Nước Ngọt Ngày Càng Khan Hiếm - Báo Tài Nguyên Và Môi Trường

“Nóng” vấn đề chất lượng nước các lưu vực sông

Để đánh giá đúng về tình hình an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức giám sát về vấn đề này. Từ đầu năm 2020 đến nay, Đoàn khảo sát đã làm việc với 10 tỉnh miền Trung và Nam Bộ, 4 tỉnh Tây Bắc, làm việc với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà, kết quả sơ bộ cho thấy, tại 14 tỉnh, thành phố đoàn đến khảo sát thì chất lượng nước mặt, nước ngầm tương đối tốt, trữ lượng dồi dào. Tuy nhiên, nguồn nước này đang có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động xả thải, đặc biệt với các sông chảy qua đô thị.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Ông Hà cho biết, hiện ở một số địa phương, chất lượng nước bị suy giảm đáng báo động do ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra nguồn nước, chất thải từ các khu công nghiệp, nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Theo ông Hà, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên hiện tượng xâm mặn vào sâu qua các cửa sông, làm ảnh hưởng tới chất lượng nước ngọt của các địa phương. Tình trạng này là hiện tượng phổ biến đối với các tỉnh duyên hải từ tỉnh Thanh Hóa tới tỉnh Kiên Giang

Trong khi đó, các vi phạm về xả thải, việc xâm lấn hành lang bảo vệ nguồn nước vẫn diễn ra phổ biến ở một số địa phương do chưa rõ mốc giới trên thực địa. Ở một số nhà máy cấp nước, việc quan trắc, kiểm soát chất lượng nước thô đầu vào còn chưa có biện pháp bảo đảm an toàn.

Trong khi đó, các hoạt động bảo vệ nguồn nước mới tập trung vào thanh tra, kiểm tra các hoạt động gây ô nhiễm; việc quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm, chất lượng nước trên các sông còn ít số liệu.

Ông Hà đánh giá, nước ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Công làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa. “Việc chuyển nước từ dòng chính sông Mê Kông ra khỏi lưu vực (Thái Lan) ảnh hưởng lượng nước cấp cho Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Hà lấy dẫn chứng.

Đánh giá chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm và trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nước ngọt ngày càng khan hiếm. Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông.

Nước trong hệ thống thuỷ lợi không thể tái sử dụng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện các hồ và kênh mương ở các khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.

Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nước sông để cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.

Quang cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến cho nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng. Ô nhiễm môi trường nước đã và đang gây ra những thiệt hại kinh tế cho sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Đề cập đến giải pháp, theo ông Cường, phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm, đầu tư xây dựng hồ chứa nước lớn phục vụ đa mục tiêu, công trình chuyển nước, liên kết nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực trong giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng công trình kiểm soát triều, mặn, lợ, ngọt, cắt lũ, giảm lũ, thoát lũ, chống ngập úng, sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối, đảm bảo an ninh nguồn nước…

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo cấp đủ nước, tiêu thoát nước phục vụ sinh hoạt, các ngành kinh tế; ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các đảo có đông dân cư, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước.

Đầu tư các loại hình cấp nước nhỏ lẻ phục vụ sinh hoạt, bảo đảm cân đối được nguồn nước ngọt ở quy mô từng hộ, thôn/xóm, xã, huyện ở vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông cửu Long, Tây Nguyên, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu tập trung sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình và vùng hạ du đập, nâng cao mức đảm bảo an toàn các đập, hồ chứa nước lớn theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Cần tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, cây chắn sóng bảo vệ bờ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Từ khóa » Hình ảnh Khan Hiếm Nước Ngọt