Nuôi Rắn Mối - Báo Bình Dương Online

Quyết tâm tìm hướng đi riêng bằng việc xây dựng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, các nông dân Nguyễn Văn Thẩm, Đoàn Văn Nghị và Trần Văn Cảnh, ngụ ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn mối.

Thành công bước đầu

“Nghe tin có người nuôi thành công con rắn mối, đem lại giá trị kinh tế cao, chúng tôi liền tìm đến tham quan tìm hiểu và thực hiện mô hình này”, anh Nguyễn Văn Thẩm vui vẻ cho chúng tôi biết ngay khi chúng tôi vừa tới thăm trang trại nuôi rắn mối của các anh. Nói là trang trại chứ thật ra cả 2 khu nuôi rắn mối chỉ rộng chừng 100m2, nhưng đây là tâm huyết của cả 3 anh. Nghe thấy bước chân người, hàng trăm con rắn mối giật mình chạy vào hang trông thật vui mắt. Anh Thẩm cho biết với mong muốn là những người đi tiên phong trong mô hình này, cuối năm 2012, ba anh em đã lần mò xuống tận Long An để học hỏi cách nuôi rắn mối, một con vật mà các anh chỉ mới nghe qua chứ chưa thấy ai tại huyện Phú Giáo nuôi thành công bao giờ. Sở dĩ các anh chọn nuôi rắn mối vì nếu thành công thì mô hình này sẽ đem lại giá trị kinh tế rất cao do chi phí bỏ ra ban đầu thấp, chuồng trại đơn giản... Quyết tâm xây dựng mô hình, các anh đã đóng góp 30 triệu đồng và bắt tay vào công việc. Đến nay, trại nuôi rắn mối của các anh đã có khoảng 3.000 con các loại và khẳng định thành công bước đầu vì đàn rắn mối phát triển ổn định, bắt đầu sinh sản.

Anh Thẩm giới thiệu vật nuôi mới: Rắn mối

Theo anh Thẩm, ngay cả nơi các anh đến tham quan và mua rắn mối giống cũng không hề có tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi loài vật này. Khi đem rắn mối về nuôi, các anh phải tự mày mò xây dựng chuồng trại cũng như tìm hiểu cách nuôi sao cho phù hợp. Khí hậu, thời tiết tại Bình Dương thay đổi thất thường hơn so với các tỉnh miền Tây nên việc thiết kế chuồng trại, chăm sóc rắn mối cũng phải khác. Giai đoạn đầu các anh phải thay phiên nhau quan sát bầy rắn mối để kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường, từ đó có cách xử lý. Trại nuôi rắn mối của các anh được quây bằng tôn phẳng cao chừng 0,5m, chôn sau chừng 10cm để tránh việc rắn mối bò ra ngoài. Chân các tấm tôn chắn được phủ một lớp bê tông để phòng ngừa rắn mối đào lỗ. Bên trong trại sử dụng gỗ mục, gạch, đá chất thành đống tạo thành hang hốc để rắn mối ở. Ngoài ra, có thể sử dụng khoảng trống trong lòng trại nuôi để trồng cây bụi nhỏ nhằm tạo bóng mát và sân chơi cho rắn mối. Thức ăn của rắn mối là phụ phẩm từ chăn nuôi gà, heo. Có thể tận dụng các loại trái cây, sâu bọ làm thức ăn cho rắn mối, trong đó sâu là món ăn khoái khẩu của rắn mối. Tuy nhiên, thức ăn chính của rắn mối tại đây vẫn là cá, tép nhỏ xay nhuyễn trộn với cơm mềm. Rắn mối chỉ ăn thức ăn tươi sống, vì vậy nguồn thức ăn cho rắn mối cần phải được tuyển chọn kỹ, bảo đảm không ôi thiu…

Hứa hẹn hiệu quả cao

Anh Thẩm cho hay, khó khăn nhất trong việc nuôi rắn mối là giai đoạn rắn mối còn non. Lúc này con non còn yếu, sức đề kháng thấp nên thường dễ mắc các loại bệnh về đường hô hấp như no hơi, sình bụng… Ngoài ra, nếu cho ăn không đủ rắn mối sẽ tự cắn nhau gây ra các vết thương, lở loét rồi chết. Vì vậy, giai đoạn rắn mối còn non cần được chăm sóc kỹ. Bước vào giai đoạn trưởng thành, những con rắn mối có mình đầy đặn, da bóng bẩy là đạt tiêu chuẩn. Con cái trong giai đoạn mang thai cần bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng để sinh con khỏe mạnh. Rắn mối cái đẻ 2 lứa/năm vào tháng 4 và tháng 9 âm lịch (mùa mưa). Một con cái có thể đẻ 8 - 10 trứng/lứa. Rắn mối nuôi khoảng 7 - 8 tháng thì tự bắt cặp và sau khoảng 2,5 - 3 tháng là đẻ trứng. Khi con cái sắp đẻ cần nhốt riêng. Sau khi trứng nở ra con cần cách ly rắn mối đực vì chúng sẵn sàng tìm cách cắn chết con con. Rắn mối con sau khoảng 2 tháng có thể tiến hành tách lứa nuôi riêng với tỷ lệ 1 đực 4 cái. Rắn mối cái đầu thon, bụng to, di chuyển chậm, gốc đuôi nhỏ, hai bên sườn có những đốm tròn nửa trắng, nửa đen. Rắn mối đực đầu to, có hai vạch màu cam chạy dọc hai bên sườn, gốc đuôi lớn, khi kiểm tra bộ phận sinh dục ấn nhẹ thì thấy gai giao cấu lòi ra.

Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, đến nay các anh đã nắm vững kỹ thuật nuôi rắn mối và cho hay đây là mô hình hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, các anh đang chuẩn bị con giống để đến tháng 7 tới cho thể giao rắn mối giống cho những người đến tham quan mô hình và đặt mua con giống. Mong muốn của các anh là nhân rộng mô hình này để những nông dân ít đất sản xuất có cơ hội tiếp cận với một mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả cao.

Thị trường tiêu thụ rắn mối thịt mạnh nhất vẫn là TP.HCM. Hiện đã có một đầu mối liên hệ với các anh nhận bao tiêu tất cả sản phẩm rắn mối bằng với giá trị trường. Rắn mối đạt khoảng 25 - 30 con/kg là có thể bán thịt. Rắn mối thịt có giá 300.000 - 350.000 đồng/kg. Rắn mối con có giá 5.000 - 6.000 đồng/con. Thịt rắn mối thơm, ngon, dai, chế biến được nhiều món, có giá trị dinh dưỡng cao. Theo Đông y, rắn mối còn là vị thuốc hữu hiệu trong việc trị bệnh hen suyễn, bồi bổ cho người suy nhược cơ thể.

CAO SƠN

Từ khóa » Vòng đời Của Con Rắn Mối