Ông Kim Ngọc Có Bị Kỷ Luật, Tù Tội? | Báo Dân Trí

Để làm rõ sự thật, chúng tôi đã về Vĩnh Yên, gặp các nhân chứng còn sống và khẳng định: Ông Kim Ngọc không bị đi tù vì khoán hộ, nhưng số phận của khoán mà ông đã từng khởi xướng đã phải trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm của lịch sử.

CNXH là phải “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”

Ông Kim Ngọc tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 trong một gia đình nông dân nghèo. Ông chỉ học hết lớp 5, rồi tự học để lên được lớp 7, nhưng những tư duy đổi mới của ông vào thời đó có thể nói là ít người sánh kịp.

Năm 1947, ông lấy bà Lê Thị Liên và sau đó lần lượt sinh được 6 người con (cả 6 người con của ông bây giờ đều thành đạt). Ông Ngọc tham gia hoạt động cách mạng từnăm 1939, đến năm 1954 ông đã là Phó Chính uỷ Quân Khu Việt Bắc.

Năm 1958 ông về làm Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, quê hương ông. Suốt 24 năm ông làm bí thư tỉnh uỷ đềugắn với hạt lúa của người nông dân, nhất là gắn với những thăng trầm của khoán hộ.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký riêng nhiều năm liền cho ông Kim Ngọc kể: Ngay từ hồi những năm 60, khi mà sự giáo điều trong nhận thức lúc đó còn hết sức nặng nề về “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang” (đồng nghĩa với sự sùng bái vật chất tư bản chủ nghĩa), nhưng ông Kim Ngọc phát biểu trong Đảng bộ tỉnh đã khẳng định một chân lý có thể nói là cực kỳ táo bạo về sự phấn đấu của người đảng viên là làm sao để: “Dân luôn được: ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành chữa bệnh không mất tiền”. Ông nói, đấy chính là mục tiêu của CNXH.

Một con người chỉ học hành hết lớp 7, vậy mà tư duy đã thật đi rất xa so với thời gian. Chính những năm 65-67, khi Vĩnh Phúc làm khoán hộ, đời sống của người dân khấm khá hẳn lên. Ông Trường Chinh về thăm Vĩnh Phúc đã phải tặng bài thơ: “Phù Lập làm phân thật khác thường/Phương Trù thuỷ lợi đáng nêu gương/Chăn nuôi tập thể Hoà Loan giỏi/Cây rợp bên đường bóng Lạc Trung” (các địa danh ở Vĩnh Phúc) (ký bút danh Sóng Hồng).

Nỗi đau âm thầm

Như số trước, bạn đọc đã biết, sau khi làm khoán hộ, ông Kim Ngọc bị buộc phải làm bản kiểm điểm và phải tự nhận là “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”. Nhưng sau đó trong Đại hội Đảng bộ, ông Kim Ngọc vẫn trúng chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú(năm 68 sáp nhập Vĩnh Phúc vớiPhú Thọ thành Vĩnh Phú) và đến năm 76, tại đại hội đảng bộ khoá IV của tỉnh Vĩnh Phú ông Kim Ngọc mới làm đơn xin nghỉ và đến năm 1977 ông mới nghỉ hẳn.

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký của ông Kim Ngọc kể: Mặc dù làm đơn xin nghỉ nhưng khi ông Lê Duẩn (lúc đó là Tổng Bí thư) về dự họp, ông Ngọc có gặp ông Lê Duẩn và nói: Tôi đã cao tuổi, xin phép được nghỉ. Ông Lê Duẩn nói ngay: T.Ư chưa để anh nghỉ được, anh vẫn còn khoẻ.

Thực ra thì ông Ngọc đã từng mắc bệnh đau dạ dầy nhiều năm trước đó, đã có lần phải mổ cấp cứu. Có lần ở Việt Bắc ông bị sét đánh suýt chết. Sau này, khi khoán hộ bị cấm, ông buồn nhiều hơn là vui. Có nhiều lúc ông đi trên những cánh đồng trước đây thực hiện khoán hộ lúa xanh tốt, nay trở lại khoán quản nên tiêu điều, về nhà ông lại buồn. Có lúc ông mời những cán bộ cũ đến nhà để bàn về việc tiếp tục khoán hộ, nhưng lúc ấy đã có lệnh cấm của T.Ư, các quan chức lúc đó chẳng ai còn dám nghe ông nữa, chỉ có mỗi người dân là vẫn âm thầm làm khoán hộ, bất chấp tất cả lệnh cấm.

Năm 1979, ông Ngọc yếu nhiều, sau đó ông được đưa lên BV Việt Đức để chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng ông mất ngày 26/5/1979. Đám tang của ông, theo bà Liên kể, có rất nhiều người nông dân đưa tiễn. Họ lặng lẽ đi sau linh cữu của ông, họ hiểu rằng họ đang đưa tiễn người cha của khoán hộ, khoán đã mang lại sự no đủ cho họ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông Kim Ngọc có bị kỷ luật, tù tội? - 1
Con đường đẹp nhất thị xã Vĩnh Yên mang tên ông Kim Ngọc.

Ông Nguyễn Thành Tô khẳng định, ông Kim Ngọc chưa bao giờ bị kỷ luật, kể cả trong khoán hộ mà chỉ bị làm bản kiểm điểm và tự phê bình nghiêm túc, sau khi có chỉ đạo của ông Trường Chinh.

Bà Lê Thị Liên, vợ ông Kim Ngọc kể: Ngay sau khi làm đơn xin nghỉ, ông ấy (chỉ ông Kim Ngọc) và tôi có ra Hà Nội thăm ông Trường Chinh, qua mấy vọng gác mới vào gặp được ông ấy. Ông Kim Ngọc trong cuộc nói chuyện khi đề cập đến khoán hộ, ông vẫn bảo lưu ý kiến, khẳng định sự đúng đắn của khoán hộ và cho rằng khoán quản mới là xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Thời đó, dám cãi vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước (ông Trường Chinh là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng bây giờ) là một việc vô cùng bạo gan. Nhưng vì cái đúng, ông Ngọc vẫn không ngại bầy tỏ quan điểm, đó mới là sự dũng cảm của người cộng sản.Sau này trước khi mất một thời gian, ông Trường Chinh có hối hận về một số sai lầm trước đây trong đó có việc kìm hãm khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Ông Hoàng Quy, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, sau này là Bộ trưởng Bộ Tài Chính cũng nói: “Anh Kim Ngọc là người thông minh, dám nghĩ, dám làm, dám bảo lưu ý kiến...”. Ông Trần Lưu Vị, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (được bầu sau ông Kim Ngọc và ông Hoàng Quy) cũng nói: “Cấp uỷ rất ân hận về chuyện anh Kim Ngọc”.

Bà Lê Thị Liên, vợ ông Kim Ngọc cho biết: Cách đây một thời gian bà có gặp ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Dưới thời ông Kim Ngọc, thì ông Ngọ là Giám đốc Sở Nông nghiệp, người đã thực hiện khoán hộ, để hỏi ông Ngọ về việc làm hồ sơ tôn vinh ông Kim Ngọc danh hiệu anh hùng, ông Ngọ hứa là đang làm. Rất tiếc, về Hà Nội chúng tôi liên lạc được với ông Ngọ, đặt vấn đề này nhưng không nhận được sự ủng hộ của ông Ngọ.

Thật lạ, một người mà tôi đã từng rất kính trọng như ông vì dám làm đơn xin từ chức khi cán bộ cấp dưới của mình vi phạm pháp luật trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, một người cũng dám nghĩ, dám làm, dám xông xáo vì khoán hộ, nay lại dè dặt trong việc trả lời báo chí về việc ông Kim Ngọc.

Bài học của sự thật và dám nhìn vào sai lầm

Năm 1996, để tỏ lòng biết ơn ông, 2 ngôi trường nơi ông sinh ra ở xã Bình Định, huyện Yên Lạc được đặt tên ông.

Năm 2005, một trongnhững con đường đẹp nhất của Vĩnh Phúc cũng được mang tên ông.

Tôi đứng trước bàn thờ ông Kim Ngọc và di ảnh ông, thắp nén hương. Ông có vầng trán cao và đôi mắt thật sáng, thông minh. Năm 2004, tỉnh uỷ Vĩnh Phúc tặng gia đình ông bức tượng tạc ông bằng đồng nặng tới 45 kg để biểu thị lòng kính trọng ông.

Bà Liên, vợ ông kể: Sau khi ông Ngọc mất ít lâu, có đoàn tỉnh đảng bộ Bến Tre (là tỉnh kết nghĩa với Vĩnh Phúc) ra thăm, tất cả đều đứng trước mộ ông mà khóc. Có người còn đề nghị, phải lập đền thờ cho ông, bởi ông thật sự là người có công với đất nước.

Tôi bỗng nhìn thấy bên mé bàn thờ ông có một tấm phướn đề câu thơ: “Ruộng đất công bằng nghĩa hiệp, thăng trầm người mở lối. Ý tưởng tuyệt vời của ông Kim Ngọc còn mãi với thời gian”. Hoá ra đó là mấy câu thơ của các cháu tổ bán báo “Xa Mẹ” ở Hà Nội dâng tặng. Có rất nhiều thư đã gửi về gia đình ông bày tỏ niềm kính trọng và biết ơn đến với ông. Nhiều người gọi ông là cha đẻ của khoán hộ, cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp.

Bà Lê Thị Liên kể: Năm bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) 90 tuổi, tôi đến chúc thọ Đại tướng. Bác Giáp khi đó nói chuyện với rất nhiều người, biết tôi là vợ ông Kim Ngọc, bác nói: Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”.

Năm 1988, ông Nguyễn Văn Linh, khi đó là Tổng Bí thư, một trong những vị lãnh đạo nổi tiếng dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới về thăm Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nhắc đến ông Kim Ngọc cũng nói: Công lao của anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”.

20 năm sau khoán hộ của ông Kim Ngọc, năm 1988, nghị quyết về khoán hộ của Bộ Chính trị chính thức được ban hành (được gọi tắt là khoán 10). Nghị quyết này hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành đã âm thầm áp dụng khoán hộ của ông Kim Ngọc.

Năm 1990, có nghĩa chỉ sau 2 năm áp dụng Nghị quyết 10, đã có sự thay đổi kỳ diệu trong nông nghiệp. Lần đầu tiên ta đã không phải nhập khẩu lương thực để cứu đói. Một năm sau, 1991, ta đã chủ động xuất khẩu được gạo và đến nay là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo với việc năm 2005 xuất khẩu tới 4 triệu tấn gạo. Trên tất cả các cánh đồng hiện nay, đều áp dụng cách khoán mà 40 năm trước ông Ngọc đã từng áp dụng.

Ông Kim Ngọc có bị kỷ luật, tù tội? - 2

Mộ ông Kim Ngọc

Tôi đứng trước mộ ông, trên ngọn đồi cao và suy ngẫm: Giá như không có sự dũng cảm của ông, không biết vận mệnh đất nước đến nay sẽ ra sao? Mục tiêu của CNXH là làm cho dân no ấm, nhưng trên thực tế dân chỉ có nghèo đói thì làm sao dân có thể tin vào những mục tiêu cao cả này được. Ông Kim Ngọc là con người đã biết đi trước thời gian!

Tôi không muốn nhắc lại việc ông đã từng phải làm bản kiểm điểm, nhưng tôi viết loạt bày này trước thềm Đại hội Đảng với mong muốn: Liệu Đảng có coi đây là một trong những bài học quý giá hay không? Và chúng ta có dám dũng cảm điểm lại những bài học trong lịch sử cách mạng mà chúng ta đã phải trả những giá vô cùng đắt vì sai lầm hay không?

Có dũng cảm như vậy, chúng ta mới dám thừa nhận và ủng hộ cái mới và tránh được những sai lầm chúng ta đã từng mắc phải trong quá khứ. Có như vậy thì Nghị quyết của Đảng sắp tới mới thực sự đi được vào lòng dân.

(còn tiếp)

Đức Trung

Từ khóa » Mộ ông Kim Ngọc