Ofloxacin Là Thuốc Gì? Công Dụng & Liều Dùng Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Tên hoạt chất: Ofloxacin
Đây là một kháng sinh thông dụng thuộc nhóm fluoroquinolon, dùng điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Thuốc ofloxacin chỉ có tác dụng tốt nhất khi được sử dụng đúng mục đích, đủ liều và đúng cách.
Tác dụng
Tác dụng của ofloxacin là gì?
Ofloxacin có tác dụng điều trị một loạt các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm: viêm phổi, nhiễm trùng da, bàng quang, cơ quan sinh sản nói chung và tuyến tiền liệt ở nam giới. Đôi khi thuốc cũng kê đơn trong điều trị viêm phế quản và nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không còn phương pháp nào khác có hiệu quả. Thuốc này thường được dùng đường uống với nhiều hàm lượng nhưng phổ biến là Ofloxacin 500mg hoặc 200mg.
Ofloxacin dạng dung dịch nhỏ tai dùng trong điều trị nhiễm trùng ống tai, viêm kết mạc do vi khuẩn nặng.
Thuốc kháng sinh chỉ điều trị nhiễm khuẩn nên sẽ không hiệu quả cho nhiễm virus (như cảm lạnh thông thường, cúm). Sử dụng không cần thiết hoặc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến giảm hiệu quả.
Bên cạnh đó, ofloxacin còn được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn khác, nhưng ít khi, chẳng hạn bệnh lây qua đường tình dục, nhiễm trùng xương khớp hay dạ dày, ruột, dịch hạch, bệnh than,…
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Ofloxacin có những dạng và hàm lượng nào?
Thuốc này có những dạng và hàm lượng sau:
- Viên uống: Thuốc ofloxacin 200mg, 300 mg, 400mg và 500mg.
- Thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai: Ofloxacin 0,3% hoặc 3mg/mL
Liều dùng ofloxacin cho người lớn là gì?
Liều thường dùng thuốc uống là 200mg đến 500mg mỗi 12 tiếng tùy vào tình trạng nhiễm trùng.
Thuốc nhỏ tai mắt: nhiễm trùng ống tai nhỏ 10 giọt/lần, ngày 2 lần trong 10 – 14 ngày; viêm kết mạc do vi khuẩn nhỏ mắt 1 giọt mỗi 4 giờ trong 2 ngày đầu tiên, sau đó nhỏ 1 giọt mỗi 6 giờ trong các ngày tiếp theo, chỉ dùng tối đa 8 ngày.
Liều dùng thuốc ofloxacin cho trẻ em là gì?
Ofloxacin uống không được dùng cho trẻ dưới 18 tuổi vì nguy cơ tác dụng phụ. Còn thuốc nhỏ tai chỉ khuyến khích sử dụng khi trẻ trên 1 tuổi với liều như sau:
- Trẻ 1 – 12 tuổi: nhỏ 5 giọt/lần, ngày 2 lần trong khoảng 10 – 14 ngày tùy vào tình trạng nhiễm trùng
- Trẻ 12 tuổi trở lên: nhỏ 10 giọt/lần, ngày 2 lần trong 10 – 14 ngày.
Cách dùng
Bạn nên dùng ofloxacin như thế nào?
Uống thuốc với thức ăn hoặc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là hai lần một ngày (một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối). Liều lượng và thời gian điều trị được dựa trên tình trạng bệnh cụ thể và đáp ứng với điều trị. Hầu hết triệu chứng sẽ thuyên giảm sau vài liều đầu tiên, nhưng bạn cần tiếp tục dùng thuốc đủ số liều và ngày quy định. Việc ngừng thuốc quá sớm có thể khiến vi khuẩn kháng thuốc, dẫn đến nhiễm trùng tái phát.
Uống nhiều nước trong khi dùng thuốc này, trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác. Kháng sinh làm việc tốt nhất khi lượng thuốc trong cơ thể của bạn được giữ ở mức ổn định. Vì vậy, uống thuốc này ở các khoảng cách đều nhau.
Dùng thuốc này ít nhất 2 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi dùng các thuốc khác có thể ảnh hưởng và làm giảm hiệu quả của thuốc này. Hỏi dược sĩ về các sản phẩm mà bạn dùng. Một số ví dụ bao gồm: quinapril, sucralfate, vitamin / khoáng chất (bao gồm cả thuốc bổ sung sắt và kẽm), và các sản phẩm có chứa magiê, nhôm, canxi (như các thuốc kháng acid, didanosine, thuốc bổ sung canxi).
Báo cho bác sĩ nếu hết thuốc mà tình trạng của bạn vẫn còn hoặc xấu đi.
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều; gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Các triệu chứng của quá liều có thể bao gồm những điều sau đây:
- Lú lẫn, chóng mặt, giảm nhận thức
- Buồn nôn, mòn niêm mạc đường tiêu hóa
- Bối rối, co giật, ảo giác, run rẩy
Bạn nên làm gì nếu bạn quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc ofloxacin?
Tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:
- Buồn nôn, nôn, ợ hơi, tiêu chảy nhẹ hoặc táo bón; đau dạ dày; thay đổi vị giác, ăn mất ngon; khô miệng
- Ngứa hoặc sưng đau âm đạo
- Mệt mỏi quá mức
- Màu da nhợt nhạt
Bạn nên đi cấp cứu nếu bạn có bất cứ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng thuốc nặng như phát ban khiến da bong tróc; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.
Bên cạnh đó, cần ngừng sử dụng ofloxacin và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có một tác dụng phụ nghiêm trọng như:
- Tiêu chảy nặng, phân lẫn máu hoặc không
- Co giật, ngất xỉu hoặc mất ý thức
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Ho liên tục hay tình trạng ho ngày càng tồi tệ
- Cảm giác vô cùng khát hoặc đói, da nhợt nhạt, run rẩy, đổ mồ hôi trộm, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu sẫm màu, bệnh vàng da (vàng da hoặc mắt) hoặc phân màu sáng
- Tim đập nhanh, mắt mờ
- Lú lẫn, ảo giác, lo lắng, cảm thấy rất hồi hộp, mất ngủ, ác mộng, suy nghĩ hoặc hành vi không bình thường, cảm thấy choáng váng
- Chóng mặt nặng, ngất, tim đập nhanh hay đánh trống ngực
- Đau đột ngột, bầm tím, sưng, đau, cứng khớp, hoặc mất vận động ở bất kỳ khớp xương của bạn, nhất là ở trẻ em dưới 18 tuổi
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu bất thương
- Sốt, sưng hạch, cảm giác bị bệnh nói chung
- Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc vô niệu
- Tê, đau rát, ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân
Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Thận trọng/ Cảnh báo
Trước khi dùng ofloxacin bạn nên biết những gì?
Trước khi dùng thuốc, bạn nên chú ý một số vấn đề sau:
Báo cho bác sĩ và dược sĩ của bạn nếu bạn bị dị ứng hoặc có phản ứng nặng với các thuốc gồm: ofloxacin; quinolone khác hoặc kháng sinh fluoroquinolone (ciprofloxacin, gatifloxacin, gemifloxacin, levofloxacin, lomefloxacin, moxifloxacin, axit nalidixic, norfloxacin, sparfloxacin) hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
Báo cho bác sĩ và dược sĩ những loại thuốc có kê toa và không kê toa, vitamin, các thực phẩm chức năng, và các sản phẩm thảo dược bạn đang dùng hoặc dự định dùng. Hãy chắc chắn để đề cập đến các loại thuốc như:
- Các thuốc kháng sinh khác
- Thuốc chống đông như warfarin
- Thuốc chống trầm cảm; thuốc chống loạn thần
- Cimetidine
- Cyclosporine
- Thuốc lợi tiểu
- Insulin và thuốc trị bệnh đái tháo đường dùng đường uống
- Một số thuốc trị bệnh loạn nhịp tim như amiodarone , quinidine, procainamide, và sotalol
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen, probenecid
- Theophylline.
Bác sĩ có thể cần phải thay đổi liều thuốc của bạn hoặc theo dõi các tác dụng phụ cẩn thận.
Nếu bạn đang uống thuốc kháng axit có chứa nhôm, canxi hay magiê, didanosine, sucralfate hoặc chất bổ sung hoặc vitamin tổng hợp có chứa sắt hoặc kẽm, uống ofloxacin cách chúng tối thiểu 2 giờ.
Báo cho bác sĩ biết nếu bạn hay bất cứ ai trong gia đình bạn có hay đã từng bị tình trạng khoảng thời gian QT kéo dài (một vấn đề tim hiếm gặp mà có thể gây ra nhịp tim không đều, ngất xỉu, hoặc tử vong đột ngột) hoặc nhịp tim bất thường và nếu bạn đã hoặc đã từng có vấn đề về thần kinh, co giật, tim đập chậm, nồng độ kali huyết thấp, đau ngực, xơ cứng động mạch não (thu hẹp các mạch máu trong hoặc gần não có thể dẫn đến đột quỵ hoặc đột quỵ nhỏ), hoặc bệnh gan.
Bạn nên biết rằng thuốc này có thể gây chóng mặt, nhức đầu nhẹ, và mệt mỏi. Đừng lái xe, vận hành máy móc, hoặc tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo hoặc phối hợp nào cho đến khi bạn biết ofloxacin ảnh hưởng đến bạn như thế nào.
Bạn cần tránh tiếp xúc không cần thiết hoặc kéo dài với ánh nắng và ánh sáng cực tím (giường tắm nắng và đèn cực tím) và hãy mặc quần áo bảo hộ, kính mát, và kem chống nắng. Ofloxacin có thể làm cho làn da của bạn nhạy cảm với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng cực tím. Nếu da của bạn trở nên ửng đỏ, sưng, phồng rộp, gọi bác sĩ của bạn.
Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai, dự định có thai. Nếu bạn có thai trong khi dùng ofloxacin, gọi cho bác sĩ.
Tuy nhiên, ofloxacin có thể bài tiết một lượng nhỏ vào sữa mẹ, vì vậy thời gian cho con bú bạn không nên sử dụng nó, trừ khi không còn lựa chọn nào khác. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác thuốc
Thuốc ofloxacin có thể tương tác với thuốc nào?
Thuốc ofloxacin có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Mặc dù một số loại thuốc không nên được sử dụng với nhau, nhưng trong một số trường hợp bạn có thể sử dụng hai loại thuốc cùng nhau ngay cả khi xảy ra tương tác. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ thay đổi liều lượng hoặc biện pháp phòng ngừa khác nếu cần thiết. Bác sĩ cần biết nếu bạn đang dùng bất cứ loại thuốc nào được liệt kê dưới đây. Những tương tác thuốc sau được lựa chọn dựa trên mức độ thường gặp và không bao gồm tất cả.
Những thuốc có thể tương tác với thuốc ofloxacin bao gồm:
- Thuốc chống loạn nhịp (ví dụ, amiodarone, disopyramide, dofetilide, quinidine, sotalol), cisapride, thuốc lợi tiểu (ví dụ, furosemide, hydrochlorothiazide), thuốc kháng sinh macrolide hoặc ketolide (ví dụ, erythromycin, telithromycin), thuốc rối loạn tâm thần hay tâm trạng, các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, phenothiazin (ví dụ, chlorpromazine) hay thuốc chống trầm cảm ba vòng (ví dụ, amitriptyline) bởi vì các nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm nhịp tim bất thường và những vấn đề khác về tim, có thể tăng lên.
- Corticosteroids (ví dụ, prednisone) vì nguy cơ các vấn đề về dây chằng có thể tăng.
- Foscarnet, thuốc kháng viêm không steroid (như ibuprofen), hoặc tramadol vì nguy cơ co giật có thể tăng.
- Insulin hoặc thuốc khác cho bệnh đái tháo đường (ví dụ, glipizide) vì nguy cơ hạ đường huyết có thể tăng.
- Thuốc chống đông máu (ví dụ, warfarin), procainamide, hoặc theophylline vì nguy cơ tác dụng phụ tăng
- Muối nhôm (ví dụ, nhôm hydroxide), muối canxi (đường uống) (ví dụ, sắt sulfate), hoặc các muối magiê (ví dụ, magnesium hydroxide) vì chúng có thể làm giảm hiệu quả của ofloxacin. Dùng ofloxacin 2 giờ trước hoặc 2 giờ sau các loại thuốc này để hạn chế tương tác.
Thức ăn và rượu bia có tương tác tới ofloxacin không?
Thức ăn, rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với một số loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về vấn đề này.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến ofloxacin?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
- Nhịp tim chậm, QT kéo dài hoặc gia đình có người mắc bệnh hay bất kỳ bệnh tim mạch nào
- Bệnh đái tháo đường
- Tiêu chảy
- Hạ kali máu
- Thiếu máu cục bộ cơ tim
- Co giật, động kinh hoặc có tiền sử bệnh
- Bệnh thận hoặc gan
- Ghép nội tạng (ví dụ; tim; thận; phổi)
- Bệnh di truyền như hội chứng Marfan hoặc Ehler’s-Danlos
- Rối loạn cơ hay thần kinh cơ, chẳng hạn như bệnh nhược cơ
Bảo quản
Bạn nên bảo quản thuốc ofloxacin như thế nào?
Bảo quản thuốc trong hộp kín ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc ngăn đá. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Nếu thuốc quá hạn, không thể sử dụng hay không còn nhu cầu dùng nữa, tuyệt đối không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Bạn nên tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải y tế về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Từ khóa » Hàm Lượng Ofloxacin
-
Ofloxacin - Thuốc Kháng Sinh Nhóm Quinolon
-
Ofloxacin - Dược Thư
-
Ofloxacin - Nhóm Quinolon - Y Học Cộng Đồng
-
Ofloxacin 200mg - Dược Phẩm Medipharco
-
Các Tác Dụng Của Thuốc Ofloxacin | Vinmec
-
Thuốc Ofloxacin
-
OFLOXACIN
-
Thuốc Ofloxacin: Công Dụng, Liều Dùng, Lưu ý Tác Dụng Phụ, Giá Bán
-
Ofloxacin Là Thuốc Gì? - - Blog Điều Trị
-
Thuốc Kháng Sinh Ofloxacine | Pharmog
-
THUỐC NHỎ MẮT OFLOXACIN - Dược Điển Việt Nam
-
Ofloxacin – CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC - MEDIPHARCO
-
[CHÍNH HÃNG] Thuốc Ofloxacin 200mg Dongsung điều Trị Bệnh ...
-
Ofloxacin Là Thuốc Gì? Công Dụng, Liều Lượng Và Giá Bán Bao Nhiêu?