P/E Và P/B Là Gì? Chi Tiết Cách Sử Dụng

P/E và P/B là 2 chỉ số quen thuộc của dân đầu tư dùng để định giá cổ phiếu. Tuy nhiên khá nhiều nhà đầu tư sử dụng nó một cách máy móc dẫn đến định giá sai và…. kết quả thì chắc là bạn tự hiểu rồi.

Ở trong sách dạy đầu tư hay nhiều “thầy” dạy rằng “Chỉ số P/E thấp chứng tỏ cổ phiếu đang được định giá rẻ?”

Coi chừng vì cái kết luận này mà mua phải cổ phiếu lởm đó nhé các bạn. Bài viết P/E và P/B nó không còn quá xa lạ với bạn khi nhiều website hay Blog vẫn chia sẽ cách sử dụng.

Nhưng Phương vẫn muốn chia sẻ quan điểm của riêng cá nhân mình dựa trên những gì đã học, đã biết, ứng dụng và chiêm nghiệm thực tế về phương pháp đầu tư dựa vào chỉ số P/E và P/B.

Bài viết là những thông tin cơ bản và có cả casestudy để bạn hình dung rõ nhất về 2 chỉ số này nhé.

Table of Contents

  • 1. Định giá cổ phiếu theo P/E
    • #Chỉ số P/E là gì?
      • Khái niệm về P/E
      • Bản chất của hệ số PE
      • Cách sử dụng hệ số PE
      • Sử dụng P/E trong phân tích ngành bất động sản có đúng?
  • 2. Định giá cổ phiếu theo chỉ số P/B
    • # Chỉ số P/B là gì?
  • 3. Bảng so sánh cách sử dụng tỷ số P/E và P/B

1. Định giá cổ phiếu theo P/E

Lý do tại sao nên chọn lựa phương pháp định giá P/E?

#Chỉ số P/E là gì?

Trong đầu tư cổ phiếu, hầu như mọi người thường được nghe nhắc đến chỉ số PE rất thường xuyên dùng để đánh giá một cổ phiếu, hay dùng để định giá một cổ phiếu mình đang xem xét mắc hay rẻ, vậy chỉ số PE cụ thể như thế nào?

Khái niệm về P/E

Hay còn được gọi là Hệ số giá trên lợi nhuận của một cổ phiếu gọi tắt là Tỷ số P/E, P/E (viết tắt của cụm từ Price to Earning Ratio trong tiếng Anh) là tỷ số tài chính dùng để đánh giá mối liên hệ giữa thị giá hiện tại của một cổ phiếu và tỷ số thu nhập trên cổ phần, hay cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Tỷ số PE =Giá thị trường của cổ phiếu/ EPS

Trong đó:

  • P: Giá thị trường của cổ phiếu là giá đóng phiên giao dịch của cổ phiếu tại thời điểm xem xét đánh giá.
  • EPS (Earning Per Share) : Lợi nhuận bình quân của cổ phiếu tại thời điểm xem xét.
  • EPS: = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / Tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành)

Có một cách hiểu đơn giản nhất về P/E để bạn dễ nhận biết hơn là :

P/E = Số năm hòa vốn (Nếu lợi nhuận không đổi)

Ví dụ:

Giá hiện tại thời điểm đang xem xét của VNM là 112.7, EPS (tính theo 4 quý gần nhất) là 6.030 VND ⇒ PE=112.7/6.03 = 18.69.

Giải thích: VNM có P/E đang là 18.69 là mức khá cao so với trung bình ngành, tuy nhiên nó cao là bởi VNM là một doanh nghiệp có triển vọng tương lai tốt nên nhà đầu tư chấp nhận trả một mức giá đắt hơn để sở hữu VNM.

  • Có nghĩa: Bạn bỏ ra 18.69 đồng để thu về 1 đồng lợi nhuận của VNM kiếm được trong 1 năm
  • Có nghĩa đơn giản hơn là bạn bỏ X đồng ra đầu tư cổ phiếu VNM thì 18.69 năm bạn mới hồi vốn.

Bản chất của hệ số PE

Có thể hiểu nôm na là thời gian hoàn vốn khi nhà đầu tư bỏ ra một số vốn để đầu tư vào cổ phiếu (không tính việc bán cổ phiếu).

Ví dụ như việc đầu tư bằng cách gửi tiết kiệm thì PE sẽ là bao nhiêu? Chẳng hạn với lãi suất gửi tiết kiệm là 7%, thì việc đầu tư 100tr bao lâu sẽ hoàn vốn (không tính việc chấm dứt gửi tiết kiệm). Chúng ta có thể tính như sau

PEGTK= 100/7 = 14.2

Như vậy con số 14.2 này cũng là một hệ số tham chiếu dùng để so sánh với các cổ phiếu, để đánh giá xem việc đầu tư của mình có hiệu quả hơn so với việc gửi tiết kiệm hay không. Cũng có thể nói dùng để đánh giá xem liệu cổ phiếu đó đắt hay rẻ (hiển nhiên sẽ còn nhiều yếu tố kèm theo để đánh giá mà Phương sẽ giới thiệu thêm trong phần dưới đây, nhưng nhìn chung hệ số PE cũng là 1 công cụ khá hữu dụng trong việc so sánh và đánh giá cổ phiếu).

Cách sử dụng hệ số PE

Hệ số PE là 1 công cụ hữu hiệu để đánh giá cổ phiếu, tuy nhiên còn các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc định giá bằng hệ số PE ví dụ như EPS thay đổi, tăng trưởng doanh nghiệp hay sự kì vọng của nhà đầu tư theo từng giai đoạn.

Đối với những doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao hoặc điều kiện tăng trưởng ngành kém thường nhà đầu tư chỉ chấp nhận với tỷ lệ PE thấp (tức thời gian hoàn vốn nhanh), trong cùng ngành, các doanh nghiệp cũng có tỷ lệ PE chấp nhận khác nhau, tùy thuộc vào vị thế của doanh nghiệp đó trong ngành.

Ví dụ:Trong ngành thủy sản

Doanh nghiệp Hệ số PE 2019
VHC 3.16
FMC 4.84
ANV 4.13
MPC 8.54

Trong ngành thép:

Doanh nghiệp Hệ số PE 2019
HPG 9.49
HSG 8.53
NKG 6.93

Một số doanh nghiệp có tính bền vững, ổn định với tốc độ tăng trưởng tốt và đều trong nhiều năm thường được kì vọng và chấp nhận với hệ số PE cao như VNM, PNJ.

Sử dụng P/E trong phân tích ngành bất động sản có đúng?

Đa phần mọi người sử dụng chỉ số P/E để đánh giá sự mắc hay rẻ cho mọi cổ phiếu thuộc mọi ngành nghề.

NHƯNG SAI

Vì bản chất P/E là thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp dựa vào yếu tố tăng trưởng ngành nghề, thế nhưng không phải doanh nghiệp nào bạn cũng đánh giá chung chung như vậy.

  • P/E phù hợp để sử dụng với các doanh nghiệp sản xuất, thương mại (bán lẻ)…
  • P/E khó có thể dùng để đánh giá với các cổ phiếu bất động sản (BĐS) tại sao? Tại vì BĐS bản chất doanh thu lợi nhuận đến từ các dự án BĐS và thường theo kế toán sổ sách thì khi doanh nghiệp thực hiện bàn giao nhà xong cho khách mới ghi nhận doanh thu và thường phải theo tiến độ dự án.

2. Định giá cổ phiếu theo chỉ số P/B

# Chỉ số P/B là gì?

P/B là tỷ lệ giá trên giá trị sổ sách  dùng để so sánh giá trị vốn hóa thị trường của một công ty với giá trị sổ sách (Book Value). Chỉ số P/B được tính bằng cách lấy giá thị trường hiện tại chia cho giá trị số sách của mỗi cổ phiếu.

Tỷ số P/B =Giá thị trường của cổ phiếu/ Giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu

Trong đó:

  • Giá thị trường của cổ phiếu là giá đóng phiên giao dịch của cổ phiếu tại thời điểm xem xét đánh giá.
  • BV (Book Value) :Giá trị số sách của cổ phiếu tại thời điểm xem xét.

Tỷ số P/B của VCB = 83/24.13 = 3,44

Tỷ số P/B của CTG là = 25.7/21.61 = 1.19

Như vậy, tỷ số P/B thấp có nghĩa khả năng cổ phiếu bị định giá thấp. Tuy nhiên vẫn có thể cơ bản của công ty có vấn đề nên trong tương lai, giá trị tài sản của công ty có thể giảm dẫn đến tỷ số này tăng trong tương lai.

Tỷ số này cũng cho biết khi công ty phá sản tức thời thì chúng ta có thu lại được so với vốn đã bỏ ra để đầu tư.

Giá trị sổ sách của công ty ở đây thông thường được tính bằng tổng tài sản trừ cho nợ (hay bằng với vốn chủ sở hữu). Thực tế thì có 1 số khoản tài sản có mức sổ sách cao hơn hoặc thấp hơn so với ghi nhận trong kế toán, hoặc có thể không có giá trị nhiều khi phá sản như tài sản vô hình, các khoản thu với mức tín nhiệm thấp. hoặc các khoản nợ mà trong đó lại không có áp lực phải trả mà chỉ là do đặc thù ghi nhận kế toán.

  • Chỉ số P/B thường được so sánh chung với ROE (Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), các cổ phiếu có ROE cao thường có tỷ số P/B cao hơn, do về mặt dài hạn, tốc độ tăng trưởng tài sản của các cổ phiếu cao hơn so với các cổ phiếu có ROE thấp.
  • Tỷ số P/B là thường dùng như 1 thước đo định giá, tùy ngành mà tỷ số này khác nhau.
  • Tỷ số P/B thường dùng để đánh giá các doanh nghiệp có nguồn thu không ổn định do quy tắc kế toán (hay nói cách khác là giá trị sổ sách có tăng trưởng nhưng nguồn thu nhập thì âm hoặc không có). Ví dụ như các doanh nghiệp thiên về tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.

3. Bảng so sánh cách sử dụng tỷ số P/E và P/B

Tỷ số P/E Tỷ số P/B
– Thường sử dụng để đánh giá cho các doanh nghiệp có mức lợi nhuận thương đối ổn định và ít đột biến như các doanh nghiệp về sản xuất.– Dễ đánh giá, tính toán do mức độ sai lệch số liệu ít, lưu ý chủ yếu về mặt dòng tiền kinh doanh xem liệu doanh nghiệp có nguồn thu thực từ kinh doanh chính hay không. – Thường sử dụng để đánh giá các doanh nghiệp chủ yếu gia tăng giá trị tài sản nhưng lợi nhuận không ổn định như các doanh nghiệp tài chính và bất động sản.– Khó đánh giá hơn do cần xác định giá trị thực (giá trị hợp lý) của từng tài sản trong cân đối kế toán. Hoặc chất lượng tài sản như các khoản vay của ngân hàng.

Trên đây là tất cả những kiến thức về 2 chỉ số thông dụng nhất trong phân tích định giá cổ phiếu P/E và P/B.

Mong rằng bạn sẽ hiểu rõ bản chất và cách sử dụng nó để có thể tìm ra cho mình được những cổ phiếu tốt đang bị định giá rẻ để gom mua đầu tư. Hay tránh xa những cổ phiếu đang bị định giá quá cao so với tiềm năng tăng trưởng của nó.

Chúc bạn đầu tư thành công!

Đọc thêm: Cách đầu tư cổ phiếu cho nhà đầu tư phòng thủ

ShareTweetPin0 Shares

Từ khóa » Có Nên Dùng Pb