PHÂN BIỆT CÁC LOẠI BỘT MÌ THƯỜNG DÙNG TRONG LÀM BÁNH

Cứ mỗi lần Bakez giới thiệu công thức làm bánh là thế nào Thuận cũng nhận được 101 câu hỏi về cách sử dụng bột luôn, nhiều nhất là “Bánh này mình dùng bột số 8/11/bột mì đa dụng,…. được không?” 🤔. Thế nên hôm nay chúng ta sẽ cùng điểm qua một số loại bột mì thường dùng trong làm bánh và những đặc điểm, vai trò của từng loại để mọi người hiểu rõ hơn nhé 😉😉😉.

Trước khi phân tích chi tiết thì mình bàn một xíu về nguồn gốc của các tên gọi “bột mì số 8, số 11 hay số 13”. Các con số 8, 11 và 13 là những con số đại diện cho phần trăm hàm lượng protein có trong bột mì (ví dụ như bột số 8 có hàm lượng protein trung bình khoảng 7-9%, bột số 11 là 9-11%,…).Phần trăm protein càng cao thì bánh làm ra sẽ càng cứng cáp, dẻo dai và ngược lại. Cụ thể như sau:

Để hiểu chi tiết vai trò của Protein trong bột mì là gì thì các bạn đọc thêm ở bài sau nhé: https://bakez.vn/huong-dan-nhao-bot-banh-mi-cho-nguoi-moi-bat-dau/

1. Bột bánh bông lan – Cake flour (còn gọi là Bột số 8 )

Là loại bột mì có hàm lượng protein thấp nhất (chỉ từ 7-9%) nên rất phù hợp để làm các loại bánh có kết cấu mềm, nhẹ như cốt bánh bông lan, gateau, có thể tìm mua ở các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh chuyên dụng. Các bạn lưu ý tên gọi đúng của bột là “Cake flour” (tạm dịch là Bột bánh bông lan) nên khi tìm mua các bạn nên tìm loại bột có bao bì ghi chữ “Cake flour” để tránh nhầm lẫn với các loại bột bánh bông lan trộn sẵn.

2. Bột làm bánh – Pastry flour (còn gọi là Bột số 11)

Có hàm lượng protein trung bình (dao động từ khoảng 9.5-11%) nên thường được dùng để làm các loại bánh có kết cấu xốp, mềm như muffin, pound cake hoặc các loại bánh quy. Pastry flour còn hay được gọi là bột mì số 11 và thường chỉ được bán trong các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh chuyên dụng.

3. Bột bánh mì – Bread flour (còn gọi là Bột số 13)

Còn được gọi là Bột mì dai. Là loại bột có hàm lượng protein cao nhất (11-14%) nên thường được sử dụng để làm các loại bánh mì (y như tên gọi) hoặc các loại bánh yêu cầu độ mềm dai và cứng cáp cao. Bread flour thường không được bán đại trà mà chỉ có tại một số cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh hoặc cửa hàng thực phẩm chuyên dụng

4. Bột mì đa dụng – All purpose flour/ Plain flour

Đúng như tên gọi của mình, Bột mì đa dụng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như làm bánh ngọt, làm các loại pasta, dùng trong nấu nướng hoặc thậm chí còn được dùng để làm một số loại bánh mì. Nếu các bạn gặp công thức mà người ta chỉ ghi “Bột mì” mà không có ghi chú gì thêm thì thường loại bột được sử dụng là Bột mì đa dụng nha. Bột mì đa dụng có thể dễ dàng tìm mua ở các chợ, siêu thị và có hàm lượng protein ở mức trung bình (khoảng 9-12%) nên thường được dùng thay thế Bột số 8 hoặc Bột số 11.

Thông thường với những bạn mới tập làm bánh thì thường Thuận sẽ khuyên mua Bột mì đa dụng để sử dụng vì dễ tìm mua và sử dụng hơn. Tuy nhiên với những bạn đã có kinh nghiệm nhất định rồi thì nên học cách nhận biết sự khác nhau giữa các loại bột mì, như vậy các bạn có thể kiểm soát nguyên liệu sử dụng tốt hơn và đảm bảo món bánh làm ra được thành công và thơm ngon như mong muốn .

Bột mì số 11 và Bột mì đa dụng (hay Pastry Flour và All purpose flour), bên cạnh các công dụng trên, thì còn được dùng rất nhiều trong nấu nướng và là nguyên liệu chính trong các loại thực phẩm khác như pasta (mì spaghetti, fettucine, gnocchi,…) hay các loại bánh bao.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về cách làm bánh bao bằng bột mì đa dụng trong công thức sau:

Bánh Bao Sầu Riêng Lava

Giờ thì chắc là mọi người đã hiểu hơn sự khác biệt giữa Bột mì đa dụng, bột số 8, 11, 13 là như thế nào rồi đúng không? Lưu ý là các khái niệm này chỉ áp dụng cho Bột mì (Wheat flour) thôi nhé, với các loại bột khác (bột gạo, bột bắp,….) thì mình sẽ có những cách phân biệt khác nhau mà Thuận sẽ giới thiệu thêm trong các bài sau nhé!

4.6 5 đánh giá Đánh giá bài viết

Từ khóa » Bột Mì Tinh Và Bột Mì đa Dụng Có Giống Nhau Không