát hương đá, các bài chế vua ban cho anh em dòng họ Nguyễn Huy, bia công đức; trong khuôn viên đền nghè Yên Vực còn lưu giữ được những tấm bia cổ của chùa Sùng Nghiêm (làng Yên Vực) thuộc các niên hiệu: Cảnh Hưng thứ 19 (1759) đời vua Lê Hiển tông, Thành Thái thứ 9 (1897), Thành Thái thứ 16, năm Giáp Thìn (1904). Nội dung các tấm bia nhằm ca ngợi công đức của những cá nhân đã phát tâm quyên góp tiền của vào việc trùng tu, tôn tạo, phát triển chùa.
Trong đó, tấm bia "Hậu phật bia ký" có niên hiệu từ thời Cảnh Hưng thứ 19 (1759) đời vua Lê Hiển Tông. Bia được làm bằng đá nguyên khối hình hộp, cao 0,9m, rộng 0,4m, dày 0,25m, bốn mặt có khắc chữ. Trán bia có chóp mũ hình bát sen, mặt trước khắc hình hổ phù, miệng há to phun lửa hình vân mây. Hai bên trán bia chạm hai bông sen cách điệu. Viền phía dưới mặt trước khắc những cánh hoa sen xếp theo hình dọc tạo nên bông sen nở với nhiều tầng cánh. Hai bên viền bia phía trước chạm hình mây cuộn; viền hai bên hông chạm hoa chanh. Bia còn nguyên vẹn, nét chữ rõ, kiểu dáng bia đẹp. Nội dung tấm bia đề cao Phật Đạo và ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên cùng tấm lòng thơm thảo của người dân trong vùng phát tâm cung tiến, càng tô thắm thêm vẻ đẹp của đất và người nơi đây: "Phàm là người có lòng bồ đề thì được bồ đề báo đáp. Cho nên con người ta tôn sùng Phật đạo tức tùy duyên từng người. Nay bản ấp ta là nơi danh lam thắng cảnh rất đẹp của Ái Châu; trên có điện nguy nga, tòa tam bảo có tượng sắc vàng trong sáng; dưới đài la liệt bện ngọc vân trôi sáng láng bay lên các dãy nhà, tiếng thơm mãi ôm quần nơi ngồi tụng niệm. Hoa lửa mãi sáng dấy phát nên lòng hướng thiện đẹp đẽ tin tưởng đáng là cảnh siêu nhiên thanh tịnh".
Cũng được làm từ đá nguyên khối nhưng bia ký ghi chép về việc trùng tu chùa thờ Phật không khắc hoa văn xung quanh viền bia mà tạo gờ nổi cao hơn so với phần thân bia. Trước kia, bia bị lấy làm bàn đặt nên không còn được bảo tồn nguyên vẹn, bị vỡ thành 3 mảnh, phần nội dung bị mờ đi rất nhiều. Nội dung tấm bia đề cao vai trò, ý nghĩa làm việc thiện và khẳng định về sự tồn tại lâu đời của chùa Sùng Nghiêm trên mảnh đất Yên Vực: "...Chùa Sùng Nghiêm của ấp ta đã có từ lâu, người trước gây dựng đến nay (...) Dân trong ấp tu sửa cùng các đền thờ văn chỉ (...) đến nay chùa đã lâu (...) lại hợp tiền của, sức lực của dân trùng tu chùa cho đẹp.
Những tấm bia đã cổ còn lưu giữ được tại khuôn viên đền nghè Yên Vực là tư liệu văn hóa, lịch sử, khoa học có giá trị. Từ nội dung văn bia có thể cho chúng ta hình dung rất rõ nét về đời sống tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng của quần chúng Nhân dân đã từng diễn ra tại chùa. Đó là minh chứng chân thực, sinh động về sự tồn tại, vai trò, ý nghĩa của ngôi chùa Sùng Nghiêm trong tâm thức người dân làng Yên Vực và các vùng phụ cận. "Tuy nhiên, cho đến nay, do nhiều lý do khác nhau, giá trị của những tấm bia đá cổ này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Để phát huy hơn nữa giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học, đề nghị các cấp, ban, ngành có liên quan cần sớm tổ chức đánh giá, xem xét xếp hạng di tích cho những tấm bia đá cổ này" - ông Nguyễn Ngọc Thành, thủ từ đền nghè Yên Vực băn khoăn, trăn trở.
Rừng mùa thu Na-uy trong lòng xứ Thanh Vùng đất Vĩnh An (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) đang là điểm đến mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Được thiên nhiên phú cho hệ thống núi đá vôi cảnh quan đẹp, có giá trị cả về địa lý - kiến tạo lẫn lịch sử, đặc biệt là quần thể hang động kỳ thú nằm gần nhau. Đặc biệt...
Từ khóa » Hình ảnh Núi Nhồi
-
Núi Nhồi (Thanh Hoá,Việt Nam) - Vietnam Landmarks
-
Núi Nhồi – Thắng Cảnh đẹp Của Thanh Hóa
-
Đắm Say Danh Thắng Núi Nhồi
-
THẮNG CẢNH NÚI AN HOẠCH
-
Đá Làng Nhồi - Báo Bắc Giang
-
Núi Vọng Phu Thanh Hóa
-
Về Thanh Lên đá Vọng Phu - Tiền Phong
-
Núi Vọng Phu (Thanh Hóa): Biểu Tượng Chung Thủy Của Người Phụ Nữ
-
Núi An Hoạch, Tức Núi Nhồi ở Thanh... - Hùng Việt Sử Quán | Facebook
-
DI TÍCH THẮNG CẢNH XỨ THANH - Công Ty TNHH MTV Sông Chu
-
Hồn đá Xứ Thanh - Báo Nhân Dân
-
Bài Ca Dao: Vọng Phu Cảnh đẹp Núi Nhồi