Ông Tổ Súng Thần Công - Báo Bình Phước
Có thể bạn quan tâm
BP - Người Trung Quốc xưa nay được mệnh danh là cha đẻ của pháo. Nhưng ít ai biết rằng chính người Việt Nam lại là thầy dạy đúc pháo của người Trung Quốc. Người thầy ấy không ai khác mà chính là Hồ Nguyên Trừng. Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly và là người có biệt tài về đúc súng, pháo. Sau khi nhà Hồ bị quân Minh tiêu diệt, cha con ông cùng nhiều quan lại bộ thuộc bị bắt sang Trung Quốc.
Hồ Nguyên Trừng có tên chữ là Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, là người huyện Vĩnh Phúc, lộ Thanh Hoa (Thanh Hóa). Ông là anh của vua Hồ Hán Thương. Dưới triều nhà Trần, Hồ Nguyên Trừng từng giữ chức Thượng lân tự, Tư đồ. Đầu năm 1400, cha ông truất ngôi Trần Thiếu Đế, tự lên ngôi vua và lập nên nhà Hồ. Sau đó, Hồ Nguyên Trừng được cử làm Tả tướng quốc.
Năm 1406, lấy cớ “Phù Trần diệt Hồ”, vua nhà Minh sai Trương Phụ và Mộc Thạnh mang 80 vạn quân sang đánh nước Việt. Nhiều lần Hồ Nguyên Trừng được giao nhiệm vụ cầm quân chống lại quân Minh xâm lược. Việc ông lập một phòng tuyến chống giặc bắt đầu bằng cứ điểm then chốt Đa Bang (Ba Vì) và kéo dài theo bờ Nam sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh (Nam Hà), rồi lại tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than dài trên 400km. Chỉ riêng điều này đã tỏ rõ ông là nhà quân sự kiệt xuất.
Hồ Nguyên Trừng cũng là người sáng tạo ra cách đánh độc đáo: Ông cho đúc nhiều dây xích lớn chăng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục trang bị bằng hỏa lực mạnh và đã nhiều phen khiến thủy binh của giặc phải khiếp đảm. Thời ấy, do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, muốn có nhiều súng trang bị cho các thành trì và các hạm đội, Hồ Nguyên Trừng đã phải tổ chức gấp những xưởng đúc súng lớn. Nhờ trí thông minh tuyệt vời và khả năng suy nghĩ phi thường, Hồ Nguyên Trừng đã đúc kết những kinh nghiệm cổ truyền và trên cơ sở đó chế tạo ra nhiều loại súng có sức công phá sấm sét. Từ việc cải tiến súng, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc đạn, Hồ Nguyên Trừng phát minh ra phương pháp đúc súng mới, gọi là súng “thần cơ”.
Ngày 12-5-1407, cả ba cha con ông và người cháu là Hồ Nhuế (con Hồ Hán Thương) đều bị quân nhà Minh bắt tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, rồi bị áp giải về Nam Kinh, Trung Quốc. Kể từ đó, nước Việt rơi vào ách thống trị của nhà Minh. Biết được Hồ Nguyên Trừng và Hồ Nhuế có tài năng, vua Minh Anh Tông cho ân xá, nhưng buộc phải đổi họ khác, đồng thời trưng dụng ông và cho làm quan ở bộ Công. Từ đó nước này mới có bước tiến lớn trên con đường sử dụng thuốc nổ vào chiến tranh.
Theo sách “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn thì trong lịch sử đời Minh có ghi nhận: “Trừng khéo chế súng, chế ra thần cơ cho triều đình, đến nay tế binh khí đều phải tế Trừng”. Trong sách “Thông ký” cũng có đoạn viết rằng: “Lúc đầu Quốc Triều (chỉ nhà Minh) chỉ có 5 quân doanh, ấy là Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu. Đến năm Vĩnh Lạc lấy 3.000 quân kỵ rợ Hồ đặt dưới lá cờ rồng, rồi lập ra tam thiên doanh. Sau khi Nam phạt, học được phép chế thần công thì lập ra Thần cơ doanh”.
Trong Minh sử có ghi: Đến đời vua Thành Tổ nhà Minh (1403-1424) đánh nước Giao Chỉ học được phép đúc thần cơ sang pháo, lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ. Như vậy, các tài liệu sử học của cả ta và Trung Quốc đều xác nhận rõ ràng, chỉ từ khi có Hồ Nguyên Trừng mới xuất hiện Thần cơ doanh là binh chủng pháo binh đầu tiên của quân đội Trung Quốc và cũng là binh chủng pháo binh đầu tiên của nhân loại.
Cũng theo sử cũ của nhà Minh, sau khi ông chế tạo được súng thần công thì thăng đến chức Tả thị lang như lời ông đề ở cuối bài Tựa trong quyển “Nam Ông mộng lục”. Theo Minh sử thì Hồ Nguyên Trừng được thăng chức Công bộ Thượng thư (1445) được một năm thì mất, thọ 73 tuổi.
Lời bàn:
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã không ít lần phải đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược từ phương Bắc. Và trong mỗi lần như thế, dù là dùng mũi tên, ngọn dáo, hay những vũ khí hiện đại sau này, người Việt Nam đều khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía. Vào lúc thế giới đang còn thai nghén về súng đại bác thì súng “thần cơ” của Hồ Nguyên Trừng là một sáng chế vĩ đại. Và mặc dù Trung Quốc là nơi phát minh ra thuốc súng, nhưng trong cuộc xâm lược Đại Việt, quân Minh vẫn không tránh khỏi nỗi kinh sợ trước hỏa lực của “thần cơ thương pháo”, khi chiếm được những khẩu pháo này họ rất đỗi kinh ngạc và khâm phục vì “thần cơ thương pháo” có nhiều ưu thế hơn hẳn vũ khí của quân Minh. Song vì quân giặc đã mạnh lại biết dùng kế ly gián, chia rẽ họ Hồ với quân tướng và dân chúng nên nhà Hồ thất bại nối tiếp thất bại.
Mệnh trời là ở lòng dân nhưng cha con Hồ Quý Ly không quan tâm đến lòng dân nên dù có súng “thần công” mạnh đến mấy thì thất bại cũng là điều không thể tránh khỏi. Và tuy không thể góp công đánh bại quân Minh xâm lược nhưng súng thần công của Hồ Nguyên Trừng đã mở ra sự phát triển quan trọng trong lịch sử quân sự của người Việt. Đồng thời, điều ấy cũng đã chứng minh rằng, cha ông chúng ta xưa đã đi trước người Trung Quốc trong kỹ nghệ chế tạo pháo.
N.D
Từ khóa » Súng đại Bác Thời Nguyễn
-
Súng Thần Công Nhà Nguyễn Mạnh Tới đâu? - PLO
-
Súng Thần Công – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cửu Vị Thần Công – Wikipedia Tiếng Việt
-
Khảo Về Súng Thần Công Bằng đồng Thời Nguyễn ở Đà Nẵng Vừa ...
-
Súng Thần Công Thời Nguyễn - THÁNH ĐỊA VIỆT NAM HỌC
-
Bộ Sưu Tập Súng Thần Công ở Sài Gòn - VnExpress
-
Giải Mã Trận đồ Súng Thần Công Nhà Nguyễn - Báo Thanh Niên
-
11 - Súng Thần Công (Thế Kỷ 18 - 19)
-
Bộ Cửu Vị Thần Công (9 Khẩu đại Bác) - Cục Di Sản Văn Hóa
-
Hình Vũ Khí Trên Cửu đỉnh Triều Nguyễn - Công An Nhân Dân
-
Số Phận Của Những Khẩu Thần Công Thời Nguyễn
-
Cùng Tìm Hiểu Về đại Bác Của đội Quân Tây Sơn
-
Câu Chuyện Của Người Việt Nam đầu Tiên Chế Tạo Ra Súng Không ...
-
Cửu Vị Thần Công Trong Kinh Thành Huế - VisitHue
-
Chuyện Về 3 Khẩu Súng 'bảo Vật Quốc Gia' Trong Con Tàu Cổ Bị đắm ở ...
-
Độc đáo 9 Khẩu Súng Thần Công ở Huế được Công Nhận Là Bảo Vật ...
-
Súng đồng Thần Công Thời Nguyễn Phát Hiện ở Đà Nẵng Xuất Xứ Từ ...
-
Cửu Vị Thần Công - .vn