Phải Làm Gì Trong Trường Hợp Không Thể áp Dụng Tương Tự Pháp Luật?
Có thể bạn quan tâm
Trong đời sống xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, việc phát sinh thêm nhiều quan hệ dân sự chưa có pháp luật điều chỉnh là điều không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, trong quá trình làm luật, các nhà làm luật không thể dự trù hay phán đoán được hết tất cả những trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong tương lai để kịp thời điều chỉnh hay ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc mới phát sinh. Do đó, để tránh trường hợp phải đưa ra lý do “chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp nên không thể giải quyết vụ việc”, các nhà làm luật đã đặt ra phương hướng giải quyết cho những trường hợp này đó là “áp dụng tương tự pháp luật”. Vậy áp dụng tương tự pháp luật được hiểu như thế nào? và phải làm gì trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật? Dưới đây là bài viết giải đáp cho vấn đề của Công ty Luật Quốc tế DSP, mời bạn đọc cùng tham khảo.
MỤC LỤC NỘI DUNG BÀI VIẾT:
- 1. Khái quát chung
- 1.1. Áp dụng tương tự pháp luật là gì?
- 1.2. Điều kiện áp dụng tương tự pháp luật
- 2. Phải làm gì trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật?
- 2.1. Trường hợp thứ nhất, nếu không thể áp dụng tương tự pháp luật thì sẽ áp dụng “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” để giải quyết quan hệ phát sinh
- 2.2. Trường hợp thứ hai, nếu không thể áp dụng tương tự pháp luật thì sẽ áp dụng “án lệ” để giải quyết quan hệ phát sinh đó
- 2.3. Trường hợp thứ ba, nếu không thể áp dụng tương tự pháp luật thì sẽ áp dụng “lẽ công bằng” để giải quyết quan hệ phát sinh.
- 3. Có được áp dụng tương tự pháp luật trong lĩnh vực hình sự?
- 4. Căn cứ pháp lý
1. Khái quát chung
1.1. Áp dụng tương tự pháp luật là gì?
Khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 về áp dụng tượng tự pháp luật có quy định:
“1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.”
Với quy định này, áp dụng tương tự pháp luật có thể được hiểu nôm na rằng:
Áp dụng tương tự pháp luật là áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự trong trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng.
Hay cũng có thể hiểu, Áp dụng tương tự pháp luật là dùng những quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đối với những quan hệ tương tự như quan hệ cần xử lí để điều chỉnh quan hệ cần xử lý đó, nhưng không có quy phạm trực tiếp điều chỉnh quan hệ đó.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định:
“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.”
Như vậy, có thể thấy, khi một quan hệ dân sự mới phát sinh nhưng lại không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh cho quan hệ đó, thì lúc này, chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật sẽ áp dụng tập quán hoặc áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết cho quan hệ đó chứ không được từ chối giải quyết vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
1.2. Điều kiện áp dụng tương tự pháp luật
Việc áp dụng quy định của pháp luật để điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự cần có các điều kiện sau đây:
– Một là, quan hệ phát sinh thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.
Nghĩa là ngoài các quan hệ dân sự đã có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp, thì các quan hệ phát sinh thêm mà chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp cũng phải thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự. Cụ thể, tại Điều 1 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về phạm vi điều chỉnh bao gồm: “Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).”
– Hai là, quan hệ phát sinh không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh.
Tức trong trường hợp này, khi chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật phải xác định được một cách chắc chắn rằng đối với quan hệ mới phát sinh này, trong hệ thống pháp luật không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh cho quan hệ đó.
– Ba là, không có tập quán tương thích với quan hệ đang cần xử lý này.
Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại có quy định về áp dụng tập quán như sau:
“1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
2. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.”
Như vậy, có thể hiểu rằng, khi quan hệ mới phát sinh mà không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh, các bên cũng không có thỏa thuận gì về vấn đề phát sinh này, nhưng lại tồn tại một tập quán điều chỉnh cho vấn đề này. Thì theo nguyên tắc, tập quán sẽ được áp dụng để giải quyết cho quan hệ phát sinh này với điều kiện tập quán đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Quy định này đặt ra cũng ngầm được xác định rằng trong trường hợp nếu đã tồn tại tập quán tương thích để giải quyết cho quan hệ mới phát sinh này thì việc áp dụng tập quán để giải quyết sẽ được ưu tiên áp dụng trước, trường hợp không tồn tại tập quán mới sử dụng đến phương pháp áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Chính vì vậy mới đặt ra điều kiện là để được áp dụng tương tự pháp luật thì phải không có tập quán giải quyết tương ứng tồn tại.
– Bốn là, các bên tham gia quan hệ không có sự thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng thỏa thuận này trái với quy định pháp luật liên quan đến quan hệ phát sinh đó.
Điều này được hiểu khi các bên tham gia một quan hệ dân sự, trong thỏa thuận trước đó của các bên, các bên không lường trước được những quan hệ mới sẽ phát sinh để mà từ đó thỏa thuận đưa ra phương hướng giải quyết riêng của các bên trước; hay sau khi quan hệ mới phát sinh, các bên không tiến hành thỏa thuận đưa ra phương hướng giải quyết riêng của các bên mà là hoàn toàn dựa vào quy định của pháp luật để giải quyết; hoặc cũng có trường hợp dù các bên đã có sự thỏa thuận nhưng thỏa thuận này lại trái với quy định của pháp luật. Thì lúc này, nếu quan hệ mới thỏa mãn các điều kiện còn lại để được áp dụng tương tự pháp luật, thì việc áp dụng tương tự pháp luật sẽ được áp dụng để giải quyết cho quan hệ này.
– Năm là, có quy phạm pháp luật khác điều chỉnh quan hệ tương tự với quan hệ cần điều chỉnh.
Ví dụ: Quan hệ A là quan hệ mới phát sinh và không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh. Quan hệ B là quan hệ tương tự với quan hệ A và có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh cho quan hệ B này. Như vậy lúc này sẽ thấy đang tồn tại một quy phạm pháp luật khác có thể dùng để điều chỉnh và giải quyết cho quan hệ A.
2. Phải làm gì trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật?
Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định như sau:
“2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.”
Căn cứ theo quy định này, trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì sẽ có ba cách giải quyết khác nhằm để giải quyết được quan hệ phát sinh như sau:
2.1. Trường hợp thứ nhất, nếu không thể áp dụng tương tự pháp luật thì sẽ áp dụng “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” để giải quyết quan hệ phát sinh
Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự bao gồm:
– Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
– Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
– Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
– Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Trên đây là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, khi quan hệ dân sự phát sinh nhưng lại không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh cũng như không thể áp dụng được pháp luật tương tự để giải quyết cho quan hệ phát sinh đó, thì lúc này, các chủ thể, những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng pháp luật sẽ dựa vào các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nêu trên để giải quyết cho quan hệ phát sinh.
2.2. Trường hợp thứ hai, nếu không thể áp dụng tương tự pháp luật thì sẽ áp dụng “án lệ” để giải quyết quan hệ phát sinh đó
Về khái niệm án lệ, theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP Về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ có định nghĩa về án lệ như sau:
“Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.”
Có thể thấy rằng, án lệ được xác định không phải là toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án mà chỉ là các nội dung chứa đựng lập luận để giải thích những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng hoặc là lý do để Tòa án đưa ra phán quyết.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ phán quyết có hiệu lực pháp luật nào của Tòa án cũng có thể trở thành án lệ. Để được xem là án lệ thì bản án, quyết định của Tòa án cần phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định như: mang tính thực tiễn cao; có khả năng khắc phục những lỗ hổng của pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời; thể hiện tính khách quan và công bằng.
Như vậy, khi không thể áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết cho những quan hệ phát sinh thì án lệ sẽ được xem như một nguồn lệ, một căn cứ đã có trước để mà các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng pháp luật dựa vào đó giải quyết cho quan hệ mới phát sinh này.
2.3. Trường hợp thứ ba, nếu không thể áp dụng tương tự pháp luật thì sẽ áp dụng “lẽ công bằng” để giải quyết quan hệ phát sinh.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, lẽ công bằng được định nghĩa như sau:
“Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.”
Tương tự như những trường hợp nêu trên, khi không thể áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết quan hệ mới phát sinh thì “lẽ công bằng” cũng được xem là một cách để giải quyết cho quan hệ mới phát sinh này. Cụ thể, khi xem xét, giải quyết cho quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự mà các bên trong quan hệ không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định hoặc có quy định nhưng quy định hiện có không thể điều chỉnh hết quan hệ đang được xem xét, giải quyết mà không có tập quán được áp dụng, không có quy định để áp dụng tương tự pháp luật và không có án lệ để áp dụng thì sẽ áp dụng lẽ công bằng để giải quyết.
Theo quy định hiện hành, thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng sẽ thuộc về Tòa án đang xét xử vụ án. Điều này nhằm để bảo đảm tính khách quan và công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
3. Có được áp dụng tương tự pháp luật trong lĩnh vực hình sự?
Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về Cơ sở của trách nhiệm hình sự có quy định như sau:
“1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì “áp dụng tương tự pháp luật” không được áp dụng trong lĩnh vực hình sự. Bởi lẽ, một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi Bộ luật Hình sự có quy định. Nếu không có quy phạm pháp luật hình sự điều chỉnh thì hành vi đó không được coi là tội phạm. Bởi trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý nặng nề và nghiêm khắc nhất của pháp luật. Do đó, nếu áp dụng tương tự pháp luật trong lĩnh vực hình sự thì sẽ dễ dẫn đến trường hợp “hình sự hoá”, tức có thể những hành vi đó chưa phải là tội phạm, nhưng nếu áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết thì sẽ trở thành tội phạm. Điều này sẽ dễ làm cho quyền công dân, quyền con người bị xâm phạm. Chính vì vậy, bạn đọc có thể thấy hầu hết các nước trên thế giới khi quy định tội phạm đều có tính luật định, nghĩa là chỉ khi pháp luật quy định thì hành vi đó mới được coi là tội phạm.
4. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
– Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 Về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Tóm lại, khi một quan hệ mới phát sinh thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự mà không có quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh thì vẫn sẽ còn có nhiều cách khác nhau để giải quyết cho quan hệ mới đó. Do vậy, tuỳ từng trường hợp, quan hệ mới phát sinh sẽ được giải quyết theo mỗi cách tương ứng nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Thông qua những phân tích trên đây của bài viết, bạn đọc sẽ có thể hiểu được áp dụng tương tự pháp luật là gì, điều kiện để được áp dụng tương tự pháp luật và phải làm thế nào khi không thể áp dụng tương tự pháp luật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, Quý khách vui lòng liên hệ Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:
Điện thoại: 0236 222 55 88
Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728
Email: info@dsplawfirm.vn
Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn
Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA
Rất mong được hợp tác cùng Quý Khách!
Từ khóa » Khi Nào Lẽ Công Bằng được áp Dụng
-
Áp Dụng Lẽ Công Bằng Trong Pháp Luật Tố Tụng Việt Nam Hiện Nay ...
-
Lẽ Công Bằng Là Gì? Điều Kiện áp Dụng Lẽ Công Bằng Và Các Yếu Tố ...
-
Áp Dụng Lẽ Công Bằng để Giải Quyết Tranh Chấp Dân Sự
-
Khi Nào được áp Dụng Lẽ Công Bằng Trong Xét Xử?
-
Lẽ Công Bằng Là Gì? Áp Dụng Lẽ Công Bằng để Giải Quyết Tranh Chấp ...
-
Tổng Hợp 04 Bản án Tòa án áp Dụng Lẽ Công Bằng để Giải Quyết
-
Áp Dụng Lẽ Công Bằng Trong Giải Quyết Tranh Chấp Dân Sự - Án Lệ
-
Một Số Vấn đề Về áp Dụng án Lệ, Tập Quán Và Lẽ Công Bằng ở Việt ...
-
Áp Dụng Chế định “Lẽ Công Bằng” Theo Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015
-
Tòa án Và Nguyên Tắc Xét Xử Theo Lẽ Công Bằng
-
Cơ Chế Nào để áp Dụng “lẽ Công Bằng”?
-
Xử án Bằng Lẽ Công Bằng - Liên đoàn Luật Sư Việt Nam
-
Án Lệ ở Việt Nam - Ánh Sáng Luật
-
TỔNG HỢP 20 BẢN ÁN ÁP DỤNG LẼ CÔNG BẰNG ĐỂ GIẢI QUYẾT ...