Ôn Tập Văn Học Dân Gian Việt Nam - Củng Cố Kiến Thức
Có thể bạn quan tâm
I. Nội dung ôn tập
1. Định nghĩa, đặc trưng cơ bản của văn học dân gian.
- Văn học dân gian là những tác phẩm do nhân dân sáng tạo trong quá trình sinh hoạt mang tính truyền miệng.
- Đặc trưng của văn học dân gian:
+ Tính truyền miệng: Là đặc điểm phương tiện sáng tác, ngôn ngữ nói khác hẳn với văn học viết (sử dụng ngôn ngữ viết).
Các tác phẩm như sử thi Đăm Săn (dân tộc Ê-đê), truyện Tiễn dặn người yêu (dân tộc Thái), truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy (dân tộc Kinh), các bài ca dao, truyện cười, được sáng tác và lưu truyền bằng miệng, về sau, các tác phẩm đã được ghi chép lại.
+ Tính tập thể: Văn học dân gian thường là tác phẩm của nhiều người, vì trong quá trình truyền miệng, những người tham gia vẫn có quyền thêm, bớt và sáng tạo khiến cho tác phẩm có phong cách tập thể, phán ánh rõ rệt với các tác phẩm văn học viết (có phong cách cá nhân).
Các tác phẩm văn học dân gian đều mang tính tập thể, là sản phẩm sáng tác của tập thể, không mang dấu ấn phong cách cá nhân.
+ Tính thực hành: Phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt trong cuộc sống của cộng đồng.
2. Các thể loại văn học dân gian.
+ Thể loại:
- Truyện dân gian: Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.
- Câu nói dân gian: Tục ngữ, vè, câu đố.
- Thơ dân gian: Sử thi, truyện thơ, ca dao.
- Sân khấu dân gian: Chèo, tuồng, các trò diễn.
+ Đặc trưng của một số thể loại chính:
- Sử thi anh hùng (Đăm Săn) kể về các nhân vật anh hùng thời hình thành các dân tộc với thái độ tôn vinh, có tính chất thần linh, kì ảo.
- Truyền thuyết (An Dương Vương) kể về các nhân vật lịch sử, có liên quan đến thần linh.
- Cổ tích (Tấm Cám) kể về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, nhằm bênh vực cái thiện, có các yếu tố kì ảo tham gia hỗ trợ.
- Truyện cười (Tam đại con gà) kể về những điều nghịch lí, mất tự nhiên, nhằm giải trí hoặc phê phán.
- Ca dao thể hiện tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp bình dân.
- Truyện thơ (Tiễn dặn người yêu) kể lại những câu chuyện tình cảm, đấu tranh chống cái ác dưới hình thức bài thơ dài.
3. So sánh các thể loại.
- Sử thi (anh hùng):
+ Mục đích sáng tác: Ca ngợi các anh hùng thời xưa.
+ Hình thức lưu truyền: Kể, diễn trò.
+ Nội dung phản ánh: Cuộc chiến đấu để mở rộng bộ lạc.
+ Kiểu nhân vật: Nhân vật anh hùng.
+ Đặc điểm nghệ thuật: Nhân vật người anh hùng vô song, có quan hệ với thần linh.
- Truyền thuyết:
+ Mục đích sáng tác: Kể lại chuyện của các nhân vật lịch sử.
+ Hình thức lưu truyền: Kể.
+ Nội dung phản ánh: Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia, dân tộc.
+ Kiểu nhân vật: Các vị vua chúa hoặc danh nhân.
+ Đặc điểm nghệ thuật: Các vị vua chúa có gốc hiện thực, có sự giúp đỡ của thần linh.
- Cổ tích:
+ Mục đích sáng tác: Giáo huấn và thưởng thức nghệ thuật.
+ Hình thức lưu truyền: Kể.
+ Nội dung phản ánh: Cuộc đấu tranh giữa thiện và các.
+ Kiểu nhân vật: Chính diện và phản diện.
+ Đặc điểm nghệ thuật: kết cấu theo kiểu nhân vật một chiều, có yếu tố kì ảo tham gia.
- Truyện cười:
+ Mục đích sáng tác: Giải trí và phê phán.
+ Hình thức lưu truyền: Kể.
+ Nội dung phản ánh: Thói hư tật xấu trong xã hội.
+ Kiểu nhân vật: Những kiểu người bất thường.
+ Đặc điểm nghệ thuật: Khai thác mâu thuẫn trái với tự nhiên.
4. Ca dao.
a). Ca dao than thân là lời của những người bình dân, vì những người phụ nữ bình dân trong xã hội phong kiến phải chịu nhiều điều bất hạnh, họ phải chịu nhiều tầng áp bức.
Thân phận người phụ nữ bình dân hiện lên trong bài ca dao than thân như là những số phận không thể tự chủ, không quyết định được vận mệnh của mình. Họ thường ví mình như “tấm lụa đào” giữa chợ, như “hạt mưa sa” giữa trời, như “giếng nước giữa đàng” không biết vận may rủi sẽ rơi vào tay ai.
- Ca dao yêu thương tình nghĩa đề cập đến niềm thương nỗi nhớ, tình cảm mặn mà, thủy chung son sắt.
Ca dao thường dùng các biểu tượng “cây đa”, “bến nước”, “con thuyền”, “gừng cay”, “muối mặn” để nói lên tình nghĩa của mình, vì những sự vật ấy có nét tương đồng, gần gũi với tình cảm của con người nông thôn Việt Nam.
- Tiếng cười tự trào và tiếng cười phê phán xã hội trong ca dao hài hước đều là những tiếng cười hóm hỉnh, thông minh, cho thấy tâm hồn người dân lao động luôn lạc quan trước cuộc đời còn nhiều nỗi lo toan, vất vả.
b). Những biện pháp nghệ thuật thường dùng trong ca dao:
- So sánh là cách đối chiếu sự vật này với sự vật khác trên cơ sở những nét giống nhau.
Ví dụ:
+ Thân em như tấm lụa đào... Thân em như củ ấu gai... Thân em như giếng giữa đàng...
+ Muối mặn... gừng cay...
- Ẩn dụ là cách lấy tên của sự vật này để nói sự vật khác (vắng mặt) trên cơ sở những nét giống nhau.
Ví dụ:
+ Mặt trăng sánh với mặt trời...
+ Khăn thương nhớ ai.
- Hoán dụ là cách lấy tên của sự vật này để nói sự vật khác trên cơ sở những mối quan hệ gần nhau (toàn thể - bộ phận...).
Ví dụ: Mắt thương nhớ ai.
- Nói quá (phóng đại) là có ít nói nhiều, có nhỏ nói to hay ngược lại.
Ví dụ:
+ Ước gì sông rộng một gang...
+ Lỗ mũi mười tám gánh lông.
- Nói ngược là cách nói làm cho những gì trái ngược lại nằm trong hình thức thuận chiều.
Ví dụ:
Làm trai cho đáng nên trai,
Khom lưng uốn gối gánh hai hạt vừng.
- Tương phản là cách nói tạo thành hai vế ngược nhau.
Ví dụ:
Chồng người đi ngược về xuôi,
Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.
II. Bài tập vận dụng
1. Những nét nổi bật trong nghệ thuật miêu tả nhân vật anh hùng của sử thi.
- Miêu tả bằng những hình ảnh so sánh:
+ “Thế là Đăm Săn lại múa. Chàng múa trên cao, gió như bão, chàng múa dưới thấp, gió như lốc...” (đoạn giữa).
+ “Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang với sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy” (đoạn cuối).
- Sử dụng hình ảnh phóng đại:
+“Khi chàng nhảy múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung” (đoạn giữa).
+ “Bà con xem, Đăm Săn uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán” (đoạn cuối).
- Sử dụng yếu tố kì ảo: Trong đoạn trích, Đăm Săn Chiến thắng Mtao Mxây còn có sự giúp đỡ của ông Trời. Đó là nhân vật thần linh theo quan niệm của người Ê-đê thời xưa, cũng là yếu tố kì ảo trong truyện dân gian nói chung.
- Tác dụng của việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật góp phần tạo nên âm hưởng hùng tráng, vẻ đẹp rực rỡ trong nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật anh hùng, vẻ đẹp của người anh hùng sử thi được lí tưởng hóa..
2. Bi kịch Mị Châu – Trọng Thủy.
- Cốt lõi sự thật lịch sử:
Mị Châu kết hôn cùng Trọng Thủy theo sự sắp đặt của cha. Trọng Thủy làm gián điệp, lấy được bí mật chiếc nỏ. An Dương Vương mất nước, Mị Châu, Trọng Thủy rơi vào bi kịch.
- Hư cấu thành bi kịch gì?
Bi kịch của Mị Châu - Trọng Thủy là bi kịch của tình yêu: Mị Châu vì tình yêu mà mất cảnh giác, còn Trọng Thủy vì mâu thuẫn giữa tình yêu với nghĩa vụ quốc gia mà tự vẫn.
- Những chi tiết hoang đường, kì ảo:
+ Lẫy nỏ thần.
+ Rùa vàng (sứ Thanh Giang).
+ Ngọc trai (theo lời truyền của Mị Châu trước khi chết).
+ Ngọc trai - giếng nước (rửa nước giếng Trọng Thủy thì ngọc trai sáng lên).
- Kết cục của bi kịch: Đất nước Âu Lạc bị diệt, Trọng Thủy, Mị Châu đều bị giết.
- Bài học rút ra: Bài học cảnh giác.
3. Đặc sắc nghê thuật của truyện Tấm Cám là sự chuyển biến hình tượng nhân vật Tấm.
- Đặc sắc nghệ thuật của truyện Tấm Cám là sự chuyển hóa của nhân vật Tấm, từ yếu đuối, thụ động trở nên cương quyết giành lại sự sống và hạnh phúc qua hai giai đoạn trong cuộc đời:
+ Giai đoạn đầu: Từ đầu đến chỗ Tấm chết hóa thành chim vàng anh. Trong đoạn này, nhân vật Tấm yếu đuối, thụ động, khi bị áp bức chỉ biết khóc. Để vượt qua ngang trái, hầu hết phải nhờ đến sự hỗ trợ từ bên ngoài (Bụt).
+ Từ lúc hóa thành chim vàng anh đến hết truyện, nhân vật chuyển hóa thành chủ động. Biểu hiện của những phẩm chất đó qua tiếng chim vàng anh (Giặt áo chồng tao - Thì giặt cho sạch...), qua tiếng khung cửi (Kẽo cà kẽo kẹt - Lấy tranh chồng chị - Chị khoét mắt ra); qua việc hóa thân qua các kiếp làm con chim, làm cây xoan, cây thị... và cuối cùng trở về kiếp con người.
- So với các truyện cổ tích khác, ít có không gian rộng rãi qua nhiều kiếp, tính cách, số phận của các nhân vật cũng không có nhiều biến hóa như trong truyện Tấm Cám.
4. Truyện cười
- Truyện Tam đại con gà:
+ Đối tượng cười là thầy đồ dốt.
+ Nội dung cười là thói sĩ diện hão.
+ Tình huống cười là khi thầy bị học trò hỏi dồn, nhất là người nhà học trò chất vấn.
+ Cao trào là khi thầy bịa ra "Dù dì là chị con công, con công là ông con gà" để chống chế.
- Truyện Nhưng nó phải bằng hai mày:
+ Đối tượng cười là quan tham.
+ Nội dung cười là thói tham ô, ăn hối lộ.
+ Tình huống cười: Hai người cùng hối lộ, quan xử kiện dựa theo số tiền được hối lộ.
+ Cao trào là cử chỉ của Cải và ông Lý, ngầm liên quan với lời ông Lý "Tao biết mày phải, nhưng nó còn phải bằng hai mày".
5. Điền tiếp vào sau các từ "Thân em như... " và "Chiều chiều... "để thành những bài ca dao trọn vẹn:
- Thân em như tấm lụa điều,
Đã đông kẻ chuộng lại nhiều kẻ ưa.
- Thân em như miếng cau khô,
Người khôn tham mỏng, người thô tham dày.
- Thân em như tấm lụa đào,
Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai.
- Chiều chiều ra đứng bờ sông,
Muốn về với mẹ mà không có đò.
- Chiều chiều chim rét kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
- Chiều chiều ra đứng lầu tây,
Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng...
- Mở đầu các bài ca dao theo cách lặp lại có tác dụng tạo ra thói quen để người nghe dễ tiếp nhận.
- Thống kê các hình ảnh so sánh, ẩn dụ trong những bài ca dao:
+ Các hình ảnh so sánh:
- Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
- Thân em như củ ấu gai,
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
- Mình ơi mình nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.
- Muối ba năm muối đang còn mặn,
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa dày,
Có xa nhau đi chăng nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
+ Các hình ảnh ẩn dụ:
- Mặt trăng sánh với Mặt trời,
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng…
- Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất…
- Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn chẳng tắt…
- Nhân dân lao động lấy các hình ảnh so sánh ẩn dụ trong thực tế lao động sản xuất hằng ngày. Những người đi sớm về khuya thường thấy sao Mai, sao Hôm, sao Vượt rất gần gũi, những người nông dân thấy "gừng cay, muối mặn" chiếc khăn, chiếc đèn... là những vật quen thuộc...
- Hiệu quả nghệ thuật của các hình ảnh so sánh, ẩn dụ trong ca dao làm cho tình cảm của người bình dân được diễn tả kín đáo, sâu sắc, tinh tế.
- Một số câu ca dao nói về chiếc khăn, chiếc áo thể hiện nỗi nhớ của những đôi lứa đang yêu, biểu tượng cây đa, bến nước, con thuyền, gừng cay, muối mặn... biểu tượng cho tình yêu chung thủy.
6. Những bài thơ của các nhà thơ trung đại và hiện đại có sử dụng chất liệu văn học dân gian để chứng minh vai trò của văn học dân gian đối với văn học viết.
- Trong văn học trung đại.
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son".
(Bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương)
+ Thân em là cách mở đầu giống với ca dao.
+ Bảy nổi ba chìm, sử dụng lời ăn tiếng nói của dân gian (thành ngữ).
"Bắt đầu tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta".
(Bạn đến chơi nhà, Nguyễn Khuyến)
+ Lấy từ "Miếng trầu làm đầu câu chuyện", tục lệ tiếp khách có trầu không trong dân gian.
- Trong văn học hiện đại.
+ Bài thơ Bài ca xuân 68 của Tố Hữu có đoạn:
"Hoan hô Anh giải phóng quân,
Kính chào Anh, con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất,
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi”.
Đoạn thơ có sử dụng chất liệu trong cổ tích Thạch Sanh.
"Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rủ bùn đứng dậy, sáng lòa".
Khổ thơ trên có sử dụng 2 hình ảnh trong ca dao là hình ảnh "lửa thử vàng" và "bông sen không lấm trong bùn".
Từ khóa » đặc Trưng Của Văn Học Dân Gian Thần Thoại
-
Những đặc Trưng Của Văn Học Dân Gian - Diễn đàn Lê Quý Đôn
-
Đặc Trưng Cơ Bản Của Văn Học Dân Gian Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Thần Thoại Là Gì? Sự Ra đời, Đặc Trưng, Phân Loại
-
Văn Học Dân Gian Là Gì? Những đặc Trưng Cơ Bản Của ...
-
Những đặc Trưng Của Văn Học Dân Gian | Soạn Văn 6 Chi Tiết
-
[PDF] VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM (7 Tiết) A. MỤC TIÊU 1. Kiến Thức
-
Văn Học Dân Gian Là Gì? Đặc Trưng Cơ Bản Của Văn ...
-
Đặc Trưng Cơ Bản Của Văn Học Dân Gian - Toploigiai
-
Văn Học Dân Gian Là Gì? Đặc Trưng Cơ Bản Của Văn Học Dân Gian
-
Văn Học Dân Gian – Wikipedia Tiếng Việt
-
Văn Học Dân Gian Là Gì? Đặc Trưng, Các Thể Loại ... - Bamboo School
-
Phân Tích Tính Nguyên Hợp Của Văn Học Dân Gian, Cụ Thể Là ... - 123doc
-
Văn Học Dân Gian Việt Nam Có Những Thể Loại Nào?Hãy định Nghĩa ...
-
Các Thể Loại Văn Học Dân Gian