Ô Tô Nhập Khẩu Chịu Những Loại Thuế, Phí Nào? - VietNamNet

Ford Ranger là mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan

Thuế nhập khẩu

Thời điểm trước năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô đối với dòng xe du lịch 9 chỗ trở xuống thuộc khu vực ASEAN là 30% và khu vực bên ngoài là 70-80%. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2018, những mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối ASEAN từ 40% trở lên sẽ hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mới được thông qua, ô tô nhập khẩu từ thị trường châu Âu vào Việt Nam sẽ giảm về 0% sau 9-10 năm nữa tùy vào từng loại.

Mitsubishi Xpander được nhập khẩu từ Indonesia

Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng = (giá nhập tại cửa khẩu + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt) x thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Công thức này được áp dụng theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật thuế Giá trị gia tăng năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2016.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 8 Luật thuế Giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%. Do ô tô nhập khẩu không nằm trong danh sách miễn thuế nên sẽ phải chịu thêm 10% thuế VAT áp dụng cho tất cả các dòng xe.

Thông thường mức thuế 10% VAT đã được các hãng tính cả vào giá xe ô tô. Ví dụ, một chiếc xe Mitsubishi Xpander có giá niêm yết trên thị trường là 550 triệu đồng thì con số đó đã bao gồm cả 10% thuế VAT.

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế áp dụng với một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nhằm hướng dẫn tiêu dùng xã hội và điều tiết một phần thu nhập của người nộp thuế. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 106/2016/QH13 đã sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 và Luật số 70/2014/QH13. Trong đó, đối với dòng xe có dung tích xilanh từ 2.0L trở xuống, thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh giảm (tăng với dòng xe có dung tích xilanh từ 2.0L trở lên).

Trước khi lăn bánh, người mua xe phải nộp các loại thuế đi kèm

Thuế đi kèm khi lăn bánh

Mức thuế phí để xe lăn bánh là bắt buộc với tất cả các dòng xe, kể cả nhập khẩu và lắp ráp trong nước. Các mức thuế, phí khách hàng phải đóng để xe lăn bánh trên đường gồm có: phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm vật chất xe, phí biển số, bảo hiểm trách nhiệm dân sự,...

Tuy nhiên, tùy vào từng địa phương và loại xe đăng kí mà mức thuế, phí sẽ dao động khác nhau. Ví dụ như, đối với xe du lịch dưới 9 chỗ phí biển số đăng ký tại TP.HCM và Hà Nội sẽ là 20 triệu đồng, trong khi đó các khu vực khác sẽ thấp hơn (chỉ 1 triệu đồng). Trong khi đó, lệ phí trước bạ sẽ dao động từ 10 đến 12% (tuỳ vào địa phương).

 Theo Báo Giao thông

Bạn đã từng chứng kiến những khoảnh khắc va chạm trên đường phố? Hãy chia sẻ video từ camera hành trình và tin bài cộng tác về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!

Xe đời cũ tồn kho xả hàng giá sốc

Xe đời cũ tồn kho xả hàng giá sốc

Đầu tháng 6, một số đại lý vẫn còn xe đời cũ 2019, 2018 tồn kho nay xả hàng với giá cực sốc.  

 

Từ khóa » Các Loại Thuế Phải Nộp Khi Nhập Khẩu ô Tô