Pham Hanh Do - Dharma Site
Chinese | Vietnamese
KINH PHÁP BẢO ÐÀN
Lược Giảng
(Đại Lão Hòa Thượng thượng Tuyên hạ Hóa giảng thuật tại Vạn Phật Thánh Thành, California,Hoa Kỳ)
Phần Lược Tự
Phẩm Hành Do (phẩm 1)
Phẩm Bát Nhã (phẩm 2)
Phẩm Nghi Vấn (Phẩm 3)
Phẩm Ðịnh Huệ (Phẩm 4)
Phẩm Tọa Thiền (Phẩm 5)
Phẩm Sám Hối (Phẩm 6)
Phẩm Cơ Duyên (Phẩm 7)
Phẩm Ðốn Tiệm (Phẩm 8)
Phẩm Tuyên Chiếu (Phẩm 9)
Phẩm Phó Chúc (Phẩm 10)
Phẩm Hành Do Ðệ Nhất
Ðây là phẩm thứ nhất trong Kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục Tổ Ðại sư lược thuật thân thế của Ngài cho đại chúng nghe. "Hành" là chỉ cuộc đời sanh bình của Lục Tổ, "Do" là chỉ Ngài y cứ vào đâu để tu hành. "Hành Do" là chỉ nguồn gốc đắc đạo của Ngài bắt đầu từ đâu.
Lúc Ðại sư đến chùa Bảo Lâm tại Thiều Châu, có Thứ sử Vi Cừ cùng với các quan viên, chức sắc vào núi thỉnh Ngài vào thành, về giảng đường chùa Ðại Phạm, vì chúng khai duyên thuyết pháp. Ðại sư đăng tòa rồi, Vi Thứ sử cùng các quan viên, chức sắc có trên ba mươi người, Nho tông học sĩ hơn ba mươi người, cùng các vị Tăng, Ni, đạo, tục có trên một ngàn người, đồng thời làm lễ, xin nghe yếu lý về Phật pháp.
Giảng:
Mỗi bộ kinh đều cần phải đầy đủ sáu phần thành tựu: Tín thành tựu, Văn thành tựu, Thời thành tựu, Chủ thành tựu, Xứ thành tựu và Chúng thành tựu. Lúc chánh pháp khai diễn phải có đầy đủ sáu loại thành tựu này. Pháp hội nhứt định phải có chúng, Thứ Sử Thiều Châu Vi Cừ cùng các quan viên, Tăng Ni đồ chúng tức phù hợp điều kiện này. Núi Bảo Lâm là nơi thuyết pháp, vì thế đầy đủ Xứ thành tựu. Lục Tổ Ðại sư là vị Pháp sư, thâm ngộ hiểu rõ kinh nghĩa vì thế đầy đủ Chủ thành tựu. "Lúc," là Thời thành tựu. "Ðồng thời làm lễ," là Tín thành tựu. "Xin nghe yếu lý về Phật pháp," là Văn thành tựu.
Lúc đó, Vi Cừ cùng với quan thuộc của ông vào núi Bảo Lâm thỉnh mời Ðại sư vào thành hoằng dương Phật pháp.
Ðại sư bảo chúng rằng : "Chư Thiện tri thức! Bồ đề tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh. Chỉ dùng tâm ấy trực liễu thành Phật.
Chư Thiện tri thức! hãy lắng nghe hành do đắc pháp của Huệ Năng nầy."
Giảng:
Ðại sư nói với đại chúng:
Chư vị Thiện tri thức! Bồ đề tự tánh bổn lai thanh tịnh giác ngộ, vốn là bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Cần nên dùng cái chân tâm giản đơn thẳng thắn này mà thành Phật, không nên dùng tâm vọng tưởng.
Tiếp theo đó Ðại sư dùng tên của Ngài, tự xưng Huệ Năng mà nói:
Quý vị thính chúng! Nay tôi sẽ nói cho quý vị nghe quá trình Huệ Năng đắc được pháp như thế nào.
Nghiêm phụ của Huệ Năng vốn ở xứ Phạm Dương, làm quan bị giáng chức đày về Lãnh Nam làm dân ở tại Huyện Tân Châu. Thân nầy bất hạnh, cha lại mất sớm, còn một mẹ già cô độc, phải dời nhà qua quận Nam Hải. Nhà nghèo túng, cay đắng trăm bề, phải lên núi đốn củi gánh về chợ bán.
Giảng:
Cha của Huệ Năng, nguyên quán ở Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc, sau vì một sự việc, bị giáng chức và đày đến Lĩnh Nam, tỉnh Quảng Ðông. Vì cha đối với con cái giáo dục rất nghiêm, cho nên được tôn xưng là "nghiêm phụ," còn người mẹ thường thường dùng tình thương lo lắng cho con cái vì vậy tôn xưng "từ mẫu."
"Huệ" nghĩa là dùng Pháp huệ bố thí chúng sanh; "Năng" nghĩa là năng làm Phật sự. Lục Tổ họ Lư, cha của Lục Tổ bị giáng chức đến Lĩnh Nam đời Ðường là một vùng đất biên cương hoang vắng. Cha của Ngài vốn làm quan, vì phạm tội mà bị đày đến đất Lĩnh Nam. Cuộc sống của Huệ Năng rất bất hạnh, cha của Ngài đã qua đời lúc Ngài ba bốn tuổi, để lại đứa con thơ và người vợ góa. Vì thế vợ góa con côi đành phải dời nhà đến quận Nam Hải, nếm đủ mùi đời gian khổ đắng cay. Ðể sinh sống, Huệ Năng đành phải lên núi đốn củi gánh về chợ bán, với số tiền nho nhỏ kiếm được hằng ngày mua gạo nuôi Mẹ và nuôi sống chính bản thân mình.
Lúc ấy có một người khách mua củi, bảo Huệ Năng đem đến tiệm. Khách thâu củi, Huệ Năng nầy lãnh tiền rồi, bước ra ngoài cửa, thấy một người khách tụng kinh. Huệ Năng nầy nghe qua, tâm liền khai ngộ.
Giảng:
Vì nhà nghèo, Lục Tổ không được đi học, vì thế không biết chữ. Trung Hoa lúc đó muốn đi học phải nộp học phí. Tuy Ngài không biết chữ, nhưng thiên tánh thông minh đỉnh ngộ, vừa nghe kinh văn nói: Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm liền lập tức khai ngộ, và hiểu rõ những cảnh giới từ trước đến nay chưa từng hiểu rõ. Hiện nay rất nhiều người đã nghe câu: Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm này, nhưng có ai khai ngộ được không? Có người nói: "Ô! Tôi đã khai ngộ rồi!"
Tôi hỏi ông, ông khai cái ngộ gì? Cái ngộ gì chưa khai? Ông cần nên hỏi lại chính mình.
Mới hỏi khách tụng kinh gì?
Khách đáp: "Kinh Kim Cang."
Huệ Năng lại hỏi: "Ở đâu đến mà trì tụng kinh ấy?"
Khách rằng: "Tôi từ chùa Ðông Thiền, huyện Hoàng Mai, xứ Kỳ Châu lại đây. Chùa ấy do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Ðại sư chủ trì giáo hóa tại đó. Môn nhơn của Ngài có trên một ngàn người. Tôi đã đến chùa lễ bái nghe giảng và lãnh kinh ấy."
Giảng:
Ngũ Tổ trú tại Chùa Ðông Thiền, giáo hóa đồ chúng có hơn ngàn người. Lúc đó người Trung Hoa học Phật rất hưng thịnh, rất nhiệt tình, cho nên có trên ngàn người cùng sống tại một ngọn núi tu học Phật pháp.
Hiện nay (năm 1969) nước Mỹ làm gì có hơn ngàn người cùng sống chung tu học Phật pháp? Một quốc gia to lớn như thế lại không có, nhưng không biết chừng sau này sẽ có vạn người cùng nhau tu học Phật pháp, điều này cũng không chắc lắm. Như vậy cần phải xem đồ đệ của tôi, các vị dụng công như thế nào. Ða số người Mỹ rất thông minh, nhưng có một vài người thông minh quá độ, cho nên nói là "thông minh phản lại nên bị mê lầm." Mỗi ngày từ sớm đến tối chỉ biết uống thuốc mê huyễn (LSD), vì chỉ có nương vào thuốc men, họ mới có thể đạt đến một vài cảnh giới kỳ lạ nho nhỏ. Những người này nhiều lần thử dùng loại độc dược này, cho đến khi phát giác loại dược phẩm này không còn công hiệu. Họ bèn nghĩ rằng:
Tôi uống thuốc đã lâu, nhưng tôi vẫn chưa được khai ngộ.
Lúc họ hiểu rằng uống thuốc (LSD) là sai lầm, có lẽ họ sẽ quay đầu lại mà đi tìm chân lý. Cho nên nói: "Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn."
Nay tôi dạy quý vị Phật pháp, tương lai quý vị sẽ giảng pháp mà giáo hóa chúng sanh, vì thế không nên tùy tiện, cần phải nỗ lực tinh tấn tu học, không nên mê hoặc sai lầm, như vậy sẽ có rất nhiều người theo đó mà đến đây tu học. Quý vị hôm nay học Lục Tổ Ðàn Kinh, cần biết học ở đâu. Lúc có người hỏi quý vị:
Bạn học Phật pháp ở đâu vậy?
Quý vị có thể trả lời:
Chúng tôi học Phật pháp tại Phật Giáo Giảng Ðường của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới.
Ðiều này cũng giống như ý nghĩa của đoạn kinh trên.
"Ðại sư thường khuyên các vị tăng, người tục, nếu ai trì tụng Kinh Kim Cang thì liền thấy tánh, trực liễu thành Phật."
Huệ Năng nầy nghe nói rồi, lại bởi có nhơn duyên đời trước, nên được một người khách giúp Huệ Năng mười lượng bạc, bảo sung vào việc y thực của lão mẫu, và dạy qua huyện Hoàng Mai bái kiến Ngũ Tổ.
Giảng:
Quý vị cần phải biết rõ "Ðại sư" ở đây là chỉ Ngũ Tổ chứ không phải Lục Tổ. Lúc nghe nói có thánh địa mà hiện nay hơn ngàn người đang cùng nhau tu học Phật pháp, Ngài rất phấn khởi bèn hỏi người khách:
Tôi nay phải làm sao đây? Tôi rất muốn đi đến đó học pháp. Lúc tôi nghe ông tụng Kinh Kim Cang, tôi đã hiểu rõ nghĩa lý của Kinh nên muốn đi cầu pháp nhưng tôi còn mẹ già không người săn sóc, tôi làm sao giải quyết việc này đây?
Vì Bồ Tát không cầu danh lợi, vì thế Lục Tổ không nói đến vị Ðại Bồ Tát đến giúp Ngài lúc này. Kinh văn chỉ đơn giản nói: Vì nhân duyên kiếp trước, có một vị khách tặng Huệ Năng mười lượng bạc. Ðây thật là một sự cúng dường rất lớn, vì Ngài một ngày đốn củi đem đến chợ bán chỉ được vài đồng. Tức là dù cho Huệ Năng trong ngàn ngày bán củi dành dụm tiền bạc cũng không thể nhiều hơn số bạc mà người khách biếu cho.
Ngài bèn dùng số tiền này mua y phục và lương thực, thu xếp yên ổn nơi ăn chốn ở cho Mẹ của Ngài. Có lẽ người này nói với Ngài rằng:
Ông tuy nghèo nhưng muốn học Phật pháp. Nay tôi sẽ giúp ông.
Vị khách cho Ngài món tiền lớn như vậy để giúp cho Ngài có thể thuận lợi đi cầu pháp. Công đức của sự cúng dường này rất lớn, tương lai người này nhất định là một vị nhục thân Bồ tát. Nay ở đây có lẽ cũng có người làm như vậy.
Có người hỏi:
Tôi có làm những công đức gì không?
Nếu quý vị không nhớ thì cũng không sao, không cần phải vọng tưởng như vậy.
Vị khách khẩn khoản giục giã Ngài:
Ông có tín tâm lớn như vậy, vừa nghe kinh văn liền khai ngộ, hiểu rõ nghĩa lý. Vậy thì nhanh lên! Hãy lập tức đi đến Hoàng Mai bái kiến Ngũ Tổ, điều này chắc chắc đối với ông rất ích lợi. Lập tức lên đường, không nên chậm trễ!
Huệ Năng nầy lo cho lão mẫu xong rồi, liền từ giả ra đi, chẳng đầy ba mươi ngày, tới huyện Hoàng Mai, vào làm lễ Ngũ Tổ.
Tổ Sư hỏi: "Ngươi là người phương nào, muốn cầu việc chi?"
Huệ Năng nầy đáp: "Ðệ tử là dân huyện Tân Châu xứ Lãnh Nam, ở phương xa đến đây lạy Tổ Sư, chỉ cầu thành Phật, chớ chẳng cầu chi khác!"
Tổ Sư nói: "Ngươi là người xứ Lãnh Nam, lại là giống man di, thế nào thành Phật được!"
Huệ Năng nầy nói: "Con người tuy có phân Nam Bắc, nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc. Cái thân man di này cùng với Hòa Thượng tuy chẳng giống nhau, chớ cái tánh Phật nào có khác!"
Ngũ Tổ còn muốn nói chuyện nữa, nhưng thấy chúng môn đồ đứng vây hai bên tả hữu, nên bảo Huệ Năng theo chúng mà làm việc.
Huệ Năng nầy nói: "Kính bạch Hòa Thượng, tự tâm của đệ tử thường sanh trí huệ, chẳng lìa tự tánh, tức là phước điền, chẳng hay Hòa Thượng còn dạy làm công việc gì?"
Tổ Sư rằng: "Cái căn tánh của kẻ man di nầy thiệt lanh lợi. Ngươi chớ có nói nữa, hãy đi ra nhà sau."
Huệ Năng nầy ra đến nhà sau, có một người cư sĩ sai Huệ Năng nầy bửa củi giã gạo.
Trải qua tám tháng dư, một ngày kia, Tổ Sư xảy thấy Huệ Năng nầy, Ngài nói rằng: "Ta nghĩ chỗ tri kiến của ngươi dùng được, song sợ có kẻ ác hại ngươi, nên chẳng nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng?"
Huệ Năng nầy nói: "Ðệ tử cũng hiểu ý Tôn sư, nên chẳng dám lên nhà trên, để người khác không biết."
Giảng:
Huệ Năng lập tức trở về nhà, thu xếp yên ổn cuộc sống cho Mẹ xong, Ngài bèn từ giã Mẹ ra đi. Không hơn ba mươi ngày Ngài đã đến Chùa Ðông Thiền núi Song Phong. Trên đường đi, Ngài không khởi lên chút vọng tưởng nào, chỉ một đường thẳng tiến, vì thế không hay không biết đã đến Hoàng Mai, sau đó đến lễ bái Ngũ Tổ. Lúc đó, Lục Tổ Ðại sư mới hai mươi bốn tuổi.
Ngũ Tổ hỏi:
Ngươi từ đâu đến, đến đây để cầu việc gì?
Ðệ tử từ Tân Châu Lĩnh Nam đến đây, con không cầu gì hết, chỉ cầu làm Phật (Giác ngộ). Những chuyện khác đều không quan trọng.
Ngươi là người Lĩnh Nam, lại là người man di mọi rợ thì làm sao có thể làm Phật được?
"Cạt" là một loại thú nhỏ có mũi rất ngắn, gần giống như loại chó. "Lão" là người man di chưa khai hóa. Cạt lão là chỉ loại người không rõ đạo lý, chưa được khai hóa, là người thuộc về loài súc sanh.
Lục Tổ lập tức trả lời rằng:
Tuy có sai khác người Nam kẻ Bắc, nhưng Phật tánh thường trụ bất diệt, không có phân biệt Nam Bắc, tuy thân của cạt lão và thân của Hòa Thượng không giống nhau, nhưng Phật tánh đâu có gì sai khác!
Lúc đó, đồ chúng của Ngũ Tổ đang tụ tập bên cạnh vì thế Ngũ Tổ ngừng lại không nói nữa. Ngài chỉ vắn tắt nói với Huệ Năng rằng:
Tốt, ngươi đã đến đây rồi, thì mau mau theo đại chúng làm việc đi!
Huệ Năng bạch với Ngũ Tổ rằng:
Con tự tâm thường sanh trí huệ, trí huệ này từ tự tánh sanh ra, không rời tự tánh tức là phúc điền. Con không biết Hòa Thượng muốn con làm những công việc gì ?
(Phúc điền là chỉ các loại công đức gieo trồng vào thửa ruộng Phật Pháp Tăng Tam bảo. Lại nữa cà sa của Tăng sĩ, may kết thành từng miếng từng miếng, tượng trưng cho phúc điền. Nếu cung kính cúng dường Tam bảo, tức là nơi trồng gốc công đức, sau đó sẽ thành tựu mà kết thành quả phúc).
Ngũ Tổ nghe Huệ Năng nói như vậy, bèn nói:
Kẻ man di này căn tánh rất lanh lợi.
(Căn: là chỉ năng lực thính [nghe], tín, giải, thọ, trì Phật pháp của một người. Căn tánh chúng sanh có sự sai khác giữa Chân, Tục, và Trung).
Ngũ Tổ cảnh cáo Huệ Năng cần phải cẩn thận không nên nói nữa. Ngài nói:
Ngươi không nên nói nhiều, ra sau hậu viện làm công quả đi.
Ở hậu viện có một người hành nhân thường kêu bảo Huệ Năng làm việc này việc kia. Mỗi khi ở trong một hoàn cảnh mới, thường hay bị người khác ức hiếp. Vị đồ đệ này chưa xuất gia nên anh ta cũng không khách sáo gì mà sai bảo Huệ Năng:
Ông mỗi ngày phải đi chặt củi để có củi đun nước nấu cơm, đây là cái rìu, phải chặt những thứ củi khô đem về. Lại nữa, mỗi ngày ông cần phải giã gạo (thời đó giã gạo phải dùng chân đạp cối giã gạo).
Cứ như thế trải qua hơn tám tháng. Một ngày nọ Ngũ Tổ nhìn thấy Huệ Năng đang đạp lúa, bèn nói với Huệ Năng:
Ta nghĩ trí huệ và kiến giải của ngươi có chỗ dùng, nhưng lo có người ganh ghét mà khởi tâm hại ngươi, cho nên cố ý không nói chuyện nhiều với ngươi. Ngươi có hiểu nỗi khổ tâm của ta không?
Con hiểu, vì thế con không dám đi đến pháp đường thưa chuyện với Hòa Thượng, để tránh người khác chú ý đến hành vi của con cũng như sự quan tâm và lòng từ bi của Sư phụ đối với con.
Một ngày kia, Ngũ Tổ bảo các môn đồ tề tựu lại mà dạy rằng: "Ta nói cho chúng đệ tử rõ: Sự sống thác của người đời là việc lớn. Các ngươi trọn ngày chỉ cầu phước điền, chớ chẳng cầu ra khỏi biển khổ sống thác. Nếu tánh mình mê muội, thì phước nào cứu được!"
Giảng:
Một ngày nọ Ngũ Tổ Ðại sư họp tất cả đồ chúng lại và nói với họ rằng:
Việc trọng yếu nhất của người đời là sanh tử, bất luận các ông đã từng trải qua sự vinh hoa phú quý như thế nào đi nữa, cũng không tránh khỏi cái chết. Các ông cần phải biết sống như thế nào gọi là đáng sống và chết như thế nào gọi là đáng chết. Nếu không hiểu rõ sanh tử, thì cuộc đời này có thể nói là mê muội mà đến, mê muội mà đi. Các ông là những người tu hành, mỗi ngày chỉ biết cầu phước báo nhân thiên mà không biết tu trí huệ, không suy nghĩ biện pháp để thoát ly sanh tử, cứ mãi quay cuồng trong biển khổ sanh tử. Nếu bổn tánh của mình mê muội chỉ biết cầu phước báo, làm sao các ông có thể giải cứu vấn đề sanh tử của chính mình?
Có câu:
"Tu huệ không tu phước,
La Hán ôm bát không.
Tu phước không tu huệ,
Như voi đeo anh lạc."
Thân voi trang điểm đầy châu báu anh lạc cũng chính là mê muội tự tánh, tu phước thì không cứu được các ông vậy.
Các ngươi hãy lui về, mỗi người tự xét trí huệ của mình, lấy tánh Bát nhã của Bổn tâm mình mà làm một bài kệ, đem trình cho ta xem. Nếu hiểu rõ đại ý, ta sẽ truyền y pháp cho mà làm Tổ thứ sáu. Hãy đi cho mau, không được chậm trễ. Nếu để tâm suy lường độ lượng, ắt chẳng ích dụng. Phàm người thấy tánh, khi nghe pháp rồi thì phải thấy liền. Nếu được như thế, thì dầu khua đao giữa trận cũng đặng thấy tánh."
Giảng:
Các ông, mọi người tự quán sát trí huệ chân chánh của chính mình, cần phải từ bổn tâm của mình tìm cho được tánh Bát nhã, tức trí huệ chân chánh. Mỗi người hãy làm một bài kệ tụng đem lại cho ta xem (Kệ là tiếng Phạn -gatha), dịch là tụng, tụng gồm có bốn chữ bốn câu hoặc năm, sáu, bảy, tám chữ không nhất định). Nếu các ông hiểu rõ đại ý chân chánh của trí huệ, ta sẽ truyền y bát và truyền pháp cho làm Tổ Sư đời thứ sáu. Các ông cần phải nhanh chóng làm kệ đem lại đây cho ta xem, không được chậm trễ. Nếu dùng tâm suy lường phân biệt để làm kệ, thì không có ích dụng đâu, vì người nhìn thấy được Phật tánh đã minh tâm kiến tánh, nghe pháp liền lập tức hiểu rõ. Các ông nếu được như vậy mới có chỗ dụng, giống như hươi gươm giữa chốn ba quân, cũng có thể lập tức nhìn thấy tự tánh. Ðạo lý cũng giống như vậy.
Các môn đệ khi được lịnh rồi, đồng lui ra, lần lượt kêu nhau mà nói rằng: "Chúng ta chẳng nên lóng tâm nặn óc làm kệ để trình cho Hòa Thượng, vì có ích chi đâu! Thượng Tọa Thần Tú hiện làm thầy Giáo thọ, chắc người làm được. Chúng ta chẳng nên làm kệ mà uổng phí tâm lực."
Ðại chúng nghe nói yên lòng, đồng bảo từ đây sắp sau sẽ nương cậy Sư Thần Tú, cần gì phải làm kệ cho phiền phức.
Giảng:
Ðại chúng sau khi nghe Ngũ Tổ dặn dò dạy bảo, bèn trở về liêu phòng của mỗi người, rồi nói với nhau rằng:
Chúng ta không cần nặn đầu nặn óc suy nghĩ làm kệ, vì như vậy sẽ uổng công thôi.
Tôi tin rằng những người nói lời này là cùng phe với Thần Tú, hoặc có lẽ là đồ đệ, huynh đệ, hoặc là bà con với Thần Tú, chuẩn bị thỉnh Thần Tú làm Tổ thứ sáu sau này.
Lại nữa chúng ta không có học vấn bao nhiêu, dù làm kệ cũng không được chọn, Thượng Tọa Thần Tú chỉ thua kém Hòa Thượng phương trượng một chút, Ngài là Giáo thọ sư của chúng ta, giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta nghe, Ngài có học vấn rộng, đạo đức cao, nhất định sẽ được Tổ vị, chúng ta dù có hao tâm phí sức làm kệ thì bài kệ cũng không ra gì, chỉ là uổng phí tâm lực mà thôi.
Những người khác nghe được như thế đều buông bỏ ý niệm làm kệ. Nếu mọi người đều làm, sợ rằng có người sẽ giành được chức Tổ Sư của Thượng Tọa Thần Tú.
Ðại chúng nghe đồ chúng của Thần Tú nói như vậy, bèn bảo nhau rằng:
Chúng ta sau này nương tựa Ngài Thần Tú để có cơm ăn áo mặc chỗ ở, và nhờ Ngài chỉ dạy cho tu hành y chỉ nơi Ngài. Chúng ta cần gì phải làm kệ cho phiền phức?
Sư Thần Tú nghĩ thầm: "Các người ấy không trình kệ là vì nể ta là Giáo thọ, thầy của bọn chúng. Ta phải làm kệ đem trình cho Hòa Thượng. Nếu không trình thì Hòa Thượng đâu biết kiến giải của ta sâu cạn thế nào? Bổn ý ta trình kệ mà cầu pháp thì tốt, còn nhắm vào ngôi Tổ thì xấu, cũng giống như người phàm mong đoạt ngôi Thánh, có khác gì đâu! Bằng chẳng trình kệ rốt cuộc thì không đắc pháp. Thiệt rất khó, rất khó!"
Giảng:
Lúc đó, Thần Tú nghĩ thầm:
Mọi người sở dĩ không làm kệ, là vì ta là Giáo thọ của họ, đúng lý ra ta cần phải làm kệ, họ vì lịch sự mà nhường ta làm kệ trước!
Thần Tú cũng biết không có ai tranh giành ngôi vị Tổ Sư với mình, cho nên dù kệ hay hay dở cũng không ai tranh dành.
Ta cần phải làm một bài kệ dâng lên Hòa Thượng. Nếu ta không làm kệ, làm sao Hòa Thượng biết được kiến giải sâu hay cạn của ta đối với Phật pháp, làm sao biết được ta có trí huệ hay không? Nếu ta dụng ý trình kệ là vì cầu pháp nơi Ngũ Tổ thì đó là điều thiện. Nhưng nếu vì muốn làm vị Tổ Sư đời thứ sáu thì ý nghĩ này không đúng. Nếu vì muốn làm Tổ Sư mà làm kệ thì điều này giống như tâm lý của người phàm phu tục tử, muốn tranh đoạt thánh vị, có gì sai khác đâu? Nhưng nếu ta không làm kệ, thì làm sao đây? Ta cuối cùng sẽ không đắc được pháp, Ngũ Tổ cũng sẽ không truyền thọ cho ta, vì Ngài đã tuyên bố như vậy, nhất định phải trình kệ mới có thể đắc pháp. Ôi, việc này khó xử cho ta quá!
Nguyên trước liêu Ngũ Tổ có ba gian hành lang, Ngài tính mời quan Cung Phụng là Lư Trân vẽ các biến tướng trong Kinh Lăng Già (Lăng Già Kinh biến tướng) và họa đồ chỉ về sự kế truyền của năm vị Tổ Sư (Ngũ Tổ huyết mạch đồ) để truyền lại cho đời sau cúng dường.
Giảng:
Lúc đó mọi người đều không còn lòng tham, không còn muốn làm Tổ Sư nữa mà muốn nhường cho Thần Tú, nhưng Thần Tú lại không biết làm kệ như thế nào, cho nên Ngài nói: "Khó quá! Khó quá!"
Nơi tiền đường chỗ Ngũ Tổ ở, có ba gian hành lang, Ngũ Tổ vốn muốn mời quan Cung Phụng là Lư Trân lại vẽ biến tướng Kinh Lăng Già, và Huyết mạch đồ của năm vị Tổ Sư trên bức tường tại chỗ này. Ngũ Tổ muốn vẽ những bức tranh này để truyền lại cho người đời sau chiêm ngưỡng cúng dường.
Cung Phụng là một chức quan thời bấy giờ, bất luận người nào có bất cứ kỹ năng và sở trường gì, đều có thể vào hoàng cung làm việc. Tên của vị quan này là Lư Trân, là một vị trí thức. Ông ta biết vẽ tranh, và tranh của ông vẽ rất có nghệ thuật, cho nên ông ta đảm nhiệm chức quan Cung Phụng thời bấy giờ.
Chữ Lăng Già trong Kinh Lăng Già, là tên một ngọn núi ở xứ Tích Lan, nghĩa là bất khả vãng, không thể đi đến, vì thành này ở trên đỉnh núi Ma-La (Malaya) ở Nam Hải, người không có thần thông không thể đến chỗ này. Cho nên Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc thuyết pháp tại đây, đã dùng thần thông bay lên đỉnh núi, thuyết pháp cho những người có thần thông nghe. "Biến tướng" là những biến hóa thần diệu bất khả tư nghì. Ngũ Tổ huyết mạch đồ tức là Sơ Tổ Ðạt Ma đến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Ðại sư, nối tiếp không ngừng giống như một bức họa đồ máu huyết lưu thông trong thân người.
Sư Thần Tú làm kệ xong mấy lần muốn đem trình, nhưng mỗi khi đến trước Tổ liêu thì trong lòng hoảng hốt, mồ hôi ra ướt cả mình, nghĩ rằng không kệ được. Trước sau trải qua bốn ngày, mười ba phen mà trình kệ chẳng được.
Giảng:
Lúc đó học trò của Thần Tú đã không còn tham tâm làm Tổ, nhưng Thần Tú vẫn không bỏ tâm muốn làm Tổ được, lúc nào cũng muốn làm vị Tổ Sư đời thứ sáu. Thần Tú vốn nghĩ rằng muốn làm Tổ Sư là không đúng, nhưng lại không thể ngăn chặn ý nghĩ muốn làm Tổ Sư.
Kệ đã làm xong, nhiều lần muốn đem trình Hòa Thượng. Nhưng mỗi lần đi đến trước liêu của Ngũ Tổ thì trong lòng hoảng hốt, lo lắng dường như sắp phát điên, nghĩ bụng:
Ta phải làm sao bây giờ? Kệ ta làm có được không đây?
Vì thế tâm tư hoảng hốt, nhận thức không còn rõ ràng, dường như đúng dường như sai, lo lắng toàn thân xuất hạn mồ hôi, muốn trình mà lại không dám. Ðiều này giống như đánh một canh bạc, nếu thua thì không thể làm được Tổ Sư. Cứ như vậy mà đi tới đi lui trong suốt bốn ngày. Ðiều này rất là khổ tâm, vì thế làm Tổ Sư không phải là dễ dàng. Bốn ngày dài đăng đẳng, Thần Tú không có giờ phút ngủ nghỉ, suốt ngày đứng ngồi không yên, ngủ không được, ăn không ngon, chỉ vì lo lắng nghĩ đến việc làm sao có thể đủ điều kiện để thông qua cửa ải làm Tổ Sư này.
Thần Tú đến trước liêu thất Ngũ Tổ mười ba lần, nhưng vẫn không dám trình kệ. Không giống như bây giờ tôi cho quý vị làm bài thi, quý vị làm xong lập tức nộp bài, vì không có duyên cớ quá quan trọng như vậy. Nếu thi đậu mà có thể làm Tổ, tôi nghĩ tay quý vị cũng run rẩy viết không ra câu trả lời đâu.
Thần Tú mới suy nghĩ chi bằng biên bài kệ lên vách hành lang, nếu thình lình Hòa Thượng xem thấy mà khen hay, thì ta ra lạy Ngài nói rằng bài kệ ấy là Thần Tú làm. Bằng Ngài nói bài kệ không dùng được thì thật uổng công ta ở núi mấy năm, thọ sự lễ bái của người, vậy còn tu đạo làm gì nữa?
Ðêm ấy đến canh ba, Thần Tú chẳng cho ai biết, tự mình cầm đèn, viết bài kệ lên vách hành lang phía nam, bày rõ chỗ thấy của tâm mình.
Giảng:
Bấy giờ Ðại sư Thần Tú đã bình tĩnh trở lại, Ngài nghĩ thầm: "Không nên nôn nóng, cần phải có chút định lực. Chi bằng ta viết kệ lên bức tường ở hành lang, để cho Ngũ Tổ tự đến xem. Nếu Ngài khen bài kệ hay, thì ta sẽ bước ra đảnh lễ Hòa Thượng, nói bài kệ này do chính mình làm. Nếu như Ngũ Tổ phê bình nói bài kệ làm không hay, không dùng được, thì uổng công ta ở trong núi bao nhiêu năm, thọ người cung kính lễ bái. Vậy ta thật không có một chút đạo hạnh nào!"
Vào lúc canh ba, tức khoảng mười hai giờ đêm, Thần Tú tay cầm ngọn đèn sáp nhỏ, vì nếu đèn sáng quá người khác sẽ nhìn thấy, lén đi đến hành lang phía nam viết bài kệ của mình lên vách tường, viết ra đạo lý mà tâm Ngài sở đắc.
Kệ viết:
Thân thị Bồ đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.
Kệ rằng:
Thân ấy cây Bồ đề,
Tâm như tấm gương sáng..
Luôn luôn cần phủi sạch,
Chớ để vướng bụi trần.
Thần Tú chép bài kệ rồi, bèn trở về phòng, chẳng có ai hay biết. Thần Tú lại nghĩ: "Nếu ngày mai Ngũ Tổ thấy bài kệ mà vui mừng, tức là ta có duyên với pháp. Bằng Ngài nói không dùng được, ấy bởi tâm ta mê muội, nghiệp chướng kiếp trước còn nặng, nên chẳng kịp thời đắc pháp. Ôi! Thánh ý thật khó dò!"
Ở trong phòng, Thần Tú cứ lo nghĩ mãi, suốt đến canh năm ngồi nằm chẳng yên.
Giảng:
Thần Tú chép xong bài kệ liền lập tức nhanh chóng trở về phòng mình, không để cho ai hay biết. Thần Tú lại nghĩ thầm:
Ngày mai Ngũ Tổ nhìn thấy bài kệ, nếu Ngài hoan hỷ tức là cho thấy ta có nhân duyên với diệu pháp tâm ấn của Phật, như vậy có mạng làm Tổ Sư. Nếu Ngũ Tổ nói bài kệ không hay thế là ta chưa có khai ngộ, nghiệp chướng đời trước quá nặng nề, khiến ta không thể đắc được diệu pháp tâm ấn tâm. Ôi! cảnh giới của Ngũ Tổ thật là bất khả tư nghì, không thể đo lường được ý tứ và dụng tâm của Ngài a!
Vì không chắc chắn nên Thần Tú vẫn còn lo âu hồi hôïp, trong liêu phòng của mình, ngồi cũng không yên, đứng cũng không an lạc, như thế mà chịu đựng cho đến trời sáng.
Ngũ Tổ đã biết trước Thần Tú chưa vào được cửa, chẳng thấy được tự tánh.
Trời sáng, Ngũ Tổ vời Lư Cung Phụng đến, bảo vẽ cảnh biến tướng và cái họa đồ nói trên nơi vách hành lang phía nam. Bổng thấy bài kệ ấy, Ngài bảo rằng: "Này quan Cung Phụng, thôi chẳng cần vẽ. Thiệt nhọc công ông ở phương xa đến đây. Kinh có nói rằng: Phàm vật có hình tướng đều là giả dối. Vậy hãy để bài kệ ấy cho người trì tụng. Cứ y theo bài kệ ấy mà tu hành, thì khỏi đọa vào đường ác. Y theo bài kệ ấy mà tu hành, thì có ích lợi lớn."
Ngũ Tổ dạy các môn đồ thắp hương lễ kính, bảo tất cả hãy tụng bài kệ ấy thì đặng thấy tánh. Các môn đồ tụng kệ đều khen: "Hay thay!"
Giảng:
Ngũ Tổ Ðại sư sớm biết Thần Tú chưa khai ngộ, chưa có chân chánh liễu ngộ tự tánh.
Lúc trời sáng, Ngũ Tổ mời quan Cung Phụng họ Lư đến hành lang phía nam để vẽ biến tướng của Kinh Lăng Già và Ngũ Tổ huyết mạch đồ, thình lình thấy bài kệ trên tường, Ngũ Tổ bèn nói với Cung Phụng rằng:
Ông không cần phải vẽ nữa, lưu bài kệ này tại đây là một điều rất hay không thể nghĩ bàn, làm phiền ông từ xa đến mà không vẽ được. Kinh Kim Cang nói: "Phàm nhất thiết hữu hình hữu tướng, điều là hư vọng không chân thực. Nay lưu bài kệ này lại, cho mọi người tụng trì. Nếu người đời có thể y theo bài kệ này mà tu hành, thì có thể khỏi đọa ba đường ác đạo, y theo đạo lý của bài kệ này mà tu hành thì có thể được lợi ích lớn."
Ngài bèn dạy tất cả môn hạ đệ tử dâng hương và tụng niệm bài kệ này. Ngài nói với đồ chúng rằng:
Các ông có thể nương theo bài kệ này mà tu hành, thì có thể kiến tánh.
Ðại chúng y theo lời dạy bảo của Ngũ Tổ cung kính trì tụng. Mọi người đều đồng thanh tán thán rằng:
Hay thay! Hay thay!
Ðến canh ba, Ngũ Tổ kêu Thần Tú vào trong thất, hỏi rằng: "Bài kệ ấy phải ngươi làm chăng?"
Thần Tú nói: "Thật là con làm, nhưng kẻ đệ tử chẳng dám vọng cầu Tổ vị, chỉ mong Hòa Thượng từ bi xem coi đệ tử có chút trí huệ nào chăng?"
Ngũ Tổ nói: "Ngươi làm bài kệ ấy, tỏ ra chưa thấy Bổn tánh. Ngươi mới tới thềm cửa, chưa được vào trong nhà. Cứ như chỗ thấy hiểu ấy mà tìm Vô Thượng Bồ Ðề, thì rốt cuộc không thể đạt được. Vô Thượng Bồ Ðề là hễ vừa nghe, liền biết Bổn tâm và thấy Bổn tánh của mình, biết rằng Bổn tánh chẳng sanh chẳng diệt. Nhận ra Bổn tâm rồi, thì luôn luôn niệm niệm, tự thấy rằng vạn pháp đều viên dung, không ngưng trệ. Một pháp, mà hiểu thấu chơn tướng, thì tất cả các pháp cũng đều hiểu thấu chơn tướng. Muôn cảnh đều phát sinh từ cảnh giới "như như bất động", nên thấy muôn cảnh tự nó đều như như. Tâm mình, cũng vậy, như như bất động. Tâm như như đó mới là chơn thật. Thấy như thế, mới là tự tánh Vô Thượng Bồ Ðề vậy.
Giảng:
Thần Tú canh ba viết bài kệ tụng, Ngũ Tổ cũng canh ba kêu Thần Tú vào liêu phòng hỏi:
Bài kệ có phải của ông làm không?
Thần Tú cung kính trả lời:
Bạch Hòa Thượng, thực chính do con làm, con không dám vọng tưởng tham cầu ngôi vị Lục Tổ, kính mong Hòa Thượng từ bi, xem con có chút ít trí huệ nào chăng?
Ngũ Tổ nói với Thần Tú rằng:
Bài kệ ông làm vẫn chưa thấy được Chân như bản tánh, ông vẫn còn là một người đứng ngoài cửa! Kiến giải của ông muốn tu hành để đạt được Vô thượng Bồ đề là chuyện khó thành.
Cái gọi là Vô thượng Bồ đề, nghĩa là ngay lời nói cần phải nhận cho được bản tâm của chính mình, phải minh tâm kiến tánh. Cần phải biết tự tánh bất sanh bất diệt, trong bất cứ lúc nào muôn pháp đều là viên dung vô ngại, không có một chỗ nào trì trệ. Nếu một thứ đã chân thì mọi thứ đều chân, muôn cảnh đều đạt đến cảnh giới như như bất động. Tâm như như bất động đó mới là chân thực. Nếu ông có được chỗ kiến giải như thế, mới là bổn tánh Vô thượng Bồ đề vậy.
Ngươi hãy lui ra, suy nghĩ một hai ngày, rồi làm bài kệ khác đem lại cho ta xem. Nếu bài kệ của ngươi vào đặng cửa, ta sẽ truyền y pháp cho."
Thần Tú đảnh lễ lui ra. Trải qua mấy ngày, Thần Tú làm kệ chẳng xong thì trong lòng hoảng hốt, thần ý bồi hồi dường như trong mộng, đi đứng nằm ngồi chẳng yên vui.
Giảng:
Ngũ Tổ Ðại sư khai thị cho Thần Tú rõ Bồ đề tự tánh, không thể dùng tâm phan duyên, tâm vọng tưởng mà cầu được. Vì thế Ngài nói với Thần Tú rằng:
Ông suy nghĩ thêm một hai ngày, rồi làm một bài kệ khác đem lại đây cho ta xem. Kệ của ông làm, nếu minh tâm kiến tánh, đạt được bổn thể, khai ngộ kiến tánh, vào trong cửa Phật pháp chứ không phải ở bên ngoài, ta sẽ đem y bát truyền trao cho ông.
Thần Tú đảnh lễ Ngũ Tổ và lui ra. Trải qua rất nhiều ngày, mà vẫn không làm được kệ khác, trong lúc này trong lòng lo lắng hoảng hốt, tâm thần không an như sống trong mộng, đi đứng nằm ngồi đều không yên ổn.
Quý vị xem, lòng ham muốn làm Tổ Sư của Thần Tú rất lớn, lần thứ nhứt thi không đậu, mà bản thân lại không thể làm lại bài kệ khác, thật là thất vọng tràn trề.
Cách hai ngày có một đồng tử đi ngang qua phòng giã gạo, xướng đọc bài kệ ấy. Huệ Năng nầy nghe qua, biết bài kệ ấy chưa thấy Bổn tánh. Tuy ta chưa được Ngũ Tổ chỉ dạy, chớ đã sớm biết đại ý, mới hỏi đồng tử rằng: "Tụng bài kệ gì vậy?"
Ðồng tử đáp: "Người man di nầy không hay biết chi hết. Ðại sư nói sự sống thác của người thế gian là việc lớn. Vì muốn truyền y bát, nên Ngài dạy các môn đồ, mỗi người làm một bài kệ đem trình cho Ngài xem. Nếu ai hiểu đại ý, Ngài sẽ truyền y bát cho, đặng làm Tổ thứ sáu. Thượng Tọa Thần Tú có biên một bài kệ Vô Tướng ở vách hành lang phía nam. Ðại sư dạy mỗi người đều phải tụng. Nếu y theo kệ ấy mà tu hành, thì khỏi đọa vào đường ác. Y theo bài kệ ấy mà tu hành, thì có ích lợi lớn."
Giảng:
Qua vài ngày sau, có một đồng tử đi qua chỗ giã gạo của Huệ Năng, vừa đi vừa tụng:
Thân thị Bồ đề thọ, tâm như minh cảnh đài, thời thời cần phất thức, vật sử nhạ trần ai.
Chú đồng tử này tại sao lại đọc tụng bài kệ đó? Vì chú muốn chứng ngộ, không đọa lạc vào ba đường ác đạo, lại muốn kiến tánh.
Huệ Năng vừa nghe bài kệ, liền biết bài kệ này chưa có nhìn thấy bổn tánh của chính mình. Tuy chưa được ai chỉ dạy, nhưng Ngài đã sớm hiểu rõ đại ý. Vì thế Ngài bèn hỏi chú đồng tử rằng:
Kệ mà chú niệm là kệ gì vậy?
Ðồng tử đáp:
Cái ông man di này, ông không biết Ngũ Tổ Ðại sư đã từng dạy rằng sanh tử là việc lớn trong đời. Vì Ngũ Tổ muốn truyền y bát của Ngài cho đệ tử, cho nên bảo tất cả chúng đệ tử làm kệ đưa cho Ngài xem. Nếu bài kệ nào đạt được ý khai ngộ, đạt được ý chỉ minh tâm kiến tánh, Ngài sẽ truyền trao y bát cho người này làm Tổ Sư đời thứ sáu. Nay Giáo thọ sư Thần Tú viết một bài kệ Vô Tướng trên bức tường hành lang phía nam, Ngũ Tổ Ðại sư dạy mọi người đều phải đọc tụng. Ông là thứ man di không có thiện căn, việc đó xảy ra lâu rồi mà đến nay ông vẫn không biết hay sao? Ông thiệt là vô dụng, chỉ biết làm những công việc nặng nề như giã gạo mà thôi. Cơ hội tốt như vậy, không nên bỏ qua, nay để tôi dạy cho ông, khiến ông cũng được khai ngộ kiến tánh, y theo đây tu hành, đời sau sẽ không còn khổ như vậy, cũng không cần phải làm công việc giã gạo nữa. Nếu tụng bài kệ này, đời sau sẽ không làm trâu làm ngựa, đọa lạc vào trong súc sanh ngạ quỷ địa ngục. Thấp nhất cũng có thể làm người giàu sang phú quý, sẽ được lợi ích lớn.
Tâm của đồng tử này cũng tốt quá đi chứ!
Huệ Năng nầy nói: "Tôi cũng muốn tụng bài kệ ấy, để kết nhơn duyên về đời sau. Nầy thượng nhơn, tôi ở đây giã gạo đã trên tám tháng, mà chưa từng ra trước Tổ đường, mong thượng nhơn dẫn tôi đến trước bài kệ đặng lễ bái."
Ðồng tử dẫn ta đến trước bài kệ đặng lễ bái. Ta nói: "Huệ Năng không biết chữ, xin thượng nhơn đọc giùm." Khi ấy có quan Biệt Giá ở Giang Châu, họ Trương tên Nhật Dụng, cất tiếng đọc lớn.
Huệ Năng nầy nghe rồi, bèn nói: "Tôi cũng có một bài kệ, mong ơn quan Biệt Giá chép giùm."
Biệt Giá nói: "Ngươi cũng biết làm kệ nữa sao? Việc này thật hiếm có!"
Giảng:
Ðồng tử nói:
Ông chú ý nghe đây, tôi sẽ dạy cho ông "Thân thị Bồ đề thọ" nhớ chưa? "Tâm như minh cảnh đài," ghi nhớ vào lòng không được quên đó. "Thời thời cần phất thức, vật sử nhạ trần ai," cần phải ghi nhớ rõ ràng mới có cảm ứng đó nha!
Lục Tổ Ðại sư nghe đồng tử tử tế với mình như vậy bèn nói:
Thượng nhân! (Thượng nhân là một cách xưng hô, người xuất gia xưng gọi sư phụ là Thượng nhân, ý nói sư phụ là bậc trên) Tôi ở đây giã gạo đã hơn tám tháng, chưa từng đến hành lang ở phía trước, thỉnh Thượng nhân dẫn tôi đến trước bài kệ để khấu đầu đảnh lễ được không?
Ðồng tử nghĩ thầm: "Ta cũng nên hành một chút Bồ tát đạo mà giúp kẻ man di này," bèn dẫn Lục Tổ đến chỗ lễ bái:
Ðảnh lễ đi! Lễ càng nhiều càng tốt, đập đầu xuống đất đảnh lễ càng có nhiều công đức.
Ðồng tử một mặt thì thiệt tình, mặt khác thì cũng có chút giỡn cợt.
Huệ Năng nói:
Thiệt là khổ cho Huệ Năng tôi! Tôi thiệt là đồ vô dụng, một chữ cũng không biết, kính mong thượng nhân đọc cho tôi nghe với.
Lúc đó có một vị cư sĩ làm Biệt Giá ở Giang Châu, tên Trương Nhựt Dụng, bèn lớn tiếng đọc bài kệ.
Huệ Năng nghe xong liền nói:
Tôi cũng có một bài kệ, xin Biệt Giá giúp tôi viết lên tường.
Ông Biệt Giá mở tròn đôi mắt, với một chút khinh thị nhìn Huệ Năng, bèn nói:
Ông một chữ cũng không biết làm sao có thể làm kệ? Việc này quá hy hữu!
Huệ Năng nầy ngó quan Biệt Giá mà nói: "Muốn học đạo Vô Thượng Bồ Ðề, thì chẳng nên khinh dễ hàng sơ học. Có kẻ dưới thấp mà thường phát sanh trí huệ rất cao, có người trên cao mà thường thường chôn lấp ý trí của mình. Nếu khinh khi người, ắt có tội vô lượng vô biên."
Biệt Giá nói: "Ngươi hãy ngâm kệ đi, ta chép giùm cho. Nếu ngươi đắc pháp, thì phải độ ta trước. Chớ quên!"
Huệ Năng nầy ngâm kệ rằng:
Bồ đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào vướng trần ai?
Bài kệ ấy chép rồi, cả thảy đồ chúng đều kinh hãi, không ai mà chẳng xuýt xoa. Mọi người kêu nhau mà nói: "Lạ thay! Chẳng đặng xét người bằng diện mạo. Tại sao bấy lâu chúng ta có thể sai khiến vị Bồ Tát xác phàm ấy!"
Giảng:
Lục Tổ vốn không muốn mở lời, nhưng nếu không nói thì không có ai giúp cả, vì thế Ngài nói:
Ông muốn học đạo Vô thượng Bồ đề, thì không nên khinh thường người mới học Phật pháp. Thường thường người ngu si nhất lại có trí huệ vượt bực.
Cho nên nói: "đại trí nhược ngu" người có đại trí huệ giống như người ngu dốt, hỏi cái gì cũng đều không biết, giống như tôi hỏi đồ đệ của tôi, họ đều trả lời không biết, đây là học tập tinh thần đại trí nhược ngu. Lúc trước khi họ mới đến đều nói: "Tôi biết hết mọi chuyện." Có lần tôi gặp một người cũng nói như vậy, tôi hỏi: "Ông làm sao mà có thể biết hết mọi việc? Nay tôi hỏi ông: Ông mỗi lần ăn cơm, ăn bao nhiêu hạt gạo? Ông có biết không?" Người đó nói: "Tôi chưa có đếm qua." Tôi nói: "Chưa đếm tức là không biết vậy."
Huệ Năng tiếp tục nói:
Những người ở dưới làm những việc khổ nhọc, cũng có trí huệ giống như những người có địa vị cao quý. Ngược lại người có địa vị cao quý, có lúc cũng bị mai một trí huệ. Thế nào gọi là trí huệ bị mai một? Tức là bị dục vọng làm cho mê mờ tâm trí. Nếu ông khinh người, thì sẽ tạo cho mình vô lượng vô biên tội lỗi, ông hiểu không?
Ðược rồi, được rồi! Ông nói rất đúng. Ông đọc bài kệ của ông đi, tôi sẽ giúp ông viết, không nên nói dài dòng nữa. Nhưng tôi nói trước với ông, khi ông đắc được pháp, cần phải độ tôi trước, vì tôi giúp ông viết kệ, nếu không có tôi giúp ông thì không có ai biết bài kệ của ông đâu. Ðừng quên lời của tôi nhé!
Bài kệ của Huệ Năng là:
Bồ đề bổn vô thọ: Bồ đề là giác đạo, làm sao mà có cây được? Nếu có cây thì Bồ đề biến thành đồ vật, mà có chỗ chấp trước. Bồ đề bổn lai vốn không có thứ gì. Quý vị nói, quý vị đã giác ngộ, vậy giác ngộ có hình dáng gì? Là màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng? Quý vị thử nói ra cái hình dáng của nó xem, khi nó là vô hình vô tướng?
Minh cảnh diệc phi đài: Quý vị nói tâm như tấm gương sáng, kỳ thực không có cái gương nào hết, nếu có gương thì có chỗ chấp trước, đã gọi là Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm thì làm sao mà có gương được?
Bổn lai vô nhứt vật: Bổn lai vốn không có bất cứ vật gì, cũng không có một hình dáng nào, cũng không có một kiểu vẽ nào, hoặc một hình tướng nào.
Hà xứ nhạ trần ai: Cái gì cũng không có, bụi bặm (trần ai) từ đâu sanh ra? Nguồn gốc chính là vô sở truï.
Bài kệ này chủ yếu phát xuất từ "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm," nếu không có chấp trước, cũng chính là ý Phật nói: "Nhứt thiết chúng sanh, đều có Như Lai trí huệ đức tướng, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc." Ở đây dạy người không nên chấp trước. Quý vị chấp trước nó làm cái gì? Quý vị chấp trước nó, tương lai có phải là sống hoài không chết không? Ðến lúc chết, quý vị có thể chấp trước vào một cái gì không?
Bài kệ chép xong, tất cả mọi Tăng sĩ, cư sĩ trong Chùa đều kinh ngạc, không ai mà không khen ngợi. Mọi người bảo nhau rằng: "Kỳ lạ thay! Ông ta mà cũng biết làm kệ, thật là không thể xem tướng mạo bên ngoài để đánh giá, mà khinh thường ông ta là người mọi rợ. Ông ta đến đây chưa bao lâu, nên chẳng thể phủ nhận ông ta chính là một vị nhục thân Bồ Tát?"
Có lẽ lúc đó có La Hán bên cạnh, cố ý nói với mọi người, nhắc nhở mọi người nhìn cho rõ vị nhục thân Bồ Tát, đó là một lý do. Lý do khác là có người đem việc này để châm biếm chế giễu, vì cũng không biết kệ của Ngài làm có đúng hay không.
Lúc mọi người xôn xao như thế, Ngũ Tổ Ðại sư từ liêu phòng bước ra, hỏi:
Các ông làm gì mà ồn ào quá vậy?
Chúng trả lời:
Bạch Hòa Thượng, kẻ mọi rợ giã gạo mà cũng biết làm kệ nữa!
Ngũ Tổ thấy chúng nhơn kinh ngạc và lấy làm lạ, e có kẻ muốn ám hại, Ngài mới lấy giày xóa hết bài kệ mà nói rằng: "Cũng chưa thấy tánh." Ðồ chúng đều cho là phải.
Giảng:
Ngũ Tổ thấy đại chúng kinh ngạc, sợ rằng có người ám sát Huệ Năng. Do câu nói này, chúng ta có thể biết tình hình tranh giành thế lực thời đó ghê gớm như vậy. Ðồ đảng của Thần Tú đã nắm hết các thế lực, nếu không phải như vậy thì Ngũ Tổ làm sao sợ có người muốn sát hại Huệ Năng?
Ngũ Tổ bèn lấy gót giày chùi bài kệ và nói:
Ðây cũng chưa kiến tánh, nghĩa lý của bài kệ không đúng.
Quý vị nghe đến đây, có người nghĩ rằng: "Ngũ Tổ mà cũng vọng ngữ? Bài kệ đầu tiên Ngài nói với mọi người tụng bài kệ này sẽ không đọa vào ba đường ác đạo, có thể đạt được lợi ích lớn, có thể kiến tánh, nhưng thật ra tụng bài kệ này cũng không có lợi ích lớn, cũng không thể không đọa lạc tam đồ. Sau khi Ngũ Tổ nói như vậy, Thần Tú đứng ra thừa nhận đây là bài kệ do mình làm. Nay bài kệ của Huệ Năng làm là bài kệ kiến tánh, nhưng ngược lại Ngũ Tổ lại nói với mọi người chưa có kiến tánh. Ðây không phải là vọng ngữ hay sao?"
Thật ra đây gọi là pháp phương tiện, là quyền pháp, không phải là nói vọng ngữ. Vì Ngài muốn bảo hộ Huệ Năng, khiến cho Phật pháp lưu truyền và bảo tồn lâu dài, không muốn có người làm hại Lục Tổ, cho nên nói pháp phương tiện như vậy.
Ðại chúng nghe Ngũ Tổ nói chưa kiến tánh, liền tin tưởng không còn nghi ngờ, vì mọi người cũng không biết bài kệ nào mới đúng. Bài kệ kia nói Bồ đề hữu thọ. Bài kệ này nói Bồ đề vô thọ. Bài kệ kia nói Minh cảnh thị đài. Bài kệ này nói Minh cảnh phi đài. Thật là không nhất trí, không có ai hiểu rõ vấn đề này được. Chính vì chưa có ai khai ngộ, cho nên đối với bài kệ khai ngộ không thể nhận thức được. Giống như trình luận án Tiến sĩ, cần phải có người có học vị Tiến sĩ mới có thể thẩm tra, xét duyệt, người chỉ có học vị Thạc sĩ thì không thể nhận thức được. Khai ngộ và chưa khai ngộ cũng giống như vậy.
Ngày kế Ngũ Tổ lén đến phòng giã gạo, thấy Huệ Năng nầy mang đá nơi lưng mà giã gạo. Ngài nói rằng: "Người cầu đạo, vì pháp quên mình, phải như thế sao!"
Giảng:
Hôm sau, Ngũ Tổ nhân lúc mọi người không để ý, lén đến phòng giã gạo, nhìn thấy Huệ Năng lưng đeo hòn đá, nặng nhọc giã gạo, bèn nói với Huệ Năng rằng:
Người cầu đạo, vì pháp mà không tiếc thân mạng đến thế ư!
Lục Tổ vì pháp, lưng đeo hòn đá nặng giã gạo cho mọi người dùng. Ðây gọi là hành Bồ Tát đạo, đây cũng là vì người quên mình. Huệ Năng không nghĩ rằng: "Tại sao ta phải giã gạo cho người khác ăn? Tại sao họ không làm, từ sáng tới tối ngoài việc ngủ nghỉ chỉ biết ngồi thiền, ta ở đây giã gạo rất khổ cực, thôi không thèm làm nữa." Ngược lại, Huệ Năng nghĩ rằng: "Họ có công việc gì, để tôi làm cho." Giống như một vị đồ đệ của tôi bận đến nỗi không có thời giờ ăn cơm, tôi rất hoan hỷ đồ đệ đó, nhưng không phải ai cũng làm như vậy.
Cần phải vì pháp quên mình, không sợ gian khổ Lục Tổ Ðại sư không biết bao nhiêu ngày người ta không gọi Ngài ăn cơm mà Ngài cũng không để ý việc này, vì thế sức khỏe càng ngày càng yếu. Lưng cột một hòn đá nặng, khiến cho thân thể nặng một chút để có thể dùng chân giã gạo mà không cần dùng nhiều sức lực. Tại sao Ngài phải dùng hòn đá để giúp mình giã gạo? Có lẽ do vì đã nhiều ngày không ăn cơm, cho nên sức lực không đủ. Tôi đoán như vậy, quý vị không nên chấp trước nói rằng nhất định phải như thế này, hoặc nhất định như thế kia. Ðiều hay nhất là không chấp trước vào một vấn đề gì cả.
Ngũ Tổ mới hỏi: "Gạo trắng chưa?"
Huệ Năng nầy đáp: "Gạo trắng đã lâu, chỉ còn thiếu sàng."
Giảng:
Ðoạn này là một đoạn rất trọng yếu trong Kinh Pháp Bảo Ðàn. Ngũ Tổ hỏi Huệ Năng rằng: "Gạo đã chín chưa?" ý nói ông giã gạo đã trắng chưa? Một hàm ý khác nữa là công phu của ông đã thành tựu chưa? Ông dụng công đã đạt chưa? Tại sao Ngũ Tổ lại hỏi "gạo?" Vì gạo là từng hạt tròn tròn, giống như tự tánh ngọc Ma-ni. Ý Ngũ Tổ hỏi: Tự tánh đã tròn đầy chưa? Bổn tâm của mình đã sáng suốt chưa? Tự thân mình đã viên mãn chưa?
Lại nữa, gạo lấy nước nấu thành cơm mới gọi là chín, ý nói ông đã tu hành thành công chưa? Ông ở đây giã gạo tu thiền, công phu thiền định như thế nào? Ở đây có rất nhiều ý nghĩa. Lục Tổ Ðại sư hiểu rõ tâm ý của Ngũ Tổ vì người đã từng trải thì hiểu rõ lời của người đã trải qua.
Lục Tổ Ðại sư nói:
Công phu của con thành tựu đã lâu rồi, chỉ còn thiếu sàng (kiến hoặc và tư hoặc chưa trừ).
Tổ lấy gậy gõ cối ba lần, rồi bỏ đi.
Huệ Năng nầy hiểu ý Tổ Sư, đến canh ba liền vào thất.
Giảng:
Ngũ Tổ dùng gậy gõ vào cối ba tiếng, rồi bỏ đi. Gậy là vật cần dùng trong lúc đi đường của người tu hành già cả. Hòa Thượng Hư Vân có nói một bài kệ về cây gậy của Ngài như sau: "Tài đắc nhất đằng hoạt tự long, bán xao phong vũ bán xao không." Sợi dây mây này ("đằng" là sợi dây mây, phần cứng của nó có thể làm gậy), giống như hình dáng con rồng, vì hình trạng của nó cong cong vì thế nói "tợ long." "Bán xao phong vũ bán xao không" nghĩa là dùng gậy để gõ gió, gõ mưa, gõ hư không.
Huệ Năng hiểu rõ ý của Ngũ Tổ muốn Ngài canh ba đêm nay vào phòng Ngũ Tổ. Gõ vào cối ba tiếng là cách nói không lời. Giống như thiền đường chạy hương, gõ hai tiếng mõ là hành hương, nhắc quý vị tỉnh táo; gõ một tiếng là chỉ tịnh; gõ ba tiếng là nhắc quý vị chiếu cố thoại đầu, tự mình nỗ lực dụng công.
Tại sao Ngũ Tổ tay cầm gậy để sau lưng, úp ngược bàn tay mà bỏ đi? Ý là kêu Lục Tổ vào liêu phòng Ngũ Tổ bằng cửa sau, không nên để người khác nhìn thấy. Nếu không như vậy làm sao nói Huệ Năng hiểu được ý Tổ ? Ðây chính là đạo lý tâm tâm tương ấn.
Chờ đến canh ba, Lục Tổ vào liêu phòng Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi:
Ông đến đây làm gì?
Hôm nay Tổ Sư kêu con canh ba đến đây mà!
Thật không? Tôi gọi ông canh ba đến à? Tại sao tôi không nhớ nhỉ! Tại sao ông đến đây bằng cửa sau? Sao không vào bằng cửa trước?
Bạch Hòa Thượng, ý Hòa Thượng muốn con đến đây bằng cửa sau.
Ngũ Tổ nghe xong cười lớn nói:
Ông thật là giỏi, đã hiểu được ý của ta.
Nếu quý vị hỏi tại sao tôi biết việc này, tôi xin hỏi quý vị tại sao quý vị không biết việc này.
Ngũ Tổ lấy cà sa trùm kín cả Ngài và ta, chẳng cho ai thấy, rồi nói Kinh Kim Cang cho ta nghe, đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm." Nên không trụ vào chỗ nào mà sanh tâm mình.
Giảng:
Ngũ Tổ nhìn thấy Lục Tổ bước vào, vì sợ người khác nhìn thấy hoặc nghe thấy, liền đóng cửa lại. Nhưng cửa thời đó không phải là thủy tinh mà là dùng giấy dán, vì thế Ngũ Tổ lấy cà sa trùm kín cả hai người và giảng Kinh Kim Cang cho Lục Tổ nghe. Không giống như bây giờ tôi giảng cho quý vị nghe một cách công khai. Ngũ Tổ giảng Kinh Kim Cang và cách tu hành thân Kim Cang bất hoại. Lúc Lục Tổ nghe đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm," không nên trụ vào chỗ nào mà sanh tâm mình, bèn hoát nhiên đại ngộ, biết tất cả vạn pháp không rời tự tánh.
Lục Tổ Ðại sư nói chỉ còn thiếu sàng, ý nói tuy Ngài đã biết cách dụng công, nhưng phiền não kiến tư chưa hoàn toàn diệt tận. Lại nữa, tuy công phu của Ngài đã đạt đến cảnh giới lửa lò thuần xanh (đã đạt đến cảnh giới thâm sâu rộng lớn), đạt đến điểm cao tột đỉnh, nhưng chưa được vị Thiện tri thức mắt sáng chứng minh, ấn chứng. Ngũ Tổ nghe Lục Tổ nói còn thiếu giần sàng, bèn chuẩn bị ấn chứng công phu cho Lục Tổ.
Vì lúc đó tôi có radar, nên đã ghi lại được cuộc đàm thoại giữa Ngũ Tổ và Lục Tổ (đây là máy ghi âm của đời Ðường, không phải là máy ghi âm hiện nay). Cuộc đối thoại như sau:
Ngũ Tổ hỏi:
Ông có muốn thành Phật không?
Bạch Hòa Thượng, con rất muốn thành Phật, con không muốn làm bất cứ việc gì khác, chỉ mong cầu thành Phật mà thôi.
Ông muốn thành Phật, đầu tiên cần phải đoạn trừ vô minh, vô minh chính là đầu mối của phiền não kiến tư, ông muốn đoạn phiền não kiến tư, trước phải đoạn trừ vô minh. Vô minh chính là một việc gì đó phát sanh, ông không hiểu không rõ. Giống như sự sanh tử của người do tình ái mà sanh, ông muốn không có tình ái, đầu tiên phải phá vô minh. Vô minh đã phá trừ, kiến hoặc và tư hoặc sẽ không còn nữa. Vô minh là nguồn gốc của sanh tử, muốn đoạn vô minh liễu sanh tử, chính là Kinh Kim Cang nói Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Vô sở trụ cái gì? Vô sở trụ tình ái, đoạn trừ ái dục, mới có thể liễu sanh tử.
Lục Tổ nghe xong hoát nhiên đại ngộ, nhận rõ bổn lai diện mục:
À! thì ra là như vậy, điều này rất là dễ dàng, không có gì là khó khăn cả!
Tu hành học tập Phật pháp, đầu tiên cần phải sanh cái tâm Ưng vô sở truï, chẳng nên trụ vào đâu cả, không trụ vào tình, vào ái. Nếu trụ vào tình ái chính là vô minh, và cũng chính là sanh tử. Không trụ vào tình, không trụ vào ái, không trụ vào có, không trụ vào không, đó chính là trung đạo. Không rời cái có, không rời cái không, và cũng không tìm kiếm ở ngoài tình ái, mà đem tình ái chuyển thành chân chánh Bát nhã trí huệ. Ðây chính là giác, nếu không là mê. Giác và mê chỉ là một sự chuyển biến, cho nên nói: "Hồi đầu chuyển diện. Khổ hải vô biên hồi đầu thị ngạn," biển khổ vô bờ, quay đầu là bến, cũng chính là ý này vậy.
Nếu quý vị phóng túng theo ái dục, chạy theo tình ái, thì càng ngày càng lún sâu, mê mờ càng ngày càng tăng. Nếu quay đầu, tức là Niết bàn, và cũng là bỉ ngạn. Nếu không quay đầu, thì mê lầm càng ngày càng sâu càng đậm. Tuy mê mờ sâu đậm, nhưng nếu biết quay mình, đó chính là đốn ngộ. Ðốn ngộ chính là giác mà giác chính là Phật.
Có người có thể nghĩ rằng: "Tôi thành Phật rồi thì không có gì để làm hết, chỉ ngồi đó chờ người thắp hương lễ bái, vậy thì có gì hay đâu!"
Vậy thì làm chúng sanh đi! Làm bạn với chúng sanh, độ chúng sanh thành Phật. Thành Phật tuy không có ý nghĩa thú vị gì, nhưng Phật đã đoạn trừ phiền não không còn lo âu.
Hôm qua có nói về chuyện một con quỷ, con quỷ này không muốn làm người, nó nói:
Ngã kim tố quỷ tam thiên thu,
Dã vô phiền não dã vô ưu.
Sanh công khiếu ngã vi nhân khứ,
Chỉ khủng vi nhân bất đáo đầu.
Tạm dịch:
Tôi nay làm quỷ ngàn thu,
Não phiền không có, không lo không sầu.
Trời kia bắt phải làm người,
Làm người không trọn thì thôi xin đừng.
Quỷ tuy không có phiền não và âu lo, nhưng quỷ thuộc âm, chỉ trong đêm khuya mới xuất hiện, mà Phật thì thuộc dương, giống như ánh sáng của mặt trời. Muốn làm quỷ hoặc làm Phật tự quý vị quyết định. Nếu muốn làm quỷ, thì cứ có tình ái. Nhưng nếu muốn làm Phật cần phải Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Huệ Năng nầy ngay lời đó đạt đại ngộ, biết rằng cả thảy muôn pháp chẳng lìa tánh mình, mới bạch với Tổ Sư rằng:
Nào dè tánh mình vốn tự thanh tịnh,
Nào dè tánh mình vốn không sanh diệt,
Nào dè tánh mình vốn tự đầy đủ,
Nào dè tánh mình vốn không lay động,
Nào dè tánh mình có thể sanh ra muôn pháp!
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư nghe giảng xong hoát nhiên đại ngộ. Ðại ngộ là thông suốt hoàn toàn, hiểu rõ trí huệ Bát nhã, cho nên biết tâm sinh vạn pháp, vạn pháp duy tâm, nhứt thiết vạn pháp vốn là tự tánh sở hiện.
Vì thế Huệ Năng thưa với Ngũ Tổ rằng:
Bạch Hòa Thượng, con thật không ngờ rằng, tự tánh vốn không dơ không sạch, bổn lai là thanh tịnh.
Thanh tịnh chính là đối với không thanh tịnh. Thanh tịnh này là bổn thể, vì bổn thể không có bất cứ danh xưng nào có thể thay thế, vì thế dùng "thanh tịnh" để thay thế. Thanh tịnh này không giống trước ô nhiễm mà sau thanh tịnh; thanh tịnh này chính là xưa nay (bổn lai) thanh tịnh.
Huệ Năng lại nói:
Con thật không ngờ rằng tự tánh vốn không sanh không diệt.
Vì chúng sanh có chấp trước mới có sanh có diệt, nếu không có chỗ chấp trước, sanh diệt từ chỗ nào phát sanh? Lại diệt đi đâu?
Huệ Năng lại nói:
Con thật không ngờ, tự tánh vốn không thiếu không dư, không nhiều cũng không ít.
Ở Phật cũng không thêm, ở chúng sanh cũng không có giảm, nhưng vì chúng sanh không tự mình nhận thức, đi ngược với sự giác ngộ, lăn lộn trong trần lao bụi bặm, vì thế của báu trong nhà không biết, bỏ gốc tìm ngọn, truy cầu hưởng thụ vật chất, truy cầu khoái lạc hư vọng, truy cầu giả danh giả lợi. Thật là quá ư ngu ngốc đi thôi, tôi nay mới biết bổn tánh vốn đầy đủ tất cả.
Huệ Năng lại nói:
Nhất thiết chúng sanh điên điên đảo đảo, không có định lực, nhưng tất cả tự tánh chúng sanh, đều không dao động, tất cả đều bình đẳng không có gì sai biệt.
Huệ Năng lại nói:
Con thật không ngờ rằng, vạn pháp vốn từ tự tánh sanh ra. Lúc trước con không nghĩ ra, nhưng nay lại chứng đắc cái diệu lý này. Thật không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả hết điều kỳ diệu này!
Tổ Sư biết ta tỏ ngộ Bổn tánh, bảo Huệ Năng rằng: "Nếu chẳng biết Bổn tâm, thì học pháp vô ích. Bằng biết Bổn tâm và thấy Bổn tánh, tức gọi là Trượng phu, là Phật, Thầy cõi trời và cõi người vậy!"
Giảng:
Ngũ Tổ Ðại sư nghe Lục Tổ nói như vậy, biết Lục Tổ đã khai ngộ và nhận thức được bổn lai diện mục, đã biết mũi của mình ngang hay dọc, đã biết cánh tay đưa lên, ngón tay thuận hay nghịch. Hôm qua tôi hỏi quý vị "Lúc bàn tay hướng hạ ngón tay ngược, bàn tay hướng thượng ngón tay thuận? Hay là bàn tay hướng hạ ngón tay thuận, bàn tay hướng thượng ngón tay ngược?" Không ai biết được đạo lý này. Căn bổn không có cái nào thuận, cái nào nghịch cả. Lục Tổ Ðại sư đối với những vấn đề này đều hiểu biết một cách rõ ràng, Ngũ Tổ Ðại sư cũng biết Lục Tổ đã hiểu các vấn đề này vì thế nói với Lục Tổ rằng:
Nếu không nhận thức bổn tâm mình, học pháp vô ích.
Có câu rằng: "Nếu người nhận thức được bản tâm, đại địa không một tấc đất." Nếu quý vị nhận thức bản tâm, đất đai của đại địa này đều biến thành vàng ròng bảy báu trang nghiêm. Quý vị nói: "Theo chỗ thấy biết của con, không phải như vậy đâu!" Ðương nhiên rồi, vì quý vị chưa nhận thức được bản tâm mà! Giống như đeo kính màu hồng, nhìn thấy mọi vật đều là màu hồng, đeo kính màu xanh, nhìn thấy mọi vật đều là màu xanh. Vì quý vị chưa nhận thức được cái tâm này, cho nên nhìn thấy đại địa đều là đất. Chính vì đất trong tâm quý vị tức là tạp niệm vọng tưởng quá nhiều đi. Nếu không có tạp niệm vọng tưởng thì thế giới này cũng không có đất bụi.
Nhận ra xem bổn tâm của mình có hình dáng gì? Nhìn xem bổn tánh của mình là màu gì, xanh vàng đen trắng hay là dài ngắn vuông tròn? Nói có một cái hình dáng, ấy là ví dụ, căn bổn không có một cái dáng gì hết. Tuy nhiên, cần phải nhận thức nó mới biết được, nếu không nhận thức thì không thể nói bừa.
Nếu nhận thức được bổn tâm, kiến tự bổn tánh, chính là đại trượng phu, thiên nhân sư, cũng chính là Phật. Chúng ta hiện nay nếu nhận thức được bổn tâm của chính mình, nhìn thấy được bổn tánh thì chính là Phật. Vì chúng sanh vốn là Phật, Phật cũng vốn là chúng sanh, vì thế chúng ta đều có cơ hội thành Phật. Nếu chưa nhận thức được bổn tâm, chưa thấy được bổn tánh, thì cần phải dành thời gian nghiên cứu Phật pháp nhiều hơn nữa.
Ðến canh ba, Huệ Năng nầy thọ pháp, chẳng có ai hay. Tổ Sư truyền pháp Ðốn giáo và y bát cho ta mà dạy rằng: "Ngươi là vị Tổ đời thứ sáu. Hãy khéo tự hộ niệm. Phải quảng độ chúng hữu tình, và lưu truyền chánh pháp cho đời sau, đừng để đoạn tuyệt. Hãy nghe bài kệ của ta đây:
Có tình mới gieo giống,
Nhờ đất trái bèn sanh,
Không tình không có giống,
Không tánh ắt không sanh."
Giảng:
Lúc canh ba nửa đêm, Ngũ Tổ Ðại sư truyền thọ diệu pháp dùng tâm ấn tâm cho Lục Tổ, ở trong tâm không biết, ở ngoài người không hay, ngay cả quỷ thần cũng không biết nữa. Ngũ Tổ truyền đốn giáo pháp môn và y bát cho Lục Tổ và nói:
Ông nay là Tổ Sư đời thứ sáu.
Học Phật pháp cần phải nỗ lực tích cực, chân chánh tu tập, không nên học khẩu đầu thiền (thiền ở cái miệng), chỉ học biết giảng kinh, thuyết pháp, nói lời khéo léo, biện bác lanh lợi. Môi mép rằng: không chân cũng không giả mới là trung đạo liễu nghĩa. Học khẩu đầu thiền, một chút công phu chân chánh cũng không có, hoặc lúc nào cũng muốn mình hơn người, tật đố ganh tỵ, chướng ngại thì không đạt được danh vị Tổ Sư đời thứ sáu đâu. Giống như đồ đảng của Thần Tú, tâng bốc đưa Thầy mình lên cao, cho rằng Thầy mình sẽ làm Lục Tổ, cho nên dự bị những người đồ đảng tâm phúc ở khắp nơi dò tin tức. Nếu Ngũ Tổ Ðại sư truyền y bát cho ai liền sát hại người ấy. Họ không biết Ngũ Tổ là vị Thiện tri thức mắt sáng, biết họ có tâm này, cho nên bí mật truyền pháp cho Lục Tổ. Tại sao lại truyền pháp cho Lục Tổ Huệ Năng? Vì Ngài là một người chân chánh thực hành hạnh Bồ Tát, giã gạo cho đại chúng ăn, giúp mọi người dụng công học đạo tu hành. Giống như những người nấu ăn trong nhà bếp đây, chính là hành Bồ Tát đạo, nấu cơm ngon cho mọi người ăn. Nhưng tôi ăn xong, cũng không biết ngon hay dở vì tôi không có thời gian nghiên cứu cái ăn. Hành Bồ Tát đạo chính là trong bất cứ trường hợp nào cũng đều giúp đỡ người, không gây cho người sự chướng ngại. Cho nên nói: Quân tử hữu thành nhân chi myõ, nghĩa là người quân tử có cái đức lo trọn việc tốt cho người. Giống như hiện nay có vài người muốn xuất gia, tôi hỏi có ai phản đối hay không? Kết quả không có ai phản đối. Ðó chính là thành nhân chi mỹ, không phản đối người đi xuất gia, ai xuất gia cũng đều tán thành.
Huệ Năng trong đêm đó dễ dàng nhận ngôi vị Lục Tổ mà không ai biết, vì không ai biết cho nên không ai phản đối. Ngũ Tổ cũng không hỏi: "Mọi người tán thành hay phản đối." Chỉ cần Ngũ Tổ hứa khả là được rồi.
Ngũ Tổ ân cần dạy bảo Huệ Năng:
Ông cần phải cẩn thận giữ gìn y bát, đây là do Phật Thích Ca Mâu Ni đời đời lưu truyền. Ông phải độ khắp tất cả chúng sanh hữu tình, đem Phật pháp truyền bá khắp mọi nơi, lưu truyền đời đời về sau, không nên để cho đoạn tuyệt.
Lúc Ngũ Tổ nói câu "đừng để cho đoạn tuyệt," tôi tin rằng Ngũ Tổ Ðại sư rất bi ai lo lắng. Sợ là Ngài còn khóc nữa là khác. Tại sao tôi biết như vậy? Vì Nhị Tổ lúc sắp bị giết, Ngài từng nói: "Ðến đời Tứ Tổ, Kinh Lăng Già biến thành danh tướng, không có ai hiểu." Nay Ngũ Tổ Ðại sư nói "đừng để cho đoạn tuyệt," nhất định có sự cảm xúc vô cùng nên nói: "Ông cần phải cẩn thận! Cần chú ý! Không nên lơ là. Ðây là một việc đặc biệt quan trọng, đừng để cho đoạn tuyệt. Nay tôi vì ông nói một bài kệ:
Hữu tình lai hạ chủng: tình chính là từ bi, vì tôi có tâm từ bi để trồng hạt giống, chính là tôi truyền thọ Phật pháp cho ông.
Nhân địa quả hoàn sanh: vì tôi truyền pháp cho ông cũng như đem hạt giống gieo trồng xuống đất, quả sẽ được sanh.
Vô tình diệc vô chủng: nếu không có người truyền pháp cho ông thì cũng không có hột giống Bồ đề.
Vô tánh diệc vô sanh: không có tánh và cũng không có sanh.
Ðó là một cách giải thích, và còn một cách giải thích khác là:
Hữu tình lai hạ chủng: Tình chính là một loại tình cảm hoặc tình ái, vì có tình ái mới trồng hạt giống, giống như quý vị chung học Phật pháp ở đây, không phải thân thích thì cũng là bạn bè, thân thích thì có tình cảm của thân thích, bạn bè có tình cảm của bạn bè. Vì có tình cảm, cho nên mọi người cùng nhau học Phật pháp.
Nhân địa quả hoàn sanh: Vì có tình cảm này cho nên gieo hạt giống Bồ đề, nhưng trước cần phải có đất, mới có thể trổ được quả, mới có thể sanh ra trái Bồ đề.
Vô tình diệc vô chủng: Nếu ai cũng không biết có Ðạo tràng này thì không có ai đến đây học Phật pháp.
Vô tánh diệc vô sanh: Nếu không có Phật tánh thì không có thể thành Phật.
Bài kệ này có rất nhiều cách giải thích, chỉ cần phù hợp giáo pháp, giảng cách nào cũng đều được cả.
Tổ Sư lại nói: "Ngày xưa Ðạt Ma Ðại sư mới tới xứ này, vì người chưa tin nên phải truyền y này để làm tín thể, nối truyền cho nhau từ đời này qua đời khác. Còn Pháp thì lấy tâm truyền tâm, khiến cho người tự mình tỏ sáng, tự mình hiểu biết. Từ xưa chư Phật chỉ truyền cái Bổn thể, chư Sư chỉ mật trao cái Bổn tâm mà thôi. Y là cái mối của tranh, tới đời ngươi đừng truyền nữa. Nếu truyền y này, thì rất nguy đến tánh mạng. Hãy đi cho chóng, kẻo e có kẻ hại ngươi."
Giảng:
Ngũ Tổ lại nói: "Xưa kia Sơ Tổ Ðạt Ma, lần đầu tiên đến Trung Hoa ba mươi lăm năm trước, mọi người đều không cung kính tôn trọng Ngài, mà lại gọi Ngài là Ma-la-sát. Vì không ai biết Ngài là vị Tổ Sư, cho nên Sơ Tổ mới truyền y bát để làm vật chứng cứ."
Thật ra y bát chỉ là một vật biểu tín mà thôi, kỳ thực Phật pháp cần phải dùng tâm truyền tâm, khiến người người tự mình giác ngộ, tự mình chứng đắc. Từ xưa đến nay, tất cả chư Phật sở truyền đều là bổn thể tức tự tánh, chư lịch đại Tổ Sư tương truyền đều là bổn tâm. Y bát là đầu mối của sự tranh đoạt. Có y bát mọi người mới tranh đấu lẫn nhau, tranh đoạt y bát để làm Tổ Sư. Thậm chí có người lén trộm y bát mà làm Tổ Sư giả. Giống như Thần Tú muốn cướp lấy y bát từ Ngũ Tổ, muốn Ngũ Tổ truyền pháp cho mình. Nếu Ngài truyền pháp cho người khác tìm cách giết người đó đi. Y này thời Tứ Tổ đã bị trộm ba lần, thời Ngũ Tổ cũng bị trộm ba lần, nhưng đều chưa bị kẻ trộm lấy mất, đây là do Bồ Tát cảm ứng mà ra. Ðời Lục Tổ bị trộm sáu lần, sau đó bị Võõ Tắc Thiên (nữ Hoàng đế đời Ðường) nhứt quyết lấy đi cho bằng được, sau này không ai còn biết Y ở đâu nữa.
Ngũ Tổ tiếp tục nói: "Y bát là đầu mối của sự tranh giành, chỉ truyền đến ông là ngừng, đời sau không nên tiếp tục truyền nữa. Nếu truyền y bát này, sợ rằng sinh mệnh ông giống như sợi chỉ mành treo chuông, bất cứ lúc nào cũng có sự nguy hiểm. Ông lập tức rời khỏi chỗ này, vì tôi e có người hại ông."
Huệ Năng nầy bạch: "Ði xứ nào?"
Tổ Sư nói: "Gặp Hoài thì ở lại, gặp Hội thì ẩn nương nơi đó."
Canh ba, khi Huệ Năng nhận lãnh y bát rồi bạch rằng: "Huệ Năng vốn là người Lãnh Nam, chẳng biết một con đường nào nơi núi này, làm sao ra đặng sông Cửu Giang?"
Ngũ Tổ nói: "Ngươi chẳng phải lo, để ta đưa ngươi đi."
Giảng:
Huệ Năng hỏi Ngũ Tổ:
Bạch Hòa Thượng, con đi đâu bây giờ?
Ðến huyện Hoài Tập (nay là Ngô Châu tỉnh Quảng Tây) thì có thể ngừng lại, nếu đến huyện Tứ Hội (nay là Tân Hội tỉnh Quảng Ðông) thì có thể ẩn cư tại đó.
Canh ba đêm đó sau khi được Ngũ Tổ truyền thọ y bát, Huệ Năng hỏi:
Con vốn là người phương Nam, Quảng Ðông, không quen thuộc với đường núi ngoằn ngoèo ở đây, con làm sao mà có thể ra đặng Cửu Giang?
Ngũ Tổ an ủi nói:
Ông không phải lo lắng, tôi sẽ đích thân đưa ông đi.
Tổ đưa ta thẳng đến trạm Cửu Giang, bảo ta lên thuyền, rồi Ngũ Tổ tự cầm chèo mà đưa.
Huệ Năng nầy nói: "Thỉnh Hòa Thượng ngồi, để cho đệ tử chèo mới phải."
Ngũ Tổ nói: "Ta độ ngươi mới phải."
Huệ Năng nầy nói: "Lúc mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ lấy mình." "Ðộ" tuy tên là một nhưng chỗ dùng không đồng. Huệ Năng nầy sanh nơi biên địa, giọng nói không đúng, nhờ Thầy truyền pháp, nay đã được tỏ ngộ, thì chỉ nên tự tánh tự độ (lấy tánh mình mà độ mình) mới phải."
Giảng:
Ngũ Tổ tiễn Lục Tổ đến trạm Cửu Giang. "Dịch" tức là trạm dùng truyền đạt thư tín của người xưa. Ngũ Tổ nói:
Ông hãy nhanh lên thuyền!
Rồi cầm mái chèo tự chèo thuyền. Huệ Năng nói:
Thỉnh Sư phụ ngồi, để con chèo thuyền mới phải.
Ngũ Tổ nói:
Nên để ta độ ngươi mới đúng.
Ðúng vậy, lúc chưa khai ngộ tự tánh, bổn thể mê mờ, cần phải do sư phụ chỉ dạy cách tu đạo dụng công, khiến cho được khai ngộ.
Ðây bao gồm không sợ chân nhức và gian khổ. Lục Tổ mỗi ngày giã gạo, gian khổ hơn tất cả mọi người. Lục Tổ Ðại sư lưng đeo hòn đá giã gạo, nay vẫn còn bảo tồn tại Ðông Sơn Thiền Tự, núi Bằng Sơn, tỉnh Hồ Bắc, phía trên khắc dòng chữ "Ðây là hòn đá đeo lưng giã gạo của cư sĩ Lư Huệ Năng."
Nhưng một khi con đã khai ngộ, cần phải tự mình độ mình. Tuy cùng gọi là đoä, nhưng sư phụ độ đệ tử và đệ tử độ sư phụ, cách dùng của chữ này không giống nhau. Con sanh ở nơi biên địa hạ tiện, phát âm không đúng, không ai nghe hiểu, được sư phụ truyền dạy cho con diệu pháp tâm ấn, nay con đã khai ngộ, thì cần phải tự mình độ lấy mình.
Ðây là Ngũ Tổ cùng Lục Tổ nói thiền cơ, Ngũ Tổ nói: "Ta độ ngươi mới thích hợp." Lục Tổ nói: "Lúc mê sư phụ độ con, ngộ rồi con phải tự độ (tự tánh tự độ)."
Sao gọi là tự tánh tự độ? Ví dụ lúc quý vị chưa biết tụng chú Lăng Nghiêm, có người lại dạy quý vị tụng, nhưng sau khi biết tụng thì tự mình đốc thúc sách tấn mình tụng niệm, không cần người khác đến khuyên nhắc. Lúc chưa hiểu việc tụng kinh, thì cần sư phụ đến dạy quý vị tụng kinh; sau khi hiểu rõ cần tự mình tụng kinh, mà không cần sư phụ hỏi: Hôm nay con đã tụng kinh hay chưa? Giống như nay có người muốn học theo Thiên Thai Trí giả Ðại sư lễ bái kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa để khai ngộ, vì thế mỗi ngày mỗi đêm lễ lạy Kinh Pháp Hoa, đây cũng gọi là tự tánh tự độ.
Lại nữa, nên chuyển phiền não thành Bồ đề. Quý vị cần phải đem phương pháp đã học được tự mình thực hành, mà chuyển phiền não thành Bồ đề. Lúc có người muốn gây khó khăn, quý vị cần phải nhìn điều đó như hoa trong gương, trăng dưới nước, như huyễn như hóa, như mộng như sương, suy nghĩ như thế phiền não sẽ không còn nữa. Gặp phải cảnh giới nếu có thể nhìn thấu rõ, có thể buông bỏ gọi là tự tánh tự độ.
Lại nữa nếu quý vị có những tật xấu uống rượu hút thuốc, sau khi nghe sư phụ khai thị, biết đó là điều gây chướng ngại cho sự tu đạo mà phát tâm kiêng bỏ. Ví như tôi có một đệ tử nói để con cố gắng, rồi kết quả kiêng hẳn luôn, sự kiêng bỏ đoạn tuyệt đó cũng gọi là tự tánh tự độ. Nếu có thể đoạn trừ tức là khai ngộ, nếu chưa đoạn trừ thì vẫn còn mê mờ, như vậy khai ngộ hay không là do quý vị quyết định. Nếu có thể chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tức là tự tánh tự độ. Lúc chưa hiểu rõ Phật pháp thì không tránh khỏi làm những việc mê muội sai lầm, nhưng sau khi đã hiểu rõ Phật pháp, cần phải ghi nhớ vào lòng không được làm những việc điên đảo mê muội nữa. Nếu còn làm những việc đó, quý vị là kẻ có tội đối với Phật giáo, sau này nhất định đọa địa ngục, vì quý vị tri pháp mà phạm pháp, tội nặng gấp ba. Cho nên nói: "Túng sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ." Nghĩa là: Dù cho trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo rồi thì khó mà mất đi, nhân duyên khi hội ngộ, quả báo tự mình phải nhận lấy. Không ai có thể thay thế mà lãnh chịu những nghiệp tội sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu mà mình đã gây ra. Phàm tạo việc nào thì sau này sẽ thọ quả báo việc đó, một chút cũng không sai chạy.
Tự tánh tự độ hàm ý sâu sắc, tức là cần phải đoạn trừ các niệm nghi ngờ hối hận, diệt trừ các cấu bẩn trong tánh mình. Nếu cấu bẩn chưa thể trừ sạch thì không thể tự tánh tự độ. Cái gì gọi là cấu bẩn của tự tánh tức là sự điên đảo vọng tưởng của quý vị, vô minh phiền não, tập khí hữu lậu.
Lúc trước tôi ở chỗ nọ giảng đoạn kinh văn này, đã từng nói: "Bạn tạo ác nghiệp, bạn đọa địa ngục; tôi tạo ác nghiệp, tôi đọa địa ngục; nó tạo ác nghiệp, nó đọa địa ngục."
Lúc đó có người phản đối nói: "Không bao giờ có chuyện này, địa ngục ở đâu? Từ trước đến nay tôi chưa hề thấy, dù có địa ngục, tôi cũng muốn thử xem."
Tôi trả lời: "Ông muốn thử xem? Ông không cần thử cũng sẽ đọa địa ngục, thử là đọa." Tại sao vậy? Quý vị xem những người đọa vào địa ngục, đều do thử xem mà đọa vào đó cho nên đến hôm nay muốn ra khỏi mà không thể được. Vì thế, hôm nay tôi ân cần khuyên nhắc những người muốn thử, cần nên bỏ cái ý niệm đó đi!
Những người nào tự tánh tự độ? Ai ai cũng có thể tự tánh tự độ, nhưng phải là người trí huệ mới được, người ngu si không những không thể tự tánh tự độ, dù có chỉ dạy cho họ, họ cũng không nghe. Giống như dạy chó không nên cắn người, tuy đánh nó nhưng khi gặp người nó vẫn cắn như thường, chính là vì tánh nó ngu muội nên mới làm bậy như vậy. Mèo bắt chuột, tuy dạy nó cần giữ giới, không được sát sanh, cần phải phóng sanh, nhưng vì tập quán xấu khó sửa, nên cứ theo tật cũ. Dạy chuột không nên ăn trộm, nhưng nó vẫn trộm đồ ăn. Trộm hút thuốc, lén uống rượu, đều là những hành động của những người không chịu sửa đổi tập quán xấu xa. Người chân chánh hiểu rõ sự lý, không làm những việc mê muội; người mê muội cũng không làm được những việc sáng suốt.
Tự tánh tự độ, ý là quý vị phải trừ bỏ những tật xấu của chính quý vị. Sư phụ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh quý vị, khuyên nhắc quý vị không nên làm việc xấu. Trên đây là những lời giải thích căn bản, nếu nói một cách chi ly cặn kẽ, e rằng nói hoài cũng không hết.
Tổ Sư nói: "Phải vậy, phải vậy! Từ đây sắp sau, Phật pháp sẽ do ngươi mà được thạnh hành. Ngươi đi rồi, ba năm ta sẽ tạ thế. Nay ngươi hãy đi, gắng sức về hướng Nam, nhưng chẳng nên vội thuyết pháp, bởi vì Phật pháp hưng khởi từ trong khó khăn."
Giảng:
Ngũ Tổ nói: "Ðúng vậy (như thị)! Ðúng vậy! Ðây rất khế hợp tâm ý của ta. Phật pháp sau này sẽ do ông xiển dương rộng lớn. Ông rời ta ba năm sau, ta sẽ nhập Niết Bàn, vì pháp của ta đã có người kế tục. Ông nay cần phải tinh tấn nỗ lực đi về hướng Nam. Ông cần phải ẩn giấu tài năng, nuôi dưỡng tinh thần, sau này làm cái gì cũng có thể thành công. Nhưng sau khi rời khỏi chỗ này không nên vội vàng hoằng dương Phật pháp, vì Phật pháp hưng khởi từ trong khó khăn, càng khó càng tốt."
Huệ Năng nầy từ biệt Tổ Sư, đi về hướng Nam, trong hai tháng tới núi Ðại Dưu Lãnh.
(Khi Ngũ Tổ trở về, cách mấy ngày chẳng ra giảng đường. Các môn đồ có lòng nghi, bèn đến hỏi thăm: "Hòa Thượng có chút bệnh hay buồn chi chăng?" Tổ nói: "Ta không có bịnh chi, nhưng Y Pháp đã về hướng Nam rồi." Ðồ chúng hỏi: "Ai được truyền thọ?" Tổ nói: "Người có khả năng đã được." Khi ấy đồ chúng mới hay.)
Phía sau có mấy trăm người đuổi theo ta, muốn đoạt y bát.
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư sau khi từ biệt Ngũ Tổ (từ vi tức không thể tự thân phụng dưỡng săn sóc Ngũ Tổ), đi về phương Nam từ núi Bằng Mậu qua Cửu Giang đi đến Quảng Ðông. Trải qua hơn hai tháng, đến Ðại Dữu Lãnh (nơi phân giới của huyện Nam Hùng tỉnh Quảng Ðông và phía Nam huyện Ðại Dữu tỉnh Giang Tây).
Ngũ Tổ sau khi trở về, mấy ngày không thượng đường thuyết pháp, đại chúng sanh lòng nghi ngờ, đến phòng phương trượng hỏi:
Bạch Hòa Thượng phương trượng! Ngài có bệnh, có phiền chi chăng?
Ngũ Tổ trả lời:
Bệnh thì không có, nhưng y bát đã truyền về phương Nam rồi, các ông có thể rời khỏi chỗ này, nơi tôi không còn Phật pháp nữa, tôi sắp về hưu rồi.
Chúng hỏi:
Ai được y bát? Ngài đã truyền cho ai vậy?
Người có bản lĩnh và có năng lực nhứt được y bát.
Lúc đó mọi người mới biết Lục Tổ Huệ Năng được y bát này. Có người cũng rất thông minh, như Thiền sư Pháp Như, một trong mười vị đại đệ tử của Ngũ Tổ. Ngũ Tổ dặn dò mười vị đại đệ tử mỗi người ở một phương làm pháp chủ giáo hóa chúng sanh. Thiền sư Pháp Như nghe nói Năng giả đắc chi liền biết rõ ai đã được y bát:
Chính là kẻ man di Quảng Ðông, cư sĩ Lư Huệ Năng, đã được y bát, thật là kỳ lạ!
Mọi người nghe xong bèn phản đối:
Không được, không được! Làm sao mà có thể truyền pháp cho Huệ Năng. Chúng ta theo hầu Ngũ Tổ đã bao nhiêu năm, tại sao Ngũ Tổ không truyền pháp cho chúng ta? Dường như đầu óc Ngũ Tổ không còn minh mẫn nữa. Chúng ta cần phải đuổi theo Huệ Năng, đoạt cho được y bát trở về.
Vì thế hơn một trăm người đuổi theo Lục Tổ muốn đoạt lại y bát.
Có một thầy họ Trần, tên Huệ Minh, ngày trước làm Tứ phẩm Tướng quân, tánh tình thô bạo, quyết chí tìm ta. Thầy cầm đầu chúng nhơn và đuổi theo kịp Huệ Năng nầy. Huệ Năng đặt y bát lên tảng đá mà nói rằng: "Y này là vật biểu tín, há dùng sức mà tranh được sao!" Ðoạn Huệ Năng nầy ẩn mình trong đám cỏ tranh.
Huệ Minh đến cầm y giở lên mà không nhúc nhích, bèn kêu rằng: "Hành giả, hành giả, tôi vì Pháp mà đến đây, chớ chẳng phải vì y đâu!"
Giảng:
Lúc đó trong số một trăm người này, có một vị xuất gia, tục danh là Trần Huệ Minh, trước kia đã từng làm đến Tứ phẩm tướng quân, tánh tình thô tháo nóng nảy, một chút học thức cũng không có, mở miệng là mắng người, nếu ai không nghe lời liền ra tay đánh người. Người này sức lực rất mạnh, hòn đá nặng mấy chục ký cũng có thể đập nát. Vì ông ta có bản lãnh này nên làm đến Tứ phẩm tướng quân. Ông ta có một khả năng lạ thường đặc biệt phi mao thoái (người chạy nhanh như sóc), một ngày có thể chạy hai trăm dặm đường, mà người thường một ngày chỉ có thể chạy một trăm dặm là nhiều nhất.
Ông ta quyết tâm muốn đoạt y bát trở về, nghĩ rằng ai có sức mạnh người đó sẽ được y bát. Nhất là ông chạy rất nhanh, chạy trước mọi người, và sắp có thể đuổi kịp Huệ Năng rồi.
Huệ Năng nhìn thấy một người thô lỗ như thế chạy đến, lúc đó tâm Ngài cũng có chút lo lắng hoang mang. Tuy Ngài đã đắc pháp, nhưng vì mới tu tập Phật pháp, chưa có thần thông lớn, cho nên có chút lo lắng. Vì thế Huệ Năng bèn đem y bát bỏ trên một hòn đá, tự nói với hư không rằng: "Y bát này là một vật biểu tín, làm sao có thể dùng võ lực để tranh đoạt được?" Ðoạn Huệ Năng bèn ẩn núp trong lùm cỏ, không để cho người ta nhìn thấy. Huệ Minh chạy đến, nhìn thấy y bát, nhưng lại không thể nhấc lên nổi. Tại sao ông ta nhấc lên không nổi? Tại vì trong cõi vô hình có chư thần hộ pháp, thiên long bát bộ bảo hộ y bát, cho nên dù Huệ Minh có sức mạnh như thế, cũng là anh hùng không có đất dụng võ thôi. Lúc đó Huệ Minh bèn kêu lên rằng:
Vị tu hành đắc đạo ơi, tôi vì Phật pháp mà đến đây, không phải vì muốn đoạt y bát!
Vì ông ta nhấc không nổi y bát, cho nên nói như vậy; nếu nhắc lên nổi, ông ta đã ôm lấy y bát mà chạy khỏi nơi này từ lâu rồi. Vì nhấc lên không nổi, ông bèn tỉnh ngộ: Y bát này không thể dùng sức lực đoạt được, cho nên hướng về Lục Tổ để cầu pháp.
Tại sao nói Huệ Minh không phải vì pháp mà là vì y bát? Vì nếu thật ông ta vì pháp mà đến, thì sẽ không đụng đến y bát trước tiên, mà vừa tới nơi phải lên tiếng trước: "Hành giả, hành giả, tôi vì pháp mà đến, không phải vì y bát mà đến." Quý vị cho rằng tôi nói như vậy có hợp lý không?
Huệ Năng nầy bèn bước ra, ngồi xếp bằng trên tảng đá. Huệ Minh làm lễ, nói rằng: "Mong ơn hành giả nói pháp cho tôi nghe."
Huệ Năng nầy nói: "Ông vì pháp mà đến đây, thì khá dứt hết trần duyên, chớ sanh một niệm tưởng, tôi sẽ nói rõ Phật pháp cho Ông nghe."
Lẳng lặng một hồi lâu, Huệ Năng nầy nói: "Chẳng nghĩ việc lành, không nghĩ điều dữ, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?"
Huệ Minh nghe nói rồi, liền đại ngộ.
Huệ Minh lại hỏi: "Ngoài lời nói và ý chỉ diệu mầu Ngài vừa giảng, còn có ý chỉ vi diệu nào nữa chăng?"
Giảng:
Nghe Huệ Minh nói như vậy, Lục Tổ bèn từ trong lùm cỏ đi ra, ngồi trên hòn đá. Lúc đó Huệ Minh khấu đầu đảnh lễ (tuy người xuất gia không đảnh lễ người tại gia, nhưng đây là nhân duyên đặc biệt, cho nên ngoại lệ):
Tôi mong hành giả vì tôi thuyết pháp.
Lục Tổ Ðại sư nói với Huệ Minh rằng:
Ông đã vì pháp mà đến chứ không phải vì muốn đoạt y bát, thì cần phải ngừng tất cả tâm phan duyên, không được nghĩ đến việc gì hết, một niệm không sanh. Ta nay vì ông thuyết pháp.
Nói xong bèn im lặng không nói. Lúc đó Lục Tổ Ðại sư không sanh một niệm, Huệ Minh cũng không sanh một niệm, hai người đều ngừng các duyên, ngay cả quỷ thần cũng không biết hai người đang làm gì, cho nên nói lương cữu, lâu khoảng năm phút. Lục Tổ Ðại sư thấy Huệ Minh không còn vọng tưởng, tâm phan duyên đã buông bỏ, tất cả đều không không, bèn nói:
Lúc ông không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính vào lúc đó ai là chân diện mục bổn lai của Thượng Tọa Huệ Minh?
Chính vì hỏi chữ "ai," cho nên về sau thiền tông đều tham "Niệm Phật là ai?"
Ở đây dùng chữ "cái gì" là từ thế tục, ý tức là "ai." Tại sao dùng "Thượng Tọa?" Bởi vì Lục Tổ Ðại sư vẫn còn là cư sĩ, cho nên xưng Huệ Minh là Thượng Tọa.
Nghe Lục Tổ khai thị như vậy, Huệ Minh liền hoát nhiên đại ngộ.
Huệ Minh tuy khai ngộ rồi, đã hồi đầu chuyển diện, đã nhận thức chân diện mục bổn lai của chính mình, nhưng vẫn chưa biết tri túc, tâm tham vẫn còn lớn. Những người đuổi theo Lục Tổ Ðại sư, đều là do tâm tham sai sử, tham muốn làm vị Tổ đời thứ sáu. Mà Huệ Minh Ðại sư là cái tham trong cái tham, ông ta đã khai ngộ rồi vẫn cảm thấy không đủ, dường như có những điều gì chưa đạt đến, cho nên hỏi nữa:
Ngài vừa giảng cho tôi mật ngữ mật ý, ngoài những lời và ý quan trọng này, xin hỏi còn có lời nào vi diệu hơn nữa không?
Mật ngữ mật ý ở đây cần phải hiểu là diệu, không nên hiểu là bí mật.
Huệ Năng nầy nói: "Ðiều tôi nói với ông đó chẳng phải là mật (điều vi diệu). Nếu ông phản chiếu, thì mật ấy (cái vi diệu) ở ngay nơi ông."
Huệ Minh nói: "Tôi tuy ở tại Hoàng Mai, nhưng thiệt chưa xét biết cái Diện mục của mình. Nay nhờ hành giả chỉ dạy, tỷ như người uống nước, lạnh nóng tự mình hay. Nay hành giả tức là thầy của Huệ Minh vậy."
Huệ Năng nầy nói: "Nếu như thế, thì tôi cùng ông đồng thờ một thầy là đức Hoàng Mai. Hãy khéo tự hộ trì!"
Huệ Minh lại nói: "Nay và sau Huệ Minh phải đi xứ nào?"
Huệ Năng nầy nói: "Gặp Viên thì ngừng lại, gặp Mông thì ở đó."
Minh làm lễ rồi giã từ.
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư trả lời:
Những điều mà tôi giảng cho ông không phải là điều bí mật, cũng không phải là điều tối diệu. Nếu ông hồi quang phản chiếu, thì diệu pháp ở ngay nơi ông, không phải ở tôi.
Huệ Minh vui mừng nói:
Tôi ở Hoàng Mai đã lâu năm, thực sự chưa có tỉnh ngộ nhận thức chân diện mục của chính mình. Nay nhờ hành giả chỉ dạy, giống như người uống nước, nóng hay lạnh chỉ mình tự biết. Nay hành giả là sư phụ của Huệ Minh.
Lục Tổ Ðại sư nói:
Nếu ông nghĩ như vậy, thì tôi thay Ngũ Tổ Hoàng Mai truyền pháp cho ông. Chúng ta cùng bái Ngũ Tổ làm Thầy, là huynh đệ đồng sư. Ông cần phải giữ gìn bảo hộ Phật pháp đừng để cho đoạn tuyệt.
Huệ Minh lại hỏi:
Huệ Minh sau này nên đi về đâu?
Ðến Viên Châu thì dừng lại, đến Mông Sơn thì trú ở đó.
Lúc đó Huệ Minh bèn hướng Lục Tổ khấu đầu đảnh lễ, bái biệt mà đi.
Sau đó Huệ Minh vẫn chưa lập tức lên đường, ba năm sau mới đến trụ ở Mông Sơn. Tại đây Huệ Minh gặp một con quỷ, quỷ này lúc còn sống là một vị tú tài cho nên sau khi chết vẫn có thể làm thơ. Nó ngâm một bài thơ như sau:
Tịch tịch hoang giao mộng diệc trường,
Cổ kim thành bại lại xích lường.
Dã thảo tiên hoa niệm đa thiểu,
Khổ vũ toan phong kỷ đoạn trường.
Dạ dư huỳnh quang đồng xuất nhập,
Ngũ canh kê xướng ảnh hình tàng.
Hối bất đương sơ tu tâm địa,
Chí thử thanh sơn lệ lưỡng hàng.
Tạm dịch:
Ðêm khuya thanh vắng chốn ngoại ô,
Thanh thản êm đềm trọn giấc mơ.
Lòng chẳng màng mong gì thế cuộc,
Thành bại xưa nay vốn hững hờ.
Hương hoa hưởng được chẳng bao lần,
Mùi đời cay đắng quá phong trần.
Ðêm khuya làm bạn cùng đom đóm,
Canh năm gà gáy bóng mờ dần.
Lòng hối hận đã tự bao lâu,
Chẳng chịu tu tâm chẳng mong cầu.
Chẳng biết đâu tà đâu thánh thiện,
Ðể nay xanh núi lệ u sầu.
Huệ Minh nghe xong bèn thuyết pháp cho nó, khiến nó được siêu độ vãng sanh. Cho nên hóa Mông Sơn (khóa lễ Mông Sơn thí thực mỗi đêm hay Công Phu Chiều ở chùa), chính là siêu độ quỷ hồn vậy.
Huệ Minh trở về tới chơn núi, kêu bọn chúng đuổi theo mà nói rằng: "Kiếm khắp các đường núi mà chẳng thấy dấu vết gì cả, phải đi hướng khác." Bọn chúng đều tin vậy. Huệ Minh về sau đổi tên là Ðạo Minh, đó là tránh phạm húy đến Pháp danh của Ðại sư.
Giảng:
Huệ Minh quay xuống chân núi, nói với số trăm người đang đuổi theo Huệ Năng:
Tôi đã đến đỉnh núi xem qua rồi, tìm không thấy tông tích của ông ta, ông ta không có chạy đường này đâu. Chắc là đi đường khác rồi đó.
Những người này nghe "phi mao thoái" nói không thấy Huệ Năng, liền tin rằng thiệt. Kỳ thực Huệ Minh Ðại sư nói đại vọng ngữ. Tại sao ông ta lại nói láo? Vì ông ta đã đắc pháp, vì muốn bảo hộ Phật pháp và sự an toàn cho Lục Tổ vì thế mới nói sai sự thật như vậy. Huệ Minh sau đó đổi tên là Ðạo Minh, vì Lục Tổ tên Huệ Năng, ông ta muốn tránh chữ "Huệ" tên đầu của Lục Tổ Huệ Năng, cho nên đổi tên là Ðạo Minh.
Huệ Năng nầy sau khi đến Tào Khê lại bị bọn ác nhơn đuổi theo, nên phải lánh nạn, ở chung với bọn thợ săn tại huyện Tứ Hội, trường trải mười lăm năm. Trong thời kỳ ở với bọn chúng, ta cũng tùy nghi nói pháp. Bọn thợ săn thường bảo ta giữ lưới. Mỗi khi thấy các loài súc sanh lọt vào, ta đều thả ra hết. Mỗi khi đến bữa ăn, ta lấy rau gởi luộc trong nồi nấu thịt. Có người hỏi thì ta trả lời rằng chỉ ăn rau luộc nấu chung với thịt mà thôi.
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư sau đó đến Chùa Nam Hoa ở Tào Khê. Thần Tú vẫn chưa bỏ ý định, phái đệ tử tâm phúc đến sát hại Lục Tổ. Lục Tổ đến đất Tứ Hội cùng sống với đám người thợ săn để trốn tránh đám người muốn hại mình, vì không ai nghĩ rằng một người tu đạo tin Phật mà có thể cùng sống với đám người thợ săn, cho nên họ đi khắp nơi tìm kiếm Lục Tổ mà kiếm không ra. Mười lăm năm trôi qua (có người nói mười sáu năm là bao gồm luôn cả một năm Ngài chạy trốn, thực tế Ngài chỉ sống với đám thợ săn mười lăm năm). Trong mười lăm năm này Ngài thường nói pháp cho đám người thợ săn nghe.
Ðám người thợ săn thường phái Lục Tổ Ðại sư làm công việc canh giữ lưới, Ngài nhìn thấy những loài thú và chim chóc còn sống mắc vào lưới, đều tìm đủ phương cách để phóng sanh. Mỗi khi đến giờ cơm, Ngài thường tìm những rau cỏ hoang dại trên núi bỏ vào trong nồi thịt nấu. Có người hỏi vì sao làm như thế thì Ngài trả lời:
Tôi chỉ ăn rau nấu chung với thịt, tôi không ăn thịt.
Một ngày kia, ta suy nghĩ đã đến thời kỳ phải hoằng pháp, chẳng nên ẩn trốn mãi. Ta bèn đi tới chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, gặp Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn. Lúc ấy có luồng gió thổi lay động lá phướng. Một thầy nói gió động, một thầy khác nói phướng động, hai đàng nghị luận hoài chẳng dứt.
Huệ Năng nầy bước tới nói rằng: "Chẳng phải gió động, cũng không phải phướng động, ấy là tâm của nhơn giả động."
Chúng nhơn nghe nói đều kinh hãi. Ấn Tông liền mời ta ngồi chỗ trên hết, và cầu hỏi những nghĩa lý huyền áo.
Thấy Huệ Năng nầy trả lời, ngôn ngữ giản dị, nghĩa lý thích đáng, mà chẳng do văn tự, Ấn Tông nói rằng: "Hành giả hẳn chẳng phải là người thường. Ðã lâu tôi có nghe nói y pháp của Hoàøng Mai Ngũ Tổ đã về phương Nam, có phải là hành giả chăng?"
Huệ Năng nầy nói: "Tôi đâu dám!"
Nhơn đó, Ấn Tông đảnh lễ, xin ta trao y bát đặng cho đại chúng xem.
Giảng:
Một ngày nọ, Lục Tổ Ðại sư khởi lên ý tưởng:
Nay đã đến lúc cần phải hoằng pháp, ta không thể suốt đời ẩn trốn như thế này được.
Vì thế Ngài rời khỏi Tứ Hội đi đến Chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, gặp lúc Pháp sư Ấn Tông đang giảng Kinh Niết Bàn. Trong lúc giảng kinh, có gió thổi làm lay động những lá phướng. Lúc đó có một vị Tăng nói:
Ðây là gió động.
Một vị Tăng khác nói:
Ðây là phướng động.
Hai người tranh chấp không ngừng. Lục Tổ nói với họ rằng:
Nhân giả, đó là tâm của các ông động! Nếu tâm ông không động, thì gió cũng không động, phướng cũng không động.
Lúc đó thính chúng nghe Ngài nói như vậy đều cảm thấy vô cùng huyền diệu. Thật là một lời nói kinh động cả tứ chúng.
Pháp sư Ấn Tông mời Lục Tổ Ðại sư thăng tòa, thỉnh Ngài khai thị đạo lý huyền diệu trong kinh. Pháp sư Ấn Tông nhận thấy Lục Tổ Ðại sư tuy thuyết giảng rất đơn giản, nhưng lý luận chính xác, không do văn tự giải thuyết, vì thế vô cùng kính phục nên nói:
Hành giả, Ngài nhất định không phải là người tầm thường. Tôi nghe từ lâu y bát của Hoàng Mai đã truyền về phương Nam, có phải chính là Ngài không?
Lục Tổ Ðại sư trả lời:
Tôi không dám.
Pháp sư Ấn Tông vừa nghe Ngài chính là người kế thừa y bát của Ngũ Tổ bèn hướng về Lục Tổ Ðại sư khấu đầu đảnh lễ, thỉnh Ðại Sư đem y bát của Ngũ Tổ truyền trao cho đại chúng xem.
Ấn Tông lại hỏi: "Ðức Hoàng Mai khi phó chúc, Ngài truyền thọ như thế nào?"
Huệ Năng nầy nói: "Ngài không có truyền thọ chi, chỉ luận về kiến tánh. Ngài chẳng luận pháp thiền định và giải thoát."
Ấn Tông hỏi: "Sao chẳng luận thiền định và giải thoát?"
Huệ Năng bảo: "Vì thiền định và giải thoát là pháp nhị nguyên, chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng hai (bất nhị)."
Ấn Tông lại hỏi: "Thế nào Phật pháp là pháp chẳng hai?"
Huệ Năng bảo: "Pháp sư giảng Kinh Niết Bàn, ắt đã rõ Phật tánh chính là Pháp chẳng hai của Phật pháp vậy. Như Cao Quý Ðức Vương Bồ Tát bạch với Phật rằng: Người phạm bốn điều trọng cấm, làm năm điều tội nghịch và chúng xiển-đề, thì thiện căn Phật tánh phải bị đoạn diệt chăng? Ðức Phật đáp rằng: Thiện căn có hai thứ: một là thường, hai là vô thường. Còn Phật tánh chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, cho nên không đoạn diệt, ấy gọi là Pháp chẳng hai. Thiện căn lại có hai: một là lành, hai là chẳng lành, Phật tánh chẳng phải lành, chẳng phải chẳng lành, ấy gọi là Pháp chẳng hai. Uẩn cùng với giới, phàm phu thấy có hai, chớ người trí thấu hiểu, biết tánh nó vốn chẳng hai. Tánh chẳng hai tức là Phật tánh vậy."
Ấn Tông nghe xong, vui mừng, chấp tay thưa: "Sự giảng kinh của tôi tỷ như ngói gạch, chỗ luận nghĩa của nhơn giả cũng như vàng ròng." Nhơn đó, Ấn Tông xuống tóc cho ta và nguyện thờ ta làm thầy.
Huệ Năng nầy bèn ngồi dưới cội cây Bồ đề mà khai diễn Ðông sơn Pháp môn.
Giảng:
Pháp sư Ấn Tông hỏi:
Lúc Hoàng Mai Ngũ Tổ Ðại sư truyền cho Ngài y bát, thì truyền dạy và chỉ điểm như thế nào?
Thật ra không có chỉ điểm gì, chỉ đàm luận về kiến tánh, không có đàm luận về các pháp thiền định và giải thoát.
Pháp sư Ấn Tông lại hỏi:
Tại sao lại không đàm luận về thiền định và giải thoát?
Lục Tổ Huệ Năng trả lời:
Vì thiền định và giải thoát là nhị pháp, không phải Phật pháp. Phật pháp không phải là nhị pháp, chỉ có một pháp, cho nên gọi là bất nhị pháp.
Cái gì gọi là pháp bất nhị của Phật pháp?
Pháp sư! Ngài diễn giảng kinh Niết Bàn, nếu Ngài có thể thấy Phật tánh, minh tâm kiến tánh, đó chính là pháp bất nhị pháp môn trong Phật pháp. Giống như Bồ Tát Cao Quý Ðức Vương hỏi Ðức Phật: "Nếu có người phạm bốn loại giới cấm căn bổn: sát, đạo, dâm, vọng, không biết sám hối, lại phạm năm tội ngũ nghịch: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, làm Phật chảy máu, lại có loại nhất-xiển-đề (tức là người không có lòng tin), những người này có đoạn thiện căn Phật tánh hay không?" Phật trả lời: "Thiện căn có hai loại: một là thường, hai là vô thường. Nhưng Phật tánh không có sự phân biệt giữa thường và vô thường, cho nên không đoạn Phật tánh. Gọi đó là bất nhị pháp môn. Lại nữa, ngũ giới, thập thiện là thiện; ngũ nghịch, thập ác là ác, nhưng Phật tánh không có sự phân biệt của thiện ác, đó gọi là bất nhị pháp môn." Uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; giới là mười tám giới, tức lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức). Phàm phu thấy ngũ uẩn và mười tám giới là hai thứ phân biệt, nhưng người trí huệ liễu đạt tánh của nó vốn không hai, không có sự phân biệt nào, chân tánh bất nhị như thế gọi là Phật tánh.
Pháp sư Ấn Tông sau khi nghe Lục Tổ Ðại sư thuyết pháp tâm vui mừng từ trước đến nay chưa từng có, chắp tay cung kính nói:
Ấn Tông tôi giảng kinh, giống như gạch ngói, còn Ngài giảng kinh giống như vàng ròng.
Lúc này Pháp sư Ấn Tông ở Chùa Quang Hiếu xuống tóc cho Lục Tổ Ðại sư, và nguyện bái Lục Tổ Ðại sư làm Thầy.
Lục Tổ Ðại sư sau đó ngồi dưới cây Bồ đề trong Chùa Quang Hiếu, khai mở Ðông Sơn pháp môn.
Ta nói: "Huệ Năng đắc pháp tại núi Ðông Sơn, chịu trăm bề cay đắng, tánh mạng tợ chỉ mành, ngày nay đặng cùng với Sử quân, các viên quan, chức sắc, các tăng, ni, đạo, tục, cùng gặp nhau tại hội này. Nếu chẳng phải bởi duyên phần nơi lũy kiếp, thì trong đời quá khứ, các người đã có cúng dường chư Phật, đồng có trồng cội lành, nên mới được nghe pháp Ðốn giáo nói trên và nhơn duyên đắc pháp của ta. Pháp Ðốn giáo nguyên của các vị Thánh đời trước truyền lại, chớ chẳng do Huệ Năng nầy tự hiểu. Muốn nghe giáo pháp của các vị Thánh đời trước, thì mỗi người phải lắùng lòng cho trong sạch. Nghe rồi phải tự bỏ các điều nghi hoặc thì đồng chứng quả như các Thánh nhơn đời trước."
Chúng nhơn nghe pháp đều vui mừng, đồng làm lễ lui ra.
Giảng:
Lục Tổ Ðại sư nói:
Tôi ở núi Bằng Mậu Hoàng Mai sau khi đắc pháp, gặp phải vô vàn gian nan cực khổ, tỵ nạn khắp nơi, mạng sống giống như sợi chỉ mành treo chuông. Nay được vinh hạnh cùng với Thứ sử Vi Cừ và các viên quan, Tăng Ni đạo tục tụ hội nơi giảng đường này. Ðây là nhân duyên nhiều kiếp nhiều đời của chúng ta tạo thành, cũng là nhiều kiếp về trước cúng dường Chư Phật, cùng nhau gieo trồng thiện căn, mới có thể nghe được pháp môn đốn giáo của các vị Thánh đời trước thuyết ra, và nhân duyên mà tôi được đắc pháp.
Giáo pháp là do Chư Phật Bồ Tát quá khứ truyền lưu cho người sau, không phải là trí huệ của Huệ Năng tôi. Các ông nếu muốn nghe những giáo lý mà Chư Phật nói, trước tiên cần phải thanh tịnh tâm ý của mình. Sau khi nghe pháp, mỗi người tự mình bỏ đi lòng hoài nghi, giống như nghe Phật và Bồ Tát giảng pháp.
Ðại chúng nghe Lục Tổ chỉ dạy đều vui mừng đảnh lễ mà lui.
Từ khóa » Hà Kỳ Tự Tánh Bổn Tự Thanh Tịnh
-
"何期自性能生萬法。" "Hà Kỳ Tự Tánh Năng Sanh Vạn Pháp?" "Ngờ ...
-
Thấy được TỰ TÁNH.
-
Lòng Ngộ Rồi Chẳng đợi Nhiều Kinh, Thì Cũng Thấy Bổn-lai Diện Mục ...
-
Tự Tánh - Pháp Phục NGUYÊN DUNG | Trang Nghiêm & Thanh Nhã
-
KINH PHÁP BẢO ĐÀN - Thien Vien Thuong Chieu
-
Xuất Thế Gian - Phần 1 - Vườn Hoa Phật Giáo
-
Tập 40 Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán
-
Đi Tìm Tự Tánh
-
Huệ Năng Lui Ra Nhà Sau, Có Người Sai Bửa Củi Giã Gạo, Trải Qua Hơn ...
-
Ba Bài Kệ Tụng Của Lục Tổ Huệ Năng - Phật Học - Chùa Từ Lâm
-
PHẬT HỌC CHỈ NAM - Bác Sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
-
ứng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kì Tâm @ Bạch Dương Kì Blog - 隨意窩
-
Ngũ Tổ Dạy Về Việc độ Sanh Cho Lục Tổ Huệ Năng - .vn
-
Thích Trí Quang: NGÀI HUỆ NĂNG | Hongnhu-archives