Phần 41: Bảo Vệ đường Ranh Giới Liên Triều Trên Biển - KBS WORLD
Nghe Menu Nghe nội dung
Lịch sử
Phần 41: Bảo vệ đường ranh giới liên Triều trên biển2015-10-27
Share Print [Hình thành Đường ranh giới liên Triều trên biển] Vào khoảng 10 giờ 25 phút sáng ngày 29 tháng 6 năm 2002, có một sự việc đã xảy ra trên biển cách phía Tây đảo Yeonpyeong 14 dặm (22,5 km) và cách phía Nam đường ranh giới liên Triều trên biển Tây khoảng 3 dặm (4,8 km). Chiếc tàu tuần tra của Bắc Triều Tiên đã bất ngờ bắn vào một tàu cao tốc của Hàn Quốc sau khi liên tục xâm phạm đường ranh giới liên Triều trên biển Tây và đi xuống phía Nam. Vụ đụng độ trên biển kéo dài khoảng 25 phút ngày hôm đó, về sau vào năm 2008 đã được đặt tên là “Trận hải chiến Yeonpyeong lần thứ hai”. Đó là hành động khiêu khích có chủ ý của miền Bắc để nhằm vô hiệu hóa đường ranh giới liên Triều trên biển. Biển Tây, hay còn gọi là Hoàng Hải, giáp với cả Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, có tổng diện tích 380.000 km2. Vùng biển này là nơi hợp nhánh của dòng hải lưu nóng và lạnh, tạo thành một ngư trường lớn với 200 loài cá. Đây cũng là cứ điểm chiến lược hải quân hàng đầu nối liền với Thái Bình Dương và là nơi liên tục xảy ra các vụ tranh chấp liên Triều. Đường ranh giới liên Triều trên biển bắt đầu được định hình từ năm 1953 khi Hiệp định đình chiến về chiến tranh Triều Tiên có hiệu lực. Giáo sư Nam Seong-wook của khoa Bắc Triều Tiên học thuộc trường Đại học Korea giải thích: “Khi gây chiến tranh Triều Tiên vào năm 1950, Bắc Triều Tiên hầu như không có lực lượng hải quân. Đó là lý do sau khi tướng Douglas MacArthur của quân đội Liên hợp quốc đổ bộ thành công vào Incheon, liên quân đã tiến lên chiếm các đảo ở vùng biển ngoài khơi Shinuiju, gần khu vực biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, và thậm chí là cả một số đảo ở gần Bình Nhưỡng. Sau đó, trong đối thoại ngừng bắn, hai bên đã đàm phán về đường ranh giới trên bộ dọc theo khu phi quân sự giữa hai miền, tức vĩ truyến 38 độ Bắc, nhưng các bên không thảo luận về việc phân chia đường ranh giới trên biển. Vì vậy, quân đội Liên hợp quốc đã đơn phương vạch ra cái gọi là Đường ranh giới liên Triều trên biển (gọi tắt là NLL) với mốc điểm là lãnh hải 3 hải lý.” Kể từ đó, Đường ranh giới liên Triều trên biển đã trở thành giới tuyến trên biển phân chia hai miền Nam-Bắc trên thực tế. Nhưng phía Bắc Triều Tiên đã phản đối và bắt đầu các hành động nhằm vô hiệu hóa đường giới tuyến này từ năm 1973. Năm 1974, hải quân miền Bắc thậm chí còn đánh chìm một tàu đánh cá và bắt cóc một tàu cá khác của Hàn Quốc đang hoạt động trong vùng biển quốc tế gần đảo Baengnyeong, một trong năm hòn đảo gần đường ranh giới liên Triều trên biển. [Trận hải chiến Yeonpyeong lần thứ nhất] Và đến năm 1977, Bắc Triều Tiên đã đơn phương tuyên bố khu vực 200 hải lý trên biển Tây tính từ bờ biển là khu quân sự đặc quyền trên biển của mình. Trước động thái này, Chính phủ Hàn Quốc vẫn cương quyết rằng NLL chính là đường ranh giới thực tế trên biển Tây. Và lập trường này lại được tái khẳng định trong Hiệp định cơ bản liên Triều được ký kết vào tháng 12 năm 1991. Giáo sư Nam Seong-wook nói: “Hiệp định cơ bản liên Triều được ký kết vào năm 1991 đề cập mọi vấn đề liên quan đến hai bên, bao gồm cả đường ranh giới trên biển. Văn kiện nhấn mạnh NLL là đường ranh giới tiêu chuẩn và sẽ được hai bên thảo luận trong trường hợp một bên có yêu cầu. Điều khoản này hàm ý rằng miền Bắc đã công nhận NLL là đường ranh giới thực tế trên biển. Thực tế mà nói nếu như đường ranh giới này bị xóa bỏ thì khu vực thành phố Gaesung sẽ không thuộc về miền Bắc như hiện nay mà sẽ là lãnh thổ của Hàn Quốc. Bởi vì Gaesung nằm ngay dưới vĩ tuyến 38 độ Bắc. Tiền lệ quốc tế cũng cho thấy rằng khi một đường ranh giới đã được duy trì một cách hòa bình trong một khoảng thời gian dài và không bị bên nào xâm phạm, thì nó sẽ được coi là đường ranh giới thực tế. Nói cách khác, luật pháp quốc tế cũng thừa nhận đường ranh giới liên Triều trên biển (NLL) là đường ranh giới không thể thay đổi giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, ít nhất là đến khi hai miền thống nhất.” Song bất chấp việc đã đồng ý ký vào Hiệp định cơ bản liên Triều 1991, phía Bắc Triều Tiên vẫn có những hành động khiêu khích Hàn Quốc. Vào ngày 15/6/1999, miền Bắc đã tiến hành các cuộc xung đột vũ trang trên biển Tây lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Bảy chiếc tàu tuần tra của Bắc Triều Tiên đã vượt qua đường ranh giới và nã súng máy cùng súng trường vào các tàu của Hàn Quốc. Trận hải chiến diễn ra trong 14 phút, với kết quả là về phía Hàn Quốc có năm chiếc tàu tuần tra cao tốc bị hư hại nhẹ, còn về phía Bắc Triều Tiên có một chiếc tàu ngư lôi bị đánh chìm và năm chiếc khác bị hư hại nặng. Đây được gọi là “Trận hải chiến Yeonpyeong lần thứ nhất”. Giáo sư Nam Seong-wook cho biết: “Từ những năm 1970, Bình Nhưỡng đã tuyên bố rằng việc xác định đường ranh giới liên Triều trên biển như vậy là bất lợi cho mình và yêu cầu phải hoạch định lại. Do lực lượng hải quân của miền Bắc không mạnh bằng hải quân miền Nam, nên nước này không có hành động thực tế. Tuy nhiên, chủ tịch Bắc Triều Tiên khi đó là Kim Jong-il ban hành lệnh vô hiệu hóa đường ranh giới liên Triều trên biển Tây vào năm 1999, dẫn đến trận hải chiến Yeonpyeong lần thứ nhất. Khi Seoul không chấp nhận việc xác định lại đường ranh giới mới, Bình Nhưỡng đã liên tục khiêu khích quân sự để biến biển Tây từ vùng biển của hòa bình thành vùng biển của xung đột, căng thẳng, đẩy cao mâu thuẫn giữa hai miền Nam-Bắc.” [Trận hải chiến Yeongpyeong thứ hai] Sau tổn thất trong trận hải chiến Yeonpyeong đầu tiên, số lượng các tàu và thuyền đánh cá của Bắc Triều Tiên xâm nhập qua đường ranh giới liên Triều trên biển cũng ít đi. Năm 1999 có 70 vụ vi phạm, năm 2000 có 15 vụ và năm 2001 là 16 vụ, và không có vụ xung đột vũ trang nào trong thời gian đó. Nhưng vào năm 2002, Bắc Triều Tiên lại có hành động khiêu khích quân sự mới. Giáo sư Nam Seong-wook giải thích:“Bình Nhưỡng chỉ chờ cơ hội để trả thù cho thất bại trong Trận hải chiến Yeonpyeong đầu tiên. Mặt khác, chính quyền miền Nam dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung có phần nào bớt cảnh giác trước miền Bắc. Thêm vào đó, cả đất nước Hàn Quốc khi ấy đang vui mừng tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002. Phán đoán rằng Hàn Quốc sẽ lơ là trong thế trận an ninh, nên Bắc Triều Tiên đã tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng. Đó chính là ngòi nổ cho Trận hải chiến Yeonpyeong thứ hai với hệ quả là sáu thủy thủ hải quân của Hàn Quốc đã thiệt mạng.” Ngày 29/6/2002, thời điểm mà cả Hàn Quốc đang sôi động khi World Cup 2002 đi đến chung cuộc, các tàu hải quân Hàn Quốc thuộc căn cứ đảo Yeonpyeong khi ấy đã đi tuần tra ngư trường phía Nam của đường ranh giới liên Triều. Và vào lúc 9 giờ 54 phút cùng ngày, hai chiếc tàu tuần tra của Bắc Triều Tiên đã đột nhiên vượt qua đường ranh giới, xâm nhập vào vùng biển của Hàn Quốc. Hải quân Hàn Quốc đã thực hiện theo đúng quy tắc giao chiến là phát loa cảnh báo để đốc thúc các tàu của Bắc Triều Tiên quay lại. Hạ sĩ Kwak Jin-sung và thượng sĩ Lee Hae-yong là hai trong số quân nhân Hàn Quốc làm nhiệm vụ trên tàu Chamsuri 357 vào thời điểm đó đã tận mắt chứng kiến hải quân miền Bắc chĩa vũ khí về phía mình. Họ kể lại: “Những lần trước đó, tàu Bắc Triều Tiên thường tự quay trở lại khi chúng tôi phát loa cảnh báo, nhưng ngày hôm đó rất lạ là họ cứ đi song song với tốc độ tương tự như tàu của Hàn Quốc, đồng thời chúng tôi cũng thấy vũ khí của họ chĩa vào mình.”; “Từ mạn tàu, tôi chứng kiến tất cả pháo hỏa trên tàu của họ đã chĩa về phía tàu Chamsuri 357 của chúng ta. Tôi tự hỏi:"Họ đang làm gì vậy?"” Sau đó, vào lúc 10 giờ 25 phút sáng cùng ngày, khi tàu Chamsuri số 357 vượt qua mũi tàu tuần duyên của Bắc Triều Tiên, thì đột nhiên tàu miền Bắc đã nổ súng pháo cỡ nòng 85mm. Đạn pháo bắn ra từ tàu của Bắc Triều Tiên đã nhấn chìm buồng lái của tàu Chamsuri 357 trong lửa. Trước tình thế đó, các thủy thủ Hàn Quốc đã nhanh chóng phản kích lại. Thuyền phó Lee Hee-wan kể lại cuộc chiến khi đó: “Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn, lớn đến mức chói cả tai. Sau đó, toàn bộ tàu rung lắc mạnh và Thuyền trưởng khi đó là anh Yoon Young-ha đột nhiên ngã về phía sau trên boong tàu. Vào thời điểm đó, tôi đứng bên trái anh, và chúng tôi đang quan sát phía trước thì đột nhiên tôi thấy anh bị như thế, bản thân tôi cũng ngã xuống theo vì chân phải bị trúng đạn. Tôi cứ tưởng rằng chân trái của mình còn nguyên vẹn nhưng rốt cuộc cũng bị bắn và tôi không thể đứng lên nổi.” Hải quân Hàn Quốc đóng ở khu vực gần đó đã điều tàu cao tốc và tàu tuần tra đến để giải cứu cho Chamsuri, đồng thời phản công lại tàu của Bắc Triều Tiên. Sau khi một trong những chiếc tàu tuần tra của miền Bắc bị nhấn chìm trong biển lửa, đội tàu của nước này bắt đầu rút lui, kết thúc trận chiến sau 25 phút. Cuộc đối đầu đẫm máu đã để lại hậu quả là sáu thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng, trong đó có đại úy, thuyền thưởng Yoon Young-ha và 18 người bị thương. Bản thân tàu Chamsuri bị hư hỏng và phải nhờ tàu khác kéo về cảng. Về phía Bắc Triều Tiên, một tàu tuần tra đã bị phá hủy một phần cùng với hơn 30 thủy thủ thiệt mạng hoặc bị thương. [Tưởng nhớ các liệt sĩ - thủy thủ tàu Chamsuri] Vào ngày 1/7/2002, lễ tang dành cho các các liệt sĩ - thủy thủ của tàu Chamsuri hy sinh trong Trận hải chiến Yeongpyeong thứ hai đã diễn ra trọng thể. Các thành viên trong gia đình của họ vẫn còn nhớ như in cảm xúc khi đó. Em trai cố trung sĩ Seo Hoo-won và người thân của cố trung sĩ Jo Cheon-hyeong chia sẻ: “Tôi đã không thể tin vào điều này khi mới nghe, nhưng rồi khi về đến nhà tôi mới biết rằng đó là sự thật.”; “Mẹ cậu đang đếm từng ngày để gặp lại con, nhưng rồi ngày đó đã không bao giờ tới.” Toàn đất nước Hàn Quốc đã hòa chung cùng nỗi đau buồn đó. Chính phủ Hàn Quốc đã ghi nhớ sự hy sinh của những chiến sĩ bằng cách lấy tên họ đặt cho những chiếc tàu chiến sau này. Bên cạnh đó, hải quân Hàn Quốc cũng đã rút ra được bài học từ những thiệt hại nặng nề sau Trận hải chiến thứ hai trên biển Tây này và bắt đầu thay đổi các quy tắc giao chiến để ngăn chặn những sự cố bi thảm tương tự trong tương lai. Giáo sư Nam Seong-wook của khoa Bắc Triều Tiên học thuộc trường Đại học Korea cho biết: “Sau trận hải chiến Yeonpyeong này, hải quân Hàn Quốc đã rút ngắn bộ quy tắc ứng xử trên biển từ năm bước gồm: phát loa cảnh cáo; huy động tàu thực hiện thị uy; bao vây để cô lập tàu địch; nổ sung cảnh cáo; và tấn công nhắm mục tiêu xuống còn ba bước. Cụ thể là trước tiên sẽ phát loa cảnh cáo yêu cầu tàu địch phải rút khỏi khu vực biển của Hàn Quốc. Nếu tàu của miền Bắc tiếp tục tiến vào thì sẽ ngay lập tức nổ súng cảnh cáo, trong đó bao gồm cả hành động thị uy. Như vậy, việc phát loa cảnh cáo sẽ tiến hành cùng với hành động thị uy. Nếu tàu của địch không chịu dừng lại thì khi đó sẽ tiến hành tấn công ngắm bắn mục tiêu.” [Quyết tâm bảo vệ đường ranh giới liên Triều trên biển] Để ngăn chặn các vụ xung đột vũ trang trên biển Tây, vào ngày 14/6/2004, lần đầu tiên kể từ sau khi bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt, các hạm đội của hai miền đã bắt đầu thành lập một kênh liên lạc sóng vô tuyến trực tiếp sử dụng tần số chung quốc tế. Nhưng điều này cũng chỉ duy trì trong một thời gian ngắn. Vào ngày 9/11/2009, tàu tuần tra của Bắc Triều Tiên lại vượt qua đường ranh giới liên Triều trên biển và gây ra một cuộc xung đột mới. Một năm sau đó, năm 2010, miền Bắc đã trực tiếp pháo kích vào đảo Yeonpyeong, đẩy bán đảo Hàn Quốc vào bờ vực chiến tranh. Giáo sư Nam Seong-wook phân tích: “Xét về tương quan lực lượng, miền Bắc có ít nhất 200.000 quân và phía miền Nam có khoảng 100.000 quân đóng tại khu phi quân sự liên Triều. Còn trên biển thì hải quân cả hai bên đều đang ngày đêm chĩa vũ khí vào nhau. Bởi vậy nên cái gọi là nền hòa bình cũng rất mong manh, và bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra xung đột vũ trang. Vì thế, không bao giờ được phép lơ là mất cảnh giác. Chúng ta nghĩ về hòa bình nhưng cũng không được quên rằng chiến tranh luôn có thể xảy ra. Bán đảo Hàn Quốc vẫn còn đang trong tình trạng chia cắt, nên việc có lúc phải sử dụng đến quân sự là điều không tránh khỏi. Kể cả khi hợp tác giao lưu với miền Bắc có đạt được thành quả đáng khích lệ, thì chúng ta cũng không được quên điều trên.” Đường ranh giới liên Triều trên biển được xác định từ sau Hiệp định đình chiến năm 1953 đã và đang tiếp tục là nguyên nhân của nhiều vụ đụng độ. Nhưng quân và dân Hàn Quốc luôn quyết tâm bảo vệ bằng được đường ranh giới đó theo gương những liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trên biển Tây. Share Print Danh sáchShare
Close facebook twitter CopyLựa chọn của ban biên tập
Tiếng Hàn qua phim ảnh
Câu chuyện về mẹ tôi (4) 할 수 없지
2016-10-31
Tin giải trí
SM hợp tác với hãng thu âm Mỹ phát triển nhóm nhạc nam người Anh dearALICE
2024-11-27
Tin giải trí
Ban nhạc Jannabi gây tranh cãi vì cộng tác với cựu thành viên liên quan đến bạo lực học đường
2024-11-26
prev nextConnect
- Youtube
- Xem tất cả
Banner Zone
Dịch vụ khác
KBS WORLD
Android iOSKBS WORLD Radio On-Air
Android iOSRSS Service
Podcasts
Tin tức đọc nhiều Thu nhập bình quân đầu người Hàn Quốc năm 2023 vượt mức 33.700 USD Bắc Triều Tiên cắt bỏ đường dây tải điện cho Khu công nghiệp liên Triều Gaesung Phim "Ngoài vòng pháp luật 4" cán mốc 1 triệu khán giả sau hai ngày khởi chiếu Tin nổi bật trong ngày Máy bay quân sự Trung Quốc và Nga xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm chính thức Bắc Triều Tiên Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol tiếp tục đạt dưới ngưỡng 20% Nội dung được quan tâm Men say tình yêu (Brewing Love) Lấy danh nghĩa người nhà (Family By Choice) Kẻ phản bội thân mật (Doubt)Từ khóa » Sự Kiện Yeonpyeong
-
Trận Pháo Kích Yeonpyeong – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hải Chiến Yeonpyeong (2002) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đảo Yeonpyeong - Báo Tuổi Trẻ
-
Yeonpyeong - Báo Tuổi Trẻ
-
Xung Quanh Cuộc Tập Trận Bắn đạn Thật Trên đảo Yeonpyeong Của ...
-
Triều Tiên Dọa Tấn Công đảo Yeonpyeong - Báo Thanh Niên
-
North Korean Artillery Hits South Korean Island - BBC News
-
Triều Tiên Dọa Tái Diễn Thảm Họa đảo Yeonpyeong
-
Tin Tức, Sự Kiện Liên Quan đến Yeonpyeong | Dân Việt
-
Tổng Thống Hàn Quốc Giận Dữ Về Vụ Nã Pháo Yeonpyeong
-
The Yeonpyeong Attack: Shooting Down Denuclearisation? - RSIS
-
Mỹ “cứu” Triều Tiên Thoát đòn Không Kích Của Hàn Quốc Như Thế Nào?
-
10 Sự Kiện Nổi Bật Thế Giới Năm 2010 - Thư Viện Pháp Luật